Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Chánh kiến

Đức Phật tuyên bố rằng Ngài xuất hiện ở đời chỉ nói hai điều là chỉ ra cái khổ và con đường diệt khổ cho chúng sanh. Con đường ấy chính là Bát chánh đạo, bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Mục lục


Đức Phật tuyên bố rằng Ngài xuất hiện ở đời chỉ nói hai điều là chỉ ra cái khổ và con đường diệt khổ cho chúng sanh. Con đường ấy chính là Bát chánh đạo, bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Trong tám phần này nếu chúng ta có thể làm được một phần thôi cũng mang lại kết quả thiết thực. Trong bài viết này tôi xin dẫn ra vài sự kiện thực tế để thấy được tầm quan trọng của Chánh kiến.

Như chúng ta đều biết, tế lễ là một nghi thức đặc trưng của Bà-la-môn giáo. Nhiều bài kinh trong A-hàm đã ghi lại những lần hiến tế mà số lượng súc vật như trâu, dê... lên đến hàng ngàn con. Những điều này ta cứ tưởng rằng chỉ xảy ra trong thời cổ đại mấy ngàn năm trước, nhưng có ngờ đâu, chúng vẫn còn được tin tưởng và thực hành ngay trong thời đại văn minh ngày nay. Theo báo The Times of India, tháng 10/2016, một phụ nữ ở Varanarsi bị tố cáo vì tội giết người. Bà ta đã bắt cóc một đứa bé 6 tuổi để làm lễ tế thần cầu vận may. Bà ta, với sự trợ giúp của hai người con trai, đã tắm đứa bé sạch sẽ, mang nó đến trước tượng nữ thần Durga, cắt lưỡi đứa bé dâng lên nữ thần, rồi sau đó bóp cổ đứa bé cho đến chết. Thương tâm hơn nữa là, theo báo Industan Times, một chủ tiệm vàng ở bang Hyderabad, theo lời khuyên của một tu sĩ Kỳ-na giáo, đã ép con gái 13 tuổi của bà ta thực hành nghi thức ăn kiêng (nhịn đói) 68 ngày vì bà tin rằng nhờ đó mà công việc làm ăn của bà sẽ trở nên phát đạt. Đứa bé đáng thương đã chết một ngày sau khi hoàn thành việc ăn kiêng. Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em đã đưa vụ việc lên cảnh sát, tuy nhiên, các tu sĩ Kỳ-na giáo đã không nhận tội, cho rằng không ai có quyền can thiệp vào vấn đề tôn giáo.

Điều đáng nói là những chuyện mê tín như thế không chỉ xảy ra đối với giới bình dân, mà ngay cả viên chức nhà nước đôi khi cũng hết sức mê tín. Cũng theo báo Industan Times, chiếc máy bay dân sự ATR-42 của Hãng hàng không quốc tế Pakistan đã đâm sầm vào sườn núi vào ngày 7/12/2016, làm tất cả 47 hành khách trong máy bay đều chết hết. Qua quá trình sửa chữa và phục hồi, chiếc ATR-42 được đưa vào hoạt động trở lại. Và để “xả xui,” một con dê đen đã được đem ra hiến tế trước chiếc máy bay ngay trước khi nó cất cánh.

Không biết có phải do Ấn Độ hồi đó đầy dẫy sự mê tín dị đoan như vậy nên Đức Phật mới đưa vấn đề Chánh kiến lên hàng đầu (trong Bát Chánh đạo) hay không, nhưng vấn đề mê tín thì rõ ràng là tồn tại khắp nơi trên thế giới, không chỉ thời xưa mà ngay cả thời nay, và chắc chắn là sẽ tồn tại mãi mãi, dù cho khoa học có phát triển đến đâu cũng mặc. Bởi vì bản chất của chúng sanh là vô minh mà. Khi nào chưa thành Phật thì con người vẫn còn tồn đọng vô minh. Còn vô minh nhiều hay ít là do chúng ta có thể giác ngộ tới đâu. Giác ngộ có thể do tu tập, và cũng có thể do học tập từ kinh điển, mượn cặp mắt tuệ giác của Phật để nhìn cuộc đời, nhìn theo chánh kiến. Chánh kiến là gì? Nói một cách đơn giản thì Chánh kiến là cái thấy theo luật nhân quả. Lấy luật nhân quả làm thước đo thì ta có thể hiểu được phần nào việc làm của mình là chánh kiến hay tà kiến. Theo đây thì ta thấy rằng những câu chuyện kể trên là hoàn toàn tà kiến, vì việc làm ác thì không thể có kết quả thiện, làm khổ kẻ khác thì làm sao có được kết quả an vui hạnh phúc được. Như trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy: “Người nào cầu an vui cho mình mà lại lấy dao gậy não hại kẻ khác, thì sẽ không được yên vui. Người nào cầu an vui cho mình mà không lấy dao gậy não hại kẻ khác, thì sẽ được yên vui”.

Chánh kiến cũng tương ưng với Thiện. Như trong Trung Bộ kinh, Đức Phật dạy: “Này chư Hiền! Khi Thánh đệ tử có Chánh tri kiến, có Tri kiến chánh trực... vị Thánh đệ tử tuệ tri được thiện... bất thiện và tuệ tri được căn bản thiện... bất thiện”. Người có chánh kiến là người có thể phân biệt được điều gì là thiện và điều gì là bất thiện. Cụ thể hơn, Đức Phật dạy tiếp: “Này chư Hiền! Thế nào là bất thiện, thế nào là căn bản bất thiện, thế nào là thiện, thế nào là căn bản thiện? Này chư Hiền! Sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói lưỡi hai chiều là bất thiện, nói lời phù phiếm là bất thiện, nói lời hung ác là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất thiện, tà kiến là bất thiện. Này chư Hiền, như vậy gọi là bất thiện. Và này chư Hiền! Thế nào là căn bản bất thiện? Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là căn bản bất thiện”. Chánh kiến tương ưng với Thiện là điều tự nhiên, nó không thể nào tương ưng với bất thiện được, vì bất thiện đưa đến khổ đau, còn Chánh kiến đưa đến kết quả lành, an vui, hạnh phúc. Người sống theo Chánh kiến mà rơi vào khổ đau là điều không thể xảy ra.

Mọi người đều cho rằng xã hội chúng ta ngày càng văn minh tiến bộ, nhưng nhìn từ góc độ Phật pháp thì đó chưa phải là Chánh kiến. Vì, như vừa nói, Chánh kiến phải phù hợp với luật nhân quả và phải tương ưng với điều thiện, và mang lại an lạc trong hiện tại và tương lai. Nếu chỉ mang lại lợi ích cho hiện tại mà có hại cho tương lai cũng không phải là chánh kiến của Phật giáo. Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển, con người sống tiện nghi hơn. Tuy nhiên, nếu như sự tăng trưởng về kinh tế đem lại cho con người chút thoải mái về vật chất, thì chúng cũng kèm theo bao nhiêu điều bất hạnh. Con người không cảm thấy an toàn, ac lạc, hạnh phúc mà ngược lại, chỉ thấy tăng thêm khổ đau, lo lắng, bạo hành, bệnh tật. Đó là vì những phát triển của xã hội hiện đại không làm cho con người trở nên thuần thiện mà chỉ làm tăng thêm tham sân si mà thôi. Con người có thể hưởng thụ những thành quả khoa học kỹ thuật trước mắt, nhưng lại phải trả giá rất đắt, như ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt. Chuyện kể rằng khi Hớn Chung Ly muốn dạy Lữ Đồng Tân thuật chỉ đá hóa vàng để giúp đời, nhưng khi biết rằng vàng ấy sau 3.000 năm thì trở lại thành đá, Đồng Tân chau mày thưa rằng: “Cứu người nghèo bây giờ mà lại làm hại những kẻ 3.000 năm sau nhiều lắm, thiệt tôi chẳng nỡ”. Chung Ly khen Đồng Tân là người nhân đức liền truyền đạo cho. Dùng vàng để giúp đời mà còn nghĩ đến cái hại của người 3.000 năm sau, cái tấm lòng của Lữ Đồng Tân thật phù hợp với Chánh kiến của Phật giáo lắm vậy.

Chúng ta vừa tìm hiểu một số khía cạnh Đức Phật dạy về Chánh kiến. Những lời chỉ dạy này, có lẽ các bạn thấy rằng chúng quá đơn giản. Nhưng để có một kết luận như vậy, Đức Phật của chúng ta đã đánh đổi bằng vô lượng kiếp trong sinh tử, chịu không biết bao nhiêu khổ não trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh... mới tìm ra được một con đường bằng phẳng như thế. Chúng ta ngày nay chỉ có việc đi theo con đường đó mà tránh được khổ nạn trong các nẻo luân hồi. Cũng giống như thuốc Aspirin trị nhức đầu, ví dụ vậy, chúng ta chỉ cần bỏ ra vài ngàn đồng là có thể mua được tại các tiệm thuốc tây. Nhưng chúng ta quên rằng nhân loại đã phải mày mò, thử nghiệm không biết bao nhiêu năm mới phát minh ra được loại thuốc có thể giúp nhân loại giảm bớt cơn đau như vậy. Xã hội ngày nay vô cùng phức tạp, nhiều luồng tư tưởng nổi lên, rồi mỗi người chủ trương một kiểu, ngay cả lời Phật dạy cũng được giải thích theo nhiều lối khác nhau. Đứng trước ma trận thông tin và sự kiện như thế, vấn đề chánh kiến là điều hết sức cần thiết. Nói về tầm quan trọng của Chánh kiến, trong kinh Tương Ưng Bộ, tập 5, chương 1, phẩm Vô minh, Đức Phật dạy như sau:

Này các Tỳ-kheo, ví như sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch đặt hướng sai lạc, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỳ-kheo, vì sợi râu bị đặt hướng sai lạc. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo kiến bị đặt hướng sai lạc, con đường tu tập bị đặt hướng sai lạc, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể đạt Niết- bàn; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỳ-kheo, vì kiến bị đặt hướng sai lạc.

Này các Tỳ-kheo, ví như sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt hướng chân chánh, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì sao? Này các Tỳ-kheo, vì sợi râu được đặt hướng chân chánh. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo kiến được đặt hướng chân chánh, con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này có xảy ra. Vì sao? Này các Tỳ-kheo, vì kiến được đặt hướng chân chánh.

Ai đó đã nói rằng, chúng sanh như người mù đi trong đêm tối, đi được bước nào mừng bước đó, không sa hầm rớt hố là coi như may mắn. Chúng ta rất may mắn được làm đệ tử Phật, được học Phật pháp, lấy Chánh pháp soi đường dẫn lối. Chúng ta cần phải có Chánh kiến để nhận định mọi thứ rõ ràng, đem lại an lạc cho mình và người ở hiện tại và tương lai.

Theo Văn hoá Phật giáo số 270 ngày 01-04-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm