Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Sự liên hệ giữa thế giới này và Tịnh độ Tây phương

Kinh điển xác định thế giới này ở trong Dục giới, cõi người nằm giữa ba cõi thấp địa ngục, quỷ đói, súc sanh và các cõi trời Dục giới. Kinh điển cũng nói đây là đời ác năm trược.
Mục lục


Kinh điển xác định thế giới này ở trong Dục giới, cõi người nằm giữa ba cõi thấp địa ngục, quỷ đói, súc sanh và các cõi trời Dục giới. Kinh điển cũng nói đây là đời ác năm trược.

Chúng ta thấy thế giới của chúng ta rất tương đối và ít trí huệ, ít phước đức. Để có sạch đẹp, tiện nghi, chúng ta phải trả giá bằng cách làm hư hại trái đất, khí hậu nóng lên đã đến mức báo động. Và mặc dầu với bao nhiêu phương tiện hiện đại, cái xấu ác không bớt đi, mà có lẽ còn mạnh thêm với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật. Căn bệnh này chưa chữa trị được thì đã có loại bệnh khác xuất hiện. Đạo Phật đã đặt tên cho trái đất này nằm trong cõi Ta-bà, có nghĩa là “Kham Nhẫn”. Sự tu hành, nghĩa là tự hoàn thiện hóa mình, trong một bối cảnh như thế thật rất khó khăn.

Kinh A-di-đà nói: “Như Ta hôm nay xưng tán công đức chư Phật chẳng thể nghĩ bàn, các Đức Phật kia cũng xưng tán công đức chẳng thể nghĩ bàn của Ta mà nói lời rằng: ‘Đức Thích-ca Mâu-ni Phật làm được sự việc rất khó, ít có, có thể ở cõi nước Ta-bà trong đời ác năm trược, kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược, đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì chúng sanh mà nói Pháp tất cả thế gian khó tin này’”.

Nhân duyên để kinh Quán Vô Lượng Thọ được thuyết là một thảm kịch của cõi trần gian này, nơi tội ác và nghiệp báo luôn luôn mạnh hơn Năm Giới và Mười Điều Thiện:

“Thái tử A-xà-thế, vì nghe theo Đề-bà-đạt-đa, bắt giam vua cha Tần-bà-sa-la để cho ông chết mà cướp ngôi. Hoàng hậu Vi-đề-hy bôi bột, sữa, và mật lên người, thăm vua để cho vua ăn. Trải qua 21 ngày, vua vẫn còn sống, hỏi ra mới biết là nhờ mẹ mình, thái tử liền cầm gươm thẳng đến muốn giết mẹ. Có hai đại thần can ngăn, ông mới không giết mẹ, nhưng giam bà trong cung tối.

Hoàng hậu trong chỗ bị giam, buồn lo tiều tụy, hướng về núi Kỳ-xà-quật lễ Phật xin Ngài cho Tôn giả Mục-kiền- liên và A-nan đến thăm. Khi thấy Đức Phật hiện ra, bà than khóc mà thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn, không biết đời trước con có tội lỗi gì mà sanh ra đứa con ác như thế? Và Đức Thế Tôn có nhân duyên nào lại cùng ông Đề-bà-đạt- đa làm quyến thuộc? Cúi xin Thế Tôn vì chúng con rộng giảng nói cho nơi nào không có khổ sở lo buồn để con sanh về cõi đó. Con không muốn ở cõi Diêm Phù Đề đời ác năm trược. Ở cõi dơ xấu này, địa ngục, quỷ đói, súc sanh đầy dẫy, là chỗ tụ hội của nhiều điều chẳng thiện. Con mong vị lai không nghe tiếng ác, không thấy người ác. Nay con hướng đến Thế Tôn, năm vóc sát đất, cầu xin sám hối. Cúi xin Đức Phật như mặt trời soi khắp, dạy cho con thấy những nơi chốn nghiệp thanh tịnh’.”.

Sau đó, Đức Phật cho Hoàng hậu Vi-đề-hy thấy những cõi nước thanh tịnh diệu kỳ của chư Phật mười phương, và bà đã chọn sanh nơi thế giới Cực Lạc của Phật A-di- đà. Bấy giờ, Phật bảo Vi-đề-hy: “Hiện giờ ngươi có biết chăng? A-di-đà Phật cách đây không xa. Ngươi hãy buộc niệm, quán kỹ nước ấy, tịnh nghiệp sẽ thành”.

Trong tấn thảm kịch nghiệp xấu không thể giải quyết của đời mình, hoàng hậu Vi-đề-hy đã chọn thế giới tịnh nghiệp của Phật A-di-đà. Bằng sự lựa chọn ấy, có lẽ bà đã thay mặt cho con người ở cõi ác trược này, con người mang nhiều nghiệp báo và tiếp tục tạo nghiệp nơi cõi tụ hội của những điều chẳng thiện này, mà chọn lựa cõi Tịnh độ Tây phương.

Vậy thì cõi Tịnh độ Tây phương có những điều gì để đó là một thế giới của tịnh nghiệp, nơi môi trường, chúng sanh và các đạo sư rất tốt đẹp, thuận tiện cho con người có thể hoàn thành sứ mạng làm người là hết khổ đau và giác ngộ, và giúp cho những người khác hết khổ đau và giác ngộ? Tịnh độ là thế giới được tạo thành bằng trí huệ, công đức và bốn mươi tám lời nguyện của Phật A-di-đà nên nó đáp ứng được những nguyện vọng thành tựu Chân-Thiện-Mỹ của mỗi người và xóa bỏ những khuyết điểm xấu ác dễ sa đọa của cõi này. Ở đây, chúng ta chỉ so sánh sơ lược về thế giới, con người, và các bậc thánh ở hai cõi.

Về quang cảnh môi trường, ở thế giới phương Tây “trời người vạn vật thảy đều nghiêm tịnh, hình dạng màu sắc sáng rỡ lạ lùng”. “Cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu, trong ấy tràn đầy nước tám công đức, đáy ao thuần trải cát vàng làm đất. Bốn bên là đường, vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành... Trong ao hoa sen, lớn như bánh xe, màu xanh phóng ánh sáng xanh, màu vàng ánh sáng vàng, màu đỏ ánh sáng đỏ, màu trắng ánh sáng trắng, vi diệu thơm sạch”.

“Cõi ấy thường có đủ thứ chim kỳ diệu nhiều màu, ngày đêm sáu thời phát tiếng hòa nhã. Âm ấy diễn xướng năm căn, năm lực, bảy Bồ-đề phần, tám Thánh đạo phần... Chúng sanh cõi ấy nghe tiếng chim ấy thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.

“Cõi nước Phật ấy còn không có tên đường ác, huống gì có thật. Các giống chim ấy đều là A-di-đà Phật muốn khiến Pháp âm rộng khắp mà biến hóa ra”.

Nếu như ở cõi Dục này, nghệ thuật là sự thăng hoa của cái dục, thì ở cõi Tây phương, cái Đẹp được thăng hoa tột cùng để thành công đức thanh tịnh, gắn liền với cái Chân (chim chóc ngày đêm thuyết pháp) và với cái Thiện (không có từ xấu ác).

Về con người, thì chúng ta đều thấy cái ta và cái của ta ở cõi này rất nặng nề mà những pháp tu của Đại thừa để nhổ gốc nó thì quá khó khăn đối với người bình thường. Chính cái ta và cái của ta tích tập thêm những tính khí tiêu cực xấu ác tham, sân, si, đố kỵ, hiếu chiến... Từ đây, mọi xấu ác, tội lỗi, nghiệp dữ đều có thể tạo ra khiến vòng sanh tử luân hồi không có ngày chấm dứt.
 


Trong khi ấy, ở cõi Tịnh độ, cái ta và cái của ta thì mờ nhạt, vì “tất cả mọi người đều đồng một sắc vàng”, trí huệ và từ bi là cái có thể cảm nhận trực tiếp bằng giác quan.

Vì cõi ấy là Báo độ của Phật A-di-đà được tạo bằng công đức và những lời nguyện thanh tịnh, nên cõi ấy làm bằng những vật chất, những nguyên tử tinh tế và thanh tịnh, do đó, người ở cõi ấy có nhiều khả năng hơn ở cõi này:“biết được kiếp trước”(Lời nguyện thứ 5);“thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm trí, thần túc thông” (Lời nguyện thứ 6,7,8,9); “tuổi thọ lâu dài” (Lời nguyện thứ 15); “không còn nghe đến từ ‘chẳng thiện’” (Lời nguyện thứ 16); “có đầy đủ 32 tướng tốt” (Lời nguyện thứ 21)...

Và vì có được một tái sanh tốt đẹp như vậy, khả năng thực hành Phật pháp cũng tăng cao gấp bội: “nghe và có thể thọ trì những lời thuyết pháp của trăm ngàn ức vô số Đức Phật” (Lời nguyện thứ 17); “ở trong Chánh định” (Lời nguyện thứ 11); “có thể cúng dường các Đức Phật ở khắp các cõi” (Lời nguyện 23); “có trí huệ biện tài” (Lời nguyện 29)... Trong khi ấy ở cõi này những điều ấy rất khó có, chỉ trừ những Bồ-tát trong các địa cao.

Cõi ấy luôn luôn có sự hiện diện và chỉ dạy ở khắp nơi của Phật A-di-đà và hai Đại Bồ-tát Quán Âm và Thế Chí, và thậm chí người ở đó luôn luôn được bao trùm trong hào quang của các ngài để được nghe pháp Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã (Trung phẩm Thượng sanh).

Chỉ kể sơ lược về những đặc điểm của cõi Phật A-di-đà như vậy cũng đủ cho bản năng hướng đến Chân-Thiện- Mỹ, cái mà kinh Đại Bát-Niết-bàn gọi là Phật tánh, cháy bùng lên, thiêu rụi những trói buộc nhọc nhằn với các xấu ác của cõi này. Lòng ước mong, ngưỡng vọng, sùng mộ tụ lại trong câu niệm Phật khiến người ta được nhấc bổng lên khỏi cuộc sanh tử xảy ra mỗi ngày ở cõi này. Được nhấc bổng lên bởi một lòng sùng tín vô bờ là điều kinh A-di-đà nói là “đang sanh vào cõi nước kia”.

Với môi trường thanh tịnh luôn luôn biểu hiện Phật pháp như vậy, với đại chúng thiện hạnh như vậy, với sự hiện diện và chỉ dạy trực tiếp của chư Đại Bồ-tát và Phật A-di-đà như vậy, Tịnh độ là nơi tốt nhất để những người tu hành sanh qua đó và “đạt đến không thối chuyển với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Thế nên trong lịch sử Phật giáo, những Đại Bồ-tát Phổ Hiền, Long Thọ, Thế Thân... đều nguyện sanh vào Tịnh độ Tây phương.

Khi được sanh qua Tịnh độ Tây phương, người ta tiếp tục tu hành Đại thừa, con đường Bồ-tát chung cho mọi cõi Phật, mà Mười Địa là con đường của vị Thánh lên đến Phật địa. Ở đây chỉ tóm tắt hai cấp bậc trong Chín Phẩm Liên Hoa từ kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật để chúng ta có thể hình dung.

“Hạ phẩm Thượng sanh là người tin nhân quả, không chê pháp Đại thừa, phát tâm Bồ-đề, rồi đem các công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sanh qua. Khi mạng chung, được Phật A-di-đà, hai Đại Bồ-tát đồng đến tiếp rước. Người ấy qua cõi kia trong hoa sen vàng, quá một ngày một đêm hoa sen mới nở ra, bảy ngày sau mới được thấy Phật... Ở trước pháp hội của chư Phật được nghe pháp rất cao sâu. Trải qua ba tiểu kiếp, chứng được Trăm môn Pháp minh, trụ bậc Bồ-tát Sơ Hoan hỷ địa”.

“Thượng phẩm Trung sanh là khéo hiểu ngộ được nghĩa thú của kinh điển, đối với nghĩa đế đệ nhất tâm chẳng kinh động, tin sâu nhân quả, chẳng chê pháp Đại thừa. Rồi đem những công đức ấy hồi hướng phát nguyện cầu sanh về Cực Lạc.

Khi mạng chung được Phật A-di-đà và hai Đại Bồ-tát và các thánh chúng tiếp rước. Người ấy trong khoảng một niệm sanh qua nước Cực Lạc, trải qua một đêm hoa sen ấy nở ra, thân hóa thành sắc vàng chói, dưới chân cũng có hoa sen bảy báu. Hào quang Phật, Bồ-tát chiếu đến, mắt liền mở sáng. Do sự tu tập đời trước nên nghe khắp các âm thanh đều thuyết nghĩa đế đệ nhất rất sâu xa, được không thối chuyển đối với Giác ngộ Vô thượng. Bấy giờ liền bay đi khắp đến mười phương, phụng thờ chư Phật, ở chỗ chư Phật tu các tam muội, qua một tiểu kiếp, được Vô sanh pháp nhẫn, hiện tiền thọ ký”.
 

Theo Văn hoá Phật giáo số 260 ngày 01-11-2016

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm