Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Biết sống vô thường (P.2)

Phật dạy: “Ai cũng có tâm Phật, tâm sáng suốt, chỉ vì ta không chịu thừa nhận, nên phải chịu trôi lăn mãi trong lục đạo, luân hồi”. Ta là nam nhi đại trượng phu, Phật đã thoát ly sinh tử, còn ta dại gì mà đi lang thang mãi cho đến khi gối mỏi, chân chùn mà ngồi đó than thân, trách phận, chờ đến khi khát nước mới đào giếng thì làm sao hết khát được đây?
Mục lục

Con người khổ đau do chấp nhặt cái gì cũng thật
 
Trong kinh Phật dạy: “Cái khổ lớn nhất của con người không phải do thiếu ăn, thiếu mặc, làm con trâu, con bò, kéo cày, kéo xe, chưa chắc là khổ; bị đoạ làm súc sinh, quỷ đói, chưa chắc là khổ, mà cái khổ lớn nhất của con người là vô minh, mê muội, không biết lối đi mới thật là khổ”.
 
Những cái khổ thiếu ăn, thiếu mặc, đói rét, hay con trâu, con bò kéo cày, hoặc làm quỷ đói, cho đến khi trả hết nghiệp khổ thì cũng có ngày thoát ra khỏi; còn chúng ta sống trong vô minh mê lầm mà không biết lối đi, không biết được sự thật của cuộc đời mới là khổ.
 
Đã làm người, ai không một lần vấp ngã, nhưng khi vấp ngã chúng ta có chịu đứng lên hay không? Chúng ta vấp ngã ngay nơi đất, thì cũng từ nơi đất mà đứng lên. Đạo Phật không bắt buộc một ai phải đi theo mà chỉ hướng dẫn cho tất cả mọi người thấy biết đúng sự thật, tốt biết tốt, xấu biết xấu, còn làm được hay không là do sự quyết tâm của mỗi người. Chúng ta có quyền chọn lựa vì chính mình là thượng đế tối cao của chính mình, không ai có quyền chen vô hay ban phước, giáng họa cho ta. Đến chỗ này, chúng ta phải thầm nhận, tự nhận, không nên chần chừ nữa, mà hãy một phen chuyển mình để nhận ra tính biết sáng suốt ngay nơi thân này.

 

Phật dạy, ai cũng có chân tâm sáng suốt, tại sao chúng ta không chịu thừa nhận để rồi mình cứ mải mê chạy theo vui chơi, hưởng thụ dục tính, làm chính mình khổ lụy ngày càng thêm chồng chất?
 
Vua Trần Thái Tông là một vị vua cư sĩ. Khi tu hành ngộ đạo, Ngài cảm thông cho kiếp người sao quá ngu si, khờ dại, nên sáng tác ra bài thơ như sau:
Lang thang làm kiếp phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm đường.
 
Phật dạy: “Ai cũng có tâm Phật, tâm sáng suốt, chỉ vì ta không chịu thừa nhận, nên phải chịu trôi lăn mãi trong lục đạo, luân hồi”. Ta là nam nhi đại trượng phu, Phật đã thoát ly sinh tử, còn ta dại gì mà đi lang thang mãi cho đến khi gối mỏi, chân chùn mà ngồi đó than thân, trách phận, chờ đến khi khát nước mới đào giếng thì làm sao hết khát được đây?
 
Vậy thành Phật là thành cái gì? Chúng ta phải nhận rõ chỗ này, thành Phật là thành cái tâm sáng suốt, thanh tịnh, chứ không phải thành cái thân năm, bảy chục ký lô này. Cái tâm sáng suốt, thanh tịnh ấy ngay nơi mắt thì thấy biết rõ ràng, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế.
 
Có một ông vua hỏi Thiền sư: “Thành Phật là thành cái gì?” - Thiền sư đáp: “Dám bảo bệ hạ đã quên”.
 
Chỉ một câu nói “dám bảo bệ hạ đã quên” đã làm nhà vua sáng tỏ, hài lòng. Do không nhận cái mình thực có, nên chúng ta đành cam chịu sống trong đau khổ, lầm mê.
 
Đạo Phật ra đời đã mở ra trang sử mới, một trang sử huy hoàng nhất trong lịch sử nhân loại, chưa từng có từ trước tới nay. Đạo Phật đã chỉ cho chúng ta biết cách làm chủ bản thân, nhờ biết quay lại chính mình; mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, không ai có quyền ban phước giáng họa cho ta; nên đạo Phật là đạo của tình thương, là đạo của tỉnh thức, là đạo của sự giác ngộ, giải thoát, là đạo của con người, vì con người, vì lợi ích của nhau, bằng trái tim hiểu biết trên tình thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
 
Phật là danh từ chung, không dành cho riêng ai như các quan niệm khác của thời xa xưa. Ai cũng có thể thành Phật được, nếu quyết tâm chịu bắt chước buông xả và tu tập như Ngài, thì chúng ta cũng sẽ thành Phật trong tương lai.
 
Sở dĩ, chúng ta không thành Phật và phải chịu khổ đau trong luân hồi sinh tử là vì mình không thừa nhận nhận mình có tính biết sáng suốt. Chỉ vì mình chẳng chịu thừa nhận chính mình có hạt châu vô giá ngay nơi thân này, mắt thấy sắc nhưng rõ ràng thường biết, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế, tại ta không chịu lấy ra xài mà thôi.
 
Điều đầu tiên đức Phật đã chỉ là biết khổ do chấp trước sai lầm, chấp là gốc của sự khổ đau; biết được khổ từ nguyên nhân chấp trước, bám víu, tham ái, nên chúng ta phải tìm cách chuyển hoá, buông xả cái khổ lớn nhất của con người là sợ chết, vì tham sống nên sợ chết.
 
Chúng ta luôn tham muốn thân này được sống đời mãi mãi, nên mọi người coi cái chết là việc cấm kỵ nhất. Do đó, khi gặp người thân thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, chúng ta đều luôn cầu chúc cho nhau mạnh khoẻ, sống lâu, mà ta không biết phải gieo nhân nào để được sống thọ. Nhân sống thọ là không sát sinh, hại vật, bởi mạng sống từ con người cho đến muôn loài vật, ai cũng đều ham sống sợ chết, ta muốn sống thọ mà cứ giết hại hoài, thật “thất nhơn ác đức” làm sao! Vì sợ chết nên ai cũng tìm cách tránh né danh từ chết, và hình như từ chết đã ám ảnh con người thành nỗi sợ hãi lớn, thậm chí đến khi tuổi già, bệnh gần chết, khi mua hòm về vẫn nói là hòm thọ “tức là hòm sống.”
 
Cho nên, đã làm người trong trời đất thì trước sau gì ai cũng phải chết, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi, dù là vua chúa hay người dân dã, bình thường. Do đó, với sinh thì mau lớn trong từng giây, từng phút như một em bé khi mở mắt chào đời, chỉ bằng cùm tay, ấy thế mà sẽ lớn lên với nhiều thay đổi; sinh cũng có nghĩa là sự sống đang tăng trưởng, thay đổi và phát triển.
 
Còn đối với già thì sao? Da nhăn, tóc bạc, mắt mờ, tai điếc, ăn uống, đi đứng khó khăn theo từng năm tháng, ai rồi cũng sẽ phải già.
 
Với bệnh thì thân thể tiều tụy, đau nhức hoành hành, làm ta đau khổ; sức khỏe dần hồi hao mòn, suy kém, làm cho ta tốn tiền, hao của.
 
Khi chết thì con người không còn cựa quậy, hoạt động như bình thường, mà nhắm mắt xuôi tay, co cứng, rồi rã rời, thối rữa.
 
Vì lẽ ấy, đức Phật mới nói với vua Ba Tư Nặc rằng, có bốn sự việc mà người thế gian không thoát khỏi được, đó là sinh-già-bệnh-chết.
 
Chứng minh cho lời Phật dạy là chân lý, đúng với lẽ thật thế gian là vô thường, chúng ta thường đau khổ khi có người thân qua đời, nhất là người đó đã từng nuôi nấng, thương yêu, chăm sóc, lo lắng cho ta được đầy đủ về mọi phương diện. Ngày nay, nếu chúng ta chịu khó theo dõi tin tức trên các phương tiện báo chí, chúng ta sẽ thấy, không biết bao nhiêu là cảnh sinh ly tử biệt luôn xảy ra hằng ngày, chết chóc do chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, sóng thần, động đất, tai nạn, già bệnh v.v…
 
Nào là khi mới sinh ra, chưa kêu tiếng khóc chào đời, hoặc mới chập chững biết đi đã xa lìa cha mẹ, mới ngày nào mẹ mẹ, con con, mà giờ đây không còn nữa; rồi tai nạn giao thông chết tức tưởi, làm con người trong phút chốc đã trở thành người thiên cổ. Những nỗi đau thương, mất mát luôn rình rập chúng ta trong từng giây, từng phút trên thế gian này. Hiện nay, tai nạn giao thông đã làm cho biết bao người đang khoẻ mạnh bị chết tức tửi, rồi bệnh tật tấn công, kẻ chết non, người chết bất đắc kỳ tử, cái chết không tha thứ bất kỳ một ai, không phải chúng ta sinh ra chờ đến già, bệnh mới chết.
 
Mọi người nên nhớ rằng, cái chết đến với chúng ta rất bất ngờ, không báo trước, không chờ đợi, không hẹn hò, không phải ai cũng đến già, bệnh rồi mới chết. Cái chết đến với chúng ta thiên hình vạn trạng không sao kể hết, người chết trẻ, kẻ chết già, người chết sông, kẻ chết suối, kẻ chết bụi, người chết bờ… người chết vì súng đạn, gươm đao, kẻ chết vì thiên tai, lũ lụt, người chết vì thiếu thốn, đói khát, lại có người vì uất hận, vì bức xúc mà quyên sinh, bức tử. Tóm lại, cái chết không ai có thể thoát khỏi và trốn được.
Cái chết không chừa một ai
 
Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy như sau:
Dầu trốn giữa hư không,
Ở biển khơi, núi rừng,
Không một nơi nào cả,
Trốn thoát được cái chết.
 
Thời đức Phật còn tại thế, có bốn vị ngoại đạo tu chứng được ngũ thông:
 
- Thứ nhất là thiên nhãn thông, thấy được tất cả người và vật, dù có vật cản hay vật không cản, đều thấy rõ ràng, thông suốt.
- Thứ hai là thiên nhĩ thông, nghe được tất cả âm thanh lớn, nhỏ dù gần, hay xa.
- Thứ ba là tha tâm thông, biết được tâm ý người đó đang suy nghĩ gì và muốn làm gì.
- Thứ tư là thần túc thông, biến hoá lớn nhỏ tuỳ ý, thăng thiên độn thổ, lên trời, xuống đất, tuỳ ý biến hoá vô ngại.
- Thứ năm là túc mạng thông, nhớ được vô số kiếp về trước đang làm gì, ở đâu, và cuộc sống ra sao đều nhớ rõ giống như người nhớ chuyện ngày hôm qua vậy.
 
Bốn vị ngoại đạo này đều biết trước còn bảy ngày nữa là con quỷ vô thường đến đòi mạng, nên hợp lại cùng nhau bàn cách trốn tránh và đến trình với vua Ba Tư Nặc, qua bảy ngày sau sẽ trở lại thăm vua.
 
Vị thứ nhất dùng thần thông bay lên núp trên đám mây xanh, người thứ hai dùng thần thông chui sâu vào lòng núi, vị thứ ba dùng thần thông chui xuống biển sâu, vị thứ tư dùng thần thông chui vào lòng đất. Thế là bốn vị yên trí rằng, mình sẽ trốn được con quỷ vô thường và tin chắc là như vậy. Nhưng đến giờ thần chết đến, vị trốn vào hư không từ mây rớt xuống nát thây, vị thứ hai bị đá đè bẹp dúm, vị thứ ba bị chết ngộp dưới nước, khi nổi lên bị sóng xô vào bờ, vị thứ tư ở trong lòng đất, bị đất sụp chôn vùi thân xác.
 
Đây là quy luật tất yếu từ ngàn xưa cho đến nay, dù có tu luyện đến mức độ nào như bốn vị ngoại đạo ấy, tuy chứng được ngũ thông, nhưng cũng không thể nào trốn tránh được cái chết. Do đó, sự ra đời của đạo Phật đã giúp ích cho nhân loại thấu suốt được nguyên lý vô thường, để mỗi người chúng ta tự tỉnh thức, đừng lầm chấp cái gì cũng là thường còn mãi mãi, để rồi gây thù, chuốc oán cho nhau, mà làm khổ đau cho nhân loại.
 
Từ quan niệm sai lầm đó, một số người cứ mãi đam mê, say đắm trong lạc thú trần gian, cố chấp bảo rằng, cuộc sống này là trường tồn mãi mãi, cho nên mặc tình gây tạo nhiều tội lỗi, đến khi phước hết, họa đến, ngồi đó mà than thân, trách phận, đổ thừa tại-bị-thì-là. Cũng nhờ vô thường đổi thay, nên chúng ta mới tu được; xưa là đồng hoang cỏ cháy, nay là mái chùa thân yêu thắm đượm tình người.
 
Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới phát triển và đổi thay, nhờ vô thường mà chúng ta mới tu được; nếu mọi thứ đều cố định như quan niệm của thời xa xưa: trời chết sinh trời, người chết sinh người, thú vật chết sinh thú vật, thì chúng ta tu hành đâu có lợi ích gì?
 
Tâm tham-sân-si của con người cũng vô thường, nên chúng ta mới có thể thay đổi được; mình có thể chuyển xấu thành tốt, chuyển mê thành ngộ; không có một cái gì trên đời này mà cố định cả, tất cả mọi hiện tượng, sự vật là một dòng chuyển biến liên tục, thay đổi đến không thể ngờ.
 
Một thiền sư Việt Nam sau khi ngộ đạo đã nói về thân này như sau:
 
Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cỏ xuân tươi thu héo tàn,
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi,
Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương đông.
 
Đời người dài lắm cũng đến trăm năm là cùng, như một giấc mộng dài, mới hôm nào ta còn bé nhỏ vui đùa, chạy nhảy hồn nhiên, nay đầu tóc đã bạc phơ, lưng còng, gối mỏi, chân chùn. Đời sống con người là như thế, mới qua thời tuổi trẻ mà giờ đây đã thấy già nua.
 
Còn vạn vật thì sao? Bốn mùa thay đổi, Xuân, Hạ, Thu, Đông, mới thấy cành hoa đẹp, giờ đã tàn. Thật đúng với câu: “Phù dung sớm nở tối tàn”. Cuộc đời là như vậy, luôn biến chuyển đổi thay, biết được như thế, chúng ta sẽ không còn bất an, sợ hãi trước bao nỗi thăng trầm của kiếp nhân sinh.
 
Có thịnh ắt có suy, có sinh ắt có tử, sống chết là lẽ đương nhiên, có gì phải lo, phải sợ, bởi thấy được như vậy, nên các vị thiền sư luôn tự tại trước nỗi sống chết vô thường, “sinh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ.” Sống chết là lẽ đương nhiên, là sự thường tình của thế gian, điều quan trọng là khi sống, ta làm được việc gì đó thật sự có lợi ích thiết thực cho nhân loại hay không?
 
Đây là điều thiết yếu quan trọng mà người con Phật cần suy nghĩ cho thấu đáo về cuộc sống của mình, ta luôn phải thăng hoa trên bước đường tu tập, mang lại niềm an vui, hạnh phúc cho mình và người. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự vô thường của tâm.
 
Tâm vô thường
 
Trước khi đi sâu vào tâm vô thường, chúng ta cũng cần tìm hiểu, xác thân này do đâu mà có? Phải chăng do ta điên đảo vọng tưởng mà có thân này? Đức Phật đã chỉ rõ, con người do vô minh vọng động, bám víu trần cảnh, tham đắm sắc dục, chạy theo gió nghiệp thức, chấp chặt vào đó, tạo ra ý thức hệ, nên nỗi khổ, niềm đau bắt đầu có mặt.
 
Chính vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về tâm vô thường. Nói về tâm thì ai cũng cho rằng, cái hay suy tư, nghĩ tưởng là tâm mình, nhưng nhìn kỹ lại thì tâm suy nghĩ đó khi có, khi không. Bình thường thì tâm hay suy tư, nghĩ tưởng lăng xăng đó lúc nào cũng quấy rầy chúng ta, nhưng khi nhìn lại, tìm kiếm chúng thì không thấy đâu. Bởi tâm luôn thay đổi và biến dạng, khi thì buồn thương, giận ghét, buổi sáng nghĩ chuyện này, buổi chiều nghĩ chuyện kia, lúc nhớ về quá khứ, khi nghĩ đến tương lai, còn hiện tại thì bồn chồn, lo lắng, tính toán đủ thứ, cho nên không được yên.
Vì thế, đức Phật gọi “tâm viên ý mã” là vậy, nó giống như con khỉ chuyển cành, hay con ngựa chạy rong. Như hai vợ chồng nọ sống với nhau rất hạnh phúc, được ba mặt con, hai vợ chồng gây cãi nhau suốt ngày không thể nào khuyên can; mặc dù đã được ban tư vấn hôn nhân hạnh phúc gia đình nhiều lần hoà giải, nhưng hai vợ chồng vẫn nhất quyết ly hôn.
 
Trước lúc xa nhau, người vợ hỏi ba đứa con: “Nay ba mẹ không thể sống cùng nhau được, các con bây giờ muốn theo mẹ hay cha?” Đứa con thứ nhất nói: “Con theo mẹ”. Đứa con thứ hai cũng nói: “Theo mẹ”, đến thằng cu Tí nhỏ nhất chẳng chờ mẹ hỏi, nó nói: “Con theo mẹ à”. Nghe đến đây, người chồng liền nói: “Ba đứa tụi nó theo bà thì tôi cũng theo bà luôn”.
 
Bởi tâm con người luôn thay đổi, khi thì suy nghĩ chuyện này, lúc lại suy nghĩ chuyện kia, không bao giờ ngừng nghỉ. Như hai vợ chồng nọ, ai cũng muốn mình có quyền quyết định mọi thứ trong nhà, chẳng ai nhường nhịn ai. Làm chồng thì có nghiệp của người nam, làm vợ thì có nghiệp của người nữ, không ai giống ai, vì nghiệp của người nam và nữ khác nhau, ta không thể buộc mọi người theo ý riêng của mình.
 
Vì vậy, vợ chồng cần phải biết thông cảm và tha thứ lẫn nhau, ai cũng có tốt, có xấu lẫn lộn, ta chỉ một bề tận dụng cái tốt cho nhau. Nhìn chung, từ cuộc sống cá nhân, gia đình, cho đến quan hệ xã hội, không thể có khuôn mẫu giống nhau được. Người nam thì lúc nào cũng cứng rắn, mạnh mẽ, còn người nữ thì yếu mềm, dịu dàng; do đó, nam và nữ gặp nhau rất khó mà hòa hợp với nhau được.
 
Khi hình thành một gia đình, một bên cương, một bên nhu và bất đồng như vậy, nên muốn hoà hợp, tạo hạnh phúc, không phải là chuyện dễ dàng. Theo lời Phật dạy, cả hai vợ chồng cần phải biết thông cảm, tha thứ cho nhau, chồng nói vợ nghe, vợ khuyên chồng biết hối cải thì mới được, chứ vợ chồng không chịu nhường nhịn lẫn nhau, cứ ngấm ngầm bất đồng quan điểm, cho đến khi “tức nước vỡ bờ”, dẫn đến ly thân, ly dị là điều không tránh khỏi.
 
Như vậy, con người sống trong thế gian không thể có hạnh phúc tuyệt đối. Vậy mà ai cũng đòi được an vui, hạnh phúc, mà chúng ta không chịu nhường nhịn nhau. Tâm con người lúc nào cũng tham muốn đủ thứ, lúc thì muốn cái này, khi thì muốn cái kia.
 
Người nam thường quan niệm rằng, mình là trụ cột gia đình, vợ chỉ là người tuân theo, nếu không làm theo đúng ý mình thì chửi mắng, hành hạ, đánh đập. Bởi vì người nam thường cho rằng, mình là phái mạnh, là trụ cột gia đình, có quyền quyết định tất cả theo quan niệm khi xưa của thời phong kiến, “chồng chúa vợ tôi”.

Đó là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, gây đau khổ và làm tan vỡ hạnh phúc. Vì vậy, sống trong cõi đời này, chúng ta phải biết tu tập để thấy rõ được nguyên nhân sâu xa của nó, cố gắng vượt qua những bất hạnh, khổ đau do hai vợ chồng không biết thông cảm và tha thứ cho nhau. Trong cuộc sống hiện tại của một số gia đình, tuy dường như thấy hạnh phúc, nhưng hạnh phúc trong gượng gạo, không phải là thứ hạnh phúc chân thật và lâu bền.

Do đó, để tạo được hạnh phúc thật sự trong cuộc sống gia đình, mọi người phải biết nhường nhịn lẫn nhau, chồng nói vợ nghe, chồng giận vợ nhịn, vợ khuyên thì chồng phải biết hối cải, mỗi người phải biết cảm thông, bao dung và tha thứ. Cho nên, ca dao Việt Nam có câu:
 
Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi, bớt lửa, mấy đời cơm khê.
 
Nhân duyên nói về tâm vô thường, tôi kể câu chuyện trên để chúng ta cùng nhau suy ngẫm lời Phật dạy. Tâm con người luôn thay đổi và biến dạng, không lúc nào ngừng nghỉ; vì vậy chúng ta phải khéo tu, nhờ tu mà mình dễ dàng cảm thông và tha thứ cho nhau.

Như trường hợp hai vợ chồng trong câu chuyện trên, đã quyết chí ly hôn dù nhiều người khuyên nhủ, cả hai người vẫn khăng khăng trước sau như một, nhất quyết ra toà ly dị, nhưng khi người vợ hỏi mấy đứa con theo ai, ba đứa đều trả lời theo mẹ. Lúc đó, người chồng nghe ba đứa con nói vậy nên chiều theo ý mấy đứa con, “chúng nó theo bà, thì tôi cũng theo bà luôn.” Thế là từ đó về sau, hai vợ chồng chung sống với nhau rất hoà thuận và hạnh phúc, nhờ biết cảm thông và nhường nhịn lẫn nhau.

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm