Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Lễ hội vào thành

Kinh Pháp hội Xuất hiện Quang minh chấm dứt bằng sự việc Đức Thế Tôn đi vào thành Vương Xá, theo lời thỉnh cầu của Đồng tử Nguyệt Quang.
Mục lục


Kinh Pháp hội Xuất hiện Quang minh chấm dứt bằng sự việc Đức Thế Tôn đi vào thành Vương Xá, theo lời thỉnh cầu của Đồng tử Nguyệt Quang.

Một sự sống tưng bừng, hoan hỷ xảy ra. Từ Trời, người, cầm thú, cho đến sự vật đều vui mừng, thậm chí hư không cũng “nói lên trăm ngàn kệ tụng để tuyên dương diệu pháp”.

“Chúng Thiên, Long, Bát Bộ đồng nghiêm sức thành Vương Xá. Nơi ngã tư đường giăng bày màn lụa màu, dây vàng kết xen, chuỗi ngọc thòng rũ... Lại còn những thứ hoa báu rất lạ xen lẫn nhau mà làm thành vòng hoa. Đốt những hương quý, nước thơm rải khắp mặt đường...” .

Với con người thì:

“Đương lúc Đức Phật hạ chân xuống, khắp mặt đất trong thành đều chấn động. Trăm ngàn ức thế giới mười phương cũng đều chấn động. Trong thời gian ấy, kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ xấu thành đẹp, kẻ nghèo được no đủ, không thân thuộc được thân thuộc, thiếu đồ trang sức thì được có đồ trang sức...”.

Chim chóc, cây cối:

“Còn có các thứ chim... Những chim ấy thấy Đức Phật thì vui mừng hót những âm thanh vi diệu làm đẹp lòng. Đức Phật lại hóa hiện vô lượng cây hoa chiêm-bặc-ca, cây hương chiên-đàn, trăm ngàn cây kim cương, đồ quý báu và y phục. Đó là do quả báo phước đức của tất cả chúng sanh chung lại kết thành. Gió nhẹ thổi động, hương thơm tối thắng vi diệu lan khắp vô lượng cõi Phật. Trăm ngàn chúng sanh đồng rải cúng dường Đức Phật”.

Ngay cả hư không cũng cất tiếng ca ngợi và tuyên thuyết giáo pháp:

“Lúc Đức Phật vào thành, tất cả đại chúng nghe tiếng kỳ diệu trên hư không. Tiếng ấy diễn xướng chẳng thể nghĩ bàn, cũng chẳng biết từ đâu xuất phát, nói lên trăm ngàn kệ tụng để tuyên thuyết diệu pháp

Lúc Đức Thế Tôn mới vào thành
Hư không có tiếng nói như vầy
Rõ tham tận biên thường không tịch
Chứng thật tánh ấy được Bồ-đề.
Lúc Đức Thế Tôn mới vào thành

Hư không có tiếng nói như vầy
Rõ tham vô sanh thường không tịch
Chứng thật tánh ấy được Bồ-đề...

Thế Tôn vào thành lợi ích lớn
Đại chúng trời người lòng vui mừng
Ba cõi từ đất đến không gian
Ca ngợi Như Lai khéo an lạc
Bàn chân của Phật vừa ấn đất
Tịnh quang chiếu khắp chưa từng có
Trong thành ngựa tốt vang tiếng diệu
Trên không các chim cũng vui mừng...”
.

Quả là một không khí an vui, hoan hỷ, vui mừng của một lễ hội. Lễ hội hòa hợp của trời người, thú cầm, cây cỏ cho đến hư không, của tất cả hiện hữu.

Quang cảnh ấy, mặc dù đôi khi được diễn tả bằng một ngôn ngữ tượng trưng, cho chúng ta thấy rất khác với những gì chúng ta thường nghĩ về Niết-bàn tịch diệt, tánh Không rỗng lặng, thực tại vô sanh... Niềm vui không bờ bến ấy bởi vì có sự hiện diện của một con người “chứng thật tánh ấy được Bồ-đề”.

Niềm vui tỏa khắp của cả loài hữu tình lẫn vô tình này là sự hài hòa của hai sự tích tập (trí huệ và công đức) đã viên mãn của Đức Phật hòa hợp với công đức, trí huệ và niềm tin của chúng sanh: “Đó là do quả báo phước đức của tất cả chúng sanh chung lại kết thành”.

“Sự hòa hợp của y báo và chánh báo của bậc Giác ngộ với y báo chánh báo của tất cả chúng sanh tạo thành một quang cảnh tưng bừng thanh tịnh như một Tịnh độ.

Lúc Thế Tôn vào thành
Hư không nói như vầy
Nếu thích nhãn tận biên
Thì tôn trọng nơi Phật
Thế Tôn đương vào thành
Hư không nói như vầy
Nếu thích nhãn tận biên
Được tịnh tín bất hoại...
Lúc Phật vào thành mới hạ chân
Thành ấp đại địa đều chấn động
Đồng thấy tịnh quang minh của Phật
Thảy đều khát ngưỡng sanh vui mừng.
Thế Tôn vào thành lợi ích lớn

Trời người đại chúng đều vui mừng
Ba cõi từ đất đến không gian
Ca ngợi Như Lai diệu an lạc...”
.

Như đã nói ở những bài trước, giác ngộ là tánh Không, quang minh và năng lực đã trọn vẹn và tỏa chiếu. Cho nên người quy hướng về Đức Phật thì tiếp xúc, tương ưng được với ba phương diện ấy.

Khi ấy người thấy Đức Phật vào thành là thấy sự biểu lộ của tánh Không, quang minh và thần lực:

Lúc Thế Tôn vào thành
Nếu lìa tướng phân biệt
Thì chẳng thấy vào thành
Chẳng thấy tướng hành động

Được huệ vô phân biệt.
Nếu dùng tướng thấy Phật
Sẽ thấy tướng đổi khác
Người này ắt lo buồn
Được người trí xót thương.
Nơi pháp nếu thấy được
Thì có lo mất pháp
Nơi Phật nếu thấy sanh
Thì có thấy
nhập diệt.
Nếu tu hành nhiều kiếp
Biết rõ tất cả tướng
Chẳng phân biệt (sự) nhập thành
Cũng không tướng
nhập diệt.
Nếu biết tâm tướng Không
Thì nơi chỗ Phật đi
Chẳng phân biệt vào thành
Cũng không tướng
nhập diệt.
Nếu người biết như vậy
Thì thấy được chư Phật
Cũng rõ được tánh Không
Rốt ráo không sanh diệt...


Từ sự việc Hóa thân Phật vào thành, kinh đưa chúng ta đến cái thấy Pháp thân Phật. Cái thấy ấy là cái thấy chẳng phân biệt, cái thấy tánh Không không sanh diệt. Những sự hóa hiện trang nghiêm của Đức Phật đều từ tánh Không để hiển thị tánh Không cho chúng sanh.

Lại hóa các thiên nữ
Nhiều thứ trang nghiêm thân
Người ngu vọng phân biệt
Chẳng biết được như thật.
Đồ trang sức phát thanh
Chẳng từ thân tâm ra
Không đến cũng không đi
Cũng không có phương chốn
Cho đến với sắc tâm
Tất cả đều như vậy...

Con đường Bồ-tát không phải là từ bỏ nhãn nhĩ... sắc thanh... mà là “ở nơi nhãn không chướng ngại” và “chỗ thấy thường thanh tịnh”. Hơn nữa, đó chính là những thần thông Phật. Thần thông ấy là sự vô biên của “nhãn sanh và nhãn tận”, và thấy được như vậy là “trí vô biên”:

Nếu thích nhãn vô sanh
Thì thường không nghi hoặc
Do vì không nghi hoặc
Liền được Phật thần thông.
Nếu thích nhãn vốn Không
Thì thường không nghi hoặc
Do vì không nghi hoặc
Liền được Phật thần thông.
Nhĩ tỷ thiệt thân ý
Sắc thanh hương vị xúc

Cho đến âm thanh, danh
Tất cả đều như vậy.
Biết nhãn sanh vô biên
Phát khởi trí vô biên

Do vì trí vô biên
Nói pháp này cũng vậy.
Biết nhãn tận vô biên
Nơi nhãn không chướng ngại
Được Phật vô ngại trí
Nhĩ tỷ thiệt thân ý
Sắc thanh hương vị xúc
Cho đến âm thanh, danh
Tất cả đều như vậy
.

Người tu Bồ-tát đạo không lìa bỏ, tìm cách không thấy sắc thanh hương vị xúc pháp, mà thấy cho đến tận cùng bản tánh thanh tịnh của các thứ ấy:

Nếu biết sanh tánh Không
Chỗ thấy thường thanh tịnh
.

Chính cái thấy thanh tịnh ấy thấy được quang minh nơi Phật và nơi các Phật sự ở khắp vô lượng cõi:

Lúc Đức Thế Tôn
Đi vào trong thành
Ngón chân ấn đất
Hiện sự hi hữu
Nay tôi nói lược
Chút phần công đức
Khiến khắp chúng sanh
Người nghe vui mừng.
Đạo sư Trời Người
Từ một lỗ lông
Xuất hiện vô lượng
Trăm ngàn quang minh.
Mỗi mỗi quang minh
Khắp vô lượng cõi
Vì các chúng sanh
Mà làm Phật sự...

Tóm lại, Đức Thế Tôn không chỉ vào thành để thọ trai theo lời thỉnh cầu của Đồng tử Nguyệt Quang, mà với cơ hội ấy Chánh pháp được khai thị, Ba Thân tánh Không, quang minh và thần lực biểu lộ. Khi Ba Thân của Như Lai hài hòa với quang cảnh và chúng sanh mà vốn tiềm ẩn Ba Thân ấy, tất cả đều vui mừng, hoan hỷ biểu lộ một lễ hội, một bữa tiệc thọ trai mà trời đất người đều hưởng thụ.

Đó là lễ hội vui mừng, hân hoan kỳ diệu của mọi sự vật khi mọi sự vật, có sự sống hay không, đều được phản chiếu vào tận bản tánh thanh tịnh của chúng. Như mọi hình bóng, sống động hay không sống động, đều được phản chiếu trong một tấm gương sáng sạch bao la không ngằn mé.

Đó là sự biểu lộ của tánh Không, quang minh và thần lực trong việc Thế Tôn đi vào thành.


Theo Văn hoá Phật giáo số 341 ngày 15-03-2020

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm