Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Quán tâm trên tâm

Quán tâm trên tâm (citte cittànupassanà) là một trong số các phương pháp Thiền quán đưa đến chứng đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát được đề xuất trong kinh Niệm xứ thuộc Kinh tạng Pàli. Đó là tập trung nhìn vào tâm, quan sát tâm, nhận rõ các diễn biến của dòng chảy tâm thức và thức tỉnh về chúng. Chuyên tâm làm mỗi công việc như vậy thì gọi là sống quán tâm trên tâm (citte cittànupassì viharati).
Mục lục

Quán tâm trên tâm (citte cittànupassanà) là một trong số các phương pháp Thiền quán đưa đến chứng đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát được đề xuất trong kinh Niệm xứ thuộc Kinh tạng Pàli. Đó là tập trung nhìn vào tâm, quan sát tâm, nhận rõ các diễn biến của dòng chảy tâm thức và thức tỉnh về chúng. Chuyên tâm làm mỗi công việc như vậy thì gọi là sống quán tâm trên tâm (citte cittànupassì viharati).

Kinh văn nêu định nghĩa:

“Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo, với tâm có tham, tuệ tri: “Tâm có tham”; hay với tâm không tham, tuệ tri: “Tâm không tham”. Hay với tâm có sân, tuệ tri: “Tâm có sân” hay với tâm không sân, tuệ tri: “Tâm không sân”. Hay với tâm có si, tuệ tri: “Tâm có si”; hay với tâm không si, tuệ tri: “Tâm không si”. Hay với tâm thâu nhiếp, tuệ tri: “Tâm được thâu nhiếp”; hay với tâm tán loạn, tuệ tri: “Tâm bị tán loạn”. Hay với tâm quảng đại, tuệ tri: “Tâm được quảng đại”; hay với tâm không quảng đại, tuệ tri: “Tâm không được quảng đại”. Hay với tâm hữu hạn, tuệ tri: “Tâm hữu hạn”; hay với tâm vô thượng, tuệ tri: “Tâm vô thượng”. Hay với tâm có định, tuệ tri: “Tâm có định”; hay với tâm không định, tuệ tri: “Tâm không định”. Hay với tâm giải thoát, tuệ tri: “Tâm có giải thoát”; hay với tâm không giải thoát, tuệ tri: “Tâm không giải thoát”.

Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm. Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. “Có tâm đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm”[1].

Tâm có tham tức là một tâm thức sinh khởi gắn liền với tham dục.

Tâm không tham nghĩa là một tâm thức hiện khởi không đi kèm với tham dục.

Tâm có sân tức là một tâm thức khởi lên gắn kết với sự giận dữ bực phiền.

Tâm không sân tức là một tâm thức sinh khởi không có bóng dáng giận dữ đi kèm.

Tâm có si nghĩa là một tâm thức xuất hiện đi đôi với trạng thái u tối, nghi ngờ, phân vân, không tỉnh táo, sáng suốt.

Tâm không si tức là một tâm thức hiện khởi không đi đôi với trạng thái u tối, hoài nghi, phân vân, trở nên tỉnh táo, sáng suốt.

Tâm thâu nhiếp tức là một tâm thức ủ rũ, bị hôn trầm thụy miên chi phối khiến co rút lại, trở nên uể oải và rơi vào buồn ngủ; đôi khi cũng được hiểu là một tâm thức tập trung, chuyên chú, định tĩnh[2].

Tâm tán loạn tức là một tâm thức biến động, bị tham dục chi phối làm cho phân tán, dao động, không định tĩnh, trở nên phóng túng, rơi vào phóng dật.

Tâm quảng đại nghĩa là một tâm thức được tu tập trở nên phát triển hay rộng mở, có khả năng bao phủ rộng lớn (tứ vô lượng tâm) hay thâm nhập nhiều cảnh giới tâm thức siêu việt tâm dục giới.

Tâm không quảng đại nghĩa là một tâm thức bị giới hạn trong phạm vi dục giới, không có khả năng mở rộng hay chứng đạt các cảnh giới cao hơn.

Tâm hữu hạn là một tâm thức hoạt động ở phạm vi dục giới và sắc giới.

Tâm vô thượng tức là một tâm thức vượt qua dục giới và sắc giới, thể nhập các cảnh giới vô sắc.

Tâm có định nghĩa là một tâm thức được tu tập trở nên định tĩnh, nhất tâm, không còn dao động, tán loạn. Tâm không định tức là một tâm thức tán loạn, không tập trung, không định tĩnh.
Tâm giải thoát nghĩa là một tâm thức được tu tập, tạm thời thoát khỏi các phiền não tham-sân-si ngay trong sát-na tu tập.

Tâm không giải thoát nghĩa là một tâm thức không thoát khỏi các phiền não tham-sân-si.

Trước hết, tâm ở đây được hiểu là tâm hành hay dòng chảy tâm thức, tức các trạng huống tâm thức khác nhau sinh khởi và đoạn diệt trong đời sống hàng ngày gắn liền với các hoạt động của thân ngũ uẩn. Chúng là các tâm sở thiện hoặc bất thiện phát sinh do duyên sáu căn tiếp xúc với sáu trần, có tu tập hay không có tu tập, có công năng dẫn dắt tâm thức chuyển vận theo hướng này hay hướng khác tùy thuộc vào phẩm chất và diễn biến của chúng. Mặc dù chúng có những tác động tích cực hoặc tiêu cực lên đời sống của con người, các tâm sở này chỉ là pháp hữu vi, sinh khởi và đoạn diệt do nhân duyên, chuyển biến vô thường, không phải của con người, không ảnh hưởng gì đến tâm giải thoát tối hậu, vốn tự chói sáng[3], không sanh diệt, không tịnh nhiễm; vì vậy chúng được sử dụng làm đối tượng tu tập, giúp cho người thực hành quán niệm thấy được lý vô thường sanh diệt của danh sắc (nàmarùpa) hay ngũ uẩn (pancakkhandhà), đạt đến Chánh trí và Chánh giải thoát, thể hiện nếp sống “không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời”. Nói cách khác, mục đích của phương pháp quán tâm trên tâm là nhằm thấy rõ tính chất duyên sinh, vô thường, vô ngã của các biểu hiện tâm thức; chúng chỉ là các hiện tượng chuyển biến sanh diệt, không phải là cái gì thường hằng, thường trú, có thực, đáng được xem là ngã hay đồng hóa chúng là “tôi” và “của tôi”.

Bậc Giác ngộ nói về tâm như thế này:

“Này các Tỷ-kheo, thân do bốn đại tạo thành này được thấy đứng vững một năm, đứng vững hai năm, đứng vững ba năm, đứng vững bốn năm, đứng vững năm năm, đứng vững mười năm, đứng vững hai mươi năm, đứng vững ba mươi năm, đứng vững bốn mươi năm, đứng vững năm mươi năm, đứng vững một trăm năm, đứng vững nhiều hơn nữa. Còn cái gọi là tâm này, là ý này, là thức này, này các Tỷ-kheo, cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.

Này các Tỷ-kheo, ví như một con khỉ trong khi đi lại trong rừng núi, nắm lấy một nhành cây, bỏ nhành cây ấy xuống, nó nắm giữ một nhành khác. Cũng vậy, này các Tỷ- kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức này cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác”[4].

Kinh Pháp cú cũng xác nhận:

Khó nắm giữ, khinh động,
Theo các dục quay cuồng,
Lành thay, điều phục tâm,
Tâm điều, an lạc đến
[5].

Quán tâm trên tâm là tập trung nhận diện và làm việc với các trạng huống khác nhau của tâm. Làm như thế nào thì kinh Niệm xứ đã nói rõ, nghĩa là tâm có tham biết rõ là tâm có tham, tâm không tham biết rõ là tâm không tham... tâm giải thoát biết rõ là tâm giải thoát, tâm không giải thoát biết rõ là tâm không giải thoát. Tập trung nhìn vào tâm và thấy tường tận các diễn biến khác nhau của tâm mà không khởi niệm phân biệt, không tư lượng phán xét, không thuận ứng nghịch ứng, không cố uốn nắn chúng theo cách này hay cách khác thì gọi là quán tâm trên tâm, tức chú tâm thấy biết như thật sự sanh diệt, vô thường, vô ngã của dòng chảy tâm thức nhằm dứt bỏ tập quán tham ái và chấp thủ đối với danh sắc, thực chứng tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Đây là hệ quả tất yếu của pháp môn quán niệm lâu ngày đạt đến thuần thục, tức sự thể hiện tâm giải thoát, “không nương tựa, không chấp trước một thứ gì trên đời”, do chứng nghiệm bản chất duyên sinh, vô thường, hư huyễn, không thực thể của tâm hay của mọi sự vật và hiện tượng. Kinh Phật dùng các hình ảnh bong bóng nước, ráng mặt trời, cây chuối không lõi, trò ảo thuật để nói về tính chất hư huyễn, trống không, không thực thể của các hiện tượng tâm thức một khi được quán sát kỹ[6]. Quán sát các diễn biến của tâm với kết quả tâm đi đến ly tham, giải thoát, không nương náu, không bám víu vào bất cứ ý niệm nào thì được xem là đã thành tựu pháp môn quán tâm trên tâm, cũng được gọi là đã điều phục được tâm (cittam vasam vatteti), không phải bị tâm điều phục (no ca cittassa vasena vattati).

Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Mahà Moggallàna:

“Ở đây, này Hiền giả Moggallàna, Tỷ-kheo điều phục được tâm, không phải Tỷ-kheo không điều phục được tâm. An trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi sáng, vị ấy an trú quả ấy vào buổi sáng; an trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi trưa, vị ấy an trú quả ấy buổi trưa; an trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi chiều, vị ấy an trú quả ấy vào buổi chiều. Hiền giả Moggallàna, ví như một vị vua hay vị đại thần của vua có một tủ áo đựng đầy những áo có nhiều màu sắc khác nhau. Cặp áo nào nhà vua muốn mặc vào buổi sáng, nhà vua mặc cặp áo ấy vào buổi sáng; cặp áo nào nhà vua muốn mặc vào buổi trưa, nhà vua mặc cặp áo ấy vào buổi trưa; cặp áo nào nhà vua muốn mặc vào buổi chiều, nhà vua mặc cặp áo ấy vào buổi chiều. Cũng vậy, này Hiền giả Moggallàna, Tỷ-kheo điều phục được tâm, không phải Tỷ-kheo không điều phục được tâm. An trú quả nào Tỷ-kheo ấy muốn an trú vào buổi sáng, vị ấy an trú quả ấy vào buổi sáng; an trú quả nào Tỷ-kheo ấy muốn an trú vào buổi trưa, vị ấy an trú quả ấy vào buổi trưa; an trú quả nào vị Tỷ-kheo ấy muốn an trú vào buổi chiều, vị ấy an trú quả ấy vào buổi chiều”[7].

Kinh nghiệm đào luyện của Tôn giả Sàriputta trong phương pháp điều phục tâm rất đáng được xem xét ở đây vì nó liên quan đến pháp môn quán tâm trên tâm. Rõ ràng, Tôn giả Sàriputta đã thực tập pháp môn quán tâm nhiều lần và sâu sắc đến độ thuần thục; Tôn giả có khả năng nhiếp phục tâm, an trú tâm vào các cảnh giới khác nhau một cách hết sức dễ dàng, như ý muốn. Đây hẳn là kết quả của công phu huấn luyện tâm thức lâu ngày và bài bản đến độ chín chắn; tâm không còn là đối tượng gây chướng ngại hay phiền muộn, trái lại nó trở thành phương tiện thiện xảo cho mục đích giác ngộ. Kinh Phật gọi sự tu tập như vậy là “tâm được đặt đúng hướng, có khả năng đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn”[8], nghĩa là tâm được khéo tu tập thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, hướng đến quả vô sanh.

Sau đây là lời Phật tán thán phương pháp huấn luyện tâm bài bản của Tôn giả Sàriputta, gọi là Bất đoạn pháp quán (Anupadadhammavipassanà), hay kinh nghiệm quán tâm trên tâm của bậc Tướng quân Chánh pháp:

“Này các Tỷ-kheo, Sàriputta là bậc Hiền trí; này các Tỷ- kheo, Sàriputta là bậc Đại tuệ; này các Tỷ-kheo, Sàriputta là bậc Quảng tuệ; này các Tỷ-kheo, Sàriputta là bậc Hỷ tuệ (hàsupanno); này các Tỷ-kheo, Sàriputta là bậc Tiệp tuệ (javanapanno); này các Tỷ-kheo, Sàriputta là bậc Lợi tuệ (tikkhapanno); này các Tỷ-kheo, Sàriputta là bậc Quyết trạch tuệ (nibbedhikapanno). Này các Tỷ-kheo, cho đến nửa tháng, Sàriputta quán bất đoạn pháp quán. Này các Tỷ-kheo, đây là do bất đoạn pháp quán của Sàriputta.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Sàriputta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Và những pháp thuộc về Thiền thứ nhất như tầm, tứ, hỷ, lạc, nhứt tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý, các pháp ấy được an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sàriputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sàriputta biết đến khi an trú, được Sàriputta biết đến khi đoạn diệt. Sàriputta biết rõ như sau: “Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu; sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt”. Sàriputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sàriputta biết: “Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Đối với Sàriputta, còn có nhiều việc phải làm hơn nữa”.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Sàriputta diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhứt tâm. Và những pháp thuộc về Thiền thứ hai như nội tĩnh, hỷ, lạc, nhứt tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý, những pháp ấy được an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sàriputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sàriputta biết đến khi chúng an trú, được Sàriputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sàriputta biết rõ như sau: “Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có  hiện hữu; sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt”. Sàriputta đối với những pháp ấy, không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sàriputta biết: “Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Đối với Sàriputta, còn có nhiều việc phảil àm hơn thế nữa”.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Sàriputta ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Và những pháp thuộc về Thiền thứ ba, như xả, lạc, niệm, tỉnh giác, nhứt tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, xả, tác ý; những pháp ấy được Sàriputta an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sàriputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sàriputta biết đến khi chúng an trú, được Sàriputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sàriputta biết rõ như sau: “Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu; sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt”. Sàriputta đối với những pháp ấy, không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sàriputta biết: “Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Đối với Sàriputta, còn có nhiều việc phảil àm hơn thế nữa”.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, Sàriputta xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Và những pháp thuộc về Thiền thứ tư, như xả, bất khổ bất lạc thọ, thọ (passivedana?), vô quán niệm tâm (Cetaso anabhogo), thanh tịnh nhờ niệm, nhứt tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý; những pháp ấy được Sàriputta an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sàriputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sàriputta biết đến khi chúng an trú, được Sàriputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sàriputta biết rõ như sau: “Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu; sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt”. Sàriputta đối với những pháp ấy, không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sàriputta biết: “Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Đối với Sàriputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa”.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, Sàriputta vượt lên hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Và những pháp thuộc về Không vô biên xứ như hư không vô biên xứ tưởng, nhứt tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý; những pháp ấy được Sàriputta an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sàriputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sàriputta biết đến khi chúng an trú, được Sàriputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sàriputta biết rõ như sau: “Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu; sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt”. Sàriputta đối với những pháp ấy, không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sàriputta biết: “Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Đối với Sàriputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa”.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, Sàriputta vượt lên hoàn toàn Không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Và những pháp thuộc về Thức vô biên xứ như thức vô biên xứ tưởng, nhất tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý; những pháp ấy được Sàriputta an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sàriputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sàriputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sàriputta biết rõ như sau: “Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu; sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt”. Sàriputta đối với những pháp ấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sàriputta biết: “Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Đối với Sàriputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa”.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, Sàriputta vượt lên hoàn toàn Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Và những pháp thuộc về Vô sở hữu xứ, như vô sở hữu xứ tưởng, nhứt tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý; những pháp ấy được Sàriputta an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sàriputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sàriputta biết đến khi chúng an trú, được Sàriputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sàriputta biết rõ như sau: “Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu; sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt”. Sàriputta đối với những pháp ấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sàriputta biết: “Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Đối với Sàriputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa”.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, Sàriputta vượt lên hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Với chánh niệm, Sàriputta xuất khỏi định ấy. Sau khi với chánh niệm xuất khỏi định ấy, Sàriputta thấy các pháp ấy thuộc về quá khứ, bị đoạn diệt, bị biến hoại. Sàriputta biết rõ như sau: “Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu; sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt”. Sàriputta đối với những pháp ấy cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không hạn chế. Sàriputta biết: “Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Đối với Sàriputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa”.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, Sàriputta vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và an trú Diệt thọ tưởng định. Sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Với chánh niệm, Sàriputta xuất khỏi định ấy. Sau khi với chánh niệm xuất khỏi định ấy, Sàriputta thấy các pháp ấy thuộc về quá khứ, bị đoạn diệt, bị biến hoại: “Như vậy các pháp ấy, trước không có nơi ta, sau có hiện hữu; sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt”. Sàriputta đối với các pháp ấy cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không hạn chế. Sàriputta biết: “Không có sự giải thoát nào vô thượng hơn thế nữa. Đối với Sàriputta, không có việc phải làm nhiều hơn thế nữa”.

Này các Tỷ-kheo, nếu nói một cách chơn chánh về Sàriputta, người ấy có thể nói như sau: “Sàriputta được tự tại, được cứu cánh trong Thánh giới, được tự tại, được cứu cánh trong Thánh định, được tự tại, được cứu cánh trong Thánh tuệ, được tự tại, được cứu cánh trong Thánh giải thoát”[9].

Tôn giả Sàriputta hành Thiền quán (vipassanà) đối với các Thiền tâm hay các tâm tăng thượng đạt được nhờ Thiền chỉ (samatha), thấy rõ các diễn biến khác nhau của các tâm thức tăng thượng; nhận diện rõ sự sanh khởi, an trú và biến diệt của chúng; biết rõ chúng là các kinh nghiệm mới mẻ, phát sinh rồi diệt mất; các thiện tâm ấy không thường hằng, không tồn tại mãi. Nhờ quán sát một cách như thật các trạng huống khác nhau của các tâm tăng thượng, thấy rõ lý sanh diệt của chúng, Tôn giả Sàriputta sống với tâm không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy với các tâm ấy. Tôn giả thành tựu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Nói cách khác, nhờ Thiền quán, Tôn giả Sàriputta biết rõ các tâm tăng thượng chỉ là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. “Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”[10]. Nhờ thấy như vậy, biết như vậy, tâm Tôn giả thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với Tôn giả, “các lậu đã tận, tu hành thành mãn, việc cần làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, đã được giải thoát nhờ chánh trí”[11].

Như vậy, nhờ thực tập pháp môn quán tâm trên tâm, Tôn giả Sàriputta chứng đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát, đoạn tận các lậu hoặc, đắc quả A-la-hán, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi, xứng đáng với lời tán thán đặc biệt của Đức Thế Tôn:

Này các Tỷ-kheo, Sàriputta là bậc Hiền trí; này các Tỷ- kheo, Sàriputta là bậc Đại tuệ; này các Tỷ-kheo, Sàriputta là bậc Quảng tuệ; này các Tỷ-kheo, Sàriputta là bậc Hỷ tuệ (hàsupanno); này các Tỷ-kheo, Sàriputta là bậc Tiệp tuệ (javanapanno)... Sàriputta được tự tại, được cứu cánh trong Thánh giới, được tự tại, được cứu cánh trong Thánh định, được tự tại, được cứu cánh trong Thánh tuệ, được tự tại, được cứu cánh trong Thánh giải thoát”[12].
 


Chú thích:

1. Kinh Niệm xứ, Trung bộ.
2. Xem Bhikkhu Anàlayo, Satipatthàna: Con đường thẳng tới chứng ngộ, Nguyễn Văn Ngân dịch, Tr.440-441, phần chú thích, Nxb Hồng Đức 2017.

3. Kinh Tâm đặt sai hướng, Tăng chi bộ.
4. Kinh Hạng người ít nghe, Tương ưng bộ.
5. Kinh Pháp cú, kệ số 35.
6. Kinh Bọt nước, Tương ưng bộ.
7. Đại kinh Rừng Gosinga, Trung bộ.
8. Kinh Tâm đặt sai hướng, Tăng chi bộ.
9. Kinh Bất đoạn, Trung bộ.
10. Kinh Bát thành, Trung bộ.
11. Kinh Kandaraka, Trung bộ.
12. Kinh Bất đoạn, Trung bộ.



Theo Văn hoá Phật giáo số 306 ngày 01-10-2018

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm