Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Lời Phật dạy về đạo nghĩa trong gia đình

Theo đạo Phật, vợ chồng, con cái là do duyên số, có mang nghiệp, mang nợ với nhau, chứ không hề tự nhiên mà lấy nhau được. Một gia đình có hạnh phúc, bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách giữa vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em ứng xử với nhau trong gia đình.
Mục lục

Trong việc lập gia đình, người phụ nữ hay người đàn ông đều muốn tìm được một người bạn đời mà họ thương yêu và phù hợp để có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Nhưng trên thực tế, có mấy người xây dựng được tổ ấm lứa đôi theo đúng như sự suy nghĩ tính toán của họ. Bởi lẽ theo Phật dạy, tất cả mọi việc xảy ra trên cuộc đời này đều tùy thuộc ở nhân duyên. 

Thật vậy, thử nghĩ xem cả thế giới này có đến 7 tỷ người mà tại sao hai người lại tìm nhau được, để kết hợp thành cuộc sống vợ chồng. Chẳng những phải có duyên mà còn có nợ nữa, như dân gian ta thường nói có duyên nợ mới nên vợ chồng. 

Phần lớn chuyện vợ chồng là do duyên số quyết định. Tuy nhiên, nếu chỉ đổ thừa cho duyên số thì lại không thực tế. Chúng ta cần phải chọn lựa, mà trong sự lựa chọn của chúng ta có nghiệp, với yếu tố nhân quả chi phối bên trong.

Vợ chồng con cái trong một gia đình chung sống với nhau, mỗi người cần kính trọng, giữ gìn, vun đắp, có như thế hạnh phúc gia đình mới có thể bền vững. Quý Phật tử hãy cố gắng làm trọn đạo nghĩa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em qua những lời Đức Phật căn dặn.
 

Kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều:

1. Cung phụng không để thiếu thốn.

2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.

3. Không trái điều cha mẹ làm.

4. Không trái điều cha mẹ dạy.

5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.

Kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ thế thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)

Trong cuộc sống này, không phải ai cũng làm tròn đạo nghĩa với cha mẹ như lời dạy của Đức Phật. Có những kẻ coi cha mẹ như gánh nặng, hạnh hạ, đánh đập. Gieo nhân nào gặp quả đấy và chắc chắn sớm hay muộn người đó cũng phải chịu quả báo.
 

Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái:

1. Ngăn con đừng để làm ác.

2. Chỉ bày những điều ngay lành.

3. Thương yêu đến tận xương tủy.

4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp.

5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng.(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)

Cha mẹ luôn yêu thương con vô bờ bến, dù có đói nghèo nhưng không bao giờ để con thiếu thốn. Tuy nhiên, yêu thương con cũng cần phải đi kèm với chỉ bảo con những điều đúng đắn, ngay thẳng, ngăn làm đều ác. Có như vậy cha mẹ mới làm tròn bổn phận của mình với con cái.
 

Chồng cũng phải có năm điều đối với vợ:

1. Lấy lễ đối đãi nhau.

2. Oai nghiêm không nghiệt.

3. Cho ăn mặc phải thời.

4. Cho trang sức phải thời.

5. Phó thác việc nhà.

Ấy là chồng đối với vợ cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ. (Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)

Người chồng tốt phải đối xử tử tế với vợ. Chồng có uy nhưng không được cay nghiệt, gia trưởng. Chăm lo cho vợ đầy đủ, giúp đỡ vợ khi cần. Chỉ khi làm được như vậy người chồng mới xứng với lời Phật dạy.
 

Chồng đối đãi vợ có năm điều, vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng: 

1. Dậy trước.

2. Ngồi sau.

3. Nói lời hòa nhã.

4. Kính nhường tùy thuận.

5. Đón trước ý chồng.

Này Thiện Sinh, ấy là vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.(Trường A Hàm, Kinh Thiện Sinh, số 16)


Ngày nay với chế độ nam nữ bình quyền thì điều này là việc bình thường, nhưng vào thời Phật tại thế, nước Ấn Độ chịu sự chi phối của chế độ giai cấp rất hà khắc, nhất là người vợ bị coi như một công cụ để phục vụ chồng, họ chỉ là một “cái máy đẻ” chứ không có quyền hành gì, thì điều dạy này của Đức Phật phải nói là một sự cải cách rất mạnh mẽ và Ngài là người duy nhất dám khẳng định điều đi ngược lại với phong tục, tập quán cổ hủ có từ lâu đời, mà không ai dám chê trách.

Ngoài ra, Đức Phật còn đặt định người chồng phải giao quyền hành cho vợ và người vợ được quyền giữ gìn tài sản của chồng. Hai điều này cũng là sự thay đổi lớn vì vào thời đó, người vợ giống như một người nô lệ không có quyền hành nào và tất nhiên cũng không có quyền cai quản tài sản của chồng.

Lời dạy của Đức Phật cũng rất chính xác về nghĩa vụ phải chung thủy của vợ lẫn chồng, một điều tất yếu rất cần thiết trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà chúng ta thấy ngày nay phần lớn cuộc sống vợ chồng đi tới đổ vỡ, phải ly hôn, vì vợ chồng không sống thủy chung với nhau.

Nguồn: phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm