Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Nobel Kinh tế 2019 từ góc nhìn Phật giáo

Ngày 14/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế học 2019 thuộc về ba nhà khoa học Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer.
Mục lục

Bẫy nghèo và lối thoát

Ngày 14/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế học 2019 thuộc về ba nhà khoa học Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer.

- Ông Abhijit Banerje (quốc tịch Mỹ) sinh năm 1961 tại Mumbai (Ấn Độ), giảng dạy tại Học viện Công nghệ Massachusetts.

- Ông Michael Kremer (quốc tịch Mỹ) sinh năm 1964, là giáo sư Đại học Harvard.

- Bà Esther Duflo sinh năm 1972 tại Paris là phụ nữ thứ hai giành giải này.
 


Thông báo của RSAS (Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển) nêu rõ:

“Nghiên cứu của những người đoạt giải năm nay đã cải thiện khả năng chống đói nghèo toàn cầu. Chỉ trong hai thập kỷ, cách tiếp cận dựa trên thí nghiệm mới của họ đã thay đổi kinh tế học phát triển, hiện đang là một lĩnh vực nghiên cứu phát triển”.

Chúng ta biết rằng bất chấp những cải thiện mạnh mẽ gần đây, loài người vẫn đang đối mặt với vấn nạn đói nghèo khi có hơn 700 triệu người sống bằng thu nhập rất thấp. Hằng năm, khoảng năm triệu trẻ em dưới năm tuổi tử vong do những căn bệnh có thể ngăn ngừa hoặc chữa được bằng những phương pháp không quá tốn kém.

Ba nhà kinh tế đoạt giải năm nay đã đưa ra cách tiếp cận mới để chống đói nghèo, theo phương cách chia nhỏ vấn đề lớn ra thành các vấn đề nhỏ hơn để dễ quản lý hơn, chẳng hạn như các biện pháp can thiệp hiệu quả nhất trong việc cải thiện kết quả giáo dục hoặc sức khỏe trẻ em.

Vào giữa những năm 1990, Michael Kremer và các đồng nghiệp đã chứng minh hiệu quả của cách tiếp cận này bằng việc thử nghiệm các biện pháp can thiệp để cải thiện kết quả giáo dục ở Tây Kenya. Hơn năm triệu trẻ em Ấn Độ cũng được hưởng lợi từ các chương trình dạy kèm hiệu quả trong trường học.

Bà Duflo đã tập trung vào thử nghiệm chống bệnh thiếu máu: Phương thuốc chống thiếu máu là dùng muối ăn có bổ sung chất sắt, phân chia chất này cho 400 làng ở Ấn Độ. Phương pháp này cho thấy, trong cuộc chiến chống đói nghèo, tín dụng nhỏ chỉ có thể giúp đỡ phần nào và loại bếp tiết kiệm năng lượng phải hết sức giản tiện và dễ sử dụng thì người nghèo mới có thể áp dụng được. Bà Duflo cũng đã cải thiện chất lượng các dự án viện trợ. Ví dụ, người ta đã phát hiện ra việc trị giun cho trẻ em ở châu Phi là biện pháp hữu ích nhất để khuyến khích các em đến trường. Bà bác bỏ quan niệm cho rằng muốn xóa đói giảm nghèo phải có đủ tiền, vấn đề chính là phải sử dụng một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên hạn hẹp.

Theo bà, điều quan trọng là phải hiểu được nguồn gốc sâu xa của nghèo đói và mối quan hệ của nghèo đói để có giải pháp cụ thể. Các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận chung chung về người nghèo, nghĩ rằng người nghèo hoàn toàn tuyệt vọng hoặc lười biếng, hoặc buôn bán nhỏ lẻ mà không hiểu nguyên nhân. Cách tiếp cận của nghiên cứu là giải quyết từng vấn đề một và kiểm tra một cách khoa học.

Bà nói: “Viễn cảnh về đói nghèo bị phủ bóng bằng những tranh biếm họa và những sáo ngữ... Chúng ta phải hiểu những trở ngại mà người nghèo đang đối đầu đề nghĩ ra cách giúp họ vượt qua...”.

Madeleine Bunting viết về tầm quan trọng của công trình mà ba nhà kinh tế đã thực hiện tại Viện Hành động chống Đói nghèo, chi nhánh Nam Á đặt tại New Delhi: Trong chưa đầy một thập kỷ, họ đã hợp tác với những đối tác địa phương thực hiện 240 công trình thử nghiệm. Duflo từng phê phán rằng chính sách phát triển nơi đây ngang với mức thời trung cổ: hành động chỉ dựa theo tập quán, linh cảm hay mê tín.

Nghiên cứu của họ đưa ra những thách thức và giả thuyết về cách ứng xử của người nghèo và sự chọn lựa của họ. Đã có ai thắc mắc vì sao có nhiều căn nhà xây dựng dở dang chưa? Câu trả lời là họ phải “chắt mót” từng viên gạch một. Từ từ xây nên ngôi nhà của mình là cách họ tiết kiệm vì gửi tiền vào ngân hàng dù nhỏ cũng khó với họ. Nhưng có những kết luận gây bối rối như về việc người nghèo chăm sóc sức khỏe. Duflo và Banerjee chỉ ra rằng có những cách can thiệp y khoa rẻ hơn mà họ lại ngần ngại hy sinh thời gian và tiền bạc, ví dụ họ thích tìm đến bác sĩ tư nhân, những người hay cho thuốc quá liều cần thiết (chích, hay dùng kháng sinh).

Kết luận về những nghịch lý mà người nghèo thường rơi vào cái bẫy của sự thiếu thông tin, mê tín, và sự trì hoãn. Phát triển là một quá trình nhanh nhưng hết sức phức tạp, vì vậy cần phải làm từng bước và phải lắng nghe người nghèo tâm sự về cuộc sống cùa họ, cần phải khẩn cấp sửa chữa những sai lầm trong viện trợ: trước tiên là những con đập lớn, sau đó là giáo dục rồi đến những khoản tín dụng nhỏ.

Những gì ngăn trở sự phát triển là ba chữ I: sự ngu dốt (Ignorance), ý thức hệ (Ideology) và sự trì trệ (Inertia). Cần cải thiện việc quản trị công quyền và chính sách mà không cần thay đổi cơ cấu xã hội hiện hữu.
 


Phật giáo và việc chống đói nghèo

Những gì ba nhà kinh tế nói trên làm cũng là những điều từng được đề cập trong Phật pháp. Dù có người cho rằng vai trò phát triển kinh tế ở các nước Á châu nếu có, là vai trò của Khổng giáo hơn là Phật giáo. Tự hào về tinh thần quốc gia và truyền thống văn hóa có thể là động lực đánh thức mấy con rồng Á châu, và Lý Quang Diệu từng dùng “giá trị Á châu” để biện minh cho những biện pháp cai trị ở Singapore. Theo Giáo sư Cao Huy Thuần, Phật giáo chỉ dành cho những người nào biết nghĩ đến mùa màng ngày mai, góp phần làm tươi tốt xã hội hơn là phát triển vật chất. Người ta quan niệm rằng kinh tế xã hội hay kinh tế thị trường giống nhau ở chỗ là cả hai đều khuyến khích và cổ vũ tích lũy tài sản cá nhân hoặc quốc gia. Tham lam là điều tốt (Greed is Good) và “mánh mung” là công bằng (Foul is Fair) là phương châm hành động. Như Schumpeter khuyến cáo, những ai muốn bước qua ngưỡng cửa kinh tế phải bỏ lại tình nghĩa, đạo đức bên ngoài. Tôn giáo và đạo đức chỉ ngăn trở sự phát triển kinh tế, chớ chẳng có ích lợi gì! Hơn nữa con người ít ai biết tri túc hay thiểu dục, hay quyết liệt hơn, diệt dục như trong đạo Phật. Thậm chí có nhà kinh tế cho rằng kinh tế Phật giáo là cụm từ gượng ép và lạc điệu.

Đức Phật không phải là không để ý việc tạo dựng một xã hội sung túc. Trong kinh Kutadanta (Cứu-la- đàn-đầu, Trường bộ), Ðức Phật chủ trương phát triển kinh tế, thay vì dùng quyền lực, để xóa giảm tội phạm. Triều đình phải biết sử dụng các nguồn tài nguyên để cải thiện điều kiện kinh tế trong nước. Họ phải biết phát triển nông nghiệp ở thôn quê, trợ giúp giới buôn bán, cung cấp lương bổng đầy đủ cho công nhân để bảo đảm một đời sống tốt có nhân phẩm.

Lời dạy của Ðức Phật về các bổn phận đạo đức của vua chúa để sử dụng công quyền, bảo đảm an sinh người dân, đã giúp cho vua A-dục (Asoka), vào thế kỷ III trước Tây lịch, cai trị đất nước. Ông đã sống và thực hành Chánh pháp cùng với tất cả mọi người dân trong triều đại của ông. Ông cổ võ sự ứng dụng của các nguyên tắc đạo đức trong xã hội, như chân thật, từ bi, bác ái, bất bạo động, nhân từ, không hoang phí, không chiếm đoạt, và không sát hại mọi loài vật. Ông thiết lập các công trình công cộng như bệnh xá, cung cấp thuốc men, trồng cây gây rừng, đào giếng, các công trình thủy lợi, và nhà tạm trú. Ông cũng đặc biệt ngăn cấm việc đối xử tàn ác với các loài thú vật.
 

 

Có hay không một nền kinh tế Phật giáo?

Một nhà kinh tế Anh gốc Đức, Erns Friedric Schumacher, đã nhìn thấy tiềm năng của đạo Phật trong phát triển kinh tế. Ông đã xuất bản tác phẩm “Small is Beautiful: A Study of Economics as if People Mattered”.

Có người mạnh dạn cho rằng đó là Tuyên ngôn Kinh tế Phật giáo của người Phật tử. Schumacher nhấn mạnh ông không phải là Phật tử và nói rằng tư tưởng của Đức Phật đã có sẵn, nên ông chỉ muốn rút ra một vài nguyên tắc để biện chính cho những nhận xét của ông về trào lưu kinh tế hiện đại (Schumacher. E.F. Small is Beautiful. A Study of Economics As If People Mattered. Randon House, Sydney, Australia, 1993).

Nhà nghiên cứu Phạm Văn Minh viết “Năm 1996, tình cờ đọc được Small is Beautiful, nhất là chương Buddhist Economics, tôi nhớ đến đoạn văn Người Cùng Tử trong kinh Pháp hoa. Trong nhà có viên ngọc quý mà không chịu đem ra xài, chạy quanh chạy quất đi tìm hết đông tới tây, vọng ngoại, thiếu tự tin vào vốn liếng văn hoá và đạo học của dân tộc... Nếu đạo Phật có thể cung cấp con đường chính trị tỉnh thức, tại sao lại không thể cung hiến một mô thức kinh tế tỉnh thức và đầy nhân tính hơn là mô thức kinh tế khích động lòng tham, khiến con người mãi trầm luân trong tiêu thụ. Một thi sĩ Nhật có nói một câu đánh động tâm thức của tôi: ‘Ngày nay Bồ-tát có thể là một nhà kinh tế’. Bồ-tát không phải chỉ là một lý tưởng, mà có thể là con người bằng xương bằng thịt, sống ở đây bây giờ với chúng ta, và nhờ thế mới nghe được tiếng kêu than của chúng sinh, và mới phát khởi lời nguyện ‘chúng sinh vô biên thề nguyện độ’”.

(Quán Như Phạm Văn Minh;
Kinh tế Phật giáo; Nxb Văn Hóa Văn Nghệ; 2012)

Khi Wangchuck đăng quang Quốc vương Bhutan và tuyên bố là ông quan tâm đến Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) , nhiều người chế diễu vì tổng GNP của Bhutan chỉ là 2,7 tỷ USD . Tuy nhiên tờ Times số ngày 18 tháng 1 năm 2005 cho biết Tổ chức New Economic Foundation (NEF) thúc đẩy việc thiết lập chỉ số an lạc (Well-being index) gồm thêm những yếu tố khác như mức độ hài lòng, tin cậy và tham dự của dân chúng vào các chánh sách công quyền. Thủ tướng Anh Tony Blair là người đầu tiên áp dụng chỉ số này.

Phát ngôn viên của nhóm NEF cho biết các Chánh phủ Pháp, Đức, Hòa Lan đang xem xét. Schumacher cho rằng khâu Chính mệnh trong con đường Bát Chánh đạo là khởi điểm cho những suy nghĩ của ông về một mô thức kinh tế Phật giáo. Trong khi Đức Phật còn tại thế, kinh tế còn đơn giản, Đức Phật đã khuyến cáo đệ tử không nên làm các nghề không chính đáng... Trong nhiều đoạn kinh, Đức Phật còn đưa các lời khuyên cụ thể làm thế nào để sống một cuộc đời thanh bạch hạnh phúc. Đức Phật xem tiện nghi vật chất chỉ là phương tiện để chúng ta có điều kiện tinh tấn trên con đường tu tập giải thoát tâm linh. Khi kinh tế định chế (Institutional economic) được các nhà kinh tế đề cập, nhiều ý tưởng của Schumacher về đạo đức, văn hóa và tôn giáo bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong phân tích hoạt động kinh tế.

“Có những quốc gia ‘âm thầm’ thực hiện lý tưởng xã hội như các quốc gia Bắc Âu và trong một chừng mực nào đó, hệ thống an sinh của các quốc gia Tây Âu, là những mô thức mà Việt Nam có thể học hỏi và thực hiện ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’. Phát triển cho nước giàu dân mạnh là một điều cần phải làm trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhưng thiên mệnh của nhà nước là ‘Công bình Xã hội’. Cần phải có chánh sách để những người hiện còn sống với thu nhập một, hai hay ba đồng đô-la Mỹ một ngày (theo như định nghĩa người cùng đinh của Liên Hợp Quốc) cải thiện thu nhập nếu không cũng phải có một mạng lưới an sinh an toàn cho những thành phần này” (sđd).

Để làm việc này, chúng ta cần xây dựng xã hội bền vững. Bởi lẽ:

“Xã hội Phật giáo là một xã hội để phục vụ con người chứ không phải để bóc lột con người; một xã hội để giải phóng con người chứ không phải để ràng buộc con người; một xã hội đem lại sự diệt khổ chứ không tạo ra đau khổ miên trường; một xã hội giúp con người thực hiện Phật tâm của mình vượt ra ngoài các trở ngại chứ không phải để dồn con người vào sự hoại vong, không đường gỡ. Xã hội, quan niệm theo tinh thần Đạo pháp, phải giúp con người hướng lên vào tâm linh, tiến dần lên đến sự minh mẫn trong trí tuệ, sự hân hoan với thiện pháp, với tự do trong tâm hồn, sự siêu thoát đối với cái vô thường trong cảnh giới”.

(Trần Ngọc Ninh,
Đức Phật giữa chúng ta, Lá Bối 1972)

Thế nên, một nền kinh tế theo chủ trương Phật giáo trước tiên phải lo giải quyết những nhu cầu căn bản, đói rét, cơm áo, bệnh hoạn, nhu cầu giáo dục, trường học và công ăn việc làm cho người dân. Đó là những điều kiện tối thiểu cho sự giải phóng con người trong xã hội, tạo những điều kiện vật chất của tự do tâm linh. Đó cũng là chủ trương và việc làm của những nhà kinh tế vừa đoạt giải Nobel.

Nói cách khác, xã hội Phật giáo là xã hội theo nguyên lý trung đạo. Nền kinh tế trong xã hội đó buộc mỗi người làm việc theo chí hướng và khả năng, và đóng góp việc làm vào sự lợi ích chung, nhưng ngược lại nhà nước phải đảm bảo được cơm áo và những điều kiện cần thiết để sinh hoạt một cách đồng đều cho toàn thể. Trung đạo không phải là một con đường đòi hỏi và khó khăn mà chỉ hướng đến một xã hội có một mức sống tới thiểu mà xã hội văn minh phải thực hiện cho toàn dân. Trong cùng một nước, người dân ở một mảnh đất hoang hóa cũng có quyền có một mức sống tối thiểu ngang với người dân ở miền châu thổ phì nhiêu vì cả hai đều làm việc.

Vấn đề bất bình đẳng thu nhập dẫn đến bất bình đẳng trong xã hội là mối quan tâm lớn của nhiều nước phát triển. Vì bất bình đẳng thu nhập sẽ dẫn đến các vấn đề của xã hội như tỷ lệ thất nghiệp tăng, tỷ lệ tội phạm tăng, năng suất lao động bình quân giảm... Vì vậy, nhiều nước đã cố gắng thực hiện giảm bất bình đẳng qua việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là giáo dục và y tế. Người nghèo được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, và luôn có các quỹ an sinh xã hội hỗ trợ khi cần thiết.

Để sống một cuộc đời phát triển trọn vẹn thể xác- tâm linh, Phật giáo muốn thực hiện một nền kinh tế trong đó những người nào muốn làm việc sẽ có việc làm. Nhà kinh tế J.K. Galbraith trong The Affluent Society nói mạng lưới an toàn là cách đền bù những người thất nghiệp để họ có thể hưởng được những thành quả của tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo Mức sống Dân cư Việt Nam năm 2017 cho thấy người giàu nhất Việt Nam có thu nhập một ngày bằng 10 năm thu nhập của người nghèo nhất, và với tài sản này, có thể đưa toàn bộ 13 triệu người nghèo thoát nghèo ngay tức khắc. Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình cho thấy rằng khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu với bốn nhóm còn lại (nghèo, cận nghèo, trung bình, cận giàu) đã tăng nhanh trong giai đoạn 2004-2014.

(Tổng cục Thống kê,
Vietnam Household Living Standards Survey)

Chúng ta hiểu rằng hố ngăn cách giàu-nghèo là vấn nạn chung của các nước tăng trưởng nhanh... Sự phát triển kinh tế hiện đại thành chủ nghĩa tư bản thân thiện (friendly capitalism) và sự cấp tiến của nó khiến cho chủ nghĩa tư bản thoát khỏi sự diệt vong như Marx tiên liệu nhưng nó cũng không thể chuyển đổi sâu xa hệ thống tư bản và tình trạng bất bình đẳng. Làm thế nào để tránh tình trạng “bình quân mỗi người một con gà, nhưng một người có chín, chín người có một”.

Chúng ta có thể kết luận rằng: Chỉ trong một nền kinh tế trung đạo thì những việc phi lí trong đời sống vật chất mới chấm dứt mà thôi vì phương châm của trung đạo là sự lao động tối thiểu đạt hiệu năng tối đa.

Nguyên tắc một người vì mọi người và ngược lại mà chúng ta thường nói nằm trong nguyên tắc “lợi hoà đồng quân”, một trong lục hòa của nhà Phật. Làm được điều ấy chúng ta sẽ biến nơi ở, cộng đồng của mình trở nên đáng sống, là “cõi Tịnh độ giữa nhân gian”.

Phải chăng đó là điều mọi người đang mơ ước!
 



Theo Văn hoát Phật giáo số 332 ngày 01-11-2019

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm