Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Các pháp là Chân Như vốn toàn thiện

Bánh xe sanh tử luân hồi khổ đau cứ quay mãi vì cái thấy lầm, từ đó có tham sân si làm động lực cho nó. Kinh Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh nói rằng để chặn đứng không cho bánh xe sanh tử khổ đau tiếp tục quay thì chỉ cần cái thấy đúng
Mục lục


Bánh xe sanh tử luân hồi khổ đau cứ quay mãi vì cái thấy lầm, từ đó có tham sân si làm động lực cho nó. Kinh Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh nói rằng để chặn đứng không cho bánh xe sanh tử khổ đau tiếp tục quay thì chỉ cần cái thấy đúng:

Nơi tất cả cảnh giới
Chẳng chấp chẳng mê hoặc
Người ấy khéo biết rõ
Các phiền não như vậy
Do nhân duyên hòa hợp
Hay sanh những lỗi lầm...
Người ấy biết rõ được
Biên tế nhãn sanh biên
Lưu chuyển và tịch tịnh
Vô hữu cũng vô sanh
Nhẫn đến nhãn tịch diệt

Các nhân duyên như vậy
Lìa xa các mê hoặc
Nơi nhãn không ô nhiễm
Người ấy biết rõ được

Lời nói nhãn tiền tế
Tùy thế gian giả lập
Trong ấy không có thật.

Cái thấy duyên sanh nên vô tự tánh, và vô tự tánh nên là tánh Không. Con mắt thấy tánh Không không những giải tan phiền não, dừng tạo nghiệp mà còn làm cho hành giả thấy được chư Phật và nghe chư Phật thuyết pháp:

Nếu biết nhãn tánh Không
Thì chẳng hướng Bồ-đề
Chư Phật nơi người ấy
Thường hiện tiền thuyết pháp.

Con mắt thấy tánh Không thì thấy được Phật và công đức chư Phật:

Nếu lìa các tướng
Để trồng cội đức
Thì biết rõ được
Tánh nhãn tận biên.
Vì biết rõ được

Tánh nhãn tận biên
Thì biết rõ được
Công đức chư Phật...
Nơi nhãn vô hữu
Không có nhiễm trước
Nơi nhãn vô sanh
Không có nhiếp thọ
Nơi nhãn tịch diệt
Không có chấp trước
Người này chính là
Thấy được Như Lai.

Tóm lại, thấy được tánh nhãn là tánh Không, thì cái thấy ấy thấy được Phật.

Nhãn tánh Không này thấy được sự vô hữu của nhãn, thông đạt sắc, quan sát đúng các pháp, nghĩa là thấy được thật tánh của giác quan (nhãn), đối tượng của giác quan (sắc, pháp). Cái thấy thấu suốt ấy được kinh nói là “thấy được Như Lai”:

Biết nhãn vô hữu
Nên thông đạt sắc
Biết nhãn diệt hoại
Nên quan sát pháp
Biết nhãn vô sanh
Nên tu tập đạo
Người này chính là
Thấy được Như Lai.

Nhãn tánh Không này được đẩy đến tận cùng của nội quán (insight) hay cái thấy thấu suốt, đối với những kẻ thù độc hại nhất của một hành giả là tham, sân, si (vô minh). Khi tham, sân, si được nhìn thấy trong bản tánh của chúng, tham sân si không còn, chỉ còn bản tánh của chúng là tánh Không. Tham sân si đã được tịnh hóa thành tánh Không.

Và thấy được tánh Không tức là thấy được Như Lai, do đó mà có sự cúng dường.

Người ấy hay biết rõ
Biên tế nhãn sanh biên
Vô hữu với vô sanh
Nhẫn đến nhãn tịch diệt
Các ngôn thuyết như vậy
Tự tánh không biểu thị
Trong ấy không ô nhiễm.
Nhĩ tỷ thiệt thân ý
Sáu trần và bốn đại
Nhẫn đến thế, sanh, danh
Tất cả đều như vậy.
Người ấy hay biết rõ
Tham dục tức Phật đạo
Tự tánh vô sai biệt
Nơi tham không ô nhiễm.
Tất cả các Phật đạo
Phải cầu nơi phiền não
Biết tánh vô sai biệt
Là nhập môn tổng trì.
Nói tham là tổng trì
Tổng trì tức là tham
Biết tánh vô sai biệt
Là học môn tổng trì.
Cúng dường tham như vậy
Tức là cúng dường Phật
Vì cúng dường nơi Phật
Mà thành tựu tổng trì.

Tổng trì (dharani) là cái tổng nhiếp “tất cả các Phật đạo”. Đó là “tánh vô sai biệt” của “Tâm, Phật, và chúng sanh, cả ba không sai khác”.

(Kinh Hoa nghiêm)

Nhãn tánh Không soi thấu tận cùng thì thấy “tham dục tức Phật đạo”. Nghĩa là tướng tham chính là “tánh vô sai biệt”, chính là “tổng trì tất cả các Phật đạo”. Tướng tham đã được tịnh hóa thành tánh vô sai biệt, hay là tánh Không. Tướng tham được giải thoát thành tánh vô sai biệt, thành tánh Không.

Bởi thế khi thấy thật tướng của tham, bèn “cúng dường tham như vậy, tức là cúng dường Phật”. Tướng của tham chính là tánh vô sai biệt của tham, nói cách khác tướng chính là tánh, tướng tức tánh. Toàn thể tướng tức là tánh. Như thế toàn thể tướng được giải thoát vào trong tánh.

Bài kệ nói tiếp:

Người ấy hay biết rõ
Sân hận tức Phật đạo
Tự tánh vô sai biệt
Nơi sân không ô nhiễm.
Sân tức là tổng trì

Tổng trì tức là sân
Biết tánh vô sai biệt
Là học môn tổng trì.
Cúng dường sân như vậy
Cũng là cúng dường Phật
Do cúng dường nơi Phật
Thành tựu môn tổng trì.
Người ấy hay biết rõ

Ngu si tức Phật đạo
Tự tánh vô sai biệt
Nơi si không ô nhiễm.
Nếu biết rõ như thật
Biên tế của tánh si

Đó là tu Phật đạo
Thành tựu môn tổng trì.
Si tức là tổng trì
Tổng trì tức là si
Biết tánh vô sai biệt
Là học môn tổng trì
Cúng dường si như vậy
Tức là cúng dường Phật...

Nhãn tánh Không khi nhìn thấu suốt vào tướng sân, tướng si thì thấy bản tánh của chúng là vô sai biệt, tánh vô sai biệt này tổng trì tất cả các pháp, dầu theo thế gian thì các pháp có tốt xấu. Si (vô minh) là cái thấy sai biệt do đó có các pháp sai biệt. Sân là phản ứng do thấy các pháp sai biệt. Gốc rễ của tham, sân, si chính là cái thấy hư vọng rằng có sự sai biệt. Đến đây kinh nói chúng “tự tánh vô sai biệt”, nghĩa là xóa đi sự sai biệt tạo thành sanh tử, trả lại chúng về bản tánh vô sai biệt của Niết-bàn.

Sự sai biệt mà người thường chúng ta luôn luôn thấy ở khắp nơi thực ra trong bản tánh là vô sai biệt. Sai biệt chính là vô sai biệt. Đây là cái thấy “như thật”, là nhãn tánh Không. Cái thấy như thật này không chỉ đưa tất cả các tướng trở về bản tánh vô sai biệt của chúng, mà còn đưa bản tánh ngược ra thế giới bề mặt, để bản tánh thành tất cả các tướng.

Bài kệ nói tiếp:

Cúng dường si như vậy
Là cúng dường Phật pháp
Do cúng dường Phật pháp
Thành tựu môn tổng trì.
Cúng dường si như vậy
Là cúng dường pháp tánh
Do cúng dường pháp tánh
Thành tựu môn tổng trì
Cúng dường si như vậy
Là cúng dường Chân như
Thành tựu môn tổng trì.
Cúng dường si như vậy
Là cúng dường vô sanh
Do cúng dường vô sanh
Thành tựu môn tổng trì.
Cúng dường si như vậy
Là cúng dường vô diệt
Do cúng dường vô diệt
Thành tựu môn tổng trì...

Thật tướng của tham sân si là Phật pháp, là Pháp tánh, là Chân như, là vô sanh vô diệt... Chúng ta có thể ví tham sân si như những con sóng thấy được của bản tánh vô sai biệt là đại dương. Như vậy, không chỉ bản tánh của sóng là đại dương mà sóng chính là đại dương. Sanh tử chính là Niết- bàn. Không phải xóa sanh tử để có Niết-bàn, mà sanh tử tức là Niết-bàn.
Để kết thúc bài này, chúng 
ta trích một bản văn cổ lúc khởi đầu của Đại Toàn Thiện (TT: Dzogchen, St: Ati Yoga) do Vairochana (thế kỷ thứ VIII) dịch và đưa vào Tây Tạng (bản dịch của Namkhai Norbu Rinpoche trong cuốn Dzogchen, the Self-perfected State, 1994). Đại Toàn Thiện được  ngài Padmasambhava xem là “chót đỉnh của chín thừa”.
Sáu câu kệ Kim cương:

Bản tánh của những hiện tượng là bất nhị
nhưng mỗi cái tự nó thì vượt khỏi những giới hạn
của tâm.
Không có khái niệm nào có thể định nghĩa “cái đang là” tuy nhiên thị kiến biểu lộ: tất cả đều toàn thiện
Mọi sự vốn đã thành tựu, và như vậy, vượt khỏi căn
bệnh nỗ lực,
người ta thấy mình trong trạng thái tự toàn thiện:
đây là tham thiền.
 



Theo Văn hoá Phật giáo số 340 ngày 01-03-2020

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm