Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Có sinh ắt có diệt

Quán sát vô thường, nhân duyên, có sinh ắt có diệt là một trong những pháp hành quan trọng của giáo pháp Thế Tôn. Thấy được vô thường để bình thường, an nhiên chấp nhận với mọi biến động thường trực trong cuộc sống là một tuệ giác lớn.
Mục lục
Sanh, trụ, dị, diệt là quy luật - Ảnh minh họa của NAG Trần Bích

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc có bà nội, người mà vua rất kính trọng, bỗng nhiên mạng chung. Vua đưa ra ngoài thành hỏa táng, cúng dường xá-lợi xong, mặc áo tang, tóc bù xù, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên.

Thế Tôn hỏi vua Ba-tư-nặc:

- Đại vương từ đâu lại, mặc đồ tang, tóc bù xù vậy?

Vua Ba-tư-nặc thưa:

- Bạch Thế Tôn, con đã mất bà nội mà con rất kính trọng. Bà đã bỏ con ra đi. Con đã đưa ra ngoài thành để hỏa táng, cúng dường xong, rồi đến Thế Tôn.

Phật bảo:

- Đại vương thương kính bà nội lắm phải không?

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, rất kính trọng thương mến. Bạch Thế Tôn, nếu đem những gì có được ở trong nước như voi, ngựa, bảy báu, cho đến ngai vàng đem bố thí hết cho người mà có thể cứu sống bà nội thì con sẽ bố thí hết. Nhưng vĩnh viễn đã không thể cứu được; kẻ sống người chết mãi mãi xa lìa; nhớ thương, buồn khổ, không tự mình vượt nổi. Con đã từng nghe Thế Tôn nói: “Tất cả chúng sinh, tất cả côn trùng, cho đến tất cả quỷ thần, có sinh đều phải chết, rốt cùng cũng phải chấm dứt, không có ai sinh ra mà không chết”. Hôm nay con mới nhận thấy lời Thế Tôn nói đúng.

Phật bảo Đại vương:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Tất cả chúng sinh, tất cả côn trùng, cho đến tất cả quỷ thần, có sinh đều phải chết, rốt cùng cũng phải chấm dứt, không có ai sinh ra mà không chết.” Phật bảo Đại vương tiếp:

- Cho dù dòng họ Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, hay gia chủ, nếu có sinh đều phải chết, không ai không chết. Cho dù là Đại vương Sát-đế-lợi, ở ngôi quán đảnh, làm vua bốn thiên hạ, được sức tự tại; đối với các địch quốc đều hàng phục, cuối cùng không ai là không chết. Lại nữa, Đại vương, dù sinh trời Trường thọ, làm vua Thiên cung, tự tại khoái lạc, cuối cùng cũng phải chấm dứt. Lại nữa, Đại vương, Tỳ-kheo A-la-hán các lậu đã hết, đã lìa các gánh nặng, việc cần làm đã làm xong, đã được lợi mình, hết các hữu kết, chánh trí, tâm khéo giải thoát, vị ấy cũng phải chấm dứt, xả thân vào Niết-bàn. Lại nữa, hàng Duyên giác, khéo điều phục, khéo tịch tĩnh, khi hết thân mạng này, cuối cùng cũng vào Niết-bàn. Chư Phật Thế Tôn đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, hơn tiếng rống sư tử, cuối cùng cũng xả thân vào Bát Niết-bàn. Vì vậy, Đại vương nên biết, tất cả chúng sinh, tất cả côn trùng, cho đến tất cả quỷ thần, có sinh đều phải chết, rốt cùng cũng phải chấm dứt, không có ai sinh ra mà không chết.

Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ: Tất cả loài chúng sinh/Có mạng đều phải chết/ Chúng đi theo nghiệp mình/ Tự nhận quả thiện ác/ Nghiệp ác vào địa ngục/ Làm lành lên trên trời/ Tu tập đạo thắng diệu/ Lậu hết, Bát Niết-bàn/ Như Lai và Duyên giác/ Thanh văn đệ tử Phật/ Đều phải bỏ thân mạng/ Huống là người phàm phu.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1227)

Không ai sinh ra đời mà không chết, có sinh ắt có diệt, hữu hình thì hữu hoại. Mọi người, kể cả các bậc Thánh cũng đều tùy thuận nhân duyên mà bỏ tấm thân tứ đại vô thường. Chỉ có khác biệt là tùy theo hạnh nghiệp lúc sống mà tái sinh vào những cõi vui khổ khác nhau.

Người đệ tử Phật quan tâm đến sự chết mà không hề sợ hãi. Hiểu về sự chết là lẽ thường nhiên để sống tốt, buông bỏ, hỷ xả và làm lợi ích cho cuộc đời.

Theo GIÁC NGỘ online

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm