Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Phật giáo thế kỷ XXI Đối diện với sự đau khổ đã được định chế hóa Phỏng vấn Giáo sư David R. Loy

Hỏi: Trong lãnh vực đưa giáo lý truyền thống và những giá trị của Phật giáo hợp nhất với xã hội phương Tây, ngài là một nhà phê bình được quý trọng. Trong sự thảo luận của người phương Tây chúng ta về đạo đức Phật giáo, ngài cảm thấy còn thiếu điều gì?
Mục lục

Đáp: Một chủ đề lớn mà chúng ta cần phải nghĩ lại là cách chúng ta đang hiểu về Nghiệp. Ở nhiều mặt, Phật giáo quả là một tôn giáo hiện đại - nếu quý vị muốn gọi đó là một tôn giáo. Nhiều giáo lý của tôn giáo này hoàn toàn tương thích với tính chất hiện đại (chẳng hạn như khái niệm vô ngã). Thế nhưng, điều quan trọng và đáng chú ý là những khía cạnh then chốt của Phật giáo thực sự gây trở ngại cho người phương Tây lại là quan điểm về nghiệp và sự tái sinh. Vấn đề là ngày nay chúng ta hiểu những khái niệm này như thế nào.

Có những người quan tâm đến việc hiện đại hóa hay thế tục hóa Phật giáo, điều mà tôi nghĩ không đơn giản như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cần suy nghĩ lại về nghiệp và tái sinh trong một bối cảnh hiện đại. Suy nghĩ lại, chứ không chỉ chấp nhận các khái niệm ấy vì có vẻ như đó là điều Đức Phật khẳng định và nói về chúng trong chính đời này; hoặc bác bỏ các khái niệm ấy vì có vẻ như chúng không hoàn toàn phù hợp với những gì mà ngày nay chúng ta hiểu về các sự vật. Tôi cho rằng việc suy nghĩ về điều đó là vấn đề có ý nghĩa.

Tôi tự hỏi phải chăng chúng ta đã hiểu sai cách Đức Phật hiểu về nghiệp. Khi quý vị xem xét trong Kinh tạng Pali, có nhiều sự thảo luận về nghiệp, và không phải những thảo luận đó luôn luôn nhất quán. Có hàng loạt những sự kiện tiếp tục khi chúng ta nhớ về việc Đức Phật nhấn mạnh đến động cơ hoặc sự cố ý. Tôi vẫn tự hỏi, phải chăng điều đó mang lại cho chúng ta một đường lối khác, chứ không chỉ là một ý niệm khách quan thông thường.

Trong thời Đức Phật, hầu hết người ta đã sẵn tin vào nghiệp, nhưng nó có khuynh hướng được hiểu theo một cách máy móc. Nếu bạn cử hành một nghi lễ hay những hoạt động hiến tế theo đúng nghi thức, bạn sẽ nhận được những phần thưởng mà nghi lễ hay hoạt động hiến tế ấy mang lại. Một phần trong cuộc cách mạng tâm linh của Đức Phật là việc nhấn mạnh đến động cơ. Nghiệp được gây ra bởi những động cơ của chúng ta. Nếu tôi bị thúc đẩy bởi sự tham lam và hai yếu tố độc hại đồng hành với nó, điều đó không chỉ khiến cho tôi tiếp tục hành động khác với khi tôi được thúc đẩy bởi tính cao thượng, lòng từ bi và sự hiểu biết, mà còn làm cho tôi nhìn nhận về con người và toàn thể thế giới này theo một lối khác; tương ứng, tất cả những người khác cũng nhìn nhận về tôi và phản ứng với tôi theo cách khác.

Nếu tôi bị thúc đẩy bởi lòng tham, tôi sẽ liên hệ tới người ấy về mặt tôi có thể gặt hái hay lợi dụng được gì từ người ấy. Tôi cũng có thể giận dữ, là điều gây nên một cảm thức tách biệt - đó chính là yếu tố độc hại thứ ba - sự vô minh. Nếu tôi có thể thực sự chuyển hóa được những động cơ ấy thành những điều có thuộc tính tích cực, tôi sẽ trở nên một con người khác, và đó là tại sao tôi sắp được trải nghiệm thế giới này theo một cách khác. Tôi có thể trở nên trong sáng, tôi có thể phóng khoáng, và tôi không cần phải giả vờ là một con người nào khác để vận dụng hoàn cảnh nhằm đạt được những gì mà tôi muốn có được từ những hoàn cảnh ấy.

Sự hiểu biết như thế về nghiệp không cần thiết phải giả định rằng đó là một lối giải thích mang tính tôn giáo về sự tái sinh. Điều mà sự hiểu biết đó cho biết là, nếu ta muốn chuyển hóa cách ta trải nghiệm về thế giới, cách ta nhìn nhận về người khác, cách người khác nhìn nhận về ta và cách họ phản ứng lại với ta, chiếc chìa khóa vàng là hãy tự chuyển hóa những động cơ của ta. Cảm thức về tự ngã của ta chủ yếu là được hợp thành bởi những cách suy nghĩ, cảm nhận, hành động quen thuộc. Đó không phải là cái lõi chắc chắn của ý thức nội tại, tách biệt với phần còn lại của thế giới. Điều quan trọng nhất trong tiến trình này, trong cách ta liên hệ với thế giới, thực sự đến từ những động cơ của chúng ta. Đó đúng là một điều thiết yếu. Chỉ cần thay đổi động cơ của mình, chúng ta có thể thay đổi cả thế giới.

Một người phương Tây học Phật nên hiểu biết dứt khoát thế nào về nghiệp?

Điều quan trọng nhất cần phải ghi nhớ là việc nhấn mạnh vào động cơ của chúng ta, những sự chủ ý của chúng ta. Giáo lý nghiệp là cách chúng ta tự cấu trúc lại mình bằng việc thay đổi những động cơ của mình. Thay đổi những phản ứng của chúng ta đối với mọi tình thế cho đến khi những phản ứng ấy thực sự trở thành thói quen và những thói quen ấy thực sự trở thành cá tính của chúng ta. Nhận thức này về nghiệp không cần thiết phải hàm ý sự tái sinh, nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng. Điều quan trọng là hãy sống theo cách nào đó đừng mang lại sự khác biệt. Tôi không biết rõ rằng tôi sẽ có tái sinh hay không. Bằng cách này, tôi không cần băn khoăn lắm về việc ấy. Mục tiêu để thành tựu của tôi là cứ làm tốt nhất những gì tôi có thể làm ngay lúc này, và nếu tôi làm được điều đó thì tôi còn phải lo gì đến sự tái sinh nữa.

Người Phật tử có thể học được điều gì từ quan điểm đạo đức truyền thống của phương Tây?

Trong nền văn hóa Thiên Chúa-Do Thái giáo, tất cả đều nói về cái thiện chống lại cái ác, điều đó giúp chúng ta hiểu rất nhiều những gì đã diễn ra trong lịch sử. Quan điểm của Phật giáo lại có tính cách vô minh chống lại trí tuệ hay ảo tưởng chống lại tỉnh giác. Mặt tốt của quan điểm cái thiện chống lại cái ác nằm ở chỗ đó là sự quan tâm đến sự công bằng, trong đó có sự công bằng xã hội, là điều mà không được nhấn mạnh trong truyền thống Phật giáo. Trong các nền văn hóa Phật giáo Á châu, đó không phải là một mối quan tâm. Trọng tâm được đặt nặng hơn ở nghiệp cá nhân của tôi, sự đau khổ cá nhân của tôi, việc chọn con đường tu tập cá nhân của tôi và sự tỉnh giác cá nhân của tôi.

Tôi không dám chắc rằng đó đúng là điều mà Đức Phật dạy, nhưng đó chính là cách phát triển của các xã hội Phật giáo. Phật giáo chẳng có nhiều điều để nói về những hành động tệ hại mà các vua chúa thời cổ đại đã hành xử, điều mà chúng ta có thể gọi là nỗi khổ của xã hội. Giáo lý nghiệp vẫn được dùng để bào chữa cho quyền lực của các vị vua chúa. Nếu một người sinh ra trong một gia đình vua chúa, hẳn là người ấy đã có nghiệp tốt trong các đời trước. Nếu một người sinh ra nghèo hèn, không có năng lực, hay trong thân phận phụ nữ, chắc chắn người đó đã tích tụ các nghiệp xấu.

Ngày nay, khi Phật giáo thâm nhập thế giới hiện đại, giáo lý nhà Phật không thể tiếp tục duy trì như vậy. Khi Phật giáo bước vào một nền văn hóa mới, sẽ có sự tương tác. Đó chính là tình thế hiện tại của chúng ta. Nay, vì Phật giáo đang tiến vào một thế giới mới, một thế giới đang trong cơn khủng hoảng, Phật giáo nên mở rộng cái nhìn của mình vào chính giáo lý của Phật giáo để từ đó nhìn vào tình thế của chúng ta hiện giờ. Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi có những đau khổ cùng cực, và tình trạng ấy không chỉ là kết quả của nghiệp riêng của từng cá nhân chúng ta mà còn là kết quả của cách cấu tạo xã hội này.

 Phải chăng ngài thấy điều đó đang diễn ra ở Phật giáo phương Tây?

Điều đó đang bắt đầu diễn ra. Tôi cho rằng truyền thống kháng cự mạnh mẽ nhất và gây trở ngại nhiều nhất là Phật giáo Tây Tạng vì việc nhấn mạnh vào sự tái sinh của các vị hóa thân và tất cả những điều tương tự. Về lâu dài, Phật giáo Tây Tạng có nhiều việc phải giải quyết. Sự chuyển hóa dễ dàng nhất đến với các truyền thống Zen và Vipassana.

Tôi từng nghe một vị giảng sư Phật giáo tuyên bố “Hẳn là những người Do Thái sống dưới thời Đức Quốc xã đã có những nghiệp xấu cùng cực nên mới phải tái sinh vào thời ấy ở nơi ấy”. Tôi cho rằng lời ấy không thể chấp nhận được. Tôi đã phát hiện rằng lối suy nghĩ như vậy không được thời đại này dung thứ. Đã đến lúc Phật giáo cần trưởng thành và nhận thức đúng về những nỗi khổ đã được định chế hóa, những sự ảo tưởng đã được định chế hóa.

Phần lớn những người đến với Phật giáo đều chỉ muốn được an ủi, sống trong tánh không và sự buông xả. Họ không muốn đối diện với những vấn đề xã hội. Tôi nghĩ rằng điều đó không phải là những gì xã hội hiện tại cần đến.

Khi nói đến đạo đức Phật giáo, chúng ta thường nhìn về Tam độc, Ngũ giới và Bát Chánh đạo . Ngài có nghĩ rằng những khái niệm đó cũng cần được duyệt lại?

Tất cả những khái niệm ấy cũng cần phải được hợp nhất vào một kích thước xã hội rộng lớn hơn. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về Tam độc và Ngũ giới, vì chúng ta có một vấn đề mà trong thời của Ngài, Đức Phật chưa hề phải đối mặt, đó là nỗi đau khổ đã bị định chế hóa. Hệ thống kinh tế của chúng ta là lòng tham đã bị định chế hóa. Chúng ta không bao giờ cảm thấy đủ trong việc tiêu thụ, các tập đoàn kinh doanh không bao giờ cảm thấy đủ trong việc kiếm lợi, thị phần của họ không bao giờ đủ lớn. Và tôi nghĩ đó là một định nghĩa của lòng tham. Ít nhất là ở tại đất nước Hoa Kỳ này, chúng ta đã định chế hóa lòng sân hận với chủ nghĩa quân sự của người Mỹ. Thái độ đối với người nhập cư ở Hoa Kỳ và ở châu Âu chính là lòng sân hận đã bị định chế hóa, và chúng ta cũng có sự vô minh đã bị định chế hóa qua hệ thống truyền thông đại chúng. Hệ thống truyền thông đại chúng hầu hết là những tập đoàn chẳng hề quan tâm đến việc giáo dục và truyền thông tin cho chúng ta, mà chỉ muốn tước đoạt sự chú ý của chúng ta. Nếu bạn có thể nhìn thấy rõ những yếu tố độc hại đã bị định chế hóa như thế nào thì bạn có thể thấy được những vấn đề kinh tế xã hội mà chúng ta đang phải đối mặt là gì.

Điều mà tôi cảm thấy hứng thú về đường lối này là sự thực vẫn có một góc nhìn Phật giáo rõ rệt về lý thuyết xã hội chứ không chỉ là việc Phật giáo phải chấp nhận lối tư duy phương Tây. Đó vẫn là một thách thức vĩ đại, vì quả là quá khó để nhìn thẳng vào lòng tham, sự giận dữ và tình trạng không hiểu biết của chính mình mà không có cách nào hình dung được việc tập hợp nhau lại với những người cùng khuynh hướng để cùng giải quyết những hình thức định chế hóa khổng lồ này. Chúng ta phải suy nghĩ về chuyện này và làm một điều gì đó về chuyện này.

Một chi phần quan trọng của con đường thánh tám ngành là “chánh mạng”. Vì ngài nói nhiều về kinh tế học, ngài nghĩ như thế nào về “chánh mạng” trong hiện tại?

Cả xưa cũng như nay, chúng ta đều không nên mưu sinh bằng những hoạt động mang lại đau khổ. Ngày nay, điều đó có thể áp dụng cho một số hoạt động của các tập đoàn thương mại, chẳng hạn như hoạt động quảng cáo. Hầu hết những kiểu hoạt động quảng cáo của các tập đoàn thương mại là không thích hợp, bởi vì chúng kích thích một loại chủ nghĩa tiêu thụ đến mức có thể được coi như một tôn giáo mới. Một thứ tôn giáo giả hiệu đòi cung hiến cho chúng ta những giải pháp thay thế hứa hẹn mang lại hạnh phúc thông qua việc mua sắm đủ thứ - ngoại trừ điều đó chẳng bao giờ xảy ra. Và những cách làm việc kiếm ăn hoặc sử dụng nhân lực liên quan đến việc thúc đẩy chủ nghĩa tiêu thụ và việc hủy hoại môi trường sống. Đấy chỉ là hai thí dụ nổi bật. Là người tiêu thụ, về một mặt khác, chúng ta phải có nghĩa vụ sống một cuộc sống đơn giản và chống lại những điều quyến rũ ấy.

Mới đây, ngài trả lại bằng Tiến sĩ Danh dự do Đại học Cartleton trao tặng vì sự đầu tư của trường này vào lãnh vực dầu khí.

Là một Phật tử, tôi đã cam kết chủ động tuân thủ những nguyên lý Phật giáo về các thách thức xã hội và môi sinh. Ngày nay, chẳng có vấn đề nào cấp thiết hơn tình trạng biến đổi khí hậu, vốn đang trở thành một khía cạnh khẩn cấp nhất của một cuộc khủng hoảng sinh thái đủ sức đe dọa sự tồn vong của một số lớn các giống loài trên quả đất, có thể cả chính giống loài chúng ta nữa.

Trong tác phẩm mới đây: Một Con đường Phật giáo mới: Giác ngộ, Tiến hóa và Đạo đức trong Thế giới Hiện đại, ngài có dành riêng một chương để nói về “Bậc Bồ-tát mới”.

Có lẽ chúng ta nên đặt chữ “mới” trong ngoặc kép bởi vì điều đó không khác biệt lắm. Nguyên thủy, một vị Bồ-tát nối tiếp công việc thiền định của mình để duy trì và giúp đỡ ngài đạt đến trạng thái tiếp xúc được với chân tánh, nghĩa là Phật tánh. Điều này trở nên thực sự quan trọng vì mặt khác của con đường Bồ-tát là dấn thân vào đời. Theo truyền thống ở châu Á, đó là việc giúp người khác tự tỉnh giác.

Điều đặc biệt ngày nay nằm ở chỗ chúng ta có nỗi khổ đã được định chế hóa và một hệ thống chính trị kinh tế đang hủy hoại sinh thái toàn cầu. Để trở thành một vị Bồ-tát thời nay thì không chỉ có nghĩa là để giúp người khác tỉnh thức riêng họ mà còn là phải hợp tác với người khác để xử lý vấn đề nỗi khổ đã bị định chế hóa. Hãy hoạt động tích cực để cứu lấy quả đất.

Là người Phật tử phương Tây, chúng ta có thể làm thế nào ủng hộ và tăng cường cộng đồng niềm tin của chính mình khi đó là một vấn đề đạo đức?

Trước hết, tôi xin nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng, bởi vì ít nhất ở Hoa Kỳ đó là một cộng đồng chưa phát triển đầy đủ. Chúng ta có quá nhiều Phật, quá nhiều Pháp, quá nhiều giáo thọ, giáo lý, nhưng trong các trung tâm Thiền và Vipassana, tiêu điểm vẫn là nỗi khổ cá nhân và sự tỉnh giác cá nhân. Tôi cũng không dám chắc rằng đó là ý hướng truyền thống của Đức Phật, nhưng đó chính là cách thức phát triển của Phật giáo trong lịch sử.

Phật giáo cũng nhấn mạnh đến chế độ tự viện, tang già, nhưng ngày nay chúng ta cần hiểu cộng đồng như toàn thể những người thực hành Phật giáo. Về mặt này, chúng ta không nên có một sự phân biệt quá mức giữa các tu sĩ và các cư sĩ. Chúng ta thực sự cần chú ý đến việc cứu giúp và nâng đỡ nhau, vì chúng ta sẽ bước vào những thời kỳ khó khăn về mặt xã hội và môi trường. Khi những tình trạng đó bùng nổ, điều quan trọng nhất không phải là những thực phẩm nào đã được chúng ta tồn trữ trong hầm nhà, mà liệu chúng ta có thuộc về một cộng đồng từ bi ở đó người ta thực sự thương yêu nhau, quan tâm đến nhau và chăm sóc cho nhau hay không.

Tất cả những điều đó bắt đầu bằng việc chuyển hóa của từng cá nhân, và nếu điều đó xảy ra, tự nhiên chúng ta sẽ có ảnh hưởng đến những người quanh ta. Đó là điều cần thiết nhưng chưa đủ. Chúng ta còn cần phải dấn thân về mặt xã hội, giải quyết những nguyên nhân tạo nên sự định chế hóa của nỗi đau khổ hiện nay. Hơn nữa, nếu chúng ta có một cộng đồng Phật giáo thực sự chủ động tham gia vào những công việc vì những lợi ích rộng lớn về mặt xã hội và sinh thái, điều đó sẽ là một hình mẫu cho phần còn lại của thế giới.


Nguyên tác: 21st century Buddhism: Facing Institutionalized Suffering, Interview with David Loy.
Nguồn: https://www.mountaincloud.org/21st-centurybuddhism-facing-institutionalized-suffering-interview-withdavid-loy/.
Người được phỏng vấn: David Robert Loy là một giáo sư, tác gia, và giáo thọ về Thiền theo truyền thống Nhật Bản. Năm 1971, ông bắt đầu thực hành thiền dưới sự hướng dẫn của Đại sư Yamada Koun thuộc Sanbo Kyoda ở  Hawaii, một chi phái của dòng thiền Tào Động Nhật Bản. Năm 1984, ông đến Kamakura, Nhật Bản tiếp tục học Thiền cho đến năm 1988 thì thực sự hoàn tất việc tu tập. Ông được coi là nhân vật có thẩm quyền trong việc đưa Phật giáo hòa nhập vào thế giới hiện đại. Ông là tác giả nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về Phật giáo. Về mặt học thuật, ông tốt nghiệp Carleton College, một ngôi trường nổi tiếng về khoa học nhân văn. Năm 2014, ông được trường này trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự, nhưng đến tháng Tư năm 2016, ông đã tuyên bố trả lại học vị danh dự này vì trường Carleton College tiếp tục duy trì khoản đầu tư của trường trong các quỹ đầu tư vào ngành khai thác dầu mỏ.
Người phỏng vấn: Matthias Luckwaldt là một nhà báo tự do người Đức, sinh trưởng trong một gia đình thuộc truyền thống Luther và Calvin của đạo Tin Lành. Sau khi tiếp xúc với Phật giáo tại một trung tâm ẩn tu ở Frankfurt, Germany, ông tìm được nguồn gốc tâm linh của mình. Hiện nay ông hoạt động với phong trào Quaker trong lúc vẫn tham dự các hoạt động Phật giáo.


Dịch Việt: Lâm Hạnh Nhiên

Theo Văn Hóa Phật Giáo Số 318 ngày 1-4-2019

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm