Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Đi xem hoa hậu

Trong các bài thuyết giảng của Ngài, Đức Phật dùng hình ảnh sau đây để khuyên nhắc các Tỷ-kheo chuyên tâm tu tập pháp môn Thân hành niệm (Kàyagatàsati)...
Mục lục


Trong các bài thuyết giảng của Ngài, Đức Phật dùng hình ảnh sau đây để khuyên nhắc các Tỷ-kheo chuyên tâm tu tập pháp môn Thân hành niệm (Kàyagatàsati):

“Ví như một số đông quần chúng, này các Tỷ-kheo, tụ họp lại và nói: ‘Cô gái hoa hậu của quốc độ. Cô gái hoa hậu của quốc độ!’. Và người con gái hoa hậu quốc độ ấy, với tất cả sự quyến rũ của mình, múa (cho họ xem), với tất cả sự quyến rũ của mình, hát (cho họ nghe). Và một số quần chúng còn đông hơn tụ họp lại và nói: ‘Cô gái hoa hậu của quốc độ múa và hát’.

Rồi một người đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, họ nói với người ấy như sau: ‘Này Ông, hãy xem đây. Đây là cái bát đầy dầu. Ông hãy mang bát dầu ấy và đi vòng quanh đám quần chúng lớn và người con gái hoa hậu của quốc độ. Và một người với cây kiếm giơ cao sẽ đi theo sau lưng Ông. Tại chỗ nào làm đổ một ít dầu, tại chỗ ấy, đầu Ông bị rơi xuống’. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, người ấy có thể không tác ý đến bát dầu, phóng tâm hướng ngoại không?

Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Ví dụ này, này các Tỷ-kheo, Ta nói ra để nêu rõ ý nghĩa. Và đây là ý nghĩa của nó. Này các Tỷ-kheo, cái bát đầy dầu là đồng nghĩa với thân hành niệm.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: ‘Chúng ta sẽ tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành đất nền, làm cho tiếp tục an trú, làm cho tích tập, làm cho khéo có hiệu năng’. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập”[1].

Câu chuyện lưu nhắc của Đức Phật cho chúng ta biết thời nào cũng có thi hoa hậu và quần chúng thì luôn tỏ ra thích thú đi xem hoa hậu. Hoa hậu đẹp mà còn trổ tài múa hát nữa thì quần chúng càng mê say tán thưởng. Hoa hậu có sức lôi cuốn mê hoặc như thế nên Đức Phật mới dùng làm ảnh dụ để nêu bật sự nguy hại của việc thả lỏng, không phòng hộ các căn môn, không tu tập Thân hành niệm. Quần chúng thích thú đi xem hoa hậu thì không sao, vì họ không biết thế nào là phòng hộ căn môn, thế nào là tu tập Thân hành niệm, nhưng người xuất gia mà cũng thích đi xem hoa hậu thì coi chừng bị rơi đầu. Đi xem hoa hậu mà phải trả cái giá to lớn như thế thì chẳng ai còn hào hứng gì nữa.

Vì sao Phật dùng hình ảnh người đi xem hoa hậu phải trả cái giá nguy hiểm như vậy? Có ai thấy ra sự nguy hiểm ấy? Rõ là khó ai hình dung được việc nhìn ngắm các cô hoa hậu lại có nguy cơ bị chém rơi đầu!

Phật đang dạy cho các Tỷ-kheo, những người cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, đang nỗ lực nhiếp phục và đoạn tận tâm cấu uế tham-sân-si, được mệnh danh là những người thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn[2], thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt[3], thường xuyên phòng hộ các căn môn, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác trong đời sống tu tập hằng ngày[4]. Theo lời Phật, Tỷ-kheo mà thích đi xem các cô hoa hậu múa và hát tức là dấu hiệu buông lung phóng dật, không phòng hộ căn môn[5], không chánh niệm tỉnh giác, làm cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý bị thương tật[6], là không tu tập Thân hành niệm, có nguy cơ bị dục tham chi phối làm cho quay cuồng điên đảo, giống như người thế tục.

Thế nào là không tu tập Thân hành niệm? Đó là sự thả lỏng các căn, không phòng hộ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, để mặc cho các căn rong ruổi theo các trần cảnh, không điều phục tâm, không nhiếp niệm, không tỉnh giác trong đời sống xúc chạm hằng ngày. Đó là không chú tâm nhận rõ về các hoạt động, cấu trúc và bản chất của thân thể; không chú niệm về hơi thở; không tỉnh giác khi đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, mặc, ngủ, thức, nói năng, im lặng; không biết rõ kết cấu bất tịnh và thất thường của cơ thể; không thấy được bản chất vô thường hủy hoại của sắc thân vật lý; không định tâm, không thực nghiệm các Thiền chứng[7]. Nói cách khác, không tu tập Thân hành niệm tức là không tu Thiền, không hành Thiền; không biết thế nào là cột buộc tâm, an trú tâm, tu tập tâm, phát triển tâm; không làm cho tâm trở nên an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh[8]; không biết thế nào là tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Hệ quả của lối sống không tu tập Thân hành niệm là như thế này:

“Khi thấy sắc bằng mắt, người đó tham ái đối với sắc đẹp, người đó ghét bỏ đối với sắc xấu, người đó sống với niệm không an trú trên thân, với một tâm nhỏ mọn. Người đó không như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác bất thiện pháp của người đó được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy, đối diện với thân, sơ (thuận, nghịch) có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước thọ ấy. Vì tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy, nên dục hỷ sanh, có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, tức là chấp thủ. Do duyên thủ nên hữu sanh; do duyên hữu nên sanh sinh khởi; do duyên sanh nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Khi người đó nghe tiếng với tai... khi người đó ngửi hương với mũi... khi người đó nếm vị với lưỡi... khi người đó cảm xúc với thân... khi người đó nhận thức pháp với ý, người đó tham ái đối với pháp tốt, ghét bỏ đối với pháp xấu. Người đó sống niệm không an trú trên thân, với một tâm nhỏ mọn. Người đó không như thật tuệ tri đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác, bất thiện pháp của người đó được trừ diệt, không còn dư tàn. Như vậy, đối diện với thân, sơ (thuận, nghịch), có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy. Vì người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy nên dục hỷ sanh. Có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, tức là chấp thủ. Do duyên thủ nên hữu sanh; do duyên hữu nên sanh sinh khởi; do duyên sanh nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này”[9].

Như vậy, không tu tập Thân hành niệm tức là sống buông lung phóng dật, thân không tu tập, tâm không tu tập[10], để mặc cho thân tâm tự do hoạt động theo thói quen tìm kiếm lạc xúc, lẩn tránh khổ xúc, khiến cho tâm thường xuyên rơi vào thuận ứng và nghịch ứng, bị tham ái, ưu bi, các bất thiện pháp chi phối, gọi là bị các pháp thế gian dẫn dắt và trói buộc; tựa như hòn đá nặng được quăng vào một đống đất sét ướt nhuyễn cứ mắc dính và lún sâu vào đống đất sét hoặc như chiếc bình rỗng ruột rất dễ cho mọi người đổ nước vào[11].
 


Rõ ràng, người không tu tập Thân hành niệm thì dễ bị sắc thanh, hương, vị, xúc, pháp dẫn dắt và chi phối, làm cho dao động thất niệm; tâm tư thường xuyên rơi vào thuận ứng và nghịch ứng, trở nên quay cuồng và nhỏ mọn do tập quán luyến ái thiên vị hay tâm cố chấp phân biệt. Nói cách khác, thích thú tìm kiếm các khoái lạc giác quan là biểu hiện của tâm cấu uế, của lối sống phóng dật, không thấy được sự nguy hại khổ não của tâm cấu uế, phóng dật; không biết rõ sự lợi ích an lạc của lối sống phòng hộ các căn, tu tập Thân hành niệm. Kinh Pháp cú lưu nhắc:

Không phóng dật, đường sống,
Phóng dật là đường chết;
Không phóng dật, không chết,
Phóng dật, như chết rồi.

Biết rõ sai biệt ấy,
Người trí không phóng dật,
Hoan hỷ, không phóng dật,
An vui hạnh bậc Thánh
[12].

An vui hạnh bậc Thánh tức là sống theo lời Phật dạy, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần trong đời sống tu tập hằng ngày, thường xuyên phòng hộ căn môn, chuyên tâm tu tập Thân hành niệm. Thế nào là tu tập Thân hành niệm?

Đó là chú tâm nhận biết rõ về sắc thân tứ đại, về các hoạt động, kết cấu và bản chất của thân tứ đại, thể hiện qua các bước hành tập[13]:

- Quán niệm tỉnh giác về hơi thở vào ra: “Ngồi kiết- già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô. Chánh niệm, vị ấy thở ra. Hay thở vô dài, vị ấy biết: “Tôi thở vô dài”. Hay thở ra dài vị ấy biết: “ Tôi thở ra dài” . Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở vô ngắn”. Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập. An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vi ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh”.

- Quán niệm tỉnh thức về các hoạt động đi, đứng, ngồi, nằm: “Tỷ-kheo đi, biết rằng: “Tôi đi”. Hay đứng, biết rằng: “Tôi đứng”. Hay ngồi, biết rằng: “Tôi ngồi”. Hay nằm, biết rằng: “Tôi nằm”. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân thể như thế ấy. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh”.

- Quán niệm giác tỉnh về các hoạt động trong đời sống hằng ngày: “Tỷ-kheo khi bước tới, bước lui biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo tăng-già-lê (sanghati), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng biết rõ việc mình đang làm”.

- Quán niệm tỉnh thức về 32 vật bất tịnh trên thân:

“Tỷ-kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: ‘Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, não, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu’. Này các Tỷ-kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quán sát: ‘Đây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột gạo đã xay rồi’”.

- Quán sát về kết cấu tứ đại trong thân: “Tỷ-kheo quán sát thân này về các vị trí các giới và sự sắp đặt các giới: ‘Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại, và phong đại’. Này các Tỷ-kheo, như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ tử của một người đồ tể giết một con bò, ngồi cắt chia từng thân phần tại ngã tư đường”.

- Quán niệm tỉnh thức về các giai đoạn phân hủy của tử thi: (1) Giai đoạn tử thi trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra; (2) giai đoạn tử thi bị các loài quạ, diều hâu, chim kên, các loài chó, loài dã-can, hay các loài côn trùng ăn; (3) giai đoạn tử thi với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại: (4) giai đoạn tử thi với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại: (5) giai đoạn tử thi với các bộ xương không còn dính thịt, dính máu, còn được các đường gân cột lại: (6) giai đoạn tử thi chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia; (7) giai đoạn tử thi chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc; (8) giai đoạn tử thi chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm; (9) giai đoạn tử thi chỉ còn là xương thối trở thành bột.

Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy”.

- Hành Thiền, chứng và trú bốn Thiền sắc giới: (1) Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm và tứ; (2) Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm; (3) Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “Xả niệm lạc trú”, chứng và an trú Thiền thứ ba; (4) Tỷ-kheo, xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Đức Phật xác nhận người nào có tu tập Thân hành niệm, làm cho sung mãn Thân hành niệm thì Ma vương (tức tham-sân-si, các bất thiện pháp) không có cơ hội chi phối và sai sử người ấy; giống như có người ném một trái banh dây nhẹ vào một cánh cửa làm bằng lõi cây thì trái banh dây nhẹ ấy liền dội khỏi cánh cửa; hoặc như một người dùng khúc cây ướt có nhựa nhen lửa thì lửa không hiện ra; hoặc như một người đổ nước vào một bình chứa đầy nước thì nước liền tràn ra khỏi bình. Trái lại, người ấy, do tu tập, làm cho sung mãn Thân hành niệm, có thể hướng tâm chứng đạt các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh một cách dễ dàng; tựa như một người lực sĩ lắc qua lắc lại cái bình chứa nước tràn đầy thì nước liền trào ra; hoặc như một người đánh xe thiện xảo dễ dàng điều khiển chiếc xe ngựa đi đến chỗ nào theo ý mình muốn. Vị ấy được mô tả thành tựu mười công đức[14]:

(1) Lạc, bất lạc được nhiếp phục, và bất lạc không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy sống luôn luôn nhiếp phục bất lạc khởi lên;

(2) Khiếp đảm sợ hãi được nhiếp phục, và khiếp đảm sợ hãi không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm sợ hãi khởi lên.

(3) Kham nhẫn được lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, mặt trời, các loài rắn rết, các cách nói khó chịu, khó chấp nhận. Vị ấy có khả năng chịu đựng được những cảm thọ về thân khởi lên, khổ đau, nhói đau, thô bạo, chói đau, bất khả ý, bất khả ái, đưa đến chết điếng.

(4) Tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, vị ấy chứng được bốn Thiền, thuần túy tâm tư, hiện tại lạc trú.

(5) Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện một thân; hiện hình biến đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay cho đến cõi Phạm thiên;

(6) Với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người, ở xa hay ở gần.

(7) Với tâm của vị ấy, vị ấy biết tâm của các chúng sanh, tâm có tham, biết tâm có tham; tâm không tham, biết tâm không tham; tâm có sân, biết tâm có sân; tâm không sân, biết tâm không sân; tâm có si, biết tâm có si; tâm không si, biết tâm không si; tâm chuyên chú, biết tâm chuyên chú; tâm tán loạn, biết tâm tán loạn; tâm đại hành, biết tâm đại hành; tâm không đại hành, biết tâm không đại hành; tâm chưa vô thượng, biết tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng, biết tâm vô thượng; tâm Thiền định, biết tâm Thiền định; tâm không Thiền định, biết tâm không Thiền định; tâm giải thoát, biết tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết tâm không giải thoát.

(8) Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời... vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ với các nét đại cương và các chi tiết.

(9) Với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.

(10) Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự mình chứng tri với thượng trí, vị ấy chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát không có lậu hoặc.
 


Nhìn chung, Đức Phật dùng hình ảnh người đi xem hoa hậu dễ bị tai họa rơi đầu để lưu nhắc các Tỷ-kheo phải chuyên tâm thực hành pháp môn Thân hành niệm trong đời sống tu tập hằng ngày. Các Tỷ-kheo phải biết phòng hộ căn môn, tránh xa các đối tượng tiếp xúc dễ gây thất niệm, phải tu tập Thân hành niệm để cột buộc tâm, an trú tâm, thanh lọc tâm, phát triển tâm, khiến cho tâm đi đến an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh, thực chứng tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Người xuất gia mà chuyên tâm thực hành Thân hành niệm thì đối trị được các thói quen ham muốn thường tình của thế gian, không còn bị các pháp hấp dẫn của thế gian lôi cuốn và trói buộc, sống ở thế gian mà tâm không thế tục, không thuận ứng và nghịch ứng, không thích thú mê say khi được thuận duyên, không giận dữ bực phiền khi gặp nghịch cảnh, thể hiện tâm giải thoát, tuệ giải thoát trong đời sống xúc chạm hằng ngày, như lời Đức Phật dạy:

“Khi thấy sắc bằng mắt, vị ấy không tham ái đối với sắc đẹp, không ghét bỏ đối với sắc xấu, vị ấy sống an trú niệm trên thân, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác bất thiện pháp của vị ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy từ bỏ (thuận nghịch), có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy. Vì vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy, nếu có dục hỷ nào đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Khi vị ấy nghe tiếng bằng tai... Khi vị ấy ngửi hương bằng mũi... Khi vị ấy nếm vị bằng lưỡi... Khi vị ấy cảm xúc bằng thân... Khi vị ấy nhận thức pháp bằng ý, vị ấy không tham ái đối với pháp tốt, không ghét bỏ đối với pháp xấu. Vị ấy sống an trú niệm trên thân, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ chúng mà các ác, bất thiện pháp của vị ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy, vị ấy đoạn trừ (thuận nghịch) có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy. Vì vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy, nếu có dục hỷ nào đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”[15].


Chú thích:

1. Kinh Quốc độ, Tương ưng bộ.
2. Tiểu kinh Xóm ngựa, Trung bộ.
3. Kinh Ước nguyện, Trung bộ.
4. Đại kinh Xóm ngựa, Trung bộ.
5. Kinh Cây gai, Tăng chi bộ.
6. Kinh Rắn độc, Tương ưng bộ.
7&8&11&13&14. Kinh Thân hành niệm, Trung bộ.
9&15. Đại kinh Đoạn tận ái, Trung bộ.
10. Đại kinh Saccaka, Trung bộ.
12. Kinh Pháp cú, kệ số 21-22.


Theo Văn hoá Phật giáo số 332 ngày 01-11-2019

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm