Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Mặc áo giáp đi xuyên qua lịch sử

Lịch sử là kết quả của những hành động đã tạo ra của con người và tiếp tục được tạo ra bằng những hành động hiện tại. Hành động có thể là tốt, xấu, hoặc trung tính. Làm người không ai thoát khỏi việc tạo ra hành động, tạo ra lịch sử, dù của một cá nhân hay một xã hội.
Mục lục


Lịch sử là kết quả của những hành động đã tạo ra của con người và tiếp tục được tạo ra bằng những hành động hiện tại. Hành động có thể là tốt, xấu, hoặc trung tính. Làm người không ai thoát khỏi việc tạo ra hành động, tạo ra lịch sử, dù của một cá nhân hay một xã hội.

Hành động, theo thuật ngữ Phật giáo, là nghiệp (karma), và kết quả của hành động là nghiệp quả. Hành động không chỉ của thân, mà còn có hành động của khẩu và của tâm ý. Lịch sử là sự biểu hiện của nghiệp và nghiệp quả, nghĩa là sự biểu hiện của những hành động của con người. Lịch sử con người là những hưng thịnh và suy vi, những thành công và thất bại, những xây dựng và điêu tàn, những hòa bình và chiến tranh. Lịch sử, với rất nhiều máu và nước mắt, là những vết thương khổ đau in hằn lên cuộc sống của con người.

Một trong những công việc của Bồ-tát là chữa trị những vết thương, những tai hại của giết hại, chiến tranh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, say sưa và chuyển hóa tâm xấu ác của con người để họ không gây ra những nguyên nhân cho những tệ nạn ấy nữa. Thế nên Bồ-tát là người sống cùng chúng sanh, chia sẻ cùng một lịch sử tốt xấu, hưng phế của chúng sanh, nhưng Bồ-tát đi xuyên qua lịch sử mà không có các vết thương, các phiền não nhờ mặc áo giáp của trí tuệ tánh Không và đại bi vô ngại.

“Lúc các đại Bồ-tát mặc đại mũ giáp, ngồi xe Đại thừa, an trụ nơi đạo ấy, nếu chẳng dùng từ bi hỷ xả soi khắp chúng sanh, chẳng yêu chúng sanh như mình, thì mũ giáp Đại thừa ấy cả đại địa chẳng kham chịu nổi, tất cả chúng sanh chẳng thân cận được”.

Mũ giáp ấy là tánh Không, và do tánh Không, Bồ-tát có thể đi vào mọi nơi chốn sanh tử.

“Vì có thể tùy nhập tất cả xứ vậy. Vì các đại Bồ-tát muốn tùy nhập tất cả pháp nên mặc đại mũ giáp. Vì muốn tùy nhập tất cả pháp nên ngồi xe Đại thừa. Vì muốn tùy nhập tất cả pháp nên trụ nơi đại đạo, ở nơi tất cả pháp bình đẳng mà hướng đến vậy”.

Tùy nhập tất cả chỗ nhưng không bị nhiễm ô, vì ở trong tánh Không, không thấy có pháp nào nên không bị vướng mắc:

“Nhưng mũ giáp này chẳng đắc chút pháp nào dầu trong dầu ngoài, dầu thô dầu tế, dầu xa dầu gần, dầu quá khứ hiện tại vị lai, dầu hữu vi hay vô vi, dầu trụ hay chẳng trụ”.

Bồ-tát sống trong chiều kích tánh Không khác với sanh tử, một chiều kích không có không gian, “chẳng đắc chút pháp nào”, một chiều kích không có thời gian, “chẳng đắc chút pháp nào dù quá khứ hiện tại vị lai”. Trong chiều kích ấy, không có không gian và thời gian của sanh tử, nghĩa là không có nghiệp và sự diễn tiến của nghiệp và nghiệp quả, không có chút pháp nào làm nhân, không có chút pháp nào làm quả. Tóm lại, Bồ-tát sống trong chiều kích ngoài lịch sử. Bồ-tát là người trong trắng vô tội với lịch sử:

Bồ-tát người tư duy
Sạch các nghiệp được làm
Nơi nghiệp không chỗ nắm
Hạnh ấy nhiếp nơi đạo.
Bồ-tát người chánh niệm
Trụ trong đạo thanh tịnh
Rõ biết tất cả pháp

Đều Không, không có tướng.
Bồ-tát quán như lý

Nghĩa lý đều bình đẳng
Nơi các pháp vô sanh
Không có chút nghi hoặc.

Bồ-tát mặc áo giáp của đại trí và đại bi, đi xuyên qua những hưng vong, hy vọng và thất vọng của lịch sử:

“Với tất cả pháp, nếu mũ giáp này chẳng lựa chọn được, chẳng quyết rõ được, chẳng biết khắp được, chẳng tùy nhập được, chẳng tác chứng được, chẳng siêu quá được thì chẳng thể gọi là mặc mũ giáp.

Với tất cả pháp, nếu mũ giáp này lựa chọn được, quyết rõ được, biết khắp được, tùy nhập được, tác chứng được, siêu quá được thì mới gọi là mặc đại mũ giáp.

Lại Đại thừa này không có chút pháp nào dầu trong dầu ngoài, cho đến hồi hướng Nhất thiết trí trí. Biết khắp, tùy nhập, tác chứng và siêu quá được nên gọi thừa này là Đại thừa, là pháp thiện xảo thừa, là đến Niết-bàn thừa, là vô thượng thượng thừa, là vô đẳng đẳng thừa”.

Với tất cả pháp lựa chọn được, quyết rõ được, biết khắp được, tùy nhập được, tác chứng được, siêu quá được, nghĩa là biết “thật tánh Không vô sanh của tất cả các pháp”, và cũng có nghĩa là biết tướng tất cả các pháp là như huyễn. Thừa (cưỡi, ngồi xe) Đại thừa trí huệ tánh Không và Đại bi vô ngại như vậy, Bồ-tát đi xuyên qua sanh tử và lịch sử nghiệp của nó mà vẫn giải thoát vì rõ biết thật tướng của lịch sử nên siêu quá được. Con đường vào sanh tử, vào lịch sử nghiệp đó chính là con đường đến Niết-bàn, “thừa đến Niết-bàn”.

Bồ-tát chiến đấu cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp nơi mỗi chúng sanh, do đó sự đi vào những phiền não của chúng sanh là không thể tránh:

“Vô Biên Huệ! Các đại Bồ-tát mặc đại mũ giáp có thể tùy nhập khắp trong hành động của tâm và tâm sở của tất cả chúng sanh, có thể khắp làm sạch tập nhiễm phiền não của tất cả chúng sanh. Các ngài ngồi nơi Đại thừa làm thêm lớn căn lành cho tất cả chúng sanh.

Vì mỗi mỗi chúng sanh với mỗi mỗi hành vi của tâm mãi mãi lưu chuyển cho đến tận cùng bờ mé sanh tử, nên các đại Bồ-tát cầu thuốc trí huệ, chẳng rời bỏ mũ giáp mà mặc mũ giáp kiên cố, mặc mũ giáp thanh tịnh, mặc mũ giáp không nắm giữ, mặc mũ giáp biết tâm tưởng của chúng sanh, mặc mũ giáp biết không có chúng sanh, mặc mũ giáp biết tự tánh của chúng sanh, mặc mũ giáp biết không có ngã, mặc mũ giáp biết tự tánh của ngã...Mặc mũ giáp chẳng có quá khứ, mặc mũ giáp chẳng có vị lai, mặc mũ giáp chẳng có hiện tại, mặc mũ giáp vô tác, mặc mũ giáp không có tác giả”.

Vào sanh tử là vào mỗi mỗi hành động (nghiệp) của tâm chúng sanh, và với tâm thanh tịnh (“mũ giáp thanh tịnh”), Bồ-tát làm việc để tịnh hóa tập nhiễm phiền não cho chúng sanh. Trên nền tảng của cái thấy “không có chúng sanh, không có ngã” vì “không nắm giữ” nghĩa là trên nền tảng tánh Không, công việc của Bồ-tát dù “đến tận cùng bờ mé sanh tử” vẫn không bị ô nhiễm vì “không làm” (vô tác), “không có người làm”, “vì chẳng có quá khứ, chẳng có vị lai, chẳng có hiện tại”, Bồ-tát giải thoát ngay trong công việc hóa độ rộng khắp của Bồ-tát hạnh nơi cõi sanh tử, cõi nghiệp và nghiệp báo của chúng sanh.

Nghiệp là sự chuyển động, tương tác của nhân quả, như những làn sóng đến đi, lên xuống, sanh, trụ, dị, diệt trong đại dương. Nhưng mặt biển vẫn bằng thẳng một đường chân trời, như những dao động hình sin, hình cos luôn luôn lên xuống theo đường quy chiếu là một trục cân bằng, thẳng ngang. Tâm Bồ-tát cũng cân bằng như thế, ở nơi mọi làn sóng lên xuống vẫn bằng thẳng như mặt biển nơi đường chân trời. Đường chân trời bằng thẳng ấy là sự cân bằng vĩnh viễn của nhân và quả. Nhìn rộng ra, lịch sử đích thực chính là sự cân bằng của nhân và quả, là đường chân trời bằng thẳng vô tận cho mọi làn sóng nhân quả lên xuống. bồ-tát sống cái lịch sử độ không và bằng thẳng ấy, là cái tâm bình đẳng ấy, không nghiêng lệch thiên vị, không thương ghét lấy bỏ. Tâm bình đẳng ấy là cái “đạo bình chánh” (bằng thẳng) không thiên lệch, không lấy bỏ vì biết lịch sử là sự biểu hiện của nghiệp cá nhân và nghiệp cộng đồng, và chúng là như huyễn khi đặt chúng vào nền tảng tánh Không, “không có chút pháp nào”: “Lại đại đạo này cũng không có chút pháp nào, dù trong dù ngoài, cho đến có thể ở nơi đại đạo bình chánh của tất cả các pháp mà hướng đến. Đạo bình chánh này không có chút pháp nào mà chẳng biết khắp, thế nên đạo này gọi là vô thượng đạo, vô số lượng đạo, vô đẳng đẳng đạo”.

Đạo bình chánh ấy là tánh Không. Vì tánh Không là vô tự tánh, cho nên nó vẫn có thể để cho nhân quả xảy ra, lịch sử xảy ra trên bình diện chân lý tương đối, quy ước. Nhưng trên bình diện tuyệt đối và tối hậu của tánh Không “không có chút pháp nào dầu trong dầu ngoài, dầu quá khứ vị lai hay hiện tại”. Bồ-tát sống đạo bình chánh ấy, tức là tâm Không, tánh Không.

Bồ-tát đi vào sanh tử, đi vào lịch sử nghiệp của mỗi người, của những tập thể con người, bằng tâm Không, bằng tâm như tấm gương sáng khắp (Đại viên cảnh trí). Tấm gương tâm Không ấy chứa tất cả mọi hiện hình của bóng, sự chuyển động lên xuống hợp tan của mọi bóng, nhưng không ô nhiễm bởi các bóng. Các bóng với nghiệp của chúng đều có trong gương nhưng không có bóng nào dính chặt được vào gương; vì với gương, các bóng đều như huyễn.

Đó là con đường Bồ-tát hạnh, tự giác giác tha trong tánh Không, tích tập trí huệ và công đức nơi sanh tử trên nền tảng tánh Không và đại bi, nên càng đi vào lịch sử thì càng giải thoát và giác ngộ.

Theo Văn hoá Phật giáo số 275 ngày 15-06-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm