Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Long Thọ và Khoa học Lượng tử

Trong thế giới thường nghiệm, con người quen sống theo một thói quen lấy cá nhân làm trung tâm qui chiếu mọi nhận định, đó là một định chế đã được huân tập từ ngày con người xuất hiện. Quan niệm định chế này còn được củng cố bằng thế giới khoa học nhị nguyên chỉ thấy vũ trụ rất trật tự, gọi là quan điểm Cartesian dualism
Mục lục

Trong thế giới thường nghiệm, con người quen sống theo một thói quen lấy cá nhân làm trung tâm qui chiếu mọi nhận định, đó là một định chế đã được huân tập từ ngày con người xuất hiện. Quan niệm định chế này còn được củng cố bằng thế giới khoa học nhị nguyên chỉ thấy vũ trụ rất trật tự, gọi là quan điểm Cartesian dualism. Trong một thế giới khoa học rất cụ thể và trật  tự rõ ràng như thế, thì quả thật khái niệm vô ngã và tính không bất định của giáo pháp Duyên khởi mà Long Thọ tập đại thành và cố công giảng luận cũng vẫn khó hiểu cho giới trí thức khoa học.

Nhưng đến thế kỷ XX, khoa học có những tiến bộ vượt bực và cũng nhờ đó đã giúp cho người ta hiểu được tư tưởng vô ngã và tính không của tư tưởng Duyên khởi một cách dễ dàng hơn. Cơ bản là về cơ học lượng tử (quantum physics) đã được khám phá kịp lúc, đồng thời với giới trí thức Tây phương phản tỉnh trở về phương Đông. Cơ duyên hãn hữu này đã giúp quần chúng (cả Tây lẫn Đông) hiểu biết về tinh túy của Phật học dễ dàng hơn. Đặc biệt là thành quả quan trọng khác của học giới Tây phương trong nghiên cứu Phật học là đánh tan tư duy “Á châu mê tín lạc hậu” vốn không chỉ là thành kiến của Tây phương, mà cũng còn là thành kiến của chính giai cấp trí thức bản địa phương Đông.

Từ thế kỷ XX, sự bùng phát của cơ học lượng tử cho thấy thế giới vật chất thực thể không bao giờ có cái “tự tính” để hiện hữu độc lập hay cố định. Từ đầu thế kỷ với thuyết Tương đối người ta đã chứng minh được không gian và thời gian chưa bao giờ là một đại lượng bền vững cố định. Đến giữa thế kỷ, khoa học còn dùng máy gia tốc để thấy rõ sự chuyển đổi giữa năng lượng và khối lượng ngay trước mắt. Rồi “nguyên lý rối” (principle of entanglement) thành hình và “nguyên lý bất định” (uncertainty principle) được chứng minh. Cuối cùng cơ học lượng tử phải kết luận “Vạn vật chỉ là những ý niệm, chúng trống không và vô thường”[1].

Cơ học lượng tử phát biểu như thế, y hệt Long Thọ đã nói. Trước hết, trên căn bản cơ học lượng tử xác định tính bất định của vạn vật, có nghĩa là vũ trụ và cuộc sống là thế giới biến động vô thường và xác suất (uncertainty principle) chứ không phải là một thế giới cụ thể cố định, phân minh, rõ ràng và tiên liệu được, như trước đây của khoa học trong quan điểm Newtonian-Cartesian. Mô hình lý thuyết cơ học lượng tử này gồm những nguyên lý mới đi sâu vào cơ bản “hạ nguyên tử” (subatomic) hoàn toàn chưa được cơ học cổ điển đề cập đến. Đó là mô hình khởi đi từ việc lượng tử hóa các đại lượng vật lý với ba nguyên lý căn bản làm cơ sở nghiên cứu, đó là nguyên lý lưỡng tính sóng hạt (wave-particle duality), nguyên lý rối vướng lượng tử (principle of entanglement) và nguyên lý bất định (uncertainty principle) đã đưa đến các thành quả kỳ diệu của các định luật của cơ học lượng tử không những chính xác hơn (chính xác trong nghĩa là gần với thực tế của vạn vật và giải thích được sự tương tác của chúng) mà còn kỳ thú hơn nữa là không bao giờ có trường hợp ngoại lệ.

Nguyên lý rối lượng tử (principle of entanglement) giống như giáo lý tính Không Duyên khởi mà Long Thọ phát biểu “vạn pháp tùy thuộc lẫn nhau mà hiện hữu”. Từ thập niên 1930 người ta đã bắt đầu nghiên cứu đến sự vướng víu lượng tử (entanglement) và cho đến hai thập niên sau đó thì “nguyên lý rối” được chứng minh và thành hình. Cơ bản “nguyên lý rối” cho thấy trong cơ cấu lượng tử, hai vật hay nhiều vật có những tương hệ (correlations) với nhau bất kể khoảng cách, không phải chỉ tính bằng đơn vị hàng triệu cây số mà tính đến cả niên kỷ ánh sáng. Trong hiện thực, với nguyên lý này người ta không cần trực tiếp quan sát hoặc nghiên cứu vật thể ở một thế giới xa xôi, mà có thể nghiên cứu và quan sát chúng trên các vật thể có “vướng víu” với nó qua các vật thể ta có thể quan sát trước mặt. Vì vậy các phát biểu đại loại như “đôi cánh bướm chập chờn làm rung động trăng sao” không chỉ là một ý từ thi ca mà còn hàm ngụ các nguyên lý khoa học lượng tử. Không làm thơ, ở đây người phát biểu cho thấy sự áp dụng nguyên lý vướng víu thật vô cùng vĩ đại (mà dường như chỉ có thi nhân mới hiểu sớm hơn mọi người). Điển hình cụ thể là người ta có thể vận chuyển con người và vật chất qua không gian với một thời gian của ánh sáng hay còn nhanh hơn ánh sáng (đã có lý thuyết về “nhanh hơn ánh sáng”). Chúng ta có thể làm được điều này vì chúng ta không “gửi” các vật theo nguyên tắc vận chuyển thông thường mà chỉ gửi đi những thông tin, những mật mã lượng tử (giống như ngày nay chúng ta có thể giữ mọi information trong “cloud” và gửi in hằng ngàn vạn trang sách báo bằng các les qua internet trong vài giây). Những người trong thế hệ trước còn nhớ chuyển dịch trong không gian “Beam me up Scoty!” như trong StarTrek.

“Nguyên lý bất định” (uncertainty principle) là một nguyên lý cơ bản khác của cơ học lượng tử [2]. Từ đầu thế kỷ trước lý thuyết lượng tử đã giải thích tổng quát về tốc độ phát xạ của các vật nóng, đến năm 1926 Werner Heisenberg phát biểu nguyên lý bất định rằng “Ta không bao giờ có thể xác định chính xác cả vị trí (động lượng) vận tốc (xung lượng) của một hạt vào một thời điểm. Nếu ta biết được một lượng này càng chính xác thì lượng kia càng kém chính xác”. Và Heisenberg kết luận “nguyên tử và các hạt cơ bản hình thành một thế giới tiềm ẩn có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật thật hữu, nguyên tử thật ra không thực hữu”. Nguyên lý bất định ra đời như một tín hiệu về sự cáo chung cho giấc mơ của Laplace về một lý thuyết khoa học chung của một mô hình vũ trụ hoàn toàn có tính tất định và một tương lai khả dĩ tiên liệu được.

Theo nguyên tắc vật lý cơ bản, để tiên đoán được vị trí và vận tốc tương lai của một hạt, ta cần biết vị trí và vận tốc hiện thời của nó bằng cách chiếu sáng lên hạt vàsựtánxạbởihạtsẽchobiếtvịtrícủanó.Nhưngta không thể xác định vị trí của hạt chính xác hơn khoảng cách giữa hai đỉnh sóng của ánh sáng để đo chính xác vị trí của hạt, nhưng lượng tử ánh sáng này cũng sẽ làm nhiễu động đến hạt, và như thế sẽ ảnh hưởng đến vận tốc của hạt một cách không thể tiên đoán được. Thêm vào đó, càng cần chính xác vị trí của hạt thì càng cần ánh sáng có sóng ngắn hơn, nghĩa là năng lượng càng cao hơn, thì cũng có nghĩa là vận tốc của hạt càng bị nhiễu động lớn hơn. Tóm lại càng cố gắng xác định vị trí hạt chính xác hơn thì việc đo vận tốc nó càng kém chính xác hơn, như vừa nói ở trên “Nếu ta biết được một lượng này càng chính xác thì lượng kia càng kém chính xác.” (Đó cũng là nguyên lý tương ứng của giáo lý Duyên khởi). Tóm lại, Heisenberg chứng tỏ rằng độ bất định về vị trí của hạt nhân với độ bất định về vận tốc của nó nhân với khối lượng của hạt không bao giờ nhỏ hơn một lượng xác định - khoa học gọi lượng xác định này là hằng số Planck. Đây lại cũng là từ “hữu vi” (samskrta) của giáo lý tính Không, khi khẳng định vạn vật không có tự tính (svabhva) để tự sinh tự diệt tự chủ, mà chỉ phát sinh từ sự tương tác giữa các nhân do tạo tác (nhân) và điều kiện tạo tác (duyên).

Gần hai ngàn năm trước, Long Thọ phát biểu về tính Không “vì không thể tìm được tự tính (svabhāva) của chúng trong nhân, trong duyên, trong sự hòa hợp của nhân và duyên, hoặc trong các pháp khác nó, không tìm thấy nó bất cứ ở đâu, vì vậy nên nói rằng tất cả các pháp là không”. Đến thế kỷ XX, khoa học lượng tử cũng nói “người ta không thể tìm thấy tự tính của các hạt không có rõ rệt vị trí, không có vận tốc tách bạch và không hoàn toàn xác định. Thay vì thế chúng ta chỉ có thể quan sát trong một trạng thái lượng tử là tổ hợp của vị trí và vận tốc”[3]. Vì vậy “nguyên lý ngẫu nhiên” hay bất định (uncertainty principle) ra đời. Nguyên lý bất định không dễ hiểu, cho nên trong những năm đầu tiên, ngay cả một bộ óc vĩ đại như Einstein từng nhà một nhà tiên phong trong lãnh vực cơ học lượng tử, mà lúc đầu cũng không thể nghĩ rằng vũ trụ lại được điều khiển bằng sự rủi may của nguyên lý bất định như thế, cho nên ông từng kịch liệt phản đối bằng câu nói danh tiếng “thượng đế không chơi trò may rủi”.

Cơ học lượng tử không tiên đoán một kết quả xác định duy nhất cho một quan sát mà chỉ thấy điều được thể hiện trong tư tưởng tính Không của Long Thọ, rằng “trong tính Không các hiện tượng đều không có cái gọi là tự tính (svabhāva) của chúng để hiện hữu độc lập, mà chúng ta chỉ có thể thấy chúng hiện hữu trong sự tương tác (correlation) giữa các nhân và duyên của chúng mà thôi”. Vì vậy chúng ta chỉ có thể tiên đoán một số kết cục khả dĩ khác nhau được gọi là giả hữu (prajñaptir thi thiết, phương tiện tạm thời) tức là cái hiện hữu tạm thời. Nói cách khác, thí dụ như ta tiến hành cùng một phép đo trên một số lớn các hệ tương tự nhau, thì dù mỗi hệ đều khởi phát một cách hệt như nhau, thì ta sẽ thấy rằng kết quả của phép đo có thể là A trong một số trường hợp, là B trong một số trường hợp khác. Chúng ta chỉ có thể tiên đoán được gần đúng tần số xuất hiện A hoặc B mà không bao giờ có thể tiên đoán một kết quả đặc biệt nào bằng một phép đo nào đó. Đó cũng là ý nghĩa của cái giả hữu (prajñapti) mà Long Thọ thường nói. Mười tám thế kỷ sau Long Thọ thì Niels Bohr (1885-1962, Nobel Vật lý 1922) cũng tuyên bố “Hạt vật chất cơ bản cô lập chỉ là những vật trừu tượng”.

Trong biện chứng lý luận, chúng ta thường nói về học thuyết Nhị đế của Long Thọ thì trong cơ học lượng tử cũng cho thấy chúng ta chỉ có thể tạm xác định một trạng thái lượng tử qua tổ hợp vị trí và vận tốc của nó. Trong lý thuyết bất định lượng tử các hạt không thể có một vị trí cố định, không thể có một vận tốc tách bạch, cho nên không thể hoàn toàn xác định (Phật học gọi là vô trụ hay vô sở trú).

Tóm lại, các hạt vi mô vừa có tính sóng (wave) vừa có tính hạt (particle). Đó gọi là nguyên lý lưỡng tính sóng hạt (wave-particle duality) của toàn bộ vật chất trong vũ trụ: Vật chất di chuyển trong không gian vừa như một sự lan truyền của sóng (wave) tương ứng với vật chất ấy, vừa cũng có tính chất của các hạt (particle) chuyển động. Đây cũng là ngôn ngữ của Long Thọ, chương II “quán về khứ lai” Trung luận gọi bản chất của chuyển động, sự đi và đến của chúng, chỉ là thi thiết giả tạm (prajñapti ).

Nhân về từ “ảo” hay “không thực hữu” ở đây cần nhắc lại theo cơ học lượng tử, cái mà chúng ta quen gọi là hạt electron thực ra chỉ là sự cô đọng trong không gian và thời gian của trường lượng tử electron (vốn chỉ là những khái niệm giúp ta cảm được mà không bao giờ thấy được - dù với sự trợ giúp của máy móc). Cho nên ngay cả cái thành phần cơ bản nhất (hạt electron) mà ta tưởng như là thành phần cơ bản chung của mọi vật chất hữu hình, cuối cùng cũng cái giả hữu (prajñapti) đúng như Long Thọ đã giảng từ hai ngàn năm trước.

Long Thọ cũng đã giải thích không, không phải là “không trơ” hay không hiện hữu, mà chỉ là không tự hiện hữu, không thường trụ và không cố định. Đây cũng là định nghĩa trong cơ học lượng tử, thì cái không là trạng thái cơ bản của vạn vật, nó vô hướng, trung hòa và phi vật chất (trong nghĩa các trường lượng tử đều bị loại bỏ). Do những nhiễu loạn của năng lượng mà trong không vật chất và phản vật chất được phát sinh, tương tác và phân rã trở về với cái không, tiếp tục vòng sinh tử luân hồi; nghĩa là “không mà vẫn tương tác”. Để giải thích cho tư tưởng này Long Thọ cũng đã giảng về giáo pháp Nhị đế tục đế và chân đế[4]. Theo giáo pháp này, chúng ta đồng thời thấy các pháp “giả có” (trong tục đế) nhưng biết rằng (trong chân đế) chúng cũng không “thực có” vì không có tự tính. Trong luận này và tất cả những luận khác thuộc Tùng thư Long Thọ và tính Không, giáo nghĩa Nhị đế như thế luôn luôn được cố gắng lặp lại, nhưng đây vẫn là vấn đề không dễ tiếp nhận được rõ ràng. Cũng may, nhờ có học thuyết cơ học lượng tử chúng ta sẽ rất dễ thấy Nnhị đế không phải là một giáo lý mâu thuẫn khi chúng được lý giải trong chức năng của sóng trong cơ học lượng tử (quantum wave function) khi nhà vật lý giải thích tình trạng của một cơ cấu trong một khung thời gian là hạt hay sóng (wave-particle duality) khi các thành phần cơ bản của nó (fermions và bosons) có thể thấy hoạt động dưới dạng cả sóng (wave) và hạt (particle). Đây vốn là vấn đề trung tâm cơ bản của khoa học lượng tử.
 

Như chúng ta đã nói ở trên về nguyên tắc rối  trong cơ học lượng tử (principle of entanglement) phát biểu rằng tình trạng của một thực thể không thể xác định bởi chính nó mà người quan sát phải lượng tính cả hệ thống lượng tử của toàn hệ thống. Nói cách khác, trong một hệ thống lượng tử tình trạng một thực thể không thể xác định được vì nó tùy thuộc toàn thể hệ thống, tình trạng của mỗi thực thể hoàn toàn tương tác với những thực thể khác. Những điều cơ bản Duyên khởi phát biểu“cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không” khiến Tâm kinh nói “sắc tức thị không, không tức thị sắc” phải chăng chính là điều đến thế kỷ XXI cơ học lượng tử phát biểu “chân không là vật chất, vật chất là chân không” trong kết luận của lượng tử học người ta thấy rằng chân không, vật chất, và cả thời gian không gian cũng đều chỉ là các khái niệm liên kết - như định nghĩa ở trên “cái vật chất” mà ta gọi là “hạt electron” thực ra chỉ là sự cô đọng trong không gian và thời gian (vốn chỉ là những khái niệm giúp ta cảm được mà không bao giờ thấy được - dù với sự trợ giúp của máy móc) của trường lượng tử electron mà thôi.

Những phát biểu như thế khiến có thể lặp lại lời phát biểu của Tổ Long Thọ bằng ngôn ngữ cơ học lượng tử rằng “Các pháp không thể có tự tính (svabhāva) để độc lập, vì chúng là các pháp hữu vi (phải tùy thuộc các nhân duyên điều kiện đã phát sinh ra chúng). Cũng vì vậy mà không thể biểu tỏ được trạng thái, vị trí nhất định của chúng”.

Cho nên, đúng ra theo chân nghĩa thì Phật giáo[5] luôn đồng hành chứ không hề nằm trong trận chiến giữa tôn giáo và khoa học như trong lịch sử Tây phương, nhưng thực tế Phật giáo cũng có hai diện mạo, một phần là chân nghĩa Phật pháp, nhưng phần chân nghĩa này lại thường bị bỏ quên trong các sinh hoạt hình tướng, cho nên đại bộ phận lớn của Phật giáo là giáo tướng quần chúng thì cũng giống như mọi tôn giáo khác thế thôi. Mà cho đến ngày nay tôn giáo viễn mơ và đời sống thực tế vẫn luôn luôn là hai kẻ đối mặt trong mọi lãnh vực. Phật giáo hình tướng thì cũng là một thực tế trong phân cực này [6].

Trong lịch sử nhân loại người ta thường vạch rõ hai thế giới phân biệt. Con người (Đông-Tây xưa-nay thì cũng vậy) vẫn bắt buộc phải sống chung trong sự phân cực đó và đó cũng là lý do thảm họa cơ bản phát sinh. Vì một mặt, khoa học kỹ thuật và kinh tế dù phát triển nhưng vẫn không thể nào đưa ra những câu trả lời hay ý thức hệ nào giải quyết được các mong mỏi của con người tôn giáo trong tâm thức về ý nghĩa giải thoát hay đức tin siêu linh của tôn giáo. Mặt khác, tôn giáo và đức tin cũng trở nên bất lực trước trước sự tấn công của hai mặt trận: thực tế đời sống và lý thuyết khoa học. Chúng ta đang chứng kiến: Thứ nhất là con người tôn giáo lạc lõng giữa thực tế đời sống trong hiện thực kinh tế nhân sinh và môi trường thiên nhiên tàn hoang. Thứ hai là bản chất đức tin là bảo thủ nên giáo lý tôn giáo từ xa xưa vốn đã không thể tương thảo với khoa học - [Tôi không nói tôn giáo đúng hay sai với khoa học và cũng không nói khoa học là cơ bản để phán xét tôn giáo - hay ngược lại - nên ở đây tôi dùng dùng chữ tương thảo].

Và một khi tôn giáo đức tin càng thu hẹp thì người ta càng rút lui về chiến tuyến cực đoan của đức tin. Cụ thể là cá nhân tôi vẫn nhìn chiến tranh Trung Đông hiện nay là phản ảnh sự phá sản và bế tắc của đối kháng giữa các chủ nghĩa cực đoan trong một bối cảnh phá sản về môi trường nhân văn lẫn thiên nhiên. Phía sau, sâu hơn trong tâm thức của mọi người trong cả hai mặt trận là sự vong thân giữa hai bờ vực thẳm. Ngay tại trung tâm của các siêu cường kinh tế và kỹ thuật ngày nay cũng là sự bùng phát của các phong trào, từ “new age” (kỷ nguyên mới), “born again” (trở lại đức tin Thiên Chúa) cho đến các “phong trào chiêm bái cổ tích” gọi là “thiền Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Tạng, Thái Lan v.v.” Phải chăng các “phong trào tâm linh” này cũng chỉ là những biện pháp tự lên đồng, lên đồng tập thể, cố chữa cái nọa tính cố hữu khi nhân loại đã quá lờn với phương thuốc có tên là “đức tin”.

Nửa đầu thế kỷ trước trí thức về phía tả người ta còn chỗ để “phát tiết” để “buồn nôn” hay “tả khuynh” nhưng tiến đến thế kỷ XXI thì hoàn toàn phá sản. Về phía hữu thì người ta đã thấy đấng cứu thế (hay giả cứu thế) của “hội Long Hoa” hay “ngày phán xét” cũng chỉ là những liều thuốc LSD cao cấp của cơn lên đồng tập thể. Ngày nay người ta đã thấy “sạch bóng quân thù” từ nhiều phía nên càng thấy rõ kết quả của lối sống lấy thành quả vật dục làm tiêu hướng xã hội. Các “trí nhân” ngày nay đang cố gắng “không nhìn, không nghe, không nói” để “đóng cửa ngồi thiền tịch lạc” thì thực ra cũng chẳng khác gì các tục nhân “phiêu lãng trong khói thuốc bia rượu”[7].

Giáo pháp tính Không Duyên khởi của Đức Phật giao truyền mà Long Thọ trùng tuyên thì vẫn còn đó, nhưng đầy kham nhẫn và không dễ xâm nhập và phổ biến như các pháp môn Phật học đại trà “ứng dụng” hứa hẹn với đủ hình tướng thỏa mãn, thỏa hiệp giữa những yêu cầu dung tục thực tế và viễn mơ siêu thoát của nhân gian.
 


Chú thích:

1. Von Neumann (1903-1957) nhà toán học và vật lý lượng tử cũng phát biểu tương tự “Không có gì là thật nếu không có ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật”.

2. Tư tưởng này có thể nói băt đầu từ 1900 khi Max Planck. Đến năm 1926 Werner Heisenberg phát triển.

3. Long Thọ cũng giảng “không là không có tự tính” (Hồi tránh luận). Vạn vật chỉ hiện hữu trong tương quan với nhân do tạo tác (nhân) và điều kiện tạo tác (duyên) của chúng.

4. Đọc Nguyệt Xứng giảng về giáo lý Nhị đế trong Nguyệt Xứng nhập Trung Quán luận, Nxb Hồng Đức, 2018.

5. Đương nhiên Phật giáo cũng có hai diện mạo, một là chân nghĩa Phật Pháp, một mặt khác là giáo nghĩa quần chúng thì cũng giống như mọi tôn giáo khác.

6. Lịch sử tư tưởng Tây phương có thể vắn tắt là sự đối kháng giữa Thiên Chúa giáo và Khoa học.

7. Trong sách The Story of Tibet Conversations with the Dalai Lama, tác giả Thomas Laird đã ngạc nhiên khi thấy Đạt- lai Lạt-ma nhận định nguyên nhân sự biến mất Phật giáo ở Ấn Độ ngoài lý do cụ thể là cuộc xâm lăng và tàn phá của Hồi giáo, nhưng cũng còn hai lý do lớn quan trọng khác là tự bản thân Phật giáo lúc đó đã phá sản từ lớp tăng lữ giầu có sa đọa: bên trong thì thiếu tu học, bên ngoài thì đã làm quần chúng mất lòng tin. Một số sử gia Việt Nam cũng đã có chung ý tưởng này khi nhìn lại Việt Nam trong thế kỷ XIX trước sự xâm lăng của thực dân Pháp.


Theo Văn hoá Phật giáo số 317 ngày 15-03-2019

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm