Một trong những đặc điểm nổi bật về giáo lý của Đức Phật là tôn trọng kinh nghiệm trực tiếp. Các bản kinh trong Kinh tạng Pāli không dạy một giáo thuyết bí mật, cũng không để dành một điều gì giống như một con đường huyền bí dành cho một tầng lớp tín đồ tinh hoa, không truyền bá cho người khác. Lời dạy trong kinh Tương ưng bộ cho thấy rõ về vấn đề này.
“Này các Tỷ-kheo, có ba pháp được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Thế nào là ba? Sở hành của nữ nhân, chú thuật của Bà-la-môn và tà kiến”.
“Này các Tỷ-kheo, ba pháp chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Thế nào là ba? Vành tròn của mặt trăng, vành tròn của mặt trời, pháp và luật được Như Lai tuyên thuyết” (AN 3:129).
Bí mật trong giáo lý là dấu hiệu của quan điểm sai lầm, tà kiến và suy nghĩ lẫn lộn. Giáo lý của Đức Phật tỏa sáng một cách công khai, xán lạn và rực rỡ như ánh sáng của mặt trời và mặt trăng. Không bao trùm bởi bí mật là một đặc tính không thể thiếu của một giáo lý dành ưu tiên cho kinh nghiệm trực tiếp, mời gọi các cá nhân đến để kiểm tra các nguyên tắc của giáo lý đó, qua thử thách kinh nghiệm của riêng mình.
Điều này có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể tiếp nhận giáo lý của Đức Phật một cách công khai và hoàn toàn bằng kinh nghiệm thực nghiệm của mình mà không cần phải cố gắng nỗ lực theo một cách đặc biệt. Ngược lại, lời dạy của Đức Phật có thể áp dụng để thực hiện trong kiếp sống hiện tại để có thể đạt được những điều phi thường trong thế giới trần tục này. Trái ngược với các tôn giáo đa thần hay nhất thần, khải thị, Đức Phật không bắt chúng ta phải tuyệt đối đặt niềm tin hoàn toàn mà không suy tư một cách thấu đáo. Ngài dạy giáo lý như bàn tay được mở ra, không có bàn tay nắm lại. Những gì mang lại hữu ích thiết thực cho con người thì Ngài trình bày chi tiết từ đầu đến cuối một cách công khai minh bạch, đến để thấy và hiểu, chứ không phải đến để mà tin.
2. Không giáo điều hay niềm tin mù quáng
Đặc điểm nổi bật của giáo lý Phật giáo nằm ở chỗ giáo lý ấy không mang hơi hướng của giáo điều bắt tín đồ tin tưởng một cách mù quáng. Ngài thường dạy, tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta. Đành rằng niềm tin là cốt lõi căn bản của tất cả mọi tôn giáo. ‘Tín vi đạo nguyên công đức mẫu’, đức tin là mẹ đẻ của mọi sự thành công. Một người đến với tôn giáo mà không có niềm tin thì là mất căn bản, khó có thể đi sâu, đi xa hơn trên con đường tu tập. Tuy nhiên, Đức Phật luôn nhấn mạnh đến vai trò của chánh kiến, tư duy đúng đắn. Bất luận ai cũng đều có những tư duy chơn chánh, phù hợp với trình độ và hoàn cảnh của mình. Mọi người đều có khả năng nhìn nhận và phân biệt được khi có sự suy tư thấu đáo. Do vậy, hơn bao giờ hết Đức Phật không chấp nhận một người đến với đạo Phật chỉ bằng niềm tin đơn thuần. Mà niềm tin phải luôn đi cùng với lý trí soi xét. Lời dạy mang giá trị xác thực được Đức Phật dạy người Kālāmā cho chúng ta thấy rõ quan điểm lập trường này.
“Này các Kālāmā, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kālāmā, khi nào tự mình biết rõ như sau: ‘Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau’, thời này Kālāmā, hãy từ bỏ chúng!” [1].
Chúng ta có thể thấy rõ tinh thần cởi mở trong lời dạy trên của Đức Phật. Ngài luôn sử dụng phương tiện thiện xảo bằng mọi cách để cốt làm sao người tiếp cận phải thấu hiểu và tin theo. Trong Kinh tạng Nguyên thủy cũng như Đại thừa, không có một bản kinh nào mang hơi hướng tín điều, mặc khải. Kinh tạng Pāli thì quá thiết thực với đời sống con người, còn Kinh tạng Phát triển thì đòi hỏi một sự suy tư cao hơn với nhiều ví dụ ẩn dụ để hiển bày chân lý. Nếu không có khả năng tư duy chơn chánh thì đọc kinh điển Đại thừa chúng ta khó thấu hiểu. Mặc dầu trong văn phong của kinh điển Đại thừa mang hơi hướng hiện đại, và lý giải nhiều góc cạnh khác nhau của chân lý thực tại, nhưng trong đó hoàn toàn không hề thấy một dấu hiệu của giáo lý mặc khải, thần quyền.
3. Có thể thấy nguồn gốc và tận diệt phiền não
Căn nguyên của khổ đau là vô minh, phiền não. Phật giáo thấy rõ và chỉ ra cho con người thấy sự chi phối của chúng, sự nguy hiểm của chúng để cần phải đoạn trừ. Trong bài pháp đầu tiên được Đức Phật tuyên thuyết tại vườn Nai cho năm anh em Kiều-trần-như để vận chuyển bánh xe Chánh pháp, Ngài đã chỉ rõ khổ, căn nguyên của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến sự đoạn tận khổ đau. “Phàm có khổ gì khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của đau khổ” (SN 42:11).
Khi đã xác nhận được nguyên nhân sâu xa của khổ đau là tham dục, lập tức Ngài vạch ra một con đường tu tập chơn chánh, một đạo lộ rõ ràng để đoạn tận tham dục đưa đến giải thoát. Con đường có thể đoạn tận được tất cả các nguyên nhân gây nên đau khổ, đưa đến sự an lạc giải thoát Niết-bàn. “Giáo pháp có thể được đánh giá trực tiếp đến với mối quan tâm của chúng ta về sự an lạc hạnh phúc trong hiện tại. Một khi chúng ta thấy rằng việc thực hành các lời dạy của Ngài thực sự mang lại hòa bình, niềm vui và an toàn nội tâm ngay trong đời này, điều này sẽ tạo sự hứng khởi cho sự tin tưởng và tín nhiệm của chúng ta vào toàn thể giáo pháp, bao gồm cả những khía cạnh nằm ngoài khả năng hiện tại của chúng ta để tự xác minh”[2].
Có nhiều người cho rằng trình bày quá nhiều về khổ đau làm cho Phật giáo mang tính bi quan yếm thế. Nhìn nhận này trở nên phiến diện khi không nhìn nhận trọn vẹn hết các góc cạnh của vấn đề. Có thể thấy nguồn gốc và tận diệt phiền não là sự nhìn nhận một cách toàn diện và đúng đắn. Thông thường người đời thường hay lo sợ và giấu kín. Thấy biết khổ nhưng không chịu tìm hiểu nguyên nhân và không có đường hướng giải quyết. Đạo Phật chỉ ra các sự thật để tìm cách giải quyết nó, chứ không phải ấp ủ để cho vết ung nhọt ngày càng thêm sâu nặng. Vô minh phiền não là căn bệnh trầm kha nhất của con người, cũng được Đức Phật vạch mặt chỉ tên để chữa trị căn bệnh trầm kha ấy một cách rốt ráo.
4. Hãy tìm hiểu bậc Đạo sư
Thông thường các tôn giáo đều xây dựng hình ảnh đấng Đạo sư mang tính cách huyền thoại, mầu nhiệm, đặt các tín đồ vào một niềm tin tuyệt đối. Khi khoa học văn minh tiến bộ của nhân loại đang bước tiến lên một tầm mức như hiện nay, thì mọi sự thật đều phải được phơi bày trước ánh sáng của khoa học thực nghiệm. Nhưng vấn đề các nhà sư giả mạo là một trong những vấn đề đã có từ ngàn xưa, không phải chỉ mới bây giờ. Nhiều vị muốn tự xưng là sự truyền thừa này nọ để mị dân, lừa dối thiên hạ. Những hình thức truyền giáo mang tính siêu thực, hứa hẹn hão huyền vào một thế giới xa xăm cũng làm khổ đau không biết bao nhiêu người nhẹ dạ cả tin. Khi một môn đệ tiếp cận với một vị Đạo sư tuyên bố là hoàn toàn giác ngộ và do đó có khả năng giảng dạy con đường giải thoát tối hậu, người môn đệ cần phải có một số tiêu chí trong tay để thử nghiệm vị đạo sư đó, để xác định vị đạo sư ấy có thực sự đúng như những gì vị ấy tuyên bố về chính mình hay những gì người khác ca ngợi về vị ấy. Đây là một điểm khác biệt giữa đạo Phật với các tôn giáo khác. Đức Phật gợi ý các môn đệ nên tìm hiểu về bậc thầy của mình. Ngài chỉ ra các tiêu chí mà môn đệ dựa trên đó để đánh giá, kiểm chứng. Kinh điển Đại thừa, nhất là trong kinh Pháp hoa, cũng đề cập nội dung tương tự khi Tôn giả Xá-lợi-phất vẫn còn phân vân do dự về việc ma vương biến hiện ra Phật. Dưới con mắt của một bậc đại trí trong thập đại đệ tử Phật mà đôi khi vẫn khởi lên những nghi ngờ như thế, hà huống những chúng sanh tầm thường. Do đó cần phải có pháp để kiểm chứng. Các môn đệ có thể kiểm chứng về Như Lai qua đức hạnh, trí tuệ và những lời dạy đúng về chân lý mà Ngài tuyên thuyết. Nếu nó hợp với chân lý, hợp với căn cơ chúng sanh và hợp với mọi thời đại; đồng thời lời dạy ấy đem lại sự an lạc giải thoát đích thực cho chúng sanh thì đó là pháp của Phật.
Trong bài kinh Vimamsaka (kinh Tư sát), Đức Phật đưa ra các hướng dẫn mà một vị tu sĩ có thể kiểm tra vị “Tathagata” (Như Lai, nghĩa là Đức Phật), để đánh giá tuyên bố của Ngài là đã hoàn toàn giác ngộ. Một điểm chuẩn của sự giác ngộ hoàn hảo là sự tự do của tâm trí thoát khỏi mọi phiền não. Nếu một tu sĩ có thể không trực tiếp nhìn vào tâm trí của Đức Phật, vị ấy có thể dựa vào bằng chứng gián tiếp để xác định rằng Đức Phật được giải thoát khỏi phiền não. Điều này có nghĩa là bằng cách đánh giá những hành động và lời nói của Đức Phật, vị ấy có thể suy ra rằng các trạng thái tâm lý của Đức Phật là hoàn toàn thanh tịnh, không bị ảnh hưởng bởi tham, sân, si. Ngoài việc quan sát suy luận như vậy, Đức Phật khuyến khích vị tu sĩ tiếp cận Ngài và trực tiếp tìm hiểu về các trạng thái tâm ý của Ngài.
Khi các môn đệ có sự tin tưởng vào Đức Phật là một đấng Đạo sư có trình độ, người ấy tiếp tục thực hiện một cuộc thử nghiệm tối hậu. Vị ấy học và thực hành lời dạy của đấng Đạo sư và thâm nhập Pháp qua trực tiếp hiểu biết. Hành động thâm nhập này tương đương với điều kiện tối thiểu của quả vị “Dự lưu” mang đến lòng tin “bất thoái chuyển”, lòng tin của một người đi vào dòng thánh, tiến đến giải thoát rốt ráo, không còn quay lui lại nữa.
Nếu chỉ đọc riêng bài kinh Tư sát, ta có thể tạo có ấn tượng rằng mình có đức tin sau khi thực chứng lời dạy, và bởi vì sự thực chứng tự nó đã có giá trị, cho nên đức tin trở thành không cần thiết. Thế nhưng điều quan trọng là bài kinh cho thấy niềm tin đó đã trở nên vững chắc, không thể lay chuyển, như là kết quả của sự thực chứng, hệt như niềm tin đi khi hành giả tự thân thực chứng[3].
Trong kinh Tư sát thuộc Trung bộ, Đức Phật dạy:
“Này các Tỷ-kheo, vị tư sát Tỷ-kheo muốn biết rõ tập tánh của người khác, cần phải tìm hiểu về Như Lai trên hai loại pháp: các pháp do mắt, do tai nhận thức, nghĩ rằng, ‘Những pháp ô nhiễm do mắt, tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không hiện khởi?’. Sau khi tìm hiểu như vậy, vị Tỷ-kheo được biết như sau: ‘Những pháp ô nhiễm do mắt, tai nhận thức, những pháp ấy không hiện khởi ở Như Lai’...”.
...
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai cần phải được hỏi thêm như sau....; ‘Những pháp hoàn toàn thanh tịnh do mắt, tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai hay không hiện khởi?’. Được hỏi như vậy, Như Lai sẽ trả lời như sau: ‘Những pháp hoàn toàn thanh tịnh do mắt, tai nhận thức, những pháp ấy có hiện khởi ở Như Lai’. Ta lấy như vậy làm đạo lộ, làm hành giới. Không có ai giống Ta như vậy”.
...
“Này các Tỷ-kheo, nếu có người khác hỏi Tỷ-kheo ấy như sau: ‘Tôn giả có những dữ kiện gì, có những bằng chứng gì để Tôn giả nói rằng: Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng thật khéo hành trì?’ Này các Tỷ-kheo, muốn trả lời một cách chân chánh, vị Tỷ-kheo phải trả lời như sau: ‘Ở đây, này Hiền giả, tôi đến yết kiến Thế Tôn để nghe thuyết pháp, Thế Tôn thuyết pháp cho tôi, từ vấn đề này đến vấn đề khác, từ vi diệu này đến vi diệu khác, các pháp hắc bạch với các pháp tương đương của chúng. Này Hiền giả, tùy theo Thế Tôn thuyết pháp cho tôi như thế nào, từ vấn đề này đến vấn đề khác, từ vi diệu này đến vi diệu khác, các pháp hắc bạch với các pháp tương đương của chúng; tùy theo như vậy, sau khi chứng tri trong pháp ấy, tôi đạt đến sự cứu cánh của từng pháp một. Tôi khởi lòng tịnh tín đối với bậc Ðạo Sư: Thế Tôn là bậc Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng thật khéo hành trì’.”.
Này các Tỷ-kheo, đối với ai mà lòng tin đối với Như Lai được an lập, căn cứ, an trú trên những dữ kiện, những văn cú, những văn tự như vậy, này các Tỷ-kheo, lòng tin như vậy được gọi là có dữ kiện đầy đủ, căn cứ trên (chánh) kiến, vững chắc, không thể bị phá hoại bởi một Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, Ma ra, Phạm thiên hay bất cứ ai ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tìm hiểu về Như Lai, và như vậy Như Lai mới được khéo tìm hiểu một cách đúng pháp”[4].
5. Đi tới để thực chứng chân lý
Không những giới thiệu giáo pháp cho mọi người đến để mà thấy biết, Đức Phật còn khuyến tấn hành giả sau khi đến để tìm hiểu về giáo pháp thì nên ứng dụng thực hành để thực chứng chân lý; vì chỉ có thực chứng chân lý thì mới nếm trải được hương vị của nó. Trong bài kinh Canki thuộc Trung bộ, Đức Phật đưa ra hai khái niệm “hộ trì chân lý” và “thực chứng chân lý”. Người hộ trì chân lý có thiên hướng về niềm tin; còn thực chứng chân lý tức vận dụng lý trí để áp dụng hành trì. Một bên được gọi là pháp học và bên kia gọi là pháp hành. Hai đức tính này hỗ trợ cho nhau; ở chỗ, sau khi phát khởi niềm tin, một hành giả không dừng lại ở đó mà phải bắt đầu áp dụng thực hành. Trong Phật giáo, pháp hành vô cùng quan trọng. Vì chỉ qua pháp hành thì mới nếm trải được hương vị giải thoát. Giác ngộ chân lý tức thực chứng tự nội, trải nghiệm được niềm vui hỷ lạc và pháp lạc trong chính tự thân. Đây là yếu tố then chốt trong đạo Phật.
Vậy làm sao biết được vị hành giả “giác ngộ được chân lý”? Bản kinh dạy đó là vị hành giả hoàn toàn đoạn tận tham, sân, si; thân hành, khẩu hành và ý hành của vị ấy không bị tham sân si chi phối. Sau khi xem xét, vị ấy khởi lên niềm tin, tịnh tín tăng trưởng, liền tiếp cận, đến gần, thân cận giao thiệp, sau khi thân cận giao thiệp liền lóng tai nghe, sau khi nghe pháp vị ấy thọ trì pháp, rồi tìm hiểu ý nghĩa của các pháp được thọ trì; sau khi như vậy, vị ấy hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sinh, liền cố gắng, liền cân nhắc, và tinh cần. Trong khi tinh cần vị ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý; và thể nhập chân lý ấy với trí tuệ. Chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, vị ấy mới chứng đạt chân lý[5].
Đức Phật tuyên bố, tất cả mọi người đều có thể chứng ngộ được chân lý, nếu vị ấy nỗ lực đúng cách. Pháp của Phật không phải là đặc ân dành riêng cho một ai, và cũng không đặt ra để tôn thờ sùng bái một cách mù quáng. Giáo pháp ấy cần phải học, đọc, tụng, nghiền ngẫm để thẩm thấu, thâm nhập, để sống theo pháp, hành trì theo pháp nhằm nếm trải hương vị giải thoát ngay tại bây giờ và ở đây. Cho nên trong Phật giáo tu và học đi song hành với nhau. Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy đựng sách.
Tóm lại, Kinh tạng Pāli chỉ ra cho chúng ta một loạt các phương cách để tiếp cận giáo pháp. Còn nhiều phương cách khác để tiếp cận giáo pháp, chẳng hạn như dựa trên “Lục chủng thành tựu”, “Tam pháp ấn”... nhưng những phương cách căn bản trên cũng đủ thấy sự minh bạch, sáng tỏ trong giáo pháp của Phật. Rõ ràng, đây là các phương cách thiết yếu được Đức Phật giới thiệu nhằm giúp hành giả tự xác minh lại niềm tin và con đường mà mình đã lựa chọn. Dựa vào các phương cách này, hành giả hoàn toàn loại trừ tất cả các yếu tố mê tín dị đoan, hiểu sai về Đức Phật và lời dạy của Ngài. Quả thật, Đức Phật “... như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích”[6].
Ghi chú:
1. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr.338.
2&3. Tỳ-khưu Bodhi, Những lời Phật dạy, (Bình Anson dịch), Nxb Thanh Niên, 2016, tr.125.
4. Kinh Tư sát, Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Kinh Trung bộ, tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2016.
5. Kinh Can-ki, Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Kinh Trung bộ, tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2016.
6. Thích Minh Châu (dịch), Trung bộ kinh (Majjhima Nikaya), kinh Potaliya (Potaliya sutta), https://www. budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung54.htm.
Theo Văn hoá Phật giáo số 315 ngày 15-02-2019