Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Chân không diệu hữu tự tại thong dong

Mọi hiện tượng và sự vật trên thế gian này không bao giờ tồn tại độc lập, mà do nhân duyên hòa hợp tạo thành. Vì do nhân duyên hòa hợp nên vô thường, khổ và vô ngã. Những ai rõ biết tất cả các pháp là vô tự tánh không phân biệt chấp trước, thì lúc nào cũng thong dong tự tại. Đức Phật dạy sự giải thoát ấy của vị này an trú vào chân đế, không bị dao động.
Mục lục


Này Tỷ-kheo, cái gì có thể đưa đến hư vọng, thời thuộc về hư vọng. Cái gì không thể đưa đến hư vọng, thời thuộc về chân đế, Niết-bàn.

(Trung bộ kinh, 140 kinh Giới phân biệt, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

Cái gì là hư vọng? Tất cả pháp đều là hư vọng, huyễn hoặc, không thật, chóng sanh chóng diệt, do nhân duyên mà có, tưởng điên đảo mà sanh. Nào ai tuệ tri như vậy và không sanh tâm chấp trước bất kể pháp nào, bất cứ cái gì ở trên đời, thì được giải thoát, niết- bàn, chân không (chân đế). Nói một cách khác, hiện tượng vạn vật qua tâm chân không thì sẽ thành diệu hữu, tức là thong dong tự tại trước sự biến đổi của hiện tượng vạn hữu trong trời đất bao la.

Đức Phật nói với ngài Anan rằng “Ta nhờ an trụ ở không, nay Ta an trụ được rất nhiều”. Như thế nào an trụ ở không? Khi cái này không có mặt, thì cái kia không có mặt, và ngược lại khi cái này có mặt thì cái kia có mặt; khi biết rõ vậy là không tánh, hoàn toàn thanh tịnh.

Đoạn trích dẫn từ bài kinh số 121, kinh Tiểu Không thuộc Trung bộ kinh, giải thích rõ lý sự này:

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), tại Pubbarama (Ðông viên), lâu đài của Migaramatu (Lộc Mẫu). Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

“Một thời, bạch Thế Tôn, Thế Tôn trú giữa các Sakka (Thích-ca). Nagaraka là tên một thị trấn của các Sakka. Tại đấy, bạch Thế Tôn, con được nghe trước mặt Thế Tôn, con được ghi nhớ trước mặt Thế Tôn như sau: ‘Này Ananda, Ta nhờ an trú không, nên nay an trú rất nhiều’.

Phải chăng, bạch Thế Tôn, điều con đã nghe là nghe đúng, ghi nhớ đúng, tác ý đúng, thọ trì đúng?

“Thật vậy, này Ananda, điều Ông đã nghe là nghe đúng, ghi nhớ đúng, tác ý đúng, thọ trì đúng. Thuở xưa và nay, này Ananda, Ta nhờ an trú không, nên nay an trú rất nhiều.

Ví như lâu đài Lộc Mẫu này không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, không có vàng và bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội, và chỉ có một cái không phải không, tức là sự nhất trí (ekattam) do duyên chúng Tỷ-kheo; cũng vậy, này Ananda, Tỷ-kheo không tác ý thôn tưởng, không tác ý nhơn tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí, do duyên lâm tưởng. Tâm của vị ấy được thích thú hân hoan, an trú, hướng đến lâm tưởng. Vị ấy tuệ tri như sau: ‘Các ưu phiền do duyên thôn tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên nhân tưởng không có mặt ở đây. Và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên lâm tưởng’. Vị ấy tuệ tri: ‘Loại tưởng này không có thôn tưởng’. Vị ấy tuệ tri: ‘Loại tưởng này không có nhân tưởng’. Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí do duyên lâm tưởng’. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây, vị ấy tuệ tri: ‘Cái kia có, cái này có’. Như vậy, này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh”.

(Trung bộ kinh, 121 kinh Tiểu Không, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

Rõ ràng không có “cái ta”, “cái tôi”, “cái của ta”, “cái của tôi” trong tất cả các hiện tượng sự vật vốn do duyên hợp, duyên tan, duyên sinh. Chân không là chân đế, niết-bàn, tức là không trụ tâm vào bất kể điều gì (do duyên sanh), tức là hiện tượng và vạn vật lúc này là diệu hữu vậy: không xa lìa mà cũng không nắm giữ, tức là chấp thủ không quấy rối vị ấy, vị ấy tự chứng niết-bàn.

(Trung bộ kinh 140, kinh Giới phân biệt, HT.Thích Minh Châu dịch)

Kinh Tương ưng Uẩn, số 81 Pàrileyya cho thấy những ai thấy “các hành” là vô thường, hữu vi do duyên sanh, “thọ” vô thường, hữu vi, do duyên sanh, “khát ái” vô thường, hữu vi do duyên sanh... Do biết vậy, do thấy vậy (tức là diệu hữu), các lậu hoặc được đoạn tận ngay lập tức, niết-bàn, chân đế (chân không).

“Này các Tỷ-kheo, pháp đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn niệm xứ đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn chánh cần đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn như ý túc đã được giải thích, thuyết giảng. Năm căn đã được giải thích, thuyết giảng. Năm lực đã được giải thích, thuyết giảng. Bảy bồ- đề phần đã được giải thích, thuyết giảng. Thánh đạo Tám ngành đã được giải thích, thuyết giảng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, pháp được Ta giải thích, thuyết giảng.

Dầu cho, này các Tỷ-kheo, các pháp được Ta giải thích, thuyết giảng như vậy, nhưng ở đây có Tỷ-kheo khởi lên suy nghĩ sau đây: ‘Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?’.

Này các Tỷ-kheo, biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức? Ở đây, này các Tỷ- kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, sự quán như vầy là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Từ khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy... xúc ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, do thấy vậy, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức”.

(Tương ưng bộ, chương 22 Tương ưng Uẩn, iii: phẩm Những gì được ăn, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

Đoạn kinh văn trên còn chứng tỏ rằng các lậu hoặc được đoạn tận ngay lập tức, không cần trải qua thời gian, không cần phải tu tập tứ niệm xứ, tứ thiền, 37 phẩm trợ đạo... mà chỉ cần rõ biết các hành là vô thường, hữu vi, do duyên sanh, thọ là vô thường, hữu vi, do duyên sanh, thì sẽ đoạn tận các lậu hoặc ngay lập tức, cứu cánh niết-bàn.

Cho nên, hành giả thời này có thể thành tựu tuệ giải thoát (không có thần thông) qua pháp thuần quán: tất cả các pháp đều vô thường, khổ và vô ngã, không có tự tánh, rồi không sanh tâm chấp thủ bất kể pháp nào, sẽ đoạn tận các lậu hoặc, cứu cánh giải thoát ngay trong đời này. Khi không để tâm trụ ở bất kể pháp nào, thì tất cả hiện tượng vạn vật đều trở thành diệu hữu.


Theo Văn hoá Phật giáo số 330 ngày 01-10-2019

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm