Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Phật tử và thiền

Chỉ bằng cách thiền hơi thở trong mười hay mười lăm phút mỗi ngày, chúng ta sẽ có thể làm giảm căng thẳng đầu óc. Bạn sẽ trải nghiệm một cảm giác an lành, thoáng đạt, dần dần bạn sẽ tự tin đối phó với những tình huống khó khăn trong cuộc đời, điềm tĩnh trong công việc và nhẹ nhàng giao tiếp với người khác.
Mục lục


Tôi đoán chừng, khoảng mấy chục năm sau này, Phật tử mới nghe nhiều đến thiền. Trước đó, tôi không thấy ai ngồi thiền. Chùa không có thiền đường, không có thiền hành. Thế mà ngày nay, thiền tràn ngập các thông tin trên mạng, trên sách báo và lịch sinh hoạt tại nhiều chùa, tự viện và các cơ sở Phật giáo ở trong và ngoài nước. Các sáng tác văn hóa, văn nghệ cũng mang dáng dấp của thiền: thơ thì có thơ thiền, nhạc thì có thiền ca, họa thì có tranh thiền, vườn thì có vườn thiền, trà thì có thiền trà...

Sở dĩ khái niệm thiền được phổ biến rộng rãi là vì:

- Phật giáo nước ta đã làm sống lại thiền, như là phương tiện tinh hoa của đạo Phật, đặc biệt là hệ thống Trúc Lâm thiền viện theo con đường tu hành của Hòa thượng Thích Thanh Từ, và Phật giáo Nam tông, Phật giáo Khất sĩ giữ truyền thống thiền như ở các nước châu Á khác, vì thế thiền Tứ Niệm Xứ được dạy cho người tu hành và Phật tử ngày càng nhiều. Các lớp tu dài ngày, ngắn ngày, tu gieo duyên ở các chùa Phật giáo Nam tông đều có thực tập thiền Tứ Niệm Xứ, với các cấp độ khác nhau.

- Thiền của đạo Phật Tây Tạng, Nhật Bản và các nước châu Á theo Nam tông đã phát triển mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu. Mọi Tăng Ni và Phật tử ở Mỹ và phương Tây đều biết hành thiền, và tu thiền rất chín chắn. Không những thế, thiền còn đi vào khoa học, vào điều trị, vào tăng cường sức khỏe, có khi đi xa khỏi Phật giáo. Hiện nay, sách, báo, tài liệu trên mạng về Phật giáo nói chung, và thiền nói riêng rất phong phú và tương đối dễ đọc; nhiều sách của các vị sư danh tiếng phương Đông và các nhà Phật học và Tỳ-kheo phương Tây được phổ biến rộng rãi.

- Internet, công nghệ thông tin và truyền thông, cùng các tiện ích như các website, e-mail, facebook, Youtube... đã nối kết mọi người, mọi Phật tử trên khắp thế giới. Thông tin về Phật sự, các khóa tu, hội thảo khoa học, ấn phẩm Phật giáo... được phổ biến rộng rãi. Hoạt động thiền ở khắp nơi được nhiều người theo dõi, đọc thông tin, hoặc trực tiếp tham dự. Phương tiện giao thông nhanh chóng và thuận lợi giúp cho quý Tăng Ni và Phật tử trong nước và ngoài nước học hỏi và giao lưu, và nhiều thiền giả đi dạy thiền khắp đó đây..

Tuy nhiên, số người thực sự đến với thiền thì không nhiều. Nhiều người có nghe thiền, có đọc sách về thiền, trong đó nhiều người say mê về cuộc đời của các Tổ sư thiền, các giai thoại, công án về thiền, nhưng không đi xa thêm để học và thực tập thiền. Có nhiều người dự những khóa thiền nhưng sau đó thiền không trở thành hoạt động thường xuyên, hầu như lại rơi vào quên lãng. Mà thật ra, người nào thiền thì tự người đó biết, và chẳng cần bận tâm đến dư luận. Có lẽ một thiền giả được biết đến qua biểu hiện trong đời sống, mà chỉ người gần gũi mới có thể nhận ra.

Tưởng rằng thiền như bức màn sương khói mờ ảo đối với rất nhiều người, nhưng không, càng ngày thiền càng thể hiện là một hoạt động rõ rệt trong đời sống tôn giáo, và dần dần cả trong cuộc sống đời thường. Thông tin cho biết thiền là liệu pháp chữa trị tâm thần - một dẫn chứng cụ thể là giáo sư Jon Kabat-Zinn, dạy thiền tại Đại học Massachusetts (Mỹ) đã thành lập bệnh viện chữa stress năm 1979 -, thiền đi vào giáo dục, đến nỗi cả trẻ em cũng ngồi thiền, thiền cho tù nhân, thiền cho các nhà quản trị, ngay cả cho các chính trị gia. Cựu Tổng thống Bill Clinton đã mời một vị Tăng sĩ Phật giáo đến hướng dẫn cho riêng cá nhân ông phương pháp hành thiền, và ông đã ngồi thiền, ăn chay[1]. Rồi đến bà Hillary Clinton cũng đề cao thiền tập. Một nhà báo ghi lời bà Clinton nói với phóng viên Joan Hamburg của WABC: “Tôi thường xuyên tập như trước kia đã tập, thiền đã giúp tôi nhiều... Chậm lại, hít hơi thở sâu, có thể cho bạn cảm giác thư giãn và trầm xuống... Bạn không cần ngồi tréo chân trong một căn phòng vắng lặng nào. Thực sự, bạn có thể tập như thế trên máy bay, hay trong xe hơi”[1]. Steve Jobs (1955-2011), nhà sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành Công ty Apple, đã tập thiền và khuyến khích nhân viên trong công ty Apple tập thiền.

Ngày nay, nhiều người quay cuồng làm việc với cường độ cao, với sức ép lớn, nhiều người phải chịu stress thường xuyên; các người trẻ phải đấu tranh để dành một chỗ đứng trong xã hội, trong môi trường cạnh tranh gay gắt; xã hội lại gánh những nguy cơ về tan vỡ hạnh phúc gia đình, nạn hành hung thô bạo; thanh niên hung hăng xử sự bằng vũ lực, nạn ma túy, say sưa..., trong hoàn cảnh như thế, phải chăng mọi người phải được “học” để biết dừng lại, biết tĩnh tâm, biết sống chậm một chút để hành trình trên con đường dài gay go?

Sống có chánh niệm là phương thuốc chữa bệnh thời đại. “Chánh niệm có nghĩa là mình biết nhìn lại mình, xét lại quan niệm sống của mình, và ý thức được tính chất toàn vẹn của mỗi giây, mỗi phút trong cuộc sống. Và trên hết, chánh niệm có nghĩa là tiếp xúc được với thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta” (Giáo sư Y khoa và Thiền học Jon Kabat-Zinn). Chánh niệm là “phẩm chất và nội lực của tâm nhận biết cái gì đang xảy ra, không phán xét và không can thiệp” (Giáo sư Phật học Joseph Goldstein).

Tu tập chánh niệm tùy theo căn cơ, hoàn cảnh và trình độ mỗi người, bậc tu hành thì luôn luôn tự vấn sống trong chánh niệm, còn người Phật tử bình thường thì tâm không thể luôn luôn an định nhưng cũng phải có lúc trở về với chánh niệm.
 

Thiền là phương tiện để tu tập chánh niệm, như vậy thiền cũng có nhiều cấp độ, và cũng quá nhiều pháp thiền. Tôi chỉ tìm hiểu một pháp thiền được thực hành nhiều. Đó là Tứ Niệm Xứ.

Vipassanā (Tứ Niệm Xứ, Minh Sát Tuệ), là thực hành về chú tâm liên tục đến cảm thọ, thông qua đó cuối cùng ta nhìn thấy bản chất thực sự của thực tại. Chính Đức Phật đã dạy các đệ tử thực hành thiền này, và mặc dầu sau này dạng thức thực hành có thể thay đổi, nhưng Vipassanā vẫn giữ căn bản truyền thống của thiền Phật giáo.

Kinh Tứ Niệm Xứ là một trong những kinh trọng yếu nhất mà Ðức Phật đã thuyết giảng hơn 2.500 năm về trước để rèn luyện, uốn nắn, làm cho quân bình và thanh lọc thân tâm.

Mở đầu bài Kinh Quán Niệm (Satipatthana Sutta) có chỉ dẫn rõ ràng:

“Sau đây là những lời mà tôi đã được nghe Ðức Thế Tôn dạy, hồi Ngài còn đang cư ngụ ở Kammassadhamma, một khu phố của giống dân Kuru. Một hôm Ðức Thế Tôn gọi chư Tăng: ‘Này các Tỳ-kheo’. Chư Tăng đáp: ‘Thưa Ðức Thế Tôn, có chúng con đây’. Phật nói: ‘Này quý vị, đây Ta chỉ cho quý vị con đường duy nhất để có thể gạn lọc bản thân, vượt thoát mọi phiền não, tiêu diệt ưu khổ, đạt tới chánh đạo và chứng ngộ Niết-bàn: Ðó là pháp Niệm Xứ’”[3].

Pháp Niệm Xứ có bốn phần, đó là tinh chuyên niệm vào:

1/ Thân (Kàyànupassanà). Niệm thân. Quán thân bất tịnh.

2/ Thọ hay cảm giác (Vedanànupassanà). Niệm Thọ. Quán thọ thị khổ.

3/ Tâm (Cittànupassanà). Niệm Tâm. Quán tâm vô thường.

4/ Pháp (Dhammànupassanà) là những đối tượng của Tâm. Niệm Pháp[3]. Quán pháp vô ngã.

Một Phật tử như tôi không đủ khả năng và thẩm quyền để đi sâu vào thiền Tứ Niệm Xứ, chỉ xin tự đặt câu hỏi: Vì sao thế giới Phật giáo và rộng hơn, cả xã hội rất nhiều nước: Mỹ, phương Tây, phương Đông... đều quen với thực tập thiền, nhiều Phật tử và nhiều đối tượng trong xã hội, đặc biệt là trí thức và giới trẻ, dành thời gian - dầu là ít ỏi - để thiền, hầu mong được thanh tịnh và an lạc để tăng cường nội lực, đối phó với vô vàn phức tạp của đời thường... thì tại nước ta, hầu như mọi người không mấy ngó ngàng đến thực tập thiền?

Có lẽ Phật tử nước ta theo Phật giáo truyền thống, từ ông bà, cha mẹ chỉ biết đến chùa, lễ Phật, tụng kinh, đọc sách Phật... và không thấy thiền nên tưởng thiền là xa lạ với đời sống tu tập. Đến khi thiền trở thành không thể thiếu trong đời sống tâm linh khắp mọi nơi, thì nhiều người thấy thiền khó quá, có cảm tưởng bị “dội”, bày đặt chi cho mệt, lại không thấy bước đầu rõ ràng, cho nên khó theo.

Tôi nghĩ rằng, Phật tử bình thường và người dân ở nước người ta, khởi đầu thiền đơn giản thôi, và người ta thấy lợi ích thật sự. Khởi đầu ấy là thiền hơi thở (breathing meditation). Mục đích của thiền hơi thở là đem lại tịnh tâm và phát triển bình an nội tại. Hơi thở là sợi dây kết nối giữa thân và tâm. Chỉ một câu cô đọng cho thiền hơi thở: “Ngồi xuống, im lặng và tập trung chú ý”. Chú ý ở đây là chú ý hơi thở (thở vào, thở ra); đó là khởi đầu đơn giản của niệm thân, niệm thứ nhất của Tứ Niệm Xứ. Có nhiều tư thế để thiền, xin đề nghị tư thế đơn giản nhất:

1. Chọn một nơi yên lặng và tương đối cao để thực tập thiền. Ngồi chéo chân trên tọa cụ (đệm nhỏ), hoặc nếu việc đó là khó khăn, hãy ngồi trên ghế thẳng lưng, với bàn chân đặt phẳng trên nền, không dựa vào lưng ghế.

2. Đặt bàn tay mở ra trên đùi và giữ thế thẳng với lưng thẳng, thư giãn nhưng vững vàng. Mắt nhắm hờ. Hai tay để nhẹ, lòng bàn tay phải đặt trên lòng tay trái, hai ngón cái khẽ chạm nhau.

3. Tập trung chú ý vào hơi thở. Thở tự nhiên, nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra qua lỗ mũi, đừng cố gắng kiểm soát hơi thở. Cảm giác nhận biết đó chính là đối tượng của thiền.

4. Ban đầu, bạn có thể thấy khó chịu, tự nhiên cảm thấy mỏi, thấy đau chỗ này chỗ nọ, chân tay muốn ra khỏi tù túng... hoặc hoàn cảnh bên ngoài tác động (có ai đến, tiếng chó sủa...), hoặc thường gặp trạng thái tâm đi lang thang vẩn vơ suy nghĩ, vọng tưởng... bạn có thể ghi nhận nhưng đừng theo nó, và tức khắc trở về theo dõi hơi thở, và giữ đúng tư thế. Những lần thiền tiếp theo, bạn sẽ thực hiện giai đoạn này dễ dàng hơn, và bạn càng tập trung vào hơi thở hơn.

5. Vào cuối phiên thiền, tiếp tục giữ yên lặng, tỉnh thức và vui vẻ.

Sau khi thực tập được như thế, bạn có thể nâng cấp bằng cách chú ý vào cái bụng. Hơi thở vào thì bụng phồng, hơi thở ra thì bụng xẹp. Tất nhiên, bạn chỉ mới ở vòng ngoài của niệm thân: chú tâm vào hơi thở như nó đang là, chú tâm vào cái bụng phình lên xẹp xuống như nó đang là; còn những 4 niệm xứ: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp thì bạn cần nhiều tự lực và trợ duyên.

Chỉ bằng cách thiền hơi thở trong mười hay mười lăm phút mỗi ngày, chúng ta sẽ có thể làm giảm căng thẳng đầu óc. Bạn sẽ trải nghiệm một cảm giác an lành, thoáng đạt, dần dần bạn sẽ tự tin đối phó với những tình huống khó khăn trong cuộc đời, điềm tĩnh trong công việc và nhẹ nhàng giao tiếp với người khác.

Tôi chỉ chia sẻ với Phật tử bình thường chuyện thiền hơi thở đơn giản mà thôi, và không dám đề cập những gì cao xa. Thiền như thế, ai thực tập cũng được, ai cũng hưởng được lợi ích. Còn đi sâu vào Tứ Niệm Xứ hoặc các pháp môn thiền khác, nếu bạn có duyên và cảm thấy nhu cầu thiết thân, bạn sẽ tìm thầy và các bạn đồng tu để bước đầu được hướng dẫn kỹ lưỡng và đúng hướng. Nhưng cuối cùng, vẫn là thiền một mình, thường xuyên, bình thường như tập thể dục buổi sáng.
 

 


Chú thích:

1. http://kienthuc.net.vn/thien/cuu-tong-thong-my-bill- clinton-tap-ngoi-thien-an-chay-185158.html.

2. http://thuvienhoasen.org/p122a25884/ba-hillary- clinton-tap-thien.

3. http://www.daophatngaynay.com/vn/phap-mon/ thien-dinh/nguyen-thuy/10815-Thien-Tu-Niem-Xu.html.

Tài liệu tham khảo:

- Lion‘s Roar Sta , Buddhist Teaching on Mindfulness, August 11, 2016.

- Sayadaw U Pandita, How to Practice Vipassana Insight Meditation, website Lion‘s Roar, April 17, 2016.

- Sakyong Mipham Rinpoche, How to do Mindfulness Meditation, website Lion‘s Roar, March 1, 2016.

- Thích Trí Siêu, Thiền Tứ Niệm Xứ, website Đạo Phật Ngày Nay...



Theo Văn hoá Phật giáo số 277 ngày 15-07-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm