Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Năm phương pháp đưa đến định tâm

Trong kinh An trú tầm (Vitakkasanthàna Sutta) thuộc tuyển tập Trung bộ, Đức Phật nêu ra năm phương pháp làm sạch các cấu uế nội tâm, khiến cho tâm đạt đến an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.
Mục lục


Trong kinh An trú tầm (Vitakkasanthàna Sutta) thuộc tuyển tập Trung bộ, Đức Phật nêu ra năm phương pháp làm sạch các cấu uế nội tâm, khiến cho tâm đạt đến an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ngài dạy vị Tỷ-kheo muốn thực tu Tăng thượng tâm thì cần phải thường thường tác ý năm tướng. Đó là:

1. Tác ý đến một tướng thiện khiến cho các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong.
2. Quán sát sự nguy hiểm của các ác bất thiện tầm khiến cho các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong.
3. Không ức niệm, không tác ý đến các ác bất thiện tầm khiến cho các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong.
4. Quán sát hành tướng của các ác bất thiện tầm và sự an trú các tầm ấy khiến cho các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong.
5. Nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm khiến cho các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong.

Nguyên văn lời Phật dạy:
“Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo muốn thực tu Tăng thượng tâm cần phải thường thường tác ý năm tướng. Thế nào là năm?
Ở đây, Tỷ-kheo y cứ tướng nào, tác ý tướng nào, các ác bất
thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, ví như một người thợ mộc thiện xảo hay đệ tử một người thợ mộc, dùng một cái nêm nhỏ đánh bật ra, đánh tung ra, đánh văng ra một cái nêm khác; chư Tỷ-kheo, cũng vậy, khi một Tỷ-kheo y cứ một tướng nào, tác ý một tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sanh khởi, thời này chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, khác với tướng kia, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.
Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy khi tác ý một tướng khác với tướng kia, liên hệ đến thiện, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, thời này chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy: ‘Đây là những tầm bất thiện, đây là những tầm có tội, đây là những tầm có khổ báo’. Nhờ quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, ví như một người đàn bà hay người đàn ông trẻ tuổi, trong tuổi thanh xuân, tánh ưa trang sức nếu một xác rắn, hay xác chó, hay xác người được quàng vào cổ, người ấy phải lo âu, xấu hổ, ghê tởm. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy, nếu Tỷ-kheo ấy nhờ quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy... nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.
Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy trong khi quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, thời này chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải không ức niệm, không tác ý những tầm ấy. Nhờ không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, ví như một người có mắt, không muốn thấy các sắc pháp nằm trong tầm mắt của mình, người ấy nhắm mắt lại hay ngó qua một bên. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy, nếu Tỷ-kheo ấy, trong khi không ức niệm, không tác ý các tầm ấy... nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.
Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy trong khi không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, thời này chư Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy. Nhờ tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người đang đi mau, suy nghĩ: ‘Tại sao ta lại đi mau? Ta hãy đi chậm lại’. Trong khi đi chậm, người ấy suy nghĩ: ‘Tại sao ta lại đi chậm? Ta hãy dừng lại’. Trong khi dừng lại, người ấy suy nghĩ: ‘Tại sao ta lại dừng lại? Ta hãy ngồi xuống’. Trong khi ngồi, người ấy suy nghĩ: ‘Tại sao ta lại ngồi? Ta hãy nằm xuống’. Chư Tỷ-kheo, như vậy người ấy bỏ dần các cử chỉ thô cứng nhất và làm theo các cử chỉ tế nhị nhất. Chư Tỷ- kheo, cũng vậy, nếu Tỷ-kheo ấy tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy... nội tâm được an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.

Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy trong khi tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tâm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, thời chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu, hay nắm lấy vai, có thể chế ngự, nhiếp phục, và đánh bại. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy, nếu Tỷ-kheo ấy trong khi tác ý hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, thời chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ trừ diệt chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh”.
Bài kinh nói đến Tăng thượng tâm (Adhicitta) tức là nói đến Thiền (Jhàna), nói đến tu tập tâm, phát triển tâm (cittabhàvanà); nhấn mạnh cách thức để đạt được Tăng thượng tâm tức là nhấn mạnh cách thức hành Thiền sao cho có kết quả; vì Thiền (Jhàna) chính là Tăng thượng tâm (Adhicitta).
Thiền (Jhàna) được định danh là Tăng thượng tâm (Adhicitta) vì Thiền là pháp môn tập trung nhìn vào tâm, uốn nắn tâm, điều phục tâm, thanh lọc tâm, phát triển tâm (cittabhàvanà), khiến cho tâm được nhận biết, được giáo dục, được nhiếp phục, được trong sáng, được tăng thượng, đạt đến an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Tăng thượng tâm cũng được hiểu theo nghĩa nâng cao tâm thức nhờ thanh lọc tâm khỏi các cấu uế tham-sân-si, khiến cho tâm thoát khỏi sự trói buộc của năm dục trưởng dưỡng, thoát khỏi dục giới, lần lượt đạt đến sắc giới, vô sắc giới và siêu thế. Sở dĩ tâm không đi đến tăng thượng, không đạt đến an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh là bởi tâm bị các cấu uế tham-sân-si hay năm triền cái trói buộc và che mờ, làm cho ô nhiễm, làm cho phân tán, làm cho quay cuồng, làm cho dao động. Chính vì vậy mà Đức Phật khuyên người tu Thiền cần phải thường xuyên vận dụng năm phương pháp tu tập, cốt yếu thanh lọc tâm tư, làm sạch các cấu uế tham-sân-si, khiến cho dòng tâm thức trở nên trong sáng, tức các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vọng. Khi tâm được thanh lọc khỏi các cấu uế tham-sân-si thì bấy giờ tâm đi đến trong sáng, tăng thượng, đạt đến an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh, như Bậc Giác ngộ đã xác nhận: “Chính nhờ trừ diệt chúng (các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si), nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh”.

Như vậy, để thực tu Tăng thượng tâm hay để hành Thiền có kết quả thì việc quan yếu của người tu Thiền là phải biết học cách thanh lọc tâm, làm cho tâm trong sáng, sạch các cấu uế tham-sân-si, không còn bị các tư tưởng (tầm) liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si chi phối. Đức Phật dạy có năm cách để đạt được Tăng thượng tâm hay đắc định:
Cách thứ nhất là dùng một niệm thiện để xua tan các tư tưởng hay ý niệm bất thiện, tức là các ác bất thiện tầm gắn liền với tham-sân-si: Cách thức này được vận dụng khi vị Tỷ-kheo nương vào một đối tượng (y cứ tướng) nào đó để suy tư hay hướng sự chú ý của mình nghĩ về một đối tượng (tác ý tướng) nào đó và nhận ra dòng tư tưởng của mình bị tham-sân-si chi phối, nghĩa là các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si khởi lên, thì lúc bấy giờ vị ấy phải chặn đứng dòng tư tưởng bất thiện ấy bằng cách hướng sự chú ý của mình sang (tác ý đến) một đối tượng khác hiền thiện hơn và an trú tâm trên đối tượng ấy, khiến cho dòng tư duy bất thiện (các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si) được chặn đứng, được xua tan. Ví dụ, trong lúc hành Thiền mà rơi vào hôn trầm thụy miên (tâm uể oải ngái ngủ) hay trạo cử (tâm bị tham dục làm cho dao động) thì bấy giờ vị hành giả có thể hướng mạnh tâm mình vào việc nghĩ nhớ đến Đức Phật, tìm thấy tịnh tín hân hoan trong việc suy niệm về đức tánh giác ngộ và các Thánh hạnh của bậc Chánh đẳng giác, nhờ đó trạng thái tâm hôn trầm thụy miên hay trạo cử được chặn đứng, được xua tan. Đức Phật gọi đây là phương pháp làm thanh tịnh một tâm uế nhiễm với phương pháp thích nghi. Ngài nêu rõ: “Và này Visàkhà, thế nào là làm thanh tịnh một tâm uế nhiễm với phương pháp thích nghi? Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Phật: ‘Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn’. Do vị ấy niệm Như Lai. tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận”[1].
Phương pháp thứ hai là nghĩ đến sự nguy hiểm của các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si hay dòng tư tưởng bất thiện, nhờ đó các tư tưởng bất thiện hay các ác bất thiện tầm liên hệ đến tham-sân-si được hóa giải, được xua tan: Cách thức này được đề nghị áp dụng sau khi phương pháp thứ nhất không mang lại hiệu quả. Ở đây hành giả tỉnh giác nhận ra và tự nhắc nhở mình rằng các tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si là bất thiện, là có tội, đưa đến quả báo khổ đau[2], hoặc thấy rõ các tầm bất thiện như vậy đưa đến hại mình, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn3. Nhờ tác ý đến sự nguy hiểm hay nhận thức rõ kết quả tai hại của các bất thiện tầm mà hành giả quyết tâm dứt trừ các ác bất thiện tầm; tựa như một người trẻ tuổi tánh ưa trang điểm, cảm thấy lo âu sợ hãi và lập tức quăng bỏ đi các thứ bất tịnh mắc dính vào cổ mình[4]; hoặc như người chăn bò lo sợ bị trừng phạt hay bị tù tội nên dùng voi quất bên này quất bên kia, khiến cho đàn bò không phạm vào lúa má của người[5].

Phương pháp thứ ba là không ức niệm, không tác ý đến các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si hay dòng tư tưởng bất thiện, nhờ đó các tư tưởng bất thiện hay các ác bất thiện tầm liên hệ đến tham-sân-si được chặn đứng, được chấm dứt: Đây là cách dứt trừ các ác bất thiện tầm hay dòng tư tưởng bất thiện nhờ cắt đứt các duyên (điều kiện) tác động, khiến cho các ác bất thiện tầm không có cơ hội sinh khởi và hành hoạt. Sở dĩ các bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sinh khởi và vận hành là do con người có ức niệm, có nhớ nghĩ đến một đối tượng nào đó hoặc có tác ý, có hướng mạnh suy nghĩ của mình vào một vấn đề nào đó, theo đó dòng tư tưởng khởi lên và đi đến tăng trưởng. Ví dụ, do duyên này hay duyên khác mà nhớ lại (ức niệm) một hình bóng đẹp mình đã bắt gặp trước đây và hướng mạnh suy nghĩ (tác ý) vào hình ảnh đó, cảm thấy thích thú hân hoan với suy nghĩ đó (lạc thọ sanh), khao khát có được hình bóng đó (dục hỷ sanh, ái sanh), muốn ôm ấp hình ảnh đó (chấp trước sanh), vẽ nên một viễn cảnh tương lai dựa vào hình ảnh đó, theo đó tham tùy miên có cơ hội dấy khởi đeo bám vào tâm thức và làm hoen ố dòng tâm thức. Giờ đây, để dứt trừ dòng tư duy liên hệ đến dục tham như vậy thì đừng nghĩ nhớ đến hình bóng đó, đừng chú tâm suy nghĩ nhiều về nó nữa; tựa như một người không muốn thấy một hình sắc nào đó thì liền nhắm mắt lại hay quay nhìn sang chỗ khác[6]. Trong kinh Song tầm thuộc tuyển tập Trung bộ, Đức Phật lưu ý với chúng ta rằng khi một người nghĩ nhớ nhiều về một vấn đề gì thì tâm tư của người đó sẽ thiên về vấn đề ấy, hướng về vấn đề ấy và trôi chảy mạnh theo vấn đề ấy. Điều này gợi ý tưởng rằng ức niệm (sati) hay tác ý (manasikàra) là tác nhân quan trọng khiến cho dòng tư duy của con người sinh khởi và hoạt động, và như vậy con người có thể định hướng hay điều chỉnh dòng tư duy của mình.
Phương pháp thứ tư là tác ý đến hành tướng các bất thiện tầm và sự an trú các tầm ấy, khiến cho các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si hay dòng tư tưởng bất thiện được trừ diệt, đi đến diệt vong: Phương pháp này được thực hiện sau khi phương pháp thứ ba được áp dụng không thành công, nghĩa là không diệt trừ ngay được các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si hay dòng tư tưởng bất thiện. Không thể dứt trừ ngay bằng phương pháp không ức niệm, không tác ý thì dứt trừ dần dần bằng cách nhìn vào hướng di chuyển của các bất thiện tầm hay sự vận hành của dòng tư tưởng bất thiện, chú tâm kiềm hãm, làm cho chúng suy yếu dần cho đến khi dứt hẳn. Đây gọi là phương pháp chú tâm làm giảm thiểu cường độ hoạt động của tư tưởng cho đến lúc dòng tư tưởng bất thiện hoàn toàn được chặn đứng. Ảnh dụ một người đang đi mau chuyển sang đi chậm lại, rồi dừng lại và ngồi xuống được đề cập trong bài kinh cho thấy rõ cách thức vận dụng phương pháp thứ tư, nghĩa là chú tâm kiềm hãm, làm cho suy yếu dần các bất thiện tầm
hay dòng tư tưởng bất thiện cho đến khi chúng dứt hẳn. Phương pháp thứ năm là nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, khiến cho các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si hay dòng tư tưởng bất thiện được trừ diệt, đi đến diệt vong: Cách thức thứ năm được đề nghị cho thấy hoạt động của các bất thiện tầm hay dòng tư tưởng bất thiện rất mạnh, cần phải dùng đến biện pháp mạnh mới có thể khống chế và chặn đứng được. Ở đây, hành giả phải vận dụng ý chí với một quyết tâm mạnh mẽ mới có thể nhiếp phục được các tư tưởng bất thiện, gọi là lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, kể cả việc phải viện đến sự hỗ trợ của sức mạnh cơ thể như nghiến năng, dán chặt lưỡi lên nóc họng. Rõ ràng, phương pháp thứ năm và cũng là phương pháp cuối cùng này chỉ dành cho những người có căn tánh nặng về tham-sân-si, bị tập quán tham-sân-si thường xuyên ám ảnh và chi phối mạnh, rất khó điều phục tâm mình, cần phải kiên trì tập luyện. Tuy nhiên, cũng qua phương pháp thứ năm này ta mới hiểu vì sao Đức Phật khuyên mọi người cần phải thường xuyên nuôi dưỡng thiện tâm, tích tập điều lành điều thiện, tránh làm các nghiệp bất thiện về thân, khẩu, ý. Vì như Ngài đã dạy rõ trong kinh Song tầm, một người mà thường xuyên nghĩ nhớ về dục, về sân hay về hại thì theo đó tâm tư của người ấy sẽ thiên nặng về các vấn đề ấy, lâu ngày thì thành ra tập quán; trái lại, một người mà thường xuyên nuôi dưỡng tâm ý mình theo hướng ly dục, vô sân, bất hại thì theo đó tâm tư có thói quen thiên về ly tham, ly sân, ly si, trở nên trong sáng và an tịnh, không còn bị tập quán tham-sân-si chi phối.
Sau cùng, để giúp cho việc thực tu Tăng thượng tâm hay hành Thiền có được kết quả tốt đẹp thì ngoài việc học tập năm phương pháp được Đức Phật nói rõ trong bài kinh An trú tầm, hành giả cũng nên tham vấn trực tiếp chư vị có nhiều kinh nghiệm điều tâm và hành sâu Thiền định để có được những gợi ý và chỉ dẫn kịp thời, giúp cho việc tu tập của mình thêm vững chắc và đi đến kết quả viên mãn. Bản kinh Các thời gian thuộc tuyển tập Tăng chi bộ lưu lời Phật khuyên nhắc vị Tỷ-kheo thực tập Tăng thượng tâm hay hành Thiền có sáu thời để thăm viếng một vị Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, tức là người có đầy đủ kinh nghiệm về điều tâm, phát triển tâm, giải thoát tâm khỏi các cấu uế và lậu hoặc:

“Có sáu thời gian, này Tỷ-kheo, để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý. Thế nào là sáu?
Ở đây, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống với tâm bị dục tham chi phối, bị dục tham ám ảnh, vị ấy không như thật rõ biết xuất ly khỏi dục tham được khởi lên; trong khi ấy, sau khi đến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: ‘Thưa Hiền giả, tôi sống với tâm bị dục tham chi phối, bị dục tham ám ảnh, tôi không như thật rõ biết xuất ly khỏi dục tham. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn tận dục tham’. Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn tham. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ nhất để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.
Lại nữa, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống với tâm bị sân chi phối, bị sân ám ảnh, không như thật rõ biết xuất ly khỏi sân được khởi lên; trong khi ấy, sau khi đến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: ‘Thưa Hiền giả, tôi sống với tâm bị dục sân chi phối, bị dục sân ám ảnh, tôi không như thật rõ biết xuất ly khỏi sân. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn tận sân’. Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn sân. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ hai để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.
Lại nữa, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống với tâm bị hôn trầm thụy miên chi phối, bị hôn trầm thụy miên ám ảnh, không như thật rõ biết xuất ly khỏi hôn trầm thụy miên được khởi lên; trong khi ấy, sau khi đến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: ‘Thưa Hiền giả, tôi sống với tâm bị hôn trầm thụy miên chi phối, bị hôn trầm thụy miên ám ảnh, tôi không như thật rõ biết xuất ly khỏi hôn trầm thụy miên. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn tận hôn trầm thụy miên’. Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn tận hôn trầm thụy miên. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ ba để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.
Lại nữa, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống với tâm bị trạo hối chi phối, bị trạo hối ám ảnh, không như thật rõ biết xuất ly khỏi trạo hối được khởi lên; trong khi ấy, sau khi đến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: ‘Thưa Hiền giả, tôi sống với tâm bị trạo hối chi phối, bị trạo hối ám ảnh, tôi không như thật rõ biết xuất ly khỏi trạo hối. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn tận trạo hối’. Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn tận trạo hối. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ tư để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

Lại nữa, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống với tâm bị nghi chi phối, bị nghi ám ảnh, không như thật rõ biết xuất ly khỏi nghi ngờ được khởi lên; trong khi ấy, sau khi đến Tỷ- kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: ‘Thưa Hiền giả, tôi sống với tâm bị nghi chi phối, bị nghi ám ảnh, tôi không như thật rõ biết xuất ly khỏi nghi ngờ. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn tận nghi ngờ’. Và Tỷ- kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn tận nghi ngờ. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ năm để đi đến yết kiến Tỷ-kheo  đã được tu tập về ý.
Lại nữa, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo y cứ nơi tướng nào, do tác ý tướng ấy, các lậu hoặc được đoạn diệt, không có gián đoạn, vị ấy không biết, không thấy tướng ấy; trong khi ấy, sau khi đi đến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: ‘Thưa Hiền giả, y cứ nơi tướng nào, do tác ý tướng ấy các lậu hoặc được đoạn diệt, không có gián đoạn, tôi không biết không thấy tướng ấy. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn diệt các lậu hoặc’. Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn diệt các lậu hoặc. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ sáu để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý”[7].
Nhìn chung, thực tu Tăng thượng tâm hay hành Thiền là công phu chuyển hóa nội tâm, đòi hỏi những bước đi thận trọng và kiên trì mới đưa đến kết quả tốt đẹp. Hành giả muốn tu Thiền và bắt đầu hành Thiền thì nên học kỹ những lời Đức Phật dạy về năm phương pháp đưa đến định tâm, đồng thời cần thường xuyên tham vấn chư vị có nhiều kinh nghiệm về Thiền để được gợi ý về những bước đi thích hợp; vì Thiền hay Tăng thượng tâm là một đề tài rất lớn và tế nhị.


Chú thích:

1. Kinh Các lễ Uposatha, Tăng chi bộ.
2. Kinh An trú tầm, Trung bộ.
3. Kinh Song tầm, Trung bộ.
4. Kinh An trú tầm, Trung bộ.

5. Kinh Song tầm, Trung bộ.
6. Kinh An trú Tầm, Trung bộ.
7. Kinh Các thời gian, Tăng chi bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 305 ngày 15-09-2018

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm