Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Pháp sanh diệt

Trong kinh Đại Bát Niết-bàn, Phật dạy: Chư hành vô thường thị sanh diệt pháp Sanh diệt diệt thời tịch diệt vi lạc.
Mục lục
Vô thường để chúng ta nhận thức đúng đắn bản chất của sự vật - Ảnh minh họa



Giáo lý Phật tuy nhiều, nhưng chủ yếu nằm trong vô thường, nghĩa là vạn vật luôn thay đổi và con người là vô ngã, tức con người do tứ đại ngũ uẩn hợp thành, không có thật. 

 

Giáo lý vô thường và vô ngã mà Phật dạy để giúp chúng ta tận diệt khổ đau và đạt Niết-bàn. Từ vô thường, chúng ta tìm cái thường còn, từ khổ đau, chúng ta tìm cái an lạc là Niết-bàn có thường, lạc, ngã và tịnh.

 

Đức Phật sống trên cuộc đời có vô thường, nên Ngài phải nói vô thường để chúng ta đừng chấp mọi vật là thường còn mà đau khổ. Phật dạy vật chất luôn thay đổi để chúng ta đoạn diệt tâm chấp trước, mới có thế giới an lạc là Niết-bàn. 

 

Thật vậy, đầu tiên Phật thuyết vô thường vô ngã cho năm anh em Kiều Trần Như và họ đắc quả A-la-hán. Từ đó, họ hiện hữu trên cuộc đời này mà không bị tham lam, ganh tỵ chi phối, nên họ luôn an lạc, mới làm cho người chấp thường thấy vậy mà thức tỉnh và phát tâm tu theo.  

 

Phật dạy vô thường để chúng ta nhận thức đúng đắn bản chất của sự vật mà chứng được chơn thường.

 

Mọi vật có hai phần là sanh diệt và vô sanh. Phật dạy thế giới này là khổ và nguyên nhân của khổ, điều đó thuộc về phần sanh diệt. Để đoạn trừ khổ và nguyên nhân của khổ, Phật dạy tu 37 Trợ đạo phẩm thì chứng được Niết-bàn, nhưng không biết lại nói đạo Phật chán đời là sai lầm lớn của con người. 

 

Phật dạy cuộc đời thế nào thì phải thấy đúng và sống đúng để đoạn trừ ảo giác. Vì chúng ta có tham vọng, mới có ảo giác là không thực tế mới bị đau khổ. Còn thấy cuộc đời đúng sự thật và biết nguyên nhân nào dẫn đến đau khổ, thì khổ phải chấm dứt và tu nguyên nhân dẫn đến an lạc thì Niết-bàn hiện hữu. Phật dạy rõ hai con đường như vậy.

 

Ở thế giới sanh diệt mà chúng ta muốn không sanh diệt làm sao được. Con người sanh ra, lớn lên, già, bệnh, rồi chết là quy luật tất yếu, mà chúng ta muốn không già, không chết và sống mãi là không thực tế. Mà nếu con người sống mãi thì trái đất này sẽ bị nạn nhân mãn mất. Thời Phật tại thế, trái đất này chỉ có độ năm trăm triệu dân, nhưng nay bảy tỷ người, thì quý vị nghĩ sao.  

 

Có quy luật sanh, già, bệnh, chết, trái đất mới trở thành cân bằng và tồn tại được. Có sanh mà không chết là nghĩ đến thiên đường, nhưng như vậy cũng bị nạn nhân mãn, không còn chỗ chứa người ta. Quan niệm lên thiên đường hưởng phước luôn cũng không đúng. 

 

Thiên đường cũng có tuổi thọ của nó, nhưng dài hơn thế gian. Ở thiên đường, đất rộng người thưa, vì chỉ có loài người tu được Thập thiện mới được sanh lên thiên đường, nên cũng khó có người được lên thiên đường. Thật vậy, chúng ta thọ Thập thiện, nhưng tu Thập thiện không dễ. Một ngàn người tu Thập thiện may ra có được một người thành tựu. Và ở thiên đường hưởng hết phước cũng bị rớt xuống trở lại.

 

Ta chiêm nghiệm ý nghĩa vô thường mà Phật dạy thấy rõ sự thật rằng vạn vật biến đổi, hay gọi là tiến hóa, từng thế hệ luôn phát triển. Đời sống từ Phật tại thế cho đến ngày nay, nếu không có tiến hóa thì con kiến vẫn là con kiến. Từ thời Phật giáo Nguyên thủy cho đến thời Phật giáo phát triển cũng nhờ vô thường, tức hoàn cảnh đổi khác mà chúng ta có nhận thức khác, là có sự tiến hóa về vật chất và tiến hóa về tâm linh. 

 

Tiến hóa vật chất là từ cuộc sống đơn sơ của người cổ đại đã tiến lên cuộc sống văn minh hiện đại. Tiến hóa tâm linh là người khổ đau tu Tứ Thánh đế thì diệt được khổ đau và đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả A-la-hán, Bích chi Phật và thành tựu quả vị Phật. Nếu không có vô thường thì tất cả mọi việc nằm yên, không thay đổi. Nhờ vô thường, chúng ta tích cực hơn, vận dụng được sự phát triển, giúp cho đời sống thăng hoa và tiến hóa. 

 

Riêng tôi, từ thuở nhỏ, đã cảm nhận ý niệm vô thường, thấy mạng người ngắn ngủi, nên 12 tuổi đã nỗ lực tu học, sợ không kịp rồi chết, không biết về đâu. Tôi phấn đấu tìm đạo và tu học không mệt mỏi, nên thăng hoa đời sống tâm linh. Nhờ vô thường, có tiến hóa nên tôi lần thay đổi từ đứa trẻ nhỏ cho đến trưởng thành. 

 

Chúng ta biết thay đổi theo hướng tốt đẹp là sống theo Bát Chánh đạo của Phật dạy, phát triển được đời sống vật chất và tâm linh. Còn thấy vô thường rồi chán nản buông xuôi thì tương lai đi về đâu không biết. 

 

Biết vô thường, chúng ta cũng hạn chế được các việc ác và phát triển được mặt thiện. Sự thay đổi cũng có hai khuynh hướng, một là phát triển vật chất, đó là công việc của các nhà khoa học nhắm đến phát minh vật chất. Hai là những nhà triết học, nhà tôn giáo tìm về sự phát triển đời sống tâm linh. Đương nhiên chúng ta không phủ nhận đời sống phát triển vật chất, nhưng không coi nó quan trọng, vì nhận thấy đời sống vật chất ràng buộc chúng ta nhiều hơn.

 

Và điều quan trọng trong kinh Đại Bát Niết-bàn, Đức Phật cho biết khi hành Bồ-tát đạo, Ngài phải trả giá rất đắt, bằng cả sinh mệnh để học được cốt tủy của pháp tịch diệt như sau: “Chư hành vô thường thị sanh diệt pháp”, nghĩa là tất cả các pháp đều luôn thay đổi, sanh diệt. Đừng chấp vào pháp sanh diệt, vì nương tựa pháp sanh diệt sẽ bị nó cuốn trôi, chẳng được lợi ích, mà còn bị nó tác hại khổ đau.

 

Sanh diệt này phải chấm dứt bằng cách không khởi tâm theo nó. Nhờ vậy, chúng ta ở trạng thái tâm tịch diệt, nghĩa là tâm hoàn toàn trong sáng, vắng lặng, thanh tịnh. Đó chính là niềm vui tuyệt vời của đạo Phật, gọi là Niết-bàn: “Sanh diệt diệt thời tịch diệt vi lạc”. 

 

Trên bước đường tu, điều cốt lõi là chúng ta đạt cho được hai chữ tịch diệt. Phật đến Lộc Uyển thuyết Tứ Thánh đế, dùng Đạo đế để phá trừ pháp sanh diệt, giúp cho năm Tỳ-kheo từng bước vào pháp tịch diệt.  

 

Trước tiên, Phật dạy rằng Khổ đế và Tập đế thuộc sanh diệt pháp, Đạo đế và Diệt đế là tịch diệt pháp. Tất cả sự tính toan, lời nói phải trái, việc làm hơn thua… đều thuộc pháp sanh diệt, mà chúng ta phải gạt bỏ, không cần hơn nhau những thứ này. Hơn nhau một lời nói rồi nó cũng qua đi. Những người nổi tiếng rồi sẽ có người khác nổi tiếng hơn nữa. Người xưa có nói hai câu đơn giản nhưng rất hay: 

 

Trường Giang hậu lãng xuy tiền lãng 

 

Thế thượng tân nhân tống cựu nhân. 

 

Nhìn dòng sông Trường Giang ở Trung Quốc, thấy đợt sóng sau đẩy đợt sóng trước tan đi. Người mới xuất hiện thay cho người cũ. Nay chúng ta nổi tiếng, mai có người khác nổi tiếng hơn. Cứ vậy mà mọi việc ở sanh diệt tướng thay đổi mãi, không có gì vĩnh viễn tồn tại. Vì thế, chúng ta không bận tâm với pháp sanh diệt bằng cách thực hiện Diệt đế để đi vào con đường xa lìa mọi khổ đau. Và từ đó, bước lần vào thế giới chân thật thanh tịnh sống với đời sống thật, không sanh diệt; đó là hướng giải thoát của người tu, đừng chạy theo giả huyễn, làm người bắt bóng. Từng bước vào Tịnh độ, hay thật địa là thế giới an lạc vĩnh viễn. Vào thật địa, Tịnh độ rồi, tâm chúng ta hoàn toàn trong sáng, thể hiện ra hoàn cảnh sống của chúng ta an vui, tốt đẹp thực sự; đó chính là Tịnh độ.

 

Kinh Duy Ma dạy rằng Phật ấn chân xuống đất, Ta-bà liền đổi thành Tịnh độ. Ta-bà và Tịnh độ là một, nên nói rằng tâm tịnh thì độ tịnh. Vì thế, đem tâm sanh diệt đặt vào Tịnh độ, Tịnh độ cũng trở thành Ta-bà. Tâm thế nào sẽ xuất hiện thế giới tương ưng như vậy. Tâm thanh tịnh tạo thế giới thanh tịnh; tâm nhiễm ô tạo thế giới Ta-bà. Kinh Hoa nghiêm diễn tả ý này là tâm sanh ra tất cả pháp. 

 

Đức Phật dạy chúng ta suy nghĩ về hai chữ sanh diệt đến cùng tột ngọn nguồn, thì tịch diệt xuất hiện. Tôi diễn tả ý này là “Tâm trí lắng yên như vào thiền định”. Tâm trí không còn suy nghĩ là vào cảnh tịch diệt. Vì quán tưởng tận sanh diệt, nên nó không phá rối được ta, tâm ta thanh tịnh; không khởi niệm sẽ hiện tướng giải thoát.

 

Đức Phật dạy rằng tướng tùy tâm sanh, mà tướng cũng tùy tâm diệt. Chúng ta thấy có người phát tâm Bồ đề, xuất gia, họ hiện hảo tướng liền, vì tâm cầu đạo cao, hết lòng nghĩ đến Phật. Nhưng tu vài năm, họ xấu lần, mất tướng hảo; họ bắt đầu tính toán xem phải làm gì, phải tụng mấy thời kinh, phải..., họ suy tính cái gì thì cái đó hiện lên nét mặt họ. Nếu trụ ở trạng thái tịch diệt tướng, tâm vắng lặng, lòng thanh thản trước mọi việc tốt xấu. 

 

Mã Thắng Tỳ-kheo đạt vô niệm, thể hiện tướng tịch diệt. Phật mới cho ông đi khất thực để mang tướng giải thoát đi vào cuộc đời, giáo hóa chúng sanh; người nhìn thấy sự thanh tịnh của ông là phát tâm. Với tâm thanh tịnh và tướng giải thoát, Mã Thắng giáo hóa Xá Lợi Phất mà không cần nói lời nào, vì nói thì rơi vào pháp sanh diệt. Không nói, nhưng đã thể hiện pháp tịch diệt. 

 

Các vị Tổ sư, các bậc chân tu ít nói. Các ngài đến vùng nào hành đạo, ở gốc cây hay thảo am tu hành, nhưng quần chúng kính ngưỡng, phát tâm xây chùa. Vì các ngài đã chứng quả tịch diệt, là A-la-hán, người trông thấy phát tâm, liền được thanh tịnh, giải thoát. Người giải thoát xuất hiện làm cho người khác an vui, còn người nghiệp ác làm cho người buồn phiền, bực tức, nói nhiều cũng không ai tin.  

 

Muốn giáo hóa chúng sanh, ta phải giáo hóa mình trước, làm cho mình giải thoát và tác động cho người thấy, hay nghe ta nói cũng được giải thoát; đó là pháp chân thật.  

 

Đức Phật dạy Mã Thắng sử dụng pháp này để giáo hóa, đạt được hiệu quả cao. Mã Thắng chỉ cần độ một mình Xá Lợi Phất thôi, mà tác động đến 200 đệ tử của ông cũng theo Phật. Và Mục Kiền Liên thấy quả vị giải thoát của Xá Lợi Phất, cũng xin theo Phật, tất nhiên cả đệ tử của Mục Kiền Liên cũng về với Phật. Mã Thắng không phải là nhà hùng biện, nhưng chỉ một buổi khất thực mà độ được hai nhà lãnh đạo rất tài giỏi và thu phục được 200 người có tầm cỡ. Quả là sự giáo hóa vi diệu.

Theo GIÁC NGỘ online

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm