Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi tôi trở thành Phật tử và lúc ấy tôi còn rất trẻ, mới chỉ từ 14 đến 16 tuổi mà thôi, nhưng tôi vẫn nhớ rằng trước hết, chính hai sự thật về sự tái sinh và nghiệp đã thuyết phục tôi rằng Phật pháp là chân lý. Tôi nói “sự thật”, vì ngay cả đối với những người không phải là Phật tử thì sự tái sinh vẫn tiếp tục trở thành một sự thật đang được chứng minh; và một khi điều ấy đã được chấp nhận thì nghiệp cũng phải được chấp nhận theo.
Trước hết, hai học thuyết mang tính sự thật ấy giải thích được mọi sự kiện trong cuộc sống mà nếu không thì chẳng thể nào lý giải được. Hai học thuyết này giải thích một cách hợp lý mọi điều tưởng chừng là bất công vốn xảy ra đầy rẫy trong cuộc đời mà không một quyền lực thế tục nào có thể khắc phục. Hai học thuyết này cũng giải thích cái tính phù phiếm hiển nhiên và sự thiếu sót một mô thức thỏa đáng trong đời sống cá nhân của con người, điều khiến ta nghĩ rằng kiếp người rõ ràng là chẳng có nghĩa lý gì trong cái vô hạn, đầy những vấn đề không được giải quyết và những kế hoạch bất toàn. Chẳng hạn, lấy một thí dụ là trường hợp đã được phổ biến rộng rãi gần đây, liên quan đến cuộc đời ngắn ngủi đầy bi thảm của một đứa trẻ, con trai của nhà nghệ sĩ truyền thanh truyền hình Red Skelton, mà cả nền khoa học tiên tiến của loài người lẫn lòng nhân từ của đấng thiêng liêng cũng không thể cứu vãn được. Vẫn có, và lúc nào cũng sẵn có, hàng triệu triệu những trường hợp tương tự, bên cạnh một số lượng không thể tính đếm được, về những người mù, người câm điếc, người bị thiểu năng tâm thần và những người bệnh tật mà tình trạng đáng thương của họ hoàn toàn không vì bất kỳ lỗi lầm nào của họ trong kiếp sống này, cũng chẳng phải vì bất kỳ khiếm khuyết nào không thể sửa đổi được trong việc tổ chức xã hội hiện tại của loài người.
Những nhà duy vật có thể nói rằng họ sẽ giải quyết được những tình trạng đáng buồn như thế, nhưng đến nay, chúng ta đã biết đủ về những hạn chế của khoa học để nhận thức rằng không bao giờ nền khoa học của loài người có thể đủ năng lực triệt tiêu hoàn toàn mọi điều bi thảm ấy. Cùng lúc, chúng ta cũng không còn tiếp tục nhận được sự an ủi từ tôn giáo đã bị khoa học làm cho mất uy tín. Trong khi chúng ta biết rằng mọi tiến bộ vật chất sẽ chẳng bao giờ thành công trong việc thủ tiêu mọi đau khổ, cũng thật là vô ích để tin rằng sẽ có những sự bù đắp đặc biệt dành cho những số phận bất hạnh vì thiếu công đức vẫn chờ họ ở đời sau, bất kể những vấn đề đạo đức có liên quan.
Ý thức về sự công bằng, vốn rất mạnh mẽ trong tâm thức tôi, đòi hỏi một lý lẽ cho những điều có vẻ là bất công ấy, và đằng sau những điều ấy phải là một mục đích có thể nhận biết được. Tôi không thể chấp nhận một lý thuyết cho rằng có một thứ “công lý thiêng liêng” khác với những khái niệm về công lý của con người; vì lẽ cả ý niệm lẫn từ ngữ chỉ có thể có ý nghĩa theo điều mà chúng ta cho chúng là có ý nghĩa dựa trên những tiêu chuẩn của loài người. Nếu những điều kiện là không chính đáng theo nhận thức của con người thì chúng chẳng có gì là chính đáng cả: không thể có hai ý nghĩa khác nhau cho một từ. Cái gọi là “Công lý của Thượng đế” chỉ là một phát minh của các nhà thần học, chỗ trú ẩn cuối cùng của sự vô lý.
Thế mà ngay từ ban đầu, Phật giáo đã cho tôi thấy sự công bằng và mục đích [của những hiện tượng có vẻ không công bằng] mà tôi vẫn tìm kiếm. Tôi đã tìm thấy những điều ấy cả trong học thuyết về nghiệp lẫn trong sự tái sinh. Nhờ những giáo lý này, cuối cùng tôi cũng đã có thể hiểu được rằng nếu không thì sự tích tụ những điều bất hạnh vô ích và sự ác nghiệt mù lòa sẽ là vô nghĩa; những điều vẫn hình thành hầu hết bức tranh đời người đang phô bày ra trước một con người hay suy nghĩ. Những người có biết chút ít gì đó về chủ đề này sẽ có thể phát biểu rằng, “Đúng vậy, nhưng có phải Phật giáo là hệ thống giáo lý duy nhất nói về nghiệp và tái sinh đâu; Ấn giáo cũng đã có nói tới những điều ấy rồi”. Quả là như thế, nhưng chỉ riêng Phật giáo mới trình bày về sự tái sinh như một nguyên lý mang tính khoa học. Khi tôi nói “mang tính khoa học”, tôi có ý thể hiện rằng đó là một nguyên lý tương thích với mọi quy luật phổ quát khác có thể được hiểu một cách khoa học và có thể được kiểm tra bằng những biện pháp khoa học. Nguyên lý về sự thay đổi và sự tương tục nối tiếp theo thứ tự là một nguyên lý vận hành trong toàn thể thế giới tự nhiên; mọi nguyên lý mang tính khoa học đều dựa trên cơ sở ấy. Trong Phật giáo, chính nguyên lý vô ngã đã nâng khái niệm tái sinh lên từ cái tầng sơ khai của thuyết duy linh hồn đến một trình độ mà ở đó nó trở thành có thể chấp nhận được đối với một tâm thức đã được huấn luyện theo khoa học. Vô ngã có nghĩa là “không có linh hồn”, “không có cái ta”, “không có tự ngã”; đó là sự phủ nhận yếu tố thường hằng, bất biến, không thay đổi trong quá trình đời sống. Phật giáo không hề nói tới một linh hồn đi đầu thai; giáo lý nhà Phật chỉ ra một sự tương tục của nhân và quả, là điều giống hệt những tiến trình vật lý. Tính cách của một kiếp sống là kết quả của những nghiệp gây nên bởi những dòng sống trước đó, theo cùng một cách như mọi hiện tượng vật lý tại một khoảnh khắc nhất định chỉ là kết quả cuối cùng của một chuỗi vô tận những sự kiện thuộc cùng một loại đã dẫn đến hiện tượng ấy.
Khi tôi đã hiểu được điều đó thật sâu sắc, điều mà tôi đạt được nhờ suy nghĩ thật thấu đáo về học thuyết duyên khởi, tôi nhận ra rằng Phật pháp là sự phát hiện trọn vẹn về một trật tự vũ trụ đầy năng động. Giáo pháp đó trọn vẹn về mặt khoa học vì không chỉ giải thích về đời sống của loài người mà còn về tất cả những loài hữu tình từ thấp nhất đến cao nhất; và trọn vẹn về mặt đạo đức vì bao gồm tất cả mọi hình thức của sự sống trong cùng một trật tự đạo đức. Không một điều gì bị bỏ qua, không một điều gì không được giải thích trong một hệ thống bao hàm tất cả. Nếu chúng ta có thể tìm thấy những loài hữu tình trên những hành tinh khác ở một nơi xa xôi nhất của các hệ thống thiên hà, chúng ta sẽ thấy rằng họ cũng phải phụ thuộc vào cùng những quy luật của sự tồn tại hệt như chúng ta. Về phương diện thể chất, có thể họ hoàn toàn khác biệt với mọi hình thái của sự sống trên địa cầu này, thân thể của họ có thể được tạo nên bởi những tổ hợp hóa chất khác, và hoặc họ có thể siêu việt hơn hẳn chúng ta hoặc thấp kém hẳn so với chúng ta. Nhưng chắc chắn họ vẫn phải gồm có ngũ uẩn, vì đấy chính là những thành tố cơ bản của tất cả mọi chúng sinh. Họ cũng phải đến với sự sống như là kết quả của những nghiệp quá khứ, và cũng sẽ chết đi như chúng ta. Vô thường, khổ và vô ngã là những nguyên tắc phổ quát; và như vậy, Bốn Sự Thật Cao Quý cũng phải có hiệu lực ở bất cứ nơi nào có sự sống tồn tại. Chẳng hề cần có một sự sáng tạo đặc thù hoặc một kế hoạch cứu rỗi riêng biệt nào dành cho những cư dân của hành tinh này hay bất cứ nơi nào khác. Đạo Phật truyền giảng một quy luật vũ trụ có hiệu lực ở tất cả mọi nơi; do vậy, cùng một luật tắc đạo đức về sự tiến hóa tâm linh cũng phải hiện hành ở tất cả mọi nơi. Quy luật vũ trụ và trật tự đạo đức trong Phật giáo có liên hệ mật thiết với nhau, không như trong bất kỳ một hệ thống tâm linh nào khác.
Một sự thật khác tác động đến tôi rất mạnh mẽ ngay từ ban đầu là Phật giáo không hề kết án bất kỳ ai phải bị giam hãm trong ngục tối đời đời chỉ vì ai đó không phải là Phật tử. Nếu có ai đó bị đưa đến một nơi nào đó để chịu đựng sự hành hạ sau khi chết thì chính những hành vi xấu xa của người ấy đã gửi người ấy đến chỗ ấy, chứ không phải vì người ấy đã tin theo một học thuyết sai lạc. Cái ý niệm cho rằng “một người có thể bị đọa địa ngục đời đời chỉ vì người ấy không đến với một giáo phái nào đó và tán thành tín điều của giáo phái ấy” là một điều đáng ghê tởm đối với bất kỳ ai có suy nghĩ chín chắn. Sự khen thưởng hay trừng phạt về mặt đạo đức là điều cần thiết, nhưng cái học thuyết sai lạc của việc bị nguyền rủa đời đời vì không tin vào một vị thần nào đó hoặc không chấp nhận những chuyện hoang đường riêng biệt nào đó lại là điều không có ý nghĩa đạo đức và không liên quan gì đến những nguyên lý đạo đức nào cả. Bản thân việc này là cực kỳ vô đạo đức. Có thể chính cái học thuyết sai lạc này đã là nguyên nhân của nhiều họa hại trên thế giới hơn bất kỳ một yếu tố riêng biệt nào khác trong lịch sử.
Lại nữa, Phật giáo không hề nói tới sự trừng phạt đời đời đối với những tội lỗi đời thường - những hành vi sai lầm phạm phải trong cái khung giới hạn của thời gian. Giáo lý nhà Phật dạy rằng bất kỳ sự đau khổ nào mà một người phải chịu đựng đều tương ứng với mức độ trầm trọng của hậu quả đem lại do hành vi mà người ấy đã thực hiện, không hơn không kém. Người ấy có thể chịu đau khổ xuyên qua nhiều kiếp sống bởi một số những hành động cực kỳ xấu ác của mình, nhưng một lúc nào đó sự đau khổ ấy cũng phải đi tới chỗ kết thúc khi sự xấu ác đã được tạo ra tự nó tiêu đi. Cái ý niệm tàn độc cho rằng một người phải bị làm cho đau khổ đời đời kiếp kiếp vì những tội lỗi mà người ấy đã phạm phải trong kiếp sống ngắn ngủi của mình không hề tồn tại trong đạo Phật. Cũng thế, không thể có trong đạo Phật cái học thuyết bất công tương tự cho rằng một người có thể xóa sạch mọi tội lỗi của mình chỉ bằng việc chính thức sám hối hay tin vào một vị thần đặc biệt nào đó, trong số những vị thần mà loài người đã chế tạo.
Trong đạo Phật cũng không hề có một cá nhân phán quan đưa ra phán quyết, mà chỉ có sự tác động của một luật vô hình giống hệt luật trọng lực chẳng hạn. Và điều này là cực kỳ quan trọng; bởi lẽ, mọi vị phán quan trong hành động phán quyết của mình chắc chắn sẽ phải vi phạm hoặc sự công chính hoặc lòng nhân từ. Vị quan tòa không thể thỏa mãn cùng lúc hai đòi hỏi ấy của lương tâm. Nếu ông ta là người hoàn toàn công chính thì ông ta không thể nào được coi là kẻ nhân từ. Nếu ông ta nhủ lòng thương những kẻ phạm tội thì ông ta không thể là người công chính. Hai phẩm tính này tuyệt đối không tương thích. Đạo Phật dạy rằng chỉ có luật tự nhiên mới là công chính. Chính là con người mới có lòng nhân từ, và bằng việc rèn luyện các đức tính từ, bi, hỷ, xả mà một người có thể trở thành bậc thánh.
Sau cùng, sự thật rằng chính sự liên kết của vô minh và tham ái đã mang lại sự tái sinh và sự đau khổ là một kết luận đã được ủng hộ hoàn toàn bởi tất cả những gì chúng ta biết về sự thúc đẩy của sự sống như nó đã vận hành, thông qua tâm lý của loài người và loài vật cũng như trong quá trình tiến hóa sinh học. Nó bổ sung cái yếu tố thiếu sót mà nền khoa học cần đến để hoàn thiện hình ảnh về sự tiến hóa của mọi cơ thể sống. Động lực đằng sau cuộc vật lộn để sinh tồn, để sống sót và để phát triển, cũng chính là sức mạnh của tham ái mà Đức Phật đã phát hiện là căn để của sự tái sinh trong vòng luân hồi. Vì tham ái liên kết với vô minh, nó là một sức mạnh mù quáng, dò dẫm; nhưng chính sức mạnh đó chịu trách nhiệm về sự phát triển của những sinh vật phức tạp từ những sinh vật đơn giản ban đầu. Nó cũng là nguyên nhân của cái vòng tái sinh không ngừng, nơi đó các sinh vật luân phiên lên xuống trên cái thang của sự tiến hóa tâm linh.
Nhận thức được bản chất của hai sự ràng buộc này của vô minh và tham ái, chúng ta hoàn toàn được biện minh trong niềm tin hợp lý, như Đức Phật đã dạy, rằng sự giải thoát tối hậu của chúng ta - việc đạt tới trạng thái thường hằng miên viễn của Niết-bàn - là điều chúng ta có thể thành tựu bằng cách loại trừ mọi yếu tố của sự tái sinh vốn có gốc rễ trong hai căn bản bất thiện ấy. Niết-bàn - điều mà Đức Phật đã mô tả là vô vi, bất lão, thường hằng, bất tử - là một thực tại ở bên ngoài thế giới duyên sinh và ảo tưởng của luân hồi; và chỉ có thể đạt được bằng cách dập tắt những ngọn lửa của tham, sân, si.
Như vậy, chúng ta thấy rằng trong đạo Phật, niềm tin được xây dựng vững chãi trên lý trí và kinh nghiệm. Vô minh, là mù lòa, nhưng niềm tin của Phật giáo có những con mắt mở rộng và hướng thẳng tới thực tại. Giáo lý của Đức Phật là đến để mà thấy, giáo lý ấy mời gọi mọi người đến để tự mình thấy rõ. Đức Phật là vị đạo sư duy nhất mời gọi mọi người suy luận, phân tích, bình phẩm về chính học thuyết của Ngài. Chứng cớ về chân lý của Phật pháp - và vì thế cũng là chứng cớ về chính sự giác ngộ của Đức Phật - được tìm thấy ngay trong chính Phật pháp. Hệt như mọi phát kiến mang tính cách khoa học, học thuyết của Đức Phật có thể được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Mọi người đều có thể tự mình kiểm chứng và chứng thực, cả bằng suy luận và kinh nghiệm nội quán trực tiếp. Phật giáo đã mang lại một bản hiến chương về sự tự do trên phương diện trí tuệ.
Đó chỉ là một vài đặc điểm đã hấp dẫn tôi ngay khi lần đầu tiên tôi bắt đầu nghiên cứu Phật pháp trong quá trình tìm kiếm chân lý. Về sau, tôi còn biết được nhiều tính chất khác nữa; những đặc điểm đó xảy đến đúng lúc khi sự hiểu biết và kết quả thực hành của tôi tạo điều kiện để chúng tự hiển lộ. Khi một người tìm hiểu giáo pháp, những viễn cảnh mới thường xuyên mở ra trước tầm nhìn của người ấy; những khía cạnh mới của chân lý liên tục phơi mở và những vẻ đẹp tươi mới luôn luôn được phát lộ. Khi có quá nhiều vẻ đẹp mang tính đạo đức như thế có thể được nhận biết chỉ bằng sự thưởng thức Giáo pháp nhờ có trí tuệ, tôi xin mời quý vị tự hình dung những phát hiện sẽ đến thông qua việc thực hành thiền Minh sát tuệ hoặc nội quán trực tiếp.
Hẳn là chẳng có điều gì trong toàn thể phạm vi kinh nghiệm của loài người có thể so sánh được.
Francis Story
Nguyễn Văn Nhật dịch
Nguồn: The Appeal of Buddhism, Francis Story (Anagarika Priyadarshi Sugatananda) https://www.bps.lk/olib/bl/ bl055_Story_Scienti c-Approach-to-Buddhism.html.
Tác giả: Francis Story (1910-1971), người Anh, sinh trưởng ở Luân Đôn, trở thành Phật tử nhờ đọc sách và tìm hiểu độc lập về Phật pháp. Hội viên thường trực của Maha Bodhi Society. Có thời gian sống tại Tích Lan và Miến Điện để nghiên cứu Phật pháp. Tại Miến Điện, ông sáng lập Hội Burma Buddhist World-Mission và đóng góp bài vở cho rất nhiều tạp chí Phật giáo trong vùng châu Á. Năm 1948, ông thọ giới cư sĩ theo luật Nguyên thủy (giới Anagarika) ở Bodh Gaya. Ông mất tại Luân Đôn.