Với bức thông điệp về Khổ đế và Diệt đế, Đức Phật chỉ cho chúng ta căn bệnh trầm kha đè nặng trên kiếp sống con người hiện đại và nói lên cho chúng ta rõ các căn bệnh ấy đều có thể diệt trừ ngay trong hiện tại.
Hơn 2.500 đã trôi qua, từ khi bức thông điệp của Đức Phật được nói lên tại vườn Lộc Uyển, bức thông điệp vì con người và cho con người, "vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người". Và con người của hơn 2.500 về trước cũng như con người hiện tại, đã mang thân phận con người, đã sống đời sống con người, thì những căn bệnh trầm kha đã đè nặng trên kiếp sống con người 25 thế kỷ về trước, cũng vẫn đè nặng lên kiếp sống con người hiện tại, nếu không phải là tinh vi hơn, phức tạp hơn và do vậy đau đớn hơn, tê tái hơn.
Khi Đức Phật nói lên sự thật thứ nhất, Khổ khổ, Dukkhadukkhatà, sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, cầu không được là khổ, thương phải xa lìa là khổ, ghét phải gặp gỡ là khổ. Ngài chỉ nói lên cho chúng ta thấy thực trạng của con người, một thực trạng liên tục từ hơn 2.500 năm lại đây, gần như là không biến đổi, chỉ có trầm trọng, đau đớn và tinh vi hơn. Ngày này, chúng ta có nhiều bác sĩ bao nhiêu, chế tạo ra nhiều được phẩm bao nhiêu, thì hình như con bệnh càng nhiều thêm bấy nhiêu, chứng bệnh càng nan y bấy nhiêu, như để mỉa mai tất cả sự tiến bộ của Y học rất đáng khích lệ của con người trong hơn 25 thế kỷ lại đây. Khi Đức Phật nhận thức thêm một thực trạng nữa của đau khổ của con người, aniccatà dukkha, vô thường là khổ. Đức Phật chỉ nói lên tính cách giả tạm, biến hoại mỏng manh kiếp sống con người, quá khứ, hiện tại và tương lai. Với những phát minh kinh khủng của khoa học của chiến tranh, với những vận chuyển giao thông càng nhanh chóng tân kỳ, định lý vô thường lại càng chứng minh một cách linh động, một cách khủng khiếp từng giờ từng phút. Bạn của chúng ta đang vui cười hôm nay, ngày mai đã là người thiên cổ. Nhà cửa cao lớn, phố xá trù mật hôm nay, một mai một chiều đã trở thành đống tro tàn trước mắt chúng ta do chiến tranh tàn khốc gây nên. Con người cảm thấy định lý vô thường được áp dụng với tốc độ nhanh chóng hơn, song song với nhịp độ ngày càng nhanh chóng của cuộc sống. Con nít ngày nay đã lớn lên rất mau, khôn ngoan rất mau để mà lập gia đình rất mau, và để mà chết cũng rất mau. Và chúng ta có thể nói, không ai có ý thức rõ rệt định lý vô thường hơn tuổi trẻ Việt Nam, sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, trưởng thành trong chiến tranh và biết bao nhiêu tuổi trẻ đã bỏ mình vì chiến tranh.
Nỗi đau khổ của kiếp người gắn liền, dính chặt vào sự hiện diện của con người trên cuộc đời và trong cuộc đời. Và do vậy, Đức Phật đã nói lên một loại nỗi khổ nữa, tức là pancupàdànakkhadhà, dukkhà, năm thủ uẩn là khổ. Thời hiện tại, nói theo triết gia Heidegger trong các tác phẩm của ông, là thời đại của điêu linh thống khổ vì đêm tối đã bủa vây nhân loại. Theo Jaspers, thì chúng ta đang sống trong tình trạng nghịch lý kỳ dị: thay vì giải phóng con người, kỹ thuật lại tròng lên con người một ách nô lệ mới, tinh vi và tàn khốc hơn. Vấn đề trước đây của con người khi mới xuất hiện trên trái đất, là chinh phục những sức mạnh mù quáng hung bạo của thiên nhiên, để chinh phục và sở hữu hóa hoàn toàn thế giới, nhưng khi đã sở hữu hóa được hoàn toàn thế giới rồi, con người lại đánh mất chính thế giới độc đáo của nhân cách mình, thế giới sinh hoạt kết dệt bằng hoạt động sáng tạo, nhờ đó, con người mới là Con Người đúng nghĩa. Nói tóm lại, con người đã vong thân, đã đánh mất phẩm giá cao quý của mình để chạy đuổi theo hiệu năng và số lượng mà kỹ thuật đòi hỏi, chạy theo những hàng hóa được tân chế hàng tháng, từng tuần, dưới sức thúc đẩy để có điều kiện của kỹ thuật quảng cáo.
Trong thế giới đó, con người không còn nhận ra chính mình nữa như lời tiên tri của thi sĩ Rimbaud: Je suis un Autre, tôi là một kẻ khác. Các nhà tâm lý học, xã hội học thường xuyên bàn giải về nỗi cô đơn, lạc loài của cong người trong đô thị hay giữa đám đông vô danh, về sự nhàm chán do đời sống đã được tổ chức quản trị quá chặt chẽ, khiến con người như bị bưng bít, nghẹt thở, cảm thấy bị cướp đoạt hết tự do, mất hết sinh lực sáng tạo. Họ sống vô mục đích, thiếu tin tưởng trong một thế giới chú tâm quá nhiều đến an toàn vật chất cho con người và biến lòng tin tưởng vào sức mạnh của khoa học kỹ thuật thành một thứ tôn giáo mới. Dần dần, những sự quản trị con người đã biến tướng để đồng nhất với sự quản trị những đồ vật, phục vụ cho những tiêu trừu tượng, con người sang tạo tự do thuở ban đầu, nay đã biến thành con người tổ chức (organization-man), nói theo danh từ của một nhà xã hội học nổi tiếng nước Mỹ (xin đọc Nicolas Berdvaev: Creativity and The Structure of Society in the meaning of the Creative Act, page 255).
Với ba xưng danh: khổ khổ, hoại khổ và năm thủ uẩn khổ, Đức Phật chỉ nói lên thực trạng của kiếp người, con người quá khứ cũng như con người hiện tại. Nhưng đồng thời, Đức Phật cũng nói lên sự thật thứ ba, Diệt đế (Nirodhasacca). Với kinh nghiệm bản thân, Ngài đã tuyên bố: Các sự đau khổ trên có thể diệt trừ được, ngay trong hiện tại nếu con người có đủ bền chí và kiên gan đi theo con đường Trung đạo mà Đức Phật đã giới thiệu trong đạo đế (Magagasacca). Nếu với sự thật thứ nhất khổ đế, Đức Phật đã gióng lên một báo động bi quan, thời với sự thật thứ ba, Diệt đế, Đức Phật cũng gióng lên ngân vang lạc quan của một vị đã giải thoát các sự khổ đau trên. Và thực vậy, trong bốn mươi chín năm thuyết pháp của Ngài, Ngài chỉ nói lên bức thông điệp độ sanh, tìm hiểu những ưu điểm, nhược điểm của con người, rồi Ngài giới thiệu phương pháp thực tiễn hữu hiệu để con người có thể vươn mình thoát khỏi các căn bệnh trầm kha đè nặng trên kiếp sống của con người hiện đại. Khi Đức Phật phân tích con người gồm có Danh (nàma) và Sắc (rùpa), Ngài cho chúng ta thấy con người chúng ta sống ở đời này là bị chi phối bởi hai sức mạnh: Rùpajivitindriyana, sắc mạng căn, và Nàmajivitindriva hay danh mạng căn.
Chính sắc mạng căn khiến chúng ta di đứng nằm ngồi, khiến tim chúng ta đập, phổi chúng ta thở, mạch máu chúng ta chảy, tóc chúng ta dài, thân chúng ta lớn... Chính danh mạng căn khiến chúng ta suy nghĩ điều này, lo âu việc nọ, khi thì tánh tham nổi lên, khi thì tánh sân ngự trị, tóm lại tất cả đời sống tình cảm, tánh tình, tri thức của ta điều bị chi phối từ khi sanh ra cho đến khi chết. Và sự giáo hóa, giáo dục hay tu hành ở đây là làm thế nào phát triển hai sức mạnh Danh mạng căn và Sắc mạng căn một cách tốt đẹp. Nói một cách khác, đạo Phật không có tách rời thân thể ra khỏi tâm trí con người. Không thể có một tâm trí trong sạch trong một thân thể nhớp nhúa, cũng như không thể có một thân thể cường tráng trong một tâm hồn bệnh hoạn.
Từ Danh và Sắc, Đức Phật đi đến phân tích con người thành năm uẩn : Sắc - Thọ - Tưởng -Hành - Thức uẩn. Sự phân chia này nói theo danh từ hiện đại phân tích con người thành năm phần: thân thể - tình cảm - tính tình - tri thức - và trí tuệ. Món ăn, bao tử chúng ta tiêu hóa, khí trời, phổi và da thịt chúng ta thở, khung cảnh chúng ta sống, sách vở chúng ta đọc... đều ảnh hưởng tới Sắc mạng căn và Danh mạng căn của chúng ta. Một đường hướng giáo dục phiến diện chỉ chú trọng một thành phần con người và xao lãng các thành phần khác sẽ đào tạo những con người mất thân bằng cô đơn, lạc long, khắc khoải và cuồng tín như chúng ta đã thấy ở con người hiện đại.
Ở đây, đạo Phật chủ trương một sự giáo hóa, một đường hướng giáo dục phát triển toàn diện, phát triển đồng đều, thăng bằng cả thân và tâm con người, cả năm mặt thân thể, tình cảm, tính tình, trí thức và trí tuệ con người. Đạo Phật tin rằng chỉ có con đường hướng giáo dục ấy mới chữa trị được những thân bịnh và tâm bịnh con người hiện đại, đào tạo được một thế hệ mới, vừa giữ được thoải mái của thân tâm, vừa xây dựng được lòng tin tuổi trẻ, vừa phát triển được những gì tốt đẹp nhất của tình người và con người.
Từ nơi sự phân tích con người thành danh, sắc, năm uẩn, Đức Phật đưa đến phân tích con người thành mười hai xứ túc là sáu căn đối mặt với sáu trần, mắt thấy, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi lếm vị, thân cảm xúc và ý thức pháp. Và đối với con người phàm phu trong quá khứ cũng như trong hiện tại, khi mắt thấy sắc đẹp, thời tham tâm khởi lên, thấy sắc xấu thì sân tâm khởi lên. Khi tai nghe tiếng hay thì tham tâm khởi lên, nghe tiếng khó chịu thì sân tâm khởi lên... Nói tóm lại, khi sáu căn đối mặt với sáu trần thì tham tâm và sân tâm tiếp tục hiện khởi. Các căn của chúng ta sẽ hoàn toàn bị chi phối, hoàn toàn bị sáu trần nô lệ. Các cô càng ngày càng đẹp hơn, quyến rũ hơn; âm nhạc càng ngày càng du dương hơn, quyến rũ hơn; các món ăn càng ngày càng ngon miệng hơn, quyến rũ hơn đều nhằm mục đích tấn công sáu căn của chúng ta, khiến chúng ta trở thành những kẻ bại trận, những kẻ nô lệ. Đức Phật nhận thức được những nhược điểm ấy của con người, nên trong cuộc đối mặt giữa mắt với sắc, tai với tiếng, mũi với hương, lưỡi với vị, thân với xúc và ý với pháp, Ngài giới thiệu cho chúng ta phương pháp hộ trì các căn (Indriyasamvara), sự hộ trì này giúp con người sự chiến thắng tham tâm của mình, một sự chiến thắng mà Đức Phật đã đề cập trong kinh Dhammapada, kệ thứ 103:
Dầu tại bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn địch quân,
Không bằng tự thắng mình,
Thắng mình thắng tối thượng.
Ở đây rất có thể có người ngần ngại cho rằng nếu sự huấn luyện các căn trở thành "trơ như đá, vững như đồng" không còn biết thưởng thức các hay cái đẹp thì đời sống còn gì đáng sống. Sự thật, ở đây không phải vấn đề thưởng thức mà chỉ là vấn đề nộ lệ, vấn đề huấn luyện các căn thế nào khỏi sự chi phối của sáu trần mà thôi. Và sự thoát ly ra ngoài sự chi phối của sáu trần không có nghĩa là con người trở thành gỗ đá, không biết thưởng thức cái hay cái đẹp của cuộc đời. Lịch sử cho chúng ta thấy các kiến thức của Phật giáo, các tượng Phật, tượng Bồ Tát, các hình ảnh ở động Ajanta có thể xem là những kiệt tác nhất nhì thế giới về kỹ thuật và về mỹ thuật, và những nhà tu hành, như đã ghi chép hai tập Trường lão Tăng kệ (Theragàthà). Trưởng lão Ni kệ (Therigàthà) cũng như trong các tập Thiền Uyển Đăng Lục, đã là những nhà thi sĩ tuyệt tác, biết rung cảm trước cái hay cái đẹp của cuộc đời. Dưới đây là bài thơ chữ Hán của Ngài Vạn Hạnh Thiền sư vừa tràn đầy nhạc điệu ý thơ, vừa thâm trầm thiền vị giải thoát để quý vị thấy các nhà giải thoát vẫn có thể vừa là thiền sư vừa là thi sĩ:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời.
Sá chi suy thịnh của đời,
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành).
Sau khi phân tích và tìm hiểu con người, Đức Phật giới thiệu con đường giáo hóa con người của Ngài. Trong kinh Dhammacakkhapavattana - sutta, kinh Chuyển Pháp Luân, Ngài đã bác bỏ hai lối sống cực đoan là hưởng thụ dục lạc và tu hành khổ hạnh, mà Đức Phật xem là hạ phẩm cách con người và không đưa lại hạnh phúc cho con người. Đức Phật giới thiệu con đường Trung đạo (Majjhima Patipadà), con đường chánh tám ngành, tức là Giới học, Định học và Tuệ học. Giới học là phương pháp điều hòa thân, điều hòa hơi thở, điều hòa tâm, để thân tâm khỏi phải phí sức, mệt mỏi, bệnh hoạn, và để thân tâm khỏi phải dao động và tán loạn. Định học là phương pháp tập trung tâm trí vào một đối tượng và nhờ sự tập trung ấy, khai thác được những sức mạnh tiềm tàng trong thân tâm, và những sức mạnh ấy được gọi là định lực. Định học có khả năng hoán chuyển những tâm, tâm sở Dục giới thành những tâm, tâm sở Sắc giới và Vô sắc giới, như sự thay thế năm triền cái tham dục, sân, thụy miên, trạo cử, nghi, bằng năm thiền chi Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Nhất tâm.
Tuệ học là phương pháp dùng trí tuệ để quan sát các pháp đúng với ba pháp ấn Khổ, Vô thường và Vô ngã. Chính nhờ sự quan sát chơn chính, đúng với thực tướng này mà mười kiết sử được đoạn trừ, và con người được giải thoát và giác ngộ. Theo Đạo Phật muốn diệt khổ, phải biết đến khổ, muốn hiểu đời, phải biết nhìn, quan sát đời. Và chính tuệ học giúp chúng ta có một quan niệm chính xác về con người và cuộc đời. Trí tuệ bao giờ cũng chiếm một địa vị ưu tiên, tối thắng và tối hậu trong đạo Phật. Giới-Định-Tuệ nói lên hai căn tánh sẵn có trong mỗi người, định căn và tuệ căn là hai sức mạnh tiềm ẩn trong mọi cá nhân, định lực và tuệ lực mà con người chúng ta quên không biết khai thác. Phương pháp giới định tuệ cũng nói lên sự liên quan mật thiết giữa ba môn học này như đỉnh ba chân, không thể thiếu môn học nào, và chỉ có một sự giáo hóa hay giáo dục toàn diện cả Giới, Định, Tuệ bao hàm cả năm phương diện thể xác, tình cảm, tính tình, tri thức, và trí tuệ mới đào tạo được những con người thăng bằng, bình tĩnh, đủ sức đối trị với những nghịch cảnh của một thế giới hiện đại đầy cam go thử thách.
Phương pháp Giới-Định-Tuệ cũng nêu rõ sự phát triển của một tâm sở, khi được biến chuyển từ dục giới sang sắc giới, Vô sắc giới và qua siêu thế giới, như Tầm tâm sở, Vitakka biến thành Appanà vitakka tức là an chỉ tầm, tức là tầm với khả năng định lực. Lên siêu thế giới, Vitakka biến thành Sammàsakappa hay Chánh tư duy trong Bát Chánh Đạo. Về huệ căn tâm sở cũng vậy, ở dục giới, trong bất thiện tâm thì được gọi là Ditthi hay là tà kiến. Cũng ở dục giới trong Tịnh quang tâm, thì được gọi là nanà hay Trí. Lên đến sắc giới và vô sắc giới, Trí được gọi là Abhinnà hay Tăng thượng trí trong lục thông, được gọi là Vimansa-iddhipada hay Tư duy thần túc trong bốn thần túc, được gọi là Huệ căn, huệ lực trong năm căn, năm lực được gọi là Dhàma vicaya, Trạch pháp giác chi trong Thất giác chi và được gọi là Sammàditthi, Chánh tri kiến trong bát Chánh Đạo ở siêu thế tâm. Như vậy sự chuyển biến của một tâm sở được thành tựu tùy thuộc vào sự tiến triển của từng tâm sở và nghị lực tu trì của từng cá nhân ngay trong hiện tại và trên cương vị hiện tại của mình. Cho nên khả năng hướng thượng của con người thực sự rất tốt đẹp, nếu chúng ta có đầy đủ ý chí và nghị lực muốn cải thiện đời sống của chúng ta.
Chính nghị lực này được Đức Phật đề cập đến với lý thuyết nghiệp và nghiệp báo (kamma và kammavipàka). Đức Phật nêu rõ chính hành động chúng ta tạo thành thân thế sự nghiệp của chúng ta, và hành động ấy chỉ được gọi là nghiệp (kamma) khi nào hành động ấy có dụng ý (cetanà). Với định lý nghiệp báo này, Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy, chúng ta là thừa tự nghiệp báo của chúng ta, kammadàyadà, và vì nghiệp liên hệ đến tư tâm sở cetanà, nên chung quy mọi hành động đều tùy thuộc vào dụng ý của chúng ta, dụng tâm của chúng ta, ý chí của chúng ta, quyết định của chúng ta. Như vậy đời sống hiện tại của chúng ta được tạo ra bởi hành động của quá khứ và hiện tại, và chính những hành động hiện tại và tương lai, tác thành thân thế và sự nghiệp của chúng ta trong tương lai. Nói một cách khác, Đức Phật với định lý Nghiệp và Nghiệp báo này thẳng thắn chỉ cho chúng ta những con người hiện đại, chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm hành động của chúng ta. Tất cả sự đau khổ của con người hiện đại được đề cập đến trong khổ đế đều có thể trừ diệt nếu chúng ta theo con đường Trung Đạo (Majjhima patipada). Con đường này trước hết là một sự phát triển toàn diện và thăng bằng con người cả hai sức mạnh Danh mạng căn, Sắc mạng căn và đủ cả năm mặt thân thể, tình cảm, tính tình, trí thức, trí tuệ. Con đường này cũng là một sự huấn luyện sáu căn, chúng ta được tự chủ và tự tại khi đối mặt với sáu trần.
Với bức thông điệp về Khổ đế và Diệt đế, Đức Phật chỉ cho chúng ta căn bệnh trầm kha đè nặng trên kiếp sống con người hiện đại và nói lên cho chúng ta rõ các căn bệnh ấy đều có thể diệt trừ ngay trong hiện tại.
Với sự phân tích con người thành Danh sắc, Ngũ uẩn, Thập nhị xứ, Đức Phật trình bày cho chúng ta rõ những sức mạnh đang chi phối đời sống chúng ta, những nhược điểm và ưu điểm của con người hiện đại, và đường hướng giáo hóa, giáo dục cần phải khai thác.
Với con đường Trung đạo, Đức Phật giới thiệu cho chúng ta pháp môn Giới-Định-Tuệ, phương pháp giáo hóa và giáo dục một con người toàn diện để con người hiện đại có thể tìm thấy một lý tưởng để sống và để nâng cao giá trị con người.
Và với lý Kamma va Kammavipaka (Nghiệp và Nghiệp báo) Đức Phật giúp chúng ta ý thức được khả năng và trách nhiệm của chúng ta, một khả năng hướng thượng và hướng thiện rất tốt đẹp nếu chúng ta biết phát triển những năng lực tiềm tàng trong con người chúng ta. Đó là bức thông điệp Phật Đản mà Đức Phật đã trao cho chúng ta - những con người hiện đại.