Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Mục đích cuối cùng của sự tu học là chấm dứt tái sinh

Theo Phật giáo Nguyên thủy, mục đích cuối cùng của sự tu tập theo giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và khéo thuyết giảng là chấm dứt tái sinh trong tương lai, là không còn phải luân hồi sinh tử nữa, là chấm dứt mọi sự hiện hữu dù bất kỳ ở đâu và dưới mọi hình thức nào, điều đó cũng có nghĩa “tu là để chết”, một cái chết cuối cùng.
Mục lục

Nếu nói rằng “tu là để chết” thì ắt hẳn nhiều người sẽ phản biện lại rằng nếu tu là để chết thì cần gì phải tu, ai mà rồi chẳng phải chết. Và họ cho rằng mục đích của tu là để thành Phật, thành Thánh, để nhập vào Niết-bàn Vô dư, nơi đó chỉ toàn là hạnh phúc, sung sướng mà không có khổ đau. Nhưng đó chỉ là hiểu biết vô minh, là hiểu biết sai sự thật, là không liễu tri Niết-bàn như trong kinh Pháp môn căn bản đã đề cập đến về sự hiểu biết của kẻ phàm phu: “Người ấy tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn, người ấy nghĩ đến Niết-bàn, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn. Nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, người ấy nghĩ: ‘Niết-bàn là của ta’ - dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói: Người ấy không liễu tri Niết-bàn” (Kinh Trung bộ, số 1, kinh Pháp môn căn bản, HT.Thích Minh Châu dịch).
 


Vậy “tu để chết” ở đây có gì khác? Trước hết phải hiểu chết là gì? Trong kinh Tương ưng bộ (Tương ưng nhân duyên) có định nghĩa về chết như sau: “Cái gì thuộc chúng sinh này hay chúng sinh khác, thuộc bộ loại chúng sinh này hay thuộc bộ loại chúng sinh khác, sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể vứt bỏ. Đây gọi là chết” (HT.Thích Minh Châu dịch).

 

Như vậy gọi là chết, phàm và thánh thì ai mà chẳng phải chết vì “các pháp hữu vi đều vô thường”. Vậy thì có gì khác nhau đâu, giữa cái chết của phàm phu và thánh nhân? Kẻ phàm phu vì Vô minh và Hữu ái chi phối, nên trong tiến trình chết (giai đoạn cận tử) thì khởi lên sự lo lắng, hoang mang, sợ hãi đến tột độ chính vì tâm Hữu ái được kích hoạt, vậy nên sau khi từ bỏ thân xác hiện tại lại tìm kiếm sự sống, chấp vào thân xác khác mà trong kinh Đức Phật nói là “tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái”. Và trong khoảnh khắc đó từ thân xác của kẻ phàm phu thoát ra một trường năng lượng lớn để phát sinh một dạng vật chất vi tế mà mắt thường không thể nhìn thấy được khiến cho cơ thể trở nên lạnh toát, dạng vật chất vi tế đó mang tính chất sóng và hạt có khả năng sao chép toàn bộ lượng thông tin pháp trần và thông tin di truyền trong kho chứa tâm thức gọi là thức Tái sinh hay là Hóa sinh. Đời sống Hóa sinh có thể dài ngắn khác nhau từ vài ngày cho đến hàng ngàn năm, chỉ đến khi nào nghiệp cạn kiệt, cũng với tâm lý tìm cầu sự sống nên Hóa sinh đó lại đi vào Thai sinh hoặc Noãn sinh, và cứ như thế lại tiếp tục một đời sống mới, chịu nỗi khổ đau của sinh già bệnh chết. Trong kinh, Đức Phật nói rằng:

 

“... Nhiều lần và nhiều lần
Mệt sức và lao khổ
Nhiều lần và nhiều lần
Kẻ ngu nhập bào thai.
Nhiều lần và nhiều lần
Lại sinh rồi lại chết
Nhiều lần và nhiều lần
Họ mang đến nghĩa địa...”
(Kinh Tương ưng bộ, chương VII, Tương ưng Bà-la-môn, 
HT.Thích Minh Châu dịch)

 

Như vậy, giai đoạn từ đời sống một con người phàm phu khi trải qua giờ phút lâm chung đến đời sống một Hóa sinh, từ Hóa sinh lại chuyển vào Thai sinh hoặc Noãn sinh đối chiếu với 12 Duyên khởi chính là 4 chi phần đầu tiên là Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh-Sắc. Điều đó có nghĩa là kẻ phàm phu do hiểu biết vô minh rằng Khổ, Khổ tập, Khổ diệt và Con đường khổ diệt là ở nơi thế giới ngoại cảnh, cho nên họ cho rằng sự sống, sự hiện hữu là cao quý, mầu nhiệm, còn sự chấm dứt hiện hữu là đau khổ vô cùng, thông tin đó được cài đặt và lưu giữ nơi kho chứa tâm thức từ trong vô thủy, và hễ khi sự sống, sự hiện hữu bị đe dọa thì thông tin đó lại được trí nhớ (Niệm) kích hoạt. Và do Vô minh nên khi đó sẽ phát sinh Hành vi tìm cầu sự sống, sự hiện hữu, sự bình an, “tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái”. Từ Hành vi tìm kiếm đó mà phát sinh Thức (tái sinh) trở thành một Hóa sinh, và Hóa sinh đó trải qua một đời sống dài ngắn khác nhau cho đến khi nào nghiệp cạn thì có sự nhập thai. Sự nhập thai diễn ra khi Hóa sinh có duyên thích ứng để tương tác với tinh cha huyết mẹ mà hình thành nên bào thai, rồi bào thai đó được nuôi dưỡng bởi các chất dinh dưỡng từ trong bụng mẹ mà dần dần hình thành một Danh-Sắc mới, đó chính là kiếp sống tiếp theo của kẻ phàm phu. 4 chi phần đầu của 12 Duyên khởi đó chính là quá trình luân hồi tái sinh.

 

Đến đây thì có thể thấy rằng, cái chết của kẻ phàm phu chỉ là tạm thời, mang tính tương đối, chết ở đời này rồi lại tái sinh, rồi lại chết... cứ như thế mãi mãi không bao giờ chấm dứt, ngừng nghỉ. Cái chết đó nếu nói cho đúng thì chỉ là “qua đời” mà thôi.

 

Còn đối với bậc Thánh nhân, các vị A-la-hán thì sao? Do Bốn niệm xứ được tu tập đi đến viên mãn, do Bảy giác chi được tu tập đi đến viên mãn... mà Tham được đoạn tận, Sân được đoạn tận, Si được đoạn tận, 10 kiết sử được đoạn tận, đạt được Chánh trí ngay trong hiện tại: “Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, không còn trở lại đời này nữa”. Đời sống của vị ấy đã chấm dứt hoàn toàn mọi nguyên nhân đưa đến khổ nơi nội tâm, Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái đã được đoạn tận, nghĩa là đã “đoạn tận sự tái sinh, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sinh, không thể sinh khởi trong tương lai”. Chính vì các vị như thật rõ biết “còn sinh y là còn khổ, còn hiện hữu là còn khổ”, các vị hiểu vậy nên không bao giờ tán dương sự hiện hữu mà hướng đến phi hiện hữu như kinh cũng đã đề cập đến: “Ví như, này các Tỷ-kheo, một ít phân có mùi hôi thúi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về hiện hữu dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay.
 

Ví như, này các Tỷ-kheo, một ít nước tiểu có mùi hôi thúi... một ít nước miếng có mùi hôi thúi.... một ít mủ có mùi hôi thúi... một ít máu có mùi hôi thúi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về hiện hữu dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay” (Kinh Tăng chi bộ, chương Hai pháp, phẩm Makkhali, HT.Thích Minh Châu dịch).

 

Và ngay sau khi giác ngộ, Đức Phật cũng đã tuyên bố rằng:

 

“Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp
Người xây dựng nhà này
Khổ thay, phải tái sinh”.
“Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi
Ngươi không làm nhà nữa
Đòn tay ngươi bị gãy
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt
Tham ái thảy tiêu vong”.
(Kinh Pháp cú, kệ 153 - 154)

 

Rồi Ngài cũng khẳng định thêm rằng:

 

“Cha sầu vì con cái
Người chăn sầu vì bò
Người sầu vì sinh y
Không sinh y, không sầu”.
(Kinh Tương ưng bộ I, chương IV, Tương ưng ác ma, 
HT.Thích Minh Châu dịch)

 

Khi còn tuổi thọ, thì thân và tâm (Danh-Sắc hay Năm uẩn) vẫn phải chịu quy luật vô thường, hữu vi, biến hoại, chỉ đến khi tuổi thọ chấm dứt, vị ấy chết nhưng với một tâm lý hoàn toàn bình thản, không sợ hãi, không dao động. Đó là một cái chết hoàn toàn, Đức Phật ví trạng thái đó như “dầu hết đèn tắt”, không còn đi về đâu, chấm dứt hoàn toàn mọi sự hiện hữu dưới mọi hình thức. Đó cũng chính là sự Nhập diệt hay Vô dư Niết-bàn, đó mới chính là “vô thượng an ổn khỏi mọi khổ ách”. Vì sao chấm dứt mọi sự hiện hữu mới chính là “vô thượng an ổn khỏi mọi khổ ách”? Ví như đời sống của một người giàu sang, quyền lực, hạnh phúc, an lạc nhất thế gian thì hàng ngày khi có sự hiện hữu như vậy người đó vẫn phải chịu những phiền toái nhất định như khi đói, khi đau, khi xúc chạm với những đối tượng không khả ái hàng ngày. Còn nếu khi vào buổi tối người đó được ngủ một giấc ngủ say ngon lành không có mộng mị gì đến tận sáng ngày hôm sau, thì giai đoạn ngủ say đó mặc dù không có hạnh phúc gì nhưng cũng vắng mặt hoàn toàn mọi phiền toái. Sự Nhập diệt của vị A-la-hán cũng giống như ngủ một giấc thật say không mộng mị như vậy, nhưng giấc ngủ đó là kéo dài vĩnh viễn (tịch diệt vi lạc). Đó cũng chính là mục đích cuối cùng mà “những Thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, bỏ gia đình, sống không gia đình” hướng tới.

 

Như vậy, tu tập Bát Chánh đạo để đạt được mục đích cuối cùng là một cái chết bình thản, an lạc, không còn bị tái sinh để chịu những nỗi thống khổ của sinh, già, bệnh, chết trong tương lai nữa. Đó là một cái “chết” tuyệt đối, “chết” hoàn toàn, “chết” hẳn.
 

Theo GIÁC NGỘ online

 

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm