Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Điều phục ý căn

Thân chúng ta có đầy đủ sáu căn, nhưng lúc nào chúng cũng phóng ra ngoài. Mắt đuổi theo sắc, tai đuổi theo âm thanh, mũi đuổi theo mùi hương… Sáu căn đuổi theo sáu trần là đi đường mê. Bây giờ muốn trở về bờ giác thì phải quay đầu lại. Tôi sẽ dẫn kinh để nói lên lẽ thật này.
Mục lục
Thân chúng ta có đầy đủ sáu căn, nhưng lúc nào chúng cũng phóng ra ngoài. Mắt đuổi theo sắc, tai đuổi theo âm thanh, mũi đuổi theo mùi hương… Sáu căn đuổi theo sáu trần là đi đường mê. Bây giờ muốn trở về bờ giác thì phải quay đầu lại. Ảnh minh họa
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật đưa tay lên hỏi ngài A Nan: “Ông thấy không?”. Ngài A Nan thưa: “Dạ thấy”. Phật để tay xuống, hỏi: “Thấy không?” Ngày A Nan thưa: “Dạ không thấy”. Ngay đó Phật liền quở: “Ông đã quên mình theo vật!”. Tại sao vậy ?

Đây là câu chuyện nhỏ mà chúng ta ít quan tâm, chứng tỏ chúng ta cũng từng quên mình theo vật. Phật đưa tay lên, ngài A Nan thấy cái tay. Phật để tay xuống, ngài A Nan thấy không có cái tay, chứ không phải không thấy. Thế mà Ngài trả lời “không thấy” nên mới bị Phật quở. Đâu phải cái tay mất là mất cái thấy. Cái thấy là mình, cái tay là cảnh. Không thấy là không thấy cái tay, chứ cái thấy vẫn hiện tiền. Cái thấy hiện tiền mà nói không, đó là quên mình chạy theo vật. Tất cả chúng ta đều quên mình như vậy.

Phật lại dạy ngài La Hầu La đánh chuông “boong” rồi hỏi ngài A Nan: “Ông nghe không?”. Ngài A Nan trả lời: “Dạ nghe”. Lát sau, tiếng chuông bặt, Phật hỏi: “Nghe không?”. Ngài A Nan thưa: “Dạ, không nghe”. Phật bảo ngài La Hầu La đánh chuông một lần nữa và cũng hỏi y như vậy, ngài A Nan cũng trả lời y như vậy. Phật quở: “Ông quả là quên mình theo vật!”.

Như vậy là sao? Trả lời như thế nào mới đúng?

Đánh tiếng chuông “boong” hỏi nghe không thì trả lời “Nghe”. Khi tiếng chuông bặt, hỏi nghe không, trả lời “Không nghe”. Như vậy là đồng hóa cái nghe với tiếng chuông làm một. Nhưng tiếng chuông là cảnh, cái nghe là mình. Cảnh hết chứ cái nghe đâu có mất. Tiếng chuông mất mà bảo “không nghe” tức là quên mình, chỉ biết cảnh thôi. Chúng ta tự kiểm xem lâu nay mình mê hay tỉnh. Thực tế chúng ta đang mê mà không biết mình mê lầm.

Trên đường tu không có gì khó, mà khó tại chúng ta quên mình. Giờ đây tỉnh lại biết quay về mình, đó là xoay về bờ giác. Ảnh minh họa
Qua một chuyện khác, Thiền sư Cảnh Thanh nghe tiếng con nhái bị rắn bắt, kêu la om sòm, ngài hỏi thị giả: “Tiếng gì đó?”

Thị giả trả lời: “Bạch Hòa thượng, tiếng con rắn bắt con nhái, con nhái la”. Ngài liền nói: “Chúng sanh khổ lại có khổ chúng sanh”. Cái gì là chúng sanh khổ? Cái gì là khổ chúng sanh? Con nhái bị con rắn bắt nên nó la, đó là chúng sanh khổ. Thị giả nghe tiếng nhái kêu la mà quên mình có cái hay nghe, đó là khổ chúng sanh. Câu chuyện hết sức đơn giản, nhưng hỏi ra lại thấy rắc rối.

Bây giờ nếu chúng ta muốn trả lời thay cho chú thị giả thì phải trả lời làm sao?. Khó, phải không?

Để thấy rằng nếu đứng trong trường hợp chú thị giả, chúng ta cũng thế thôi. Nhưng sự thật đâu có khó, chỉ cần trả nói: Con nghe tiếng rắn bắt nhái kêu”. Chỉ thêm từ “Con nghe” là có mình. Vì chú thị giả chỉ biết có tiếng thôi mà không biết có mình, nên mất mình. Khác biệt một chút thôi mà nói lên được sự khác nhau giữa người tỉnh và người chưa tỉnh.

Chúng ta tu cũng vậy, luôn quay lại mình, nhớ mình, đừng chạy theo cảnh. Nếu nhớ mình là tỉnh, còn chạy theo cảnh là mê. Như vậy trên đường tu không có gì khó, mà khó tại chúng ta quên mình. Giờ đây tỉnh lại biết quay về mình, đó là xoay về bờ giác.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói tất cả chúng sanh đều có một tinh minh sanh ra sáu hòa hợp. Một tinh minh tức là một cái trong sáng. Cái trong sáng đó sanh ra sáu hòa hợp tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu căn bên trong hợp với sáu trần bên ngoài sanh ra sáu thứ phân biệt, nên gọi là lục hòa hợp. Chúng ta tu là từ lục hòa hợp trở về một tinh minh. Đó là bờ giác. Ngược lại, sáu hòa hợp đuổi theo sáu trần, đó là mê.

Muốn trở về một tinh minh đó, phải ngay nơi sáu hòa hợp đừng dính với sáu trần. Ví dụ cái nhà có sáu cửa đang mở, bên trong có một ngọn đèn néon lớn. Chúng ta đứng ngay cửa, nhìn ra thì thấy tối, xoay lại thì thấy sáng. Đơn giản như vậy. Ngó ra ngoài, đuổi theo bên ngoài là đi trong biển mê. Xoay lại thấy ngọn đèn sáng là trở về bờ giác. Chỉ một cái xoay lại, hết sức giản đơn! Thế thì tu đâu có khó. Lẽ thật như vậy.

Cho nên cũng trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A Nan hỏi Phật: “Cái gì là cội gốc của phiền não sanh tử? Cái gì là cội gốc của Bồ đề Niết bàn ?” Khi đó không những Đức Phật Thích Ca, mà mười phương chư Phật, khác miệng đồng lời, cùng nói to lên rằng: “Sáu căn của ông là cội gốc phiền não sanh tử, sáu căn của ông cũng chính là cội gốc Bồ đề Niết bàn!”. Nên biết tu là nhắm ngay nơi sáu căn, xoay trở về là Bồ đề Niết bàn, chạy ra ngoài là phiền não sanh tử. Việc tu quá dễ, có gì phải nghi ngờ nữa.

Hiện giờ chúng ta ngồi thiền để làm gì? Ngồi thiền là cốt gỡ bớt dính mắc của mắt, của tai, mũi, lưỡi đối với các trần bên ngoài, chỉ chú ý bên trong. Trong sáu căn, điều phục được ý đừng cho chạy theo pháp trần là gốc. Pháp trần là những bóng dáng của quá khứ, chúng ta lưu giữ trong tâm. Khi ngồi yên chúng trào lên khiến mình nhớ cái này, nghĩ cái kia. Do vậy, chúng ta phải điều phục ý khiến nó không còn khả năng lôi mình chạy nữa, đó là mục đích chính của người tu thiền.

Tại sao sáu căn mà chúng ta chỉ điều phục ý thôi? Thật ra, khi mắt thấy sắc, nếu chỉ thấy thôi, không có chú “ý” hợp tác thì đâu có chuyện. Tai nghe tiếng cũng vậy. Cho nên tuy “ý” sâu kín bên trong nhưng nó rất hệ trọng. Làm chủ được ý rồi thì năm căn kia làm chủ được. Vì vậy chúng ta phải quay về, làm sao điều phục cho ý dừng lại, đừng chạy nữa thì thành công. Chú “ý” dừng lại đó là định. Còn nó chạy hoài, đó là loạn.
 

Việc tu rõ ràng không phải chuyện xa lạ ở đâu, vậy mà lâu nay chúng ta cứ tìm kiếm bên ngoài, không biết gốc của sự tu hành. Như ngồi thiền là để dừng ý thức lại, không cho nó loạn động. Dùng cách nào, phương tiện nào cũng được, miễn điều phục được ý là tốt. Ảnh minh họa

Chúng ta làm việc gì đều phải biết được gốc của nó. Nhiều người cứ nghĩ tu thiền cho khỏe mạnh hoặc sống lâu, như thế là không đúng. Tu thiền là điều được ý căn của mình. Cho nên trong nhà thiền có câu chuyện hết sức đơn giản mà lý thú.

Ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch tới chỗ Thiền sư Hồng Ân Trung Ấp thưa: - Bạch Hòa thượng, thế nào là Phật tánh?

Ngài Trung Ấp nói: -Ta không thể nói thẳng được, nên dùng thí dụ này cho ông tạm hiểu: Như có con khỉ nhốt trong lồng sáu cửa. Bên ngoài một con khỉ khác tới kêu “Chéo! Chéo!”. Con khỉ bên trong đáp lại “Chéo Chéo!” Cứ như vậy, con khỉ bên ngoài tới cửa nào cũng kêu, thì con khỉ bên trong đều đáp lại hết.

Nói đến đó ngài Trung Ấp làm thinh.

Ngưỡng Sơn là một tay cự phách trong nhà thiền, nghe xong liền hỏi: “Bạch Hòa thượng, nếu con khỉ bên trong ngủ thì sao?”. Ngay khi đó, Thiền sư Trung Ấp từ trên tòa bước xuống nắm lấy vai Ngưỡng Sơn nói: “Chúng ta thấy nhau rồi!”

Câu chuyện hết sức đơn giản và cũng hết sức rõ ràng. Thiền sư nói “thấy” đó, là thấy cái gì? Con khỉ ở trong là con khỉ ý thức của mình. Con khỉ ở ngoài là sáu trần. Nếu cơ quan nào tiếp xúc và bị dính với một trần thì con khỉ ý thức bên trong liền nhảy ra. Nó cứ phản ứng đều đều như vậy. Nếu con khỉ ý thức lặng rồi thì Phật tánh hiện tiền, không cần giải thích Phật tánh là gì. Cho nên khi con khỉ ngủ thì Phật tánh hiện tiền, vì vậy các Ngài nói “Chúng ta thấy nhau rồi”.

Việc tu rõ ràng không phải chuyện xa lạ ở đâu, vậy mà lâu nay chúng ta cứ tìm kiếm bên ngoài, không biết gốc của sự tu hành. Như ngồi thiền là để dừng ý thức lại, không cho nó loạn động. Dùng cách nào, phương tiện nào cũng được, miễn điều phục được ý là tốt.

Theo: phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm