Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Khuyến khích tu pháp sai mắc tội vô lượng

Học lịch sử Phật Thích Ca, chúng ta đều biết trước khi giác ngộ, Đức Phật từng tầm sư học đạo nhiều nơi và đã có những thành tựu nhất định.
Mục lục

Có điều, những thiền chứng ấy không đưa đến chấm dứt luân hồi, giải thoát khỏi khổ đau sinh tử nên Ngài từ giã các vị thầy và hội chúng ấy ra đi. Nhờ tuệ giác chiếu soi để thấy rõ vấn đề, nhờ ý chí dũng mãnh mà quyết định buông bỏ những gì cần từ bỏ nên Đức Phật đã đi đến thành công.
 


Bằng chính kinh nghiệm xương máu của mình, Đức Phật thẳng thắn khuyến cáo người đương thời cũng như hàng hậu học rằng nếu hành trì một pháp tu không đúng, không mang lại giác ngộ và giải thoát thì hãy nên từ bỏ. Sự khích lệ, động viên tu tập thực sự có giá trị khi gặp minh sư và pháp tu đúng. Lời dạy này trở nên vô cùng thiết yếu giúp người học đạo trạch pháp để tìm ra chân lý, nhất là trong bối cảnh có vô số những bậc thầy truyền dạy pháp “dễ tu dễ chứng” khiến cho những người nhẹ dạ nhắm mắt tin theo.

 

“Một thời, Phật ở tại nước Ca-duy-la-vệ, trong khu rừng của Ưu-bà-tắc Miến-kỳ, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo 1.250 người…

 

Phật bảo Châu-na:

 

- Kia tuy có thầy, nhưng ôm giữ tà kiến. Tuy cũng có pháp, nhưng thảy đều không chân chánh, không có khả năng xuất yếu, không phải là pháp được thuyết bởi Đấng Chánh biến tri. Cũng như ngôi tháp đổ nát không thể bôi màu. Các đệ tử kia thành tựu pháp và tùy pháp, tùy thuận theo mà tu hành, nhưng lại khởi tà kiến. Châu-na, nếu có người đến nói đệ tử ấy rằng: Pháp của thầy ngươi là chân chánh. Điều ngươi làm là đúng. Nay ngươi tu hành cần khổ như vậy, có thể ở trong đời này ngươi sẽ thành tựu đạo quả. Các đệ tử kia tin lời ấy, thì cả hai đều thất đạo, mắc tội vô lượng. Vì sao vậy? Vì pháp không chân chánh vậy.

 

- Này Châu-na, nếu bậc thầy không tà kiến; pháp của vị ấy chân chánh, có thể khéo léo nghe theo, có khả năng xuất ly, là pháp được thuyết bởi Đấng Chánh biến tri. Cũng như ngôi tháp mới thì dễ bôi màu. Nay đệ tử của vị ấy thành tựu pháp và tùy pháp, tùy thuận tu hành mà sanh Chánh kiến. Nếu có người đến nói với các đệ tử ấy rằng: Pháp của thầy ngươi là chân chánh. Sở hành của ngươi là đúng. Nay cần khổ tu hành như vậy, có thể ở trong đời này mà thành tựu đạo quả. Các đệ tử kia tin lời ấy, cả hai đều Chánh kiến, được phước vô lượng. Vì sao vậy? Vì pháp ấy chân chánh”.

 

(Kinh Trường A-hàm, kinh Thanh tịnh, số 17 [trích])

 

Trong quá trình học đạo, dĩ nhiên ai cũng có thầy và có pháp. Thầy và pháp là hai nhân tố quan trọng để giúp người học đạo tiến tu. Nhưng thầy cũng có nhiều hạng và pháp cũng có nhiều loại. Nếu gặp phải vị thầy tà kiến, nắm giữ những tri kiến sai lầm và mang những tà pháp truyền dạy cho người cầu học thì chắc chắn kết quả mà người học trò thu được là dính mắc và tà kiến. Dù cho người đệ tử có cố gắng thật nhiều thì nhân sai không thể cho quả đúng được. Kết quả là càng tu càng cố chấp, mắc kẹt, chấp thủ nặng nề.

 

Người đang tu rơi vào tà kiến, kể cả người động viên khích lệ họ cố gắng đều “mắc tội vô lượng”.

 

Vị thầy sáng là người có Chánh kiến, pháp tu đúng phải là Chánh pháp được bậc Giác ngộ tuyên thuyết. Sau một thời gian thực hành mà có sự xuất ly, buông xả, bớt dính mắc và chấp thủ thì đó là dấu hiệu của tu đúng pháp. Mặt khác, nhờ tu tập mà Chánh kiến sinh khởi, hành giả tin sâu nhân quả, quán thấu nhân duyên sinh trong mọi hiện hữu, nhận chân được vô thường sinh diệt của vạn pháp để tự tại tùy duyên. Người tu đúng pháp và người động viên tán thán giúp người tu đúng càng thêm tinh tấn thì cả hai đều “được  phước vô lượng”.

Theo GIÁC NGỘ online

 

 

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm