Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Nền tảng của niệm Phật

Người muốn sanh về Tịnh độ Tây phương thì niệm Phật, người không có nguyện sanh về nhưng muốn tiến xa trên con đường Phật đạo cũng niệm Phật.
Mục lục

Người muốn sanh về Tịnh độ Tây phương thì niệm Phật, người không có nguyện sanh về nhưng muốn tiến xa trên con đường Phật đạo cũng niệm Phật.
“Giả sử khi thành Phật, những chúng sanh trong vô lượng chẳng thể nghĩ bàn thế giới của các Đức Phật ở khắp mười phương, nghe danh hiệu tôi mà chẳng chứng được Vô sanh pháp nhẫn, các món tổng trì sâu xa của Bồ-tát, tôi không nhận Chánh đẳng Chánh giác” (Lời nguyện thứ 34).
Cả hai, có nguyện sanh về hay không, đều niệm
Phật để đạt đến Vô sanh pháp nhẫn, tức là Bất thối chuyển (A-bệ-bạt trí, kinh A-di-đà). Vô sanh pháp nhẫn là Đệ bát địa của Đại thừa chung cho tất cả mọi tông phái, mọi cõi Phật. Từ Bất thối chuyển này mới có thể đạt đến Bồ-tát Nhất sanh Bổ xứ để thành Phật. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói Hoàng hậu Vi-đề-hy “nghe những lời dạy của Phật (về Tịnh độ), chứng Vô sanh pháp nhẫn” ngay tại cõi này và sẽ sanh về Tịnh độ vì trước đó đã có nguyện sanh.
Mục tiêu của niệm Phật là đạt đến Vô sanh pháp nhẫn chung cho cả Đại thừa, vậy nền tảng chung của niệm Phật A-di-đà là gì?
Nền tảng của niệm Phật là 48 lời nguyện trùm khắp pháp giới của Phật A-di-đà. Không có 48 lời nguyện của trí huệ và đại bi trùm khắp này thì Phật A-di-đà sẽ ở xa lắm. Niệm Phật được làm trong 48 lời nguyện đang trùm khắp cuộc đời của mỗi chúng sanh, tức là trong ánh sáng Vô lượng quang và đại bi trùm khắp của Phật A-di-đà.
Cho nên, điều trước tiên và căn bản của niệm Phật là tin rằng cuộc đời mình, dù hữu hạn, khổ đau hay hạnh phúc, luôn luôn được bao trùm bởi ánh sáng và đại bi vô lượng của Phật A-di-đà. Chúng sanh chúng ta dù có thế nào cũng không thể nào ra khỏi cái nền tảng là 48 lời nguyện của Phật A-di-đà. Nếu không tin nhận điều này thì niệm Phật là một việc làm rất khó nhọc vì tâm chúng sanh vốn dĩ luôn chao động, luôn luôn muốn trốn thoát khỏi Phật để về lại sanh tử do nó tạo lập. Tâm chúng sanh chúng ta không muốn quy y Phật mà luôn luôn chỉ muốn quay về thế gian sanh tử với đủ thứ tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ... Cho nên tin nhận rằng chúng ta luôn luôn ở trong Phật, trong 48 lời nguyện của Phật, đây là nền tảng để niệm Phật. Niệm Phật trong nền tảng này thì mới có thể mỗi niệm là một bẻ gãy niệm sanh tử, dần dần tương ưng với 48 lời nguyện cứu độ của Phật. Với sự tin nhận này tự lực không còn tách lìa đứng ngoài tha lực đang bao trùm khắp mà mỗi niệm mỗi niệm là sự trở về cội nguồn của đứa con tha hương lưu lạc.

Đọc tụng, ghi nhớ, suy nghĩ ba kinh Tịnh độ dần dần sẽ cho chúng ta sự tin nhận này. Đây là nền tảng của niệm Phật.

Trong biển đại nguyện của Phật A-di-đà có định, huệ, hạnh, công đức... đã thành tựu của Ngài nên người niệm Phật ở mười phương ngoài cõi Tịnh độ (người nguyện sanh về nhưng chưa sanh cũng được xem là ở ngoài cõi Tịnh độ) có thể “được thanh tịnh và chứng các môn tam-muội giải thoát” (Lời nguyện 42), “chứng được Vô sanh pháp nhẫn, các môn tổng trì sâu xa của Bồ-tát” (Lời nguyện 34), “mừng rỡ tin ưa tu hạnh Bồ-tát” (Lời nguyện 37), “được tam-muội Phổ Đẳng, trụ tam-muội đó cho đến khi thành Phật” (Lời nguyện 45). Chỉ nói riêng về định hay tam-muội, thì định của Phật trùm khắp pháp giới như 48 lời nguyện của Ngài. Thế nên niệm Phật là niệm trên nền tảng “nhất tâm bất loạn”, vốn tam-muội thường định của Phật A-di-đà. Chính trên nền tảng “nhất tâm bất loạn” của Phật A-di-đà phổ biến khắp pháp giới mà chúng ta, những chúng sanh vốn sinh ra từ loạn tâm và sống bằng loạn tâm, mới có thể niệm Phật để đạt đến “nhất tâm bất loạn”. Và ngay cả khi loạn tâm, chúng ta cũng phải tin nhận rằng chúng ta đang loạn tâm trên và trong “nhất tâm bất loạn” của Phật. Cũng như một làn sóng tự nó không thể nào định được, nó chỉ định được khi nó ở trong đại dương và biết rằng nó là một làn sóng của đại dương. Tánh nước của đại dương được ví như tánh thường định của Phật. Một làn sóng chỉ an định được khi nó tin nhận rằng nó cùng một tánh nước với đại dương.
Qua 48 lời nguyện, chúng ta thấy danh hiệu Phật gồm đủ trong đó quả Phật, tức là trí huệ, đại bi, chánh định, công đức, nguyện hạnh... của Phật. cho nên niệm Phật thì thành Phật như kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: “Khi tâm tưởng Phật, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật”.

Niệm Phật trên nền tảng 48 lời nguyện đã thành tựu, đây là tu trên Quả, còn gọi là Quả thừa. So với tu trên nhân của mình tạo dựng để có ngày thành quả, việc này gọi là Nhân thừa. Niệm Phật trong đại dương bổn nguyện là niệm Phật, tưởng Phật trên và trong trí huệ, đại bi, thường định, công đức... đã thành của Phật A-di-đà. Chúng ta không tạo ra các thứ này, mà chúng ta hòa nhập vào biển đại nguyện gồm đủ Phật quả đã viên thành sẵn có của Phật A-di-đà. Đại sư Long Thọ nói niệm Phật là pháp môn “dễ”, sở dĩ như vậy vì chúng ta tu trên quả đã thành của Phật. Dễ vì từ lâu xa (“Xá-lợi-phất! A-di-đà Phật thành Phật đến nay đã qua mười kiếp” - kinh A-di-đà) chúng ta chưa hề lìa khỏi đại dương 48 lời nguyện của Phật A-di-đà một mảy ly, một hạt bụi. Thế nên niệm Phật trên thường định “nhất tâm bất loạn” của Phật là dễ, làm công đức trên công đức đầy khắp pháp giới của Phật là dễ. Tùy mức độ hòa nhập được của niệm Phật, tưởng Phật của chúng ta mà chúng ta thấy được quả vốn đã viên thành của Phật A-di-đà. Mức độ hòa nhập, theo kinh nói là mức độ chí thành, tin ưa, mong muốn sanh về của chúng ta.
Như vậy niệm Phật là nhân, quả Phật vốn có của Phật A-di-đà là quả. Nhân không lìa quả cho nên nhân không lập ra quả mà hợp nhất với quả trong từng câu niệm Phật. Với tâm thanh tịnh, tức là tâm chí thành, tin ưa, nguyện sanh, thì mỗi lần niệm Phật là một lần hòa nhập với Phật, như một làn sóng sanh ra trong đại dương và hòa nhập với đại dương.
Đó là nền tảng có sẵn tức là 48 lời nguyện như đại dương trùm khắp pháp giới của Phật A-di-đà.
Về phần người niệm Phật chúng ta, nền tảng để niệm Phật của chúng ta là Phật tánh đang có của chúng ta, dầu đang ở dạng tiềm năng, chưa được khai mở, ngộ nhập trọn vẹn. Kinh Đại Bát Niết-bàn nói, “tất cả chúng sanh đều sẵn có Phật tánh”. Đức Phật nói, “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Hai nền tảng này, một của Phật và một của chúng sanh, vốn là một Phật tánh, có điều ở chúng sanh chúng ta thì Phật tánh ấy chưa khai mở đầy đủ, còn bị che chướng.

Phiền não chướng và sở tri chướng là những che chướng do chúng ta tự tạo lập ra, tự che chướng mình. Để phá trừ hai loại che chướng do mỗi người tự tạo nên này, phải có đức tin, ngưỡng mộ, yêu thích, mong muốn sanh vào Tịnh độ. Và để nhanh chóng hơn, phải có thêm trí huệ Bát-nhã thấu đạt tánh Không để phá trừ, như ba kinh đều nói, “Nước ở cõi Tịnh độ diễn nói những nghĩa Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, các Ba-la-mật; lại ngợi ca tướng tốt của chư Phật” (Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật).
Kinh Hoa Nghiêm nói, “Tâm, Phật, và chúng sanh; cả ba không sai khác”. Niệm Phật là niệm trên nền tảng một Phật tánh duy nhất của chư Phật và chúng sanh này. Chúng ta niệm Phật vì tâm chúng ta có Phật, vì chúng ta đang ở trong 48 lời nguyện của Phật A-di-đà. Tin và ý thức rõ ràng chúng ta đang ở trong Phật A-di- đà, tức là trong 48 lời nguyện, tức là trong Ba thân của Phật, và chúng ta cũng đang có Phật tánh, thì sự niệm Phật trở nên dễ dàng, như múc nước biển cả rót vào trong biển cả.
Niệm Phật trở nên khó khi chúng ta dùng danh hiệu Phật để đối trị những phiền não loạn tâm của chúng ta, điều này làm cho giá trị danh hiệu Phật bị thu hẹp. Niệm Phật là dễ dàng khi chúng ta theo câu niệm Phật để buông thả mình vào biển đại nguyện đại bi đại trí của Phật. Buông thả vào đó cái tôi ngoan cố, và cùng với nó, những phiền não tội lỗi của chúng ta. Đây là sự tịnh hóa, “Nam-mô Thanh Tịnh Quang Như Lai”, là niềm hoan hỷ, “Nam-mô Hoan Hỷ Quang Như Lai”; hai danh hiệu ấy nằm trong mười hai danh hiệu của Phật A-di-đà.
Chúng ta đang niệm Phật trong tâm trùm khắp ba cõi của Phật, và trong tâm chúng ta đang có Phật; niệm Phật như thế thì mỗi niệm mỗi niệm đều trực tiếp tương ưng với Phật. Đây là ý nghĩa chữ Nam-mô: “quy mạng, hợp nhất”.
Một khi đã tương ưng được với ánh sáng vô lượng của Phật, càng ngày càng tương ưng, chúng ta sẽ nhìn thế giới, sự vật, con người ở thế giới mình đang sống bằng một cái nhìn khác, bằng ánh sáng “vô lượng”, “vô biên”, “vô ngại”, “vô đối”, “thanh tịnh”, “hoan hỷ”, “trí huệ”, “bất đoạn”... (đây là những từ trong mười hai danh hiệu của Phật A-di-đà trong kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật), và thế giới này là thế giới của ánh sáng, của sự thanh tịnh và hoan hỷ không thể diễn tả.

Theo Văn hoá Phật giáo số 268 ngày 01-03-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm