Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Người trí biết nhớ ơn & báo ơn

Sống trên đời là cả một sự hàm ơn. Dù là ai, hoàn cảnh và điều kiện thế nào, chúng ta đều mang ơn trực tiếp hoặc gián tiếp với người, phải chịu ơn xa hoặc gần với đời, nói tóm là nợ ơn tất cả hữu tình và vô tình. Người học Phật luôn tự nhắc mình về bốn ơn sâu nặng (ơn cha mẹ, ơn Tam bảo, ơn quốc gia, ơn tín thí) để lo báo đền.
Mục lục
Đức Phật đã có rất nhiều giáo huấn về biết ơn và báo ơn. Ngài ca ngợi những ai có tâm hạnh biết báo đền ơn nghĩa đồng thời rất nghiêm khắc phê phán người bội nghĩa vong ân, bất hiếu vô đạo. Pháp thoại dưới đây, Ngài đã gần xa về chuyện con vật còn biết mang ơn, hà huống là con người. Nói thẳng ra, con người mà không biết báo đền thì chỉ có phần “con” và thiếu vắng phần “người”.
Tri ân người đồng hành trên đường giác ngộ - Ảnh minh họa
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, sau nửa đêm Thế Tôn nghe chồn hoang kêu. Qua sáng hôm sau, Thế Tôn trải chỗ ngồi, ngồi trước đại chúng, hỏi các Tỳ-kheo:

- Lúc cuối đêm, các thầy có nghe chồn hoang kêu không?

Tỳ-kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, có nghe.

Phật bảo Tỳ-kheo:

- Con chồn hoang kia bị khốn vì ghẻ lở nên nó phải kêu. Nếu có người nào vì con chồn hoang kia mà chữa trị ghẻ lở cho nó, chồn hoang ắt sẽ biết ơn và báo ơn. Nay có một kẻ ngu si không có biết nhớ ơn và báo ơn. Cho nên, các Tỳ-kheo cần phải học như vầy: Biết ơn và báo ơn. Nếu có ơn nhỏ còn báo đáp, trọn không hề quên, huống chi là ơn lớn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1264)

Thế Tôn đã xác định “một kẻ ngu si không có biết nhớ ơn và báo ơn”. Thế nên, có thể khẳng định rằng biết nhớ ơn và đền ơn là người có tuệ giác. Vì thấy rõ tính chất duyên sinh, không hề có cái độc lập mà phải nương vào nhau, mọi người mọi việc và mọi vật đều có liên hệ mật thiết với nhau nên ta luôn sống hàm ơn khắp cả. Thấy biết và ứng xử trong tinh thần duyên khởi để luôn biết ơn và báo ơn, Đức Phật gọi là người có trí. Ngược lại là người vô trí, dù cho họ có bằng cấp cao, thông minh lanh lợi đến đâu.

Đức Phật dạy hàng đệ tử luôn “Biết ơn và báo ơn. Nếu có ơn nhỏ còn báo đáp, trọn không hề quên, huống chi là ơn lớn”. Thế nên, người đệ tử Phật thường xuyên quán niệm về bốn ơn sâu nặng. Ơn cha mẹ dày công sinh dưỡng. Cha mẹ đã cho ta hình hài và nuôi lớn khôn đến ngày hôm nay. Ơn Tam bảo, thầy Tổ đã cho ta giới thân huệ mạng để biết đạo lý làm người và tiến xa hơn là thành tựu giải thoát. Ơn quốc gia, xã hội đã đùm bọc chở che, giúp ta có cuộc sống an bình. Ơn thí chủ đàn-na, ơn bằng hữu khắp nơi, ơn chúng sinh vạn loại đã trợ duyên giúp đỡ ta trong nhiều phương diện cuộc sống.

Ngoài những ơn lớn, còn vô vàn ơn nhỏ mà cuộc đời dành cho ta trong mỗi phút giây của đời sống hàng ngày ta phải thường nhớ ghi và tìm cách đền đáp. Dĩ nhiên, mang ơn mà nếu được báo đáp trực tiếp thì quá tốt nhưng vì nhân duyên không báo đáp được đúng người mà mình đã mang ơn thì hãy nguyện trả ơn trong bàng bạc cuộc đời. Mỗi người hãy nuôi dưỡng tâm niệm hàm ơn và tìm cách báo ơn thì cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Cuộc sống mà ai cũng biết báo đền sẽ trở nên ý nghĩa và đáng sống.  


Theo GIÁC NGỘ online

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm