Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói về sự quán tưởng cõi Tịnh độ, Phật A-di-đà và hai Đại Bồ-tát Quán Âm, Thế Chí để tịnh hóa thân tâm mình và để sanh về Tịnh độ. Kinh nói ở phần kết thúc: “Kinh này tên là ‘Quán Cõi Nước Cực Lạc Vô Lượng Thọ Phật, Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát’ cũng tên là ‘Tịnh trừ nghiệp chướng, sanh ở trước Phật’”.
1. Quán tưởng là sự tịnh hóa thân tâm
“Nếu quán tưởng thành tựu, gọi là thấy một cách thô lược cây báu, đất báu và ao báu của thế giới Cực Lạc. Đó là quán tưởng tổng quát, gọi là Quán thứ Sáu.
Nếu thấy được như vậy thì trừ được vô lượng ức kiếp nghiệp xấu ác rất nặng. Sau khi mạng chung, chắc sanh vào nước ấy. Làm quán như vậy gọi là chánh quán, nếu quán khác đi gọi là tà quán”.
Tâm tư duy, quán tưởng những điều thanh tịnh thì tâm ấy tịnh hóa những hạt giống bất tịnh, nghiệp chướng trong tâm. Nhờ quán cảnh giới thanh tịnh của cõi nước Cực Lạc mà thân tâm ta được thanh tịnh. Ba nghiệp thân, khẩu, tâm dần dần được chuyển hóa thành thanh tịnh, và càng thanh tịnh thì càng tương ưng được với Tịnh độ. Tâm quán tưởng cảnh Tịnh độ, miệng niệm Phật, thân trong tư thế trang nghiêm, thì đây là điều Mật tông gọi là Ba Mật (thân, khẩu, tâm) tương ưng.
Quán tưởng là đưa Tịnh độ vào trong thân tâm và đưa thân tâm vào trong Tịnh độ. Quán tưởng làm cho Phật A-di-đà và Tịnh độ hiện diện trong cuộc đời chúng ta.
“Quán tưởng nước như vậy gọi là pháp quán thứ hai. Khi quán tưởng này thành tựu, mỗi mỗi thứ được quán phải rõ ràng cực độ. Nhắm mắt, mở mắt, không cho tan mất, chỉ trừ khi ăn cơm, người ta phải luôn luôn nhớ sự việc ấy. Quán tưởng như vậy gọi là thấy thô lược cõi nước Cực Lạc”.
Sự quán tưởng ấy phải thường trực trong mọi lúc, nghĩa là sự hiện diện của Tịnh độ thường trực ở trong tâm.
“Những người quán tưởng Phật A-di-đà trước phải quán tưởng hình tượng... Quán tưởng này thành tựu, hành giả sẽ nghe thấy nước chảy, ánh sáng và các cây báu, các giống chim đều thuyết diệu pháp. Khi nhập định và xuất định, hằng nghe diệu pháp. Hành giả nghe được khi ra khỏi định nhớ giữ chẳng bỏ, khiến hợp với khế kinh.
Nếu chẳng hợp thì gọi là vọng tưởng, nếu hợp được thì gọi là quán tưởng thô, thấy thế giới Cực Lạc. Đó là quán tưởng hình tượng Phật, gọi là Quán thứ Tám. Người làm pháp quán này trừ được những tội trong vô lượng ức kiếp sanh tử, nơi hiện thân này đắc niệm Phật tam-muội”.
Sự quán tưởng nảy đem hình tướng Phật A-di-đà, Tịnh độ và khế kinh Đại thừa vào tâm hành giả, loại bỏ những thân, khẩu, tâm bất thiện, để chuyển hóa thành thanh tịnh, tương ưng được với sự thanh tịnh của cõi Phật khiến cho việc sanh vào Tịnh độ là điều chắc chắn.
“Phật Vô Lượng Thọ có tám vạn bốn ngàn tướng, mỗi một tướng lại có tám vạn bốn ngàn tướng tốt tùy hình. Mỗi mỗi tướng tốt ấy lại có tám vạn bốn ngàn ánh sáng, mỗi mỗi ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới. Những chúng sanh niệm Phật thì được nhiếp thủ chẳng bỏ. Tướng tốt và ánh sáng cùng với Hóa Phật không thể nói hết, chỉ nên nhớ tưởng khiến mắt tâm (tâm nhãn) thấy. Người thấy được những sự như vậy tức là thấy tất cả chư Phật mười phương. Vì thấy chư Phật mười phương nên gọi là Niệm Phật tam-muội.
Người làm pháp quán này gọi là quán tất cả thân Phật. Vì quán tưởng thân Phật nên cũng thấy tâm Phật. Tâm Phật là đại từ bi, dùng vô duyên từ nhiếp các chúng sanh. Người tu pháp quán này đến khi xả thân qua đời khác thì sanh trước chư Phật, đắc Vô sanh nhẫn”.
Chúng ta thấy ở đây từng lớp chồng lên nhau, mỗi một tướng lại có tám vạn bốn ngàn tướng phụ, mỗi tướng phụ lại có tám vạn bốn ngàn ánh sáng, mỗi ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới. Tướng nhân với tướng, ánh sáng nhân với ánh sáng để thành cảnh giới trùng trùng vô tận được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Quán được như vậy gọi là thấy chư Phật, gọi là Niệm Phật tam-muội.
“Chư Phật Như Lai là pháp giới thân, vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh. Thế nên khi tâm tưởng Phật, thì tâm ấy tức là ba mươi hai tướng, tám mươi tướng tốt tùy hình. Tâm ấy quán tưởng Phật, tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của chư Phật, từ nơi tâm tưởng sanh,thế nên hãy nhất tâm buộc niệm, quán rõ Phật ấy”.
Quán tưởng khiến chúng ta luôn luôn có Phật và Tịnh độ trong tâm, tức là chúng ta đang Tịnh độ hóa tâm mình. Tịnh độ hóa tâm mình tức là Tịnh độ hóa cuộc đời chúng ta. Cho đến khi tâm quán tưởng Phật được tương ưng với Phật, với pháp giới thân của tất cả chư Phật. Khi tương ưng trọn vẹn thì tâm ấy chính là Phật, đắc Niệm Phật tam-muội, đắc Vô sanh nhẫn.
2. Quán tưởng để làm quen với Phật
và Tịnh độ của Phật
Sự quán tưởng Phật và Tịnh độ giúp ta làm quen và dễ dàng định hướng với cõi ấy. Thông thường, muốn đến chỗ nào, muốn đạt đến một đối tượng gì, chúng ta phải hình dung chỗ ấy, đối tượng ấy trong tâm rồi mới có thể đi đến đó. Ngay cả khi có người dẫn đường thì sự hình dung trước cũng làm cho dễ đi hơn.
Hơn nữa, sự quán tưởng Tịnh độ làm cho niềm tin, sự sùng mộ tăng thêm, điều này khiến cho nguyện sanh về càng mạnh mẽ. chính sự làm quen ở trong tâm khiến cho “Phật A-di-đà cách đây không xa”.
“A-nan, ông nên thọ trì, lại vì nhiều chúng sanh mà nói rộng rãi những lời Phật dạy. Bây giờ Như Lai dạy cho Vi-đề-hy và tất cả chúng sanh trong các đời sau quán tưởng thế giới Cực Lạc Tây phương. Nhờ Phật lực sẽ được thấy rõ nước thanh tịnh kia, như cầm tấm gương sáng, tự thấy mặt mình. Thấy những sự cực diệu lạc của cõi nước kia, tâm hoan hỷ, liền khi ấy được Vô sanh pháp nhẫn”.
3. Quán tưởng để tiếp nhận tha lực
Bốn mươi tám lời nguyện của Phật A-di-đà tỏa ra khắp vũ trụ, nhưng nếu không có sự cố tình tiếp nhận thì hình như vẫn không có gì. Sự quán tưởng là tự lực để tiếp nhận tha lực trùm khắp vũ trụ ấy. Trong thí dụ ở trên “như cầm gương sáng tự thấy mặt mình”, quán tưởng là tấm gương được cầm lên để phản chiếu cái mình đang tìm kiếm. Tha lực chỉ thành hiện thực trong cuộc đời cá nhân khi có tự lực của cá nhân đó.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ-tát Đại Thế Chí nói về Niệm Phật tam-muội như sau:
“Ví như có hai người, một đàng chuyên nhớ, một đàng chuyên quên, thì hai người ấy dầu có gặp cũng là không gặp, dầu thấy cũng là không thấy. Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ nghĩ (ức niệm) in sâu, như thế từ đời này sang đời khác, như hình với bóng, chẳng bao giờ xa cách nhau.
Mười phương Như Lai thương tưởng chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn tránh thì tuy nhớ cũng chẳng giúp được gỉ. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì đời đời mẹ con không hề xa cách. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện giờ hoặc mai sau nhất định thấy Phật. Cách Phật không xa thì không cần phương tiện tâm tự được khai ngộ, như người ướp hương, thân thể có mùi thơm. Đây gọi là hương quang trang nghiêm.
Nhân địa căn bản của con là dùng tâm niệm Phật, vào Vô sanh nhẫn. Nay ở cõi này nhiếp hộ người niệm Phật về nơi Tịnh độ. Phật hỏi về viên thông, con không riêng lựa chọn mà nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tương tục, được vào tam-ma-địa, đó là thứ nhất”.
Điều cần chú ý là chữ “niệm” ở đây cũng như Niệm Phật tam-muội ở trên, không chỉ là niệm nơi miệng mà “nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tương tục”, “nhớ nghĩ” liên tục. Nhớ nghĩ này là quán tưởng vậy.