Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Bốn pháp thu phục lòng người

Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp Bồ-tát dùng để nhiếp hóa chúng sinh, khiến họ khởi tâm cảm mến, rồi dẫn dắt họ vào Phật đạo, hướng dẫn họ tu tập để đạt được giải thoát. Chúng ta có thể hiểu Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp hay bốn nguyên tắc thu phục lòng người, bốn nghệ thuật sống đắc nhân tâm. Đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.
Mục lục
1. Bố thí

Bố thí là đem cho. Đem cho bất cứ những gì mình có mà chúng sinh đang cần. Sự đem cho đó xuất phát từ tình thương, được thúc đẩy bởi tâm từ bi và hạnh nguyện cứu độ. Mục đích của sự đem cho đó, trước hết là sự rung cảm, xót thương nỗi khổ đau của chúng sinh, muốn cho chúng sinh thoát khỏi sự thiếu thốn, lo âu và sợ hãi; và cuối cùng là dẫn dắt họ vào đạo giải thoát. Không dẫn dắt chúng sinh về được với Chánh pháp thì sự đem cho bị đánh mất ý nghĩa, như đem muối bỏ vào biển.

Chia sẻ - Ảnh minh hoạ

Thói thường, ai cũng tham muốn, muốn có thêm, muốn có nhiều; có rồi lo cất giữ, cất giữ bo bo, sợ mất, không thích cho ai, dù đó là cha mẹ, người thân của mình, nói chi đến người ngoài xã hội. Không những không biết cho, mà thấy người ta bố thí, mình còn nói họ dại! Có của không biết xài mà đem đi cho! Vậy mà Bồ-tát đem cho hết: “Tất cả chúng sinh, ai ưa muốn gì, Ta đều cho hết, y phục thức ăn, của cải tài sản, đất nước vợ con, đầu mắt tủy não, máu huyết cơ thể; không kể sang hèn, phú quý bần tiện, hễ ai cần gì, xin gì cho nấy, khiến cho đầy đủ, chỉ trừ những thứ, sắc dục bất tịnh, thuốc độc hại người, thì không cho thôi” (Kinh Đại Bát-nê-hoàn). Sự đem cho này, khiến chúng sinh tỉnh. Và họ cảm mến, rồi đến với đạo. Chúng sinh một khi đến được với đạo, mà nói đơn giản là biết trở về nương tựa Tam bảo, là ngàn đời thoát khỏi khổ đau, thiếu thốn, sợ hãi.

Chúng ta thường nghĩ rằng mình còn nghèo khổ quá, đâu có dư dả gì đâu mà cho ai. Thật ra, chúng ta có ba thứ mà ai cũng có để đem cho. Đó là tài thí, pháp thí và vô úy thí.

- Tài thí. Tài là tài sản, gồm có tài sản vật chất và tài sản tinh thần. Vật chất là cơm, gạo, áo, tiền, nhà cửa, ruộng vườn, thuốc men trị bệnh… Tài sản tinh thần là công sức, tình cảm, tình thương, hiểu biết… Tài thí là đem những tài sản, của cải mình có cho người khác, giúp đỡ người khác. Người thiếu thốn vật chất thì mình cho vật chất, kẻ thiếu thốn tinh thần thì mình cho tinh thần. Dù nhiều dù ít, hễ có người cần, mình đều có thể đem cho bớt, chia bớt. Cho nhiều cho ít không quan trọng mà quan trọng là thái độ cho. Phải cho bằng tất cả tấm lòng thương yêu, tôn trọng, kính mến.

Sự cho cũng có nhiều cách, không nhất thiết phải đem của cải ra mới gọi là cho. Chẳng hạn, không gian tham trộm cắp là một cách cho. Người Phật tử luôn nghĩ rằng mình không có gì cho người ta thì thôi, đừng lấy của họ! Không giết hại cũng là một cách cho, là bố thí sự sống. Luôn hoan hỷ là một cách cho, cho niềm vui, nụ cười. Một lời thăm hỏi cũng là một cách cho, cho sự quan tâm… Nói chung, mỗi chúng ta đều vô cùng giàu có, và chúng ta có thể cho bớt người khác, chia sẻ với người khác bất cứ lúc nào, nếu mình muốn.

Tu tập bố thí thì phải vĩnh viễn không có tâm hối hận, không mong đền đáp để được thiện lợi. Bố thí không những chỉ dùng tài vật, mà khi có người hại mình, dùng tay đánh, đao trượng đập, gạch đá ném, mình cũng sẽ khởi lòng từ, không nổi sân hận.

- Pháp thí là diễn giảng Phật pháp cho người khác nghe để họ tin hiểu Phật pháp. Pháp thí là giảng kinh, thuyết pháp, ấn tống kinh sách, phổ biến băng đĩa Phật pháp, phát hành báo chí Phật giáo… Cách thí pháp hay nhất là tự mình ứng dụng Phật pháp vào trong cuộc sống hàng ngày, tức là tự mình tu tập làm gương cho mọi người thấy. Khi mình tu tập giỏi, mình không cần nói gì hết, người ta chỉ cần thấy năng lượng từ bi, an lạc, thảnh thơi, giải thoát của mình (thân giáo) là người ta theo liền. Pháp thí bằng cách này là bài pháp sống. Cách thí pháp khác là tự mình đi nghe pháp, rủ mọi người đi nghe pháp; khuyên mọi người đi chùa tụng kinh, niệm Phật, tu Bát quan trai…

Kinh Duy-ma nói: “Luận về bố thí, không có sự bố thí nào lớn hơn bố thí pháp”. Tăng nhất A-hàm cũng nói: “Trên hết trong bố thí, không gì hơn pháp thí”. Vì sao? Bởi chỉ có Phật pháp mới đưa chúng sinh thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi.

- Vô úy thí. Vô úy là không sợ hãi. Vô úy thí là đem đến cho chúng sinh sự bình yên, không sợ hãi. Chúng sinh sợ hãi điều gì thì mình đừng đem điều đó đến cho họ. Chúng sinh sợ chết nên mình không giết; sợ bị mất của nên mình không trộm cắp; sợ bị lường gạt nên mình không lừa dối…

Tóm lại, bố thí là đem cho. Tu tập pháp này có phước đức vô lượng. Những việc bố thí gì chúng ta đã làm bằng thân, miệng, ý hôm nay, hết thảy để cầu giải thoát, chứ không cầu hưởng phước báo ở trong sanh tử. Như thế sẽ lâu dài được an ổn vô lượng.

Luận Đại trí độ nói: “Hàng ngu si bố thí mà không hiểu gì, hoặc vì cầu tài nên bố thí, hoặc sợ chết nên bố thí... Cách bố thí như vậy gọi là bố thí không thanh tịnh”. Bố thí cúng dường mà không xuất phát từ tâm thanh tịnh thì khó có được công đức, phước báo. Cho nên, để đạt được kết quả viên mãn trong pháp tu bố thí cúng dường, người Phật tử phải vượt thoát mọi ý niệm chấp ngã và ngã sở. Như kinh Kim cang dạy: Không có người thí, vật thí, đối tượng nhận sự bố thí. Nhất là: “Không nên trú ở sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không trú ở đâu cả mà bố thí”.


2. Ái ngữ

Ái ngữ là lời nói dễ thương. Ái ngữ nhiếp là sử dụng ngôn ngữ, lời nói dễ thương để thu phục lòng người. Thu phục lòng người là khiến cho họ phát khởi niềm tin đối với Tam bảo chứ không phải dùng lời nói để lấn lướt, tranh luận với người ta.

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp thiết yếu trong đời sống con người, nhằm trao đổi thông tin, biểu hiện tình cảm, tư tưởng và ước muốn của con người. Trong nghệ thuật giao tiếp, ngôn ngữ, lời nói luôn được đề cao và đặt lên hàng đầu. Những người thành công trong cuộc sống và nghề nghiệp, thường là những người biết sử dụng ngôn ngữ ôn hòa, dễ thương và làm vui lòng người mà chẳng tốn kém bao nhiêu thì giờ và tất nhiên là chẳng mất đồng bạc nào.

Thế nhưng, trong cuộc sống, phần lớn chúng ta lại không biết tận dụng sự mầu nhiệm của lời nói dễ thương, khôn khéo. Chúng ta chỉ thích nói những gì mình muốn nói, mà ít khi chú ý đến người nghe, họ muốn nghe những gì. Và thông thường, chúng ta thường ưa chỉ trích người khác, nói những lời nói vô nghĩa, hoặc gây mâu thuẫn, hiểu lầm... Chúng ta nhận ra rằng, trong cuộc sống, có những sóng gió, đổ vỡ, hận thù, chiến tranh… đã và đang xảy ra hàng ngày chỉ vì một lời nói. Ý thức được điều đó, chúng ta chỉ nói những gì cần nên nói, chỉ nói những điều có lợi cho mình và mọi người, không gây mâu thuẫn và hiểu lầm nhau. Đó là chúng ta thực tập ái ngữ nhiếp.

Nội dung của ái ngữ nhiếp là xa lìa nói dối, nói hai lưỡi, nói ỷ ngữ và nói lời hung ác. Ái ngữ nhiếp nhằm mục đích hướng người nghe phát khởi niềm tin với Tam bảo, hướng đến đời sống tu tập hướng thượng và giải thoát.


3. Lợi hành

Lợi hành là việc gì có lợi cho mọi người, cho chúng sinh là bắt tay vào làm liền, làm bằng lời nói, bằng ý tưởng, và bằng cả hành động, khiến cho người sinh lòng cảm mến mà theo ta học đạo.

Để thực tập hạnh lợi hành này, chúng ta có thể noi gương Bồ-tát Trì Địa. Suốt đời Bồ-tát thường làm những việc lợi ích cho chúng sinh như đắp đường, bắc cầu, làm nhà… không một việc nào có lợi ích cho chúng sinh mà ngài không làm, dù có khó khăn, gian khổ.

Noi gương Bồ-tát, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng có thể làm lợi ích cho nhiều người. Bằng lời nói, khuyên con cháu, bà con, bạn bè đi chùa tụng kinh, nghe pháp; bằng hành động mỗi tháng ăn chay ít nhất hai ngày, không xả rác bừa bãi, tiết kiệm chi tiêu hoặc trích ra một ít tiền chợ hàng tháng để ủng hộ bệnh nhân nghèo…; bằng suy nghĩ khi nào cũng thương yêu mọi người…

Khi thực tập hạnh lợi hành, chúng ta không những khiến cho mọi người có cảm tình với người Phật tử, mà còn khiến cho họ cảm mến với đạo Phật rồi phát tâm tin theo. Đó là chúng ta đang hành hạnh Bồ-tát, chúng ta thay Bồ-tát hành đạo giữa thế gian. Công đức lớn biết bao!


4. Ðồng sự

Ðồng sự là đồng cam cộng khổ với mọi người, cùng cộng tác với họ. Người ta làm gì thì mình cùng làm việc chung với họ, cùng đau khổ, cùng thăng trầm, cùng vinh nhục, cùng họa phước với họ… để thấu hiểu tâm tư, hoài bão, ước muốn của họ, một mặt giúp đỡ họ trong nghề nghiệp, mặt khác là để nêu cao đạo đức, nếp sống đạo của chính bản thân mình, khiến họ cảm phục mà theo ta học đạo.

Trong Bốn nhiếp pháp thì đồng sự nhiếp là khó thực tập nhất, nhưng hiệu quả lại cao nhất, bởi đồng sự là bỏ cả cuộc đời của mình để cùng theo với chúng sinh trong mọi hoàn cảnh, cùng vui buồn vinh nhục, thậm chí còn chịu khổ cho chúng sinh, cho đến khi nào chúng sinh giác ngộ mới thôi. Đây là hạnh nguyện của Bồ-tát. Bồ-tát không chỉ cho, không chỉ nói, không chỉ giúp một đôi lần mà quý ngài còn dấn thân hành động, vì sự nghiệp giác ngộ và giải thoát cho chúng sinh.

Tóm lại, bố thí là phương tiện tùy theo hoàn cảnh mà cho tài vật, cho giáo pháp, cho sự vô ngại nhằm nhiếp phục lòng người. Nên bố thí còn gọi là tùy nhiếp phương tiện. Ái ngữ là phương tiện năng nhiếp, dùng lời nói hòa nhã, dễ thương giảng giải Phật pháp, trình bày chân lý, để Chánh pháp tự nhiên chuyển hóa người nghe. Lợi hành là phương tiện khiến cho mọi người đi vào Chánh pháp, từ chỗ bất thiện mà trở về chỗ lương thiện, từ chỗ sanh tử luân hồi mà đến được chỗ giải thoát, Niết-bàn. Đồng sự là cùng nhau xây dựng sự nghiệp chân chính, tức là chánh mạng (nghề nghiệp nuôi sống bản thân phải đúng Chánh pháp), thực hành chánh đạo. Trong trường hợp người có nghề nghiệp không chánh mạng, thì tùy thời, tùy lúc, tìm cơ hội chuyển hướng nghề nghiệp cho họ.

Kinh Tạp A-hàm nói: “Nếu như có pháp nào để nhiếp thủ đại chúng thì tất cả đều ở trong Bốn nhiếp sự: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự”.

Nguồn : giacngo.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm