Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Nghiệp và nghiệp quả

Hầu hết các tác phẩm bàn về học thuyết nghiệp của Phật giáo đều nhấn mạnh vào tính hợp quy luật đến mức nghiêm ngặt trong việc chi phối các hành động mang nghiệp, khẳng định một sự tương ứng chặt chẽ giữa hành vi của con người với những hậu quả của các hành vi đó.
Mục lục


Hầu hết các tác phẩm bàn về học thuyết nghiệp của Phật giáo đều nhấn mạnh vào tính hợp quy luật đến mức nghiêm ngặt trong việc chi phối các hành động mang nghiệp, khẳng định một sự tương ứng chặt chẽ giữa hành vi của con người với những hậu quả của các hành vi đó. Tuy sự nhấn mạnh này là chính xác ở những nơi thích hợp, vẫn còn một khía cạnh khác đối với sự vận hành của nghiệp ít được chú ý nhưng lại rất quan trọng; đó là tính có thể chuyển hóa của nghiệp. Quả thực, tính hợp quy luật có tác dụng chi phối nghiệp không vận hành một cách máy móc mà vẫn dành một khoảng khá rộng rãi cho sự chuyển hóa trong quá trình chín muồi của nghiệp quả.

Nếu hành động mang nghiệp luôn luôn đem lại những kết quả bất biến với tầm quan trọng như nhau, và nếu sự chuyển hóa nghiệp quả hay sự thủ tiêu quả của nghiệp luôn luôn bị loại trừ, thì sự giải thoát khỏi vòng luân hồi của khổ đau là điều sẽ không thể xảy ra; vì một quá khứ không cùng không tận sẽ luôn luôn ném ra những chướng ngại mới là kết quả của những nghiệp bất thiện trước đó. Cho nên, trong tuyển tập Tăng Chi Bộ, chương Ba pháp, phẩm kinh Hạt muối, Đức Phật nói: “Nếu cho rằng một người thành tựu một hành động mang nghiệp như thế này, người ấy sẽ phải trải nghiệm một nghiệp quả như thế kia, thì như vậy sẽ không thể có đời sống phạm hạnh và cũng không có cơ hội để chấm dứt sự đau khổ. Nhưng nếu cho rằng một người thành tựu một hành động mang nghiệp tất nhiên sẽ phải trải nghiệm một nghiệp quả nhưng nghiệp quả ấy có thể chuyển hóa được, thì sẽ có thể có đời sống phạm hạnh và có cơ hội để chấm dứt khổ đau”.

Như mọi sự kiện vật lý, tiến trình tâm thức tạo nên một hành động mang nghiệp không bao giờ hiện hữu riêng nó, mà tiến trình ấy phải diễn ra trong một phạm vi nhất định; như vậy, hiệu lực của nó trong việc tạo nghiệp quả không chỉ phụ thuộc vào tiềm năng của chính nó, mà còn chịu ảnh hưởng của những yếu tố có thể biến đổi trong phạm vi của nó; là những điều có thể tạo sự chuyển hóa theo nhiều cách thế khác nhau. Chúng ta vẫn thường thấy rằng một nghiệp đặc biệt nào đó, dù tốt dù xấu, đôi khi có thể chịu hậu quả tăng nặng bởi những nghiệp có tác dụng nâng đỡ hay được giảm nhẹ bởi những nghiệp có tác dụng trung hòa, hoặc có thể bị tiêu hủy bởi những nghiệp có tác dụng triệt tiêu. Sự xuất hiện của nghiệp quả còn có thể được trì hoãn nếu không tập hợp đủ mọi sự liên kết cần thiết với các hoàn cảnh bên ngoài để một nghiệp chín muồi; sự trì hoãn này lại có thể giúp những nghiệp có tác dụng triệt tiêu hay trung hòa có cơ hội vận hành.

Tuy nhiên, không chỉ những điều kiện ngoại giới mới có thể gây nên sự chuyển hóa. Sự chín muồi của một hành động mang nghiệp cũng phản ánh những điều kiện nội tại của nghiệp - đó là toàn bộ kết cấu phẩm chất của tâm thức gây nên hành động. Đối với một tâm thức có phẩm chất đạo đức, một hành vi xấu nhỏ nhặt có thể không dẫn tới một hậu quả nặng nề như khi cùng một hành vi ấy được dẫn xuất từ một tâm thức nghèo nàn về mặt đạo đức. Tương tự pháp luật thế tục, hình phạt đối với sự vi phạm lần đầu sẽ nhẹ nhàng hơn so với một hành vi tái phạm.

Về loại phản ứng chuyển hóa này, Đức Phật cũng nói tiếp theo trong cùng phẩm kinh dẫn trên như sau:

“Ở đây, này các Tỳ-kheo, có trường hợp một người thực hiện một hành vi xấu ác nhỏ nhặt và hành vi ấy khiến đương sự phải đọa địa ngục. Nhưng cũng có người thực hiện hành vi xấu ác tương tự, mà nghiệp quả của hành vi ấy có thể được trải nghiệm ngay trong đời này, và cho đến chút ít tàn dư của nghiệp quả ấy cũng không thấy được trong đời sau, nói chi là nhiều.

Hạng người như thế nào, này các Tỳ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục?

Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỳ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.

Hạng người như thế nào, này các Tỳ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít tàn dư của nghiệp quả ấy cũng không thấy được trong đời sau, nói gì là nhiều?

Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỳ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít tàn dư của nghiệp quả ấy cũng không thấy được trong đời sau, nói gì là nhiều.

Ví như, này các Tỳ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ. Các thầy nghĩ như thế nào, này các Tỳ-kheo, nước trong chén ấy có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được, hay không?”.

“Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Nước trong chén nhỏ này là ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống được”.

“Này các Tỳ-kheo, ví như có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng. Các thầy nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo, sông Hằng ấy có vì nắm muối này trở thành mặn và không uống được phải không?”.

“Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Lớn là cả khối nước sông Hằng. Khối nước ấy không vì nắm muối này trở thành mặn và không uống được”.

“Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền. Nhưng ở đây, này các Tỳ-kheo, có người không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền.

Như thế nào, này các Tỳ-kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người nghèo khổ, ít sở hữu, ít tài sản. Người như vậy, này các Tỳ-kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền.

Như thế nào, này các Tỳ-kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người giàu có, có tiền của lớn, có tài sản lớn. Người như vậy, này các Tỳ-kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền”.

Cho nên chúng ta phải nói rằng chính sự tích tụ nghiệp xấu hay nghiệp tốt của một cá nhân cũng như chính những đặc điểm tính cách trội vượt của người đó là xấu hay tốt có ảnh hưởng đến nghiệp quả. Những điều đó quyết định mức độ nặng nhẹ của nghiệp quả, đến mức có thể báo trước sự khác biệt giữa việc nghiệp quả có thể xảy đến hay không.

Tuy nhiên, vẫn luôn luôn hiện hữu một khả năng chuyển hóa về mức độ trầm trọng của nghiệp quả. Một cái nhìn thoáng vào tiểu sử của những người ta biết cũng có thể cho ta thấy, đôi khi có người có cá tính cao thượng không thể chê trách, sống trong những hoàn cảnh yên ổn, nhưng chỉ một nhầm lẫn nhỏ, có thể chỉ là một lỗi lầm vụn vặt, cũng đủ để làm tiêu tan cả một cuộc đời - danh dự, sự nghiệp, hạnh phúc - và còn có thể dẫn đến sự hủy hoại nghiêm trọng về cá tính của người ấy. Sự khủng hoảng có vẻ không tương thích như vậy có thể dẫn xuất từ một chuỗi phản ứng của những hoàn cảnh tích tụ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của người ấy, thường được quy cho là bởi một hành vi xấu ác cực mạnh mà người ấy đã thực hiện trong đời trước. Nhưng những nghiệp quả xấu này cũng có thể đã bị xô đẩy bởi chính những hành động của người ấy - bùng nổ một cách dứt khoát bởi một lỗi lầm ban đầu, rồi lại được tăng cường bởi những sự bất cẩn tiếp theo, những sự do dự không dám quyết định hay những quyết định sai, vốn cũng là những nghiệp bất thiện. Đó là trường hợp mà ngay cả một người có cá tính chủ yếu là tốt vẫn không ngăn cản nổi sự chín muồi, hoặc làm giảm cường độ, của những nghiệp quả xấu. Trong trường hợp này, phẩm chất và hành vi tốt của người ấy vẫn có hiệu quả, nhưng tác động trong tương lai của chúng chắc chắn sẽ bị suy giảm nếu có những thay đổi tính cách hay hành động tiêu cực nào đó sớm xuất hiện, có khả năng tạo thành những nghiệp mang tác dụng trung hòa.

Chúng ta cũng hãy xem xét một trường hợp ngược lại: một người được coi là kẻ có cá tính cực kỳ xấu ác, trong một trường hợp hiếm hoi, có thể đã có một hành động được thúc đẩy bởi lòng từ bi. Có thể, hành động này hóa ra có một tác động đáp trả thuận lợi mạnh mẽ không ngờ đối với cuộc sống của người ấy. Tác động đáp trả ấy có thể mang lại một sự cải thiện quyết định đối với hoàn cảnh ngoại giới của ông ta, làm cho cá tính của ông ta trở nên thuần hòa đến mức có thể giúp ông ta hoàn toàn thay đổi tâm tính.

Quả thật, hoàn cảnh của đời người phức tạp biết là chừng nào, ngay cả khi chúng có vẻ thật đơn giản. Sở dĩ như vậy vì hoàn cảnh và những kết quả của chúng phản ánh một sự phức tạp còn lớn lao hơn của tâm thức, nguồn gốc không bao giờ cạn kiệt của những hoàn cảnh của đời người. Chính Đức Phật đã dạy trong kinh Dây buộc thuộc phẩm Tương ưng uẩn trong tuyển tập Kinh Tương Ưng: “Sự phức tạp của tâm còn vượt xa cả những giống loại không đếm hết được của các loài súc sanh”. Đối với bất kỳ một cá nhân đơn lẻ nào, tâm cũng là một dòng những tiến trình tâm thức mãi mãi biến đổi vì bị thúc đẩy bởi những luồng bộc lưu của nghiệp lực được tích tụ từ vô số kiếp quá khứ. Thế nhưng, sự phức tạp to lớn ấy vẫn còn được tăng cường rất nhiều; bởi thực tế là mỗi dòng sống cá nhân lại đan xen với vô số những dòng sống cá nhân khác do sự tương tác của những nghiệp lực ở từng cá nhân. Cái mạng lưới tương quan tương duyên về nghiệp ấy rắc rối đến nỗi Đức Phật đã tuyên bố rằng Nghiệp và Nghiệp quả là một trong bốn điều “bất khả tư nghì”; đồng thời Ngài cũng cảnh giác chống lại việc lấy đó làm chủ đề cho việc suy đoán tư biện. Mặc dù sự vận hành của nghiệp vượt quá sự hiểu biết của ta, nhưng thông điệp quan trọng về mặt thực hành lại hết sức rõ ràng: nghiệp quả có thể chuyển hóa được đã giải phóng chúng ta khỏi điều lừa dối tai hại của quyết định luận và hệ luận đạo đức của nó là thuyết định mệnh, đồng thời giữ cho con đường giải thoát luôn mở rộng trước mặt chúng ta.

Tuy nhiên, tính “rộng mở” tiềm tàng của mọi hoàn cảnh cũng có khía cạnh tiêu cực của nó: yếu tố rủi ro và nguy hiểm của một đáp án sai cho một hoàn cảnh có thể mở ra một “con đường đi xuống”. Chính phản ứng của chúng ta xóa bỏ tính mơ hồ của hoàn cảnh, cho dù điều đó tốt hơn hay tệ hại hơn. Điều đó cho thấy học thuyết về nghiệp của Đức Phật là một giáo lý về tinh thần trách nhiệm tâm linh và đạo đức đối với chính mình cũng như đối với người khác. Đó thực sự là một giáo lý nhân tính, vì giáo lý này vừa phù hợp vừa phản ánh một dải rộng những sự lựa chọn, một dải lựa chọn rộng lớn hơn rất nhiều so với dải lựa chọn của một con thú. Bất kỳ một lựa chọn đạo đức cá nhân nào cũng có thể bị giới hạn nghiêm ngặt bởi cái gánh nặng không ổn định của tham, sân, si cùng những hệ quả của chúng mà cá nhân ấy mang theo khắp nơi; nhưng mỗi khi cá nhân ấy dừng lại để đưa ra một quyết định hay một lựa chọn, ông ta đều có cơ hội để vượt lên trên mọi sự phức tạp và những áp lực đầy đe dọa của cái quá khứ gây nghiệp không thể thăm dò hết của chính mình. Thật vậy, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, ông ta có thể vượt qua sự câu thúc của nghiệp đã tích tụ từ hàng ngàn kiếp. Chính là thông qua chánh niệm mà con người có thể nắm bắt một cách chắc chắn cái khoảnh khắc thoảng qua ấy; lại nữa, cũng nhờ chánh niệm, người ấy có thể sử dụng khoảnh khắc ấy để thực hiện những chọn lựa khôn ngoan.

Mọi hành động gây nghiệp, ngay khi thành tựu, trước hết sẽ tác động vào kẻ có hành vi ấy. Điều này đúng với những hành vi thể hiện bằng thân và khẩu hướng đến người khác, và cũng đúng với những hành vi bằng ý không tìm được lối thể hiện ra bên ngoài. Ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể kiểm soát được phản ứng của mình đối với hành động của mình; nhưng chúng ta không thể kiểm soát được cách người khác phản ứng với hành động ấy. Phản ứng của người khác hóa ra có thể hoàn toàn khác với những gì ta trông đợi hay mong muốn. Một hành vi tốt có thể gặp phải thái độ vô ơn; một lời thân tình có thể được tiếp nhận bằng sự lạnh nhạt hoặc tệ hơn nữa là sự căm ghét. Mặc dù những hành vi tốt hoặc những lời lẽ thân tình ấy không đến được với người nhận, nhưng chúng sẽ không mất đối với người thực hiện. Những suy nghĩ hiền thiện gợi hứng cho những hành vi tốt đẹp và lời lẽ thân tình ấy sẽ làm tâm người thực hiện trở nên cao thượng, và còn hơn thế nữa nếu người ấy đáp ứng thái độ tiêu cực của người nhận bằng sự chịu đựng và tha thứ thay vì oán trách và hờn giận.

Lại nữa, một hành vi hay một lời nói có ý làm hại hay gây thương tổn cho một người có thể không khiến người ấy có phản ứng thù nghịch mà chỉ gặp một thái độ bình tĩnh thản nhiên. Bấy giờ, cái “món quà không được chấp nhận ấy sẽ được trả lại cho người tặng” như Đức Phật có lần nói với một người Bà-la-môn đã tìm đến để sỉ vả Ngài. Những ngôn ngữ và hành vi xấu, và cả những suy nghĩ đã thúc đẩy những ngôn ngữ và hành vi ấy, có thể không làm hại hay gây thương tổn người khác, nhưng chúng vẫn mang lại những tác dụng nguy hiểm cho cá tính của kẻ thực hiện; và những tác dụng ấy lại còn tồi tệ hơn nếu như kẻ có hành vi ngôn ngữ xấu ấy phản ứng với thái độ không mong đợi kia bằng sự giận dữ hoặc sự phẫn uất bực bội. Cho nên Đức Phật nói rằng con người là chủ sở hữu có trách nhiệm về nghiệp của chính mình, vốn là tài sản không thể chuyển nhượng cho ai. Con người là kẻ thừa tự hợp pháp duy nhất của những hành động của họ, thừa hưởng gia tài gồm những nghiệp quả dù tốt hay xấu.

Sẽ là một sự thực hành thiện xảo khi thường xuyên tự nhắc mình về một thực tế là, trước hết, mọi hành vi thân khẩu ý sẽ tác động và làm biến đổi tâm thức của chính mình. Việc nghiền ngẫm điều đó sẽ mang lại một động lực mạnh mẽ cho lòng tự trọng chân thực, được duy trì để bảo vệ chính mình chống lại mọi hành vi hèn hạ và xấu xa. Làm như thế cũng sẽ mở ra một sự hiểu biết thực tiễn và mới mẻ về một lời dạy sâu sắc của Đức Phật ghi lại trong kinh Rohitassa, chương Bốn pháp, tuyển tập Tăng Chi Bộ, như sau: “Trong tấm thân dài độ mấy tấc này, với những tưởng và những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới, về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt”.

Thế giới mà Đức Phật nói đến đó bao gồm toàn bộ thân và tâm này. Bởi vì chỉ nhờ những hoạt động của các khả năng tri giác thuộc tâm lý và vật lý mà thế giới này được cảm nhận và được biết đến đôi chút. Những ấn tượng về cảnh quan, âm thanh, mùi, vị, sự xúc chạm... cùng với những chức năng tâm thức của chúng ta dù có ý thức hay không - đó chính là thế giới ta đang sống. Và thế giới này của chúng ta có nguồn gốc từ chính khối kết tập của những tiến trình tâm lý và vật lý vốn tạo ra những hành động mang nghiệp của sự tham luyến đối với sáu đối tượng tri giác thuộc tâm lý và vật lý. Tuyển tập Tăng Chi Bộ, chương Ba pháp, phẩm Ananda ghi nhận cuộc trao đổi giữa Đức Phật với Trưởng lão A-nan: - “Này A-nan, nếu không có nghiệp chín muồi trong cõi dục thì có bất kỳ sự hiện hữu nào trong cõi dục này xuất hiện được hay không?”.-“Bạch Đức Thế Tôn, chắc chắn là không”.

Như vậy, nghiệp chính là nơi mà từ đó chúng ta xuất hiện, nghiệp cũng chính là vị sáng tạo chân thực của thế giới và của chúng ta là những kẻ trải nghiệm thế giới ấy. Và thông qua những hành động tạo nghiệp của chúng ta thuộc thân khẩu ý mà chúng ta không ngừng dấn thân vào việc xây dựng rồi lại tiếp tục xây dựng cái thế giới này và những thế giới vượt xa nó. Ngay cả những hành động cao thượng của chúng ta, bao lâu mà chúng còn chịu ảnh hưởng bởi tham sân si, cũng vẫn góp phần vào việc tạo tác và duy trì cái thế giới đầy khổ đau này. Bánh xe luân hồi giống như một cái guồng quay, không ngừng chuyển động nhờ nghiệp, chủ yếu dẫn xuất từ tam độc tham sân si. Sự tận cùng của thế giới không thể nào đạt được bằng cách bước trên những cánh tay hay vành tròn của cái guồng quay ấy; điều ấy chỉ tạo nên những ảo tưởng của sự tiến bộ. Chỉ bằng cách dừng bặt những cố gắng vô ích mà sự chấm dứt ấy mới có thể đạt tới.

Chính là “do sự đoạn diệt tham sân si mà sự móc nối vào nhau của nghiệp đi tới chỗ kết thúc” như lời dạy của Đức Phật trong kinh Do Tham Sân Si thuộc chương Mười pháp của tuyển tập Tăng Chi Bộ. Lại nữa, điều này cũng có thể xảy ra ở bất cứ chỗ nào ngoài cái khối tích tập của thân-tâm là nơi khởi đầu của đau khổ và những nguyên nhân của nó. Đó chính là thông điệp đầy hy vọng về sự thật cao quý thứ ba, rằng chúng ta có thể bước ra khỏi cái vòng mệt mỏi của những cố gắng và khổ não vô ích. Nhưng nếu chúng ta đã biết về khả năng giải thoát mà chúng ta vẫn cứ bước theo cái guồng quay vô tận của đời sống thì đó là do sự mê đắm đời đời kiếp kiếp thật khó mà phá vỡ về những thói quen đã cắm rễ sâu về việc bám níu vào “cái tôi”, “cái của tôi” và “tự ngã”. Nhưng, ở đây cũng có môt thông điệp đầy hy vọng trong sự thật cao quý thứ tư với Bát Thánh đạo, liệu pháp có thể chữa trị sự nghiện ngập mê đắm và dần dần dẫn chúng ta đến việc đoạn tận đau khổ. Và một lần nữa, tất cả những điều cần thiết cho liệu pháp này cũng được tìm thấy trong chính thân và tâm của chúng ta.

Sự điều trị thích hợp bắt đầu với sự hiểu biết đúng đắn về bản chất thực của nghiệp, cũng là hoàn cảnh của chúng ta trong thế giới này. Sự hiểu biết ấy sẽ mang lại một động lực mạnh mẽ nhằm bảo đảm một sự phổ biến nghiệp tốt trong cuộc sống của con người. Và khi động lực ấy ăn sâu nhờ thấy rõ hơn hoàn cảnh của con người, sự hiểu biết ấy sẽ trở thành sự khuyến khích tích cực nhằm bẻ gãy mọi sợi dây xích do nghiệp ràng buộc. Điều ấy sẽ khiến con người cố gắng tinh cần đi theo chánh đạo, và cống hiến mọi hành động của mình cũng như mọi hậu quả của những hành động ấy tiến đến sự kết thúc lớn lao nhất của nghiệp - sự giải thoát cuối cùng của chính con người và toàn thể chúng hữu tình.

Nyanaponika Thera
Nguyễn Văn Nhật dịch


Nguồn: Kamma and Its Fruit, Nyanaponika Thera, BuddhaNet edition, www.accesstoinsight.org/lib/authors/ nyanaponika/kammafruit.html.

Nyanaponika Thera (1901-1994), người Đức, là một vị Trưởng lão Theravada xuất gia tại Tích Lan, đồng sáng lập viên Buddhist Publication Society, tác giả nhiều tác phẩm Phật học được ưa thích trên toàn thế giới, có nhiều vị đệ tử là những nhà lãnh đạo Phật giáo phương Tây hiện đại.


Theo Văn hoá Phật giáo số 267 ngày 15-02-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm