Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Sự thật về con người

Con người và những bí ẩn về con người luôn là vấn đề thách thức đối với các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về con người và bản chất của con người. Mặc dù những hiểu biết liên quan đến khoa học về con người đã được tích lũy và vận dụng hữu ích trong một số lãnh vực của đời sống, nhân loại vẫn phải đối mặt với vô số phiền toái không ngừng phát sinh chung quanh vấn đề con người.
Mục lục

Con người và những bí ẩn về con người luôn là vấn đề thách thức đối với các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về con người và bản chất của con người. Mặc dù những hiểu biết liên quan đến khoa học về con người đã được tích lũy và vận dụng hữu ích trong một số lãnh vực của đời sống, nhân loại vẫn phải đối mặt với vô số phiền toái không ngừng phát sinh chung quanh vấn đề con người. Đâu là đáp án hợp lý cho một lối sống tốt đẹp xuất phát từ sự hiểu biết đầy đủ về con người vẫn là vấn đề nan giải đối với các nhà tâm lý và phân tâm học. Erich Fromm cho rằng sự hiểu biết của chúng ta về con người còn quá thiếu sót đến độ chúng ta không thể đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh về con người theo nghĩa tâm lý học. Chính nhiệm vụ của “khoa học con người” sau cùng phải đạt đến việc mô tả đúng đắn bản chất con người[1].
Sự thật thì tri thức về loài người là không cùng tận và do đó giải pháp cho vấn đề con người cũng không cùng tận, một khi nhân loại chưa vượt qua được ngưỡng cửa Thần chết (Maccudvàra) bằng chính trí tuệ của mình. Nhân loại luôn trông chờ những phát minh mới với hy vọng cải thiện sự sống vốn có nhiều bất an trên địa cầu. Thế nhưng ít ai nhận ra rằng mọi hệ lụy phiền toái gắn liền với đời người hoàn toàn do con người tạo ra. Chính con người tự mời gọi khổ đau. Đạo Phật gọi thái độ nghịch lý ấy là hữu ái (bhavatanhà), tức lòng khao khát hiện hữu, căn nguyên của mọi bất hạnh khổ đau trên cuộc đời.
Theo quan niệm của đạo Phật thì nhân loại vẫn tiếp tục hiện hữu với muôn vàn lo âu, không thể đặt xuống gánh nặng khổ đau bao lâu còn khao khát hiện hữu, vì không ai thoát được tình trạng già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não của kiếp nhân sinh. Khổ đau là thuộc tính của hiện hữu; có hiện hữu tức là có khổ đau. Khao khát hiện hữu do đó cũng có nghĩa là tự mời gọi khổ đau.

Tôn giả Sàriputta nói cho một Tỷ-kheo đang lâm trọng bệnh: “Này hiền giả, nếu nói về vấn đề năm thủ uẩn (con người), thời toàn bộ khổ uẩn là một vấn đề cảm thọ. Và khi không có năm uẩn (con người), thời không có đau khổ”[2].
Nói khác đi, con người chỉ có thể giải thoát khổ đau bằng trí tuệ khước từ hiện hữu, phải thấy rõ hiện hữu dưới bất kỳ hình thức nào đều là khổ đau, không phải là thế giới an toàn cho con người tìm kiếm và thỏa mãn hạnh phúc[3]. Đức Phật, bậc đã giác ngộ đầy đủ về lẽ sống chết, khổ đau và hạnh phúc luẩn quẩn của kiếp nhân sinh, khuyên mọi người hãy dừng lại mọi ý tưởng thích thú và kiến tạo hiện hữu (kinh Phật gọi là tịnh chỉ các hành)[4], vì chính ý tưởng điên rồ (tức vô minh và tham ái đối với hiện hữu) ấy là mắt xích (bhavasamyojana) trói buộc chúng sinh ở trong vòng khổ đau bất tận[5].
Với sự chứng ngộ đầy đủ về con người và bản chất của con người, Đức Phật nói cho mọi người biết rằng con người chịu sự khổ đau bởi sự kiện sanh, già, bệnh, chết đi kèm với vô số phiền toái sầu muộn khác xảy ra trong cuộc đời, không ai tránh khỏi, nhưng con người có thể hoàn toàn thoát khỏi tình trạng khổ đau, nếu biết cách. Ngài phân tích con người thành năm uần (pancakkhandhà) gồm sắc uẩn (rùpakkhandha), thọ uẩn (vedanàkkhandha), tưởng uẩn (sannàkkhandha), hành uẩn (sankhàrakkhanndha), thức uẩn (vinnànakkhandha) và xác nhận khổ đau và giải thoát nằm ở con người, hoàn toàn do con người quyết định.


Nếu thiếu hiểu biết mà ứng xử không thích đáng đối với năm uẩn thì khổ phát sinh. Có hiểu biết sáng suốt và hành xử đúng đắn thì khổ chấm dứt. Bậc Giác ngộ tuyên bố:
“Ai hoan hỷ sắc, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không hoan hỷ, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai hoan hỷ thọ... tưởng... các hành... Ai hoan hỷ thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không hoan hỷ, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma”[6].
“Ai chấp trước sắc, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai chấp trước thọ... tưởng... các hành... Ai chấp trước thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma”[7].
Con người, theo phân tích của đạo Phật, là một hợp thể tâm vật lý bao gồm năm thành phần: sắc (vật chất), thọ (cảm giác), tưởng (nhận biết), hành (ý chí), thức (tri thức). Năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức này phải nương vào nhau và nương vào ngoại giới để tồn tại, không tự hiện hữu, không có tự tính độc lập, chịu sự thay đổi, biến hoại, không tồn tại mãi, không ai làm chủ được. Con người gồm năm yếu tố kết hợp hỗ tương như vậy được xem là thuộc bản chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã, thể hiện qua các sự kiện già, bệnh, chết cùng với vô số phiền toái khác xảy ra trong cuộc đời mà con người hoàn toàn bất lực, không làm chủ được, không ngăn tránh được.
Theo tuệ giác của Phật, con người gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chịu sự thay đổi biến hoại như vậy mà rơi vào hoan hỷ, ái luyến, chấp trước, cho rằng nó là của mình thì không thoát khỏi bị Ma (Màra) trói buộc, tức bị vô minh (avijjà) chi phối dẫn đến phiền não khổ đau. Bị Ma trói buộc tức bị khổ trói buộc, không thoát khỏi khổ đau; nghĩa là do vô minh, thiếu hiểu biết mà hoan hỷ, chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức, những thứ chịu sự thay đổi và biến hoại, xem chúng là của mình; do vậy, khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức thay đổi, đi đến hoại diệt thì tâm thức hoảng loạn, rơi vào sầu, bi, khổ, ưu, não. Đây là điều mà đấng Giác ngộ bảo là “có cái không thực có ở trong có thể gây ra lo âu phiền muộn”, nghĩa là có người rơi vào tà kiến, xem sắc, thọ, tưởng, hành, thức là tự ngã (atta), cái mà bậc Giác ngộ gọi là không thực có ở bên trong con người hay ở bất cứ đâu. Thế rồi người này nghe Như Lai hay đệ tử Như Lai thuyết pháp, nói về sự không thường hằng, vô ngã của năm uẩn thì liền hoảng hốt suy nghĩ: “Chắc chắn ta sẽ bị đoạn diệt, chắc chắn ta sẽ bị hoại diệt, chắc chắn ta sẽ không tồn tại”. Người đó sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh[8]. Nói cách khác, mọi ý tưởng hoan hỷ, chấp trước đối với tự thân, đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều sai lầm và làm phát sinh phiền não khổ đau, như Đức Phật đã khẳng quyết: “Này Ananda, Ta không quán thấy một sắc pháp (pháp hữu vi) nào trong ấy có hoan hỷ, trong ấy có hoan lạc, chịu sự biến dịch, chịu sự đổi khác mà không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”[9].
Con người hiện hữu trên cuộc đời gắn liền với bản chất biến hoại, bất an và vô vọng như vậy thì phương pháp chữa trị phiền não sẽ như thế nào? Đâu là giải pháp cho vấn đề giải thoát con người? Câu chuyện Thế Tôn giáo giới cho gia chủ Nakulapità và sự cắt nghĩa của Tôn giả Sàriputta về lời khẳng quyết “thân tuy có bệnh nhưng tâm không bệnh” của đấng Giác ngộ cho chúng ta một chỉ dẫn quan trọng về phương pháp thoát ly khổ đau nhân sinh, thoát ly sầu, bi, khổ, ưu, não:

“Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhayga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesaka, vườn Nai. Rồi gia chủ Nakulapità đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ Nakulapità bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bệnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các vị Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giảng dạy cho con! Nhờ vậy, con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bệnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: ‘Dầu cho thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh’. Như vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập.
Rồi gia chủ Nakulapità sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Sàriputta rồi ngồi xuống một bên.
Tôn giả Sàriputta nói với gia chủ Nakulapità đang ngồi một bên:
- Này Gia chủ, tịch tịnh là các căn của Gia chủ; thanh tịnh và trong sáng là sắc diện của Gia chủ. Có phải hôm nay Gia chủ đối diện với Thế Tôn, được nghe pháp thoại? - Làm sao không thể như vậy được, thưa Tôn giả? Hôm nay, thưa Tôn giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại!
- Như thế nào, này Gia chủ, Gia chủ được rưới với nước
bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại?
- Ở đây, thưa Tôn giả, con đi đến Thế Tôn; sau khi đến,
đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thưa Tôn giả, con bạch Thế Tôn:
‘- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bệnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn giảng dạy cho con! Nhờ vậy con được hạnh phúc, an lạc lâu dài!’.
Được nghe nói vậy, thưa Tôn giả, Thế Tôn nói với con:
‘- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bệnh hoạn, ốm yếu, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: Dầu thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh!’.
Như vậy, thưa Tôn giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại.

- Nhưng này Gia chủ, Gia chủ có hỏi thêm Thế Tôn như sau: ‘Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là thân bị bệnh và tâm cũng bị bệnh? Cho đến như thế nào là thân bị bệnh, nhưng tâm không bị bệnh không?’.
- Thưa Tôn giả, con có thể đi đến thật xa để nghe tận mặt Tôn giả Sàriputta ý nghĩa của lời nói này. Lành thay, nếu được Tôn giả Sàriputta giải thích ý nghĩa của lời nói này!
- Vậy này Gia chủ, hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, ta sẽ nói.
- Thưa vâng, Tôn giả.
Gia chủ Nakulapità vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:
‘- Thế nào, này Gia chủ, là thân bệnh và tâm bệnh?
Ở đây, này Gia chủ, có kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta”. Do bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta” khi sắc biến hoại, đổi khác; nên do sắc biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu não!
Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy bị ám ảnh: “Thọ là ta, thọ là của ta”. Do bị ám ảnh: “Thọ là ta, thọ là của ta” khi thọ biến hoại, đổi khác; nên do thọ biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
Vị ấy quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy bị ám ảnh: “Tưởng là ta, tưởng là của ta”. Do bị ám ảnh: “Tưởng là ta, tưởng là của ta” khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên do tưởng biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
Vị ấy quán các hành như là tự ngã hay tự ngã như là có các hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy bị ám ảnh: “Các hành là ta, các hành là của ta”. Do bị ám ảnh: “Các hành là ta, các hành là của ta” khi các hành biến hoại, đổi khác; nên do các hành biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu não!
Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy bị ám ảnh: “Thức là ta, thức là của ta”. Do bị ám ảnh: “Thức là ta, thức là của ta” khi thức biến hoại, đổi khác; nên do thức biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
Như vậy, này Gia chủ, là thân có bệnh và tâm có bệnh.
Thế nào, này Gia chủ, là thân có bệnh nhưng tâm không có bệnh?
Ở đây, này Gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử hiểu rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, hiểu rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy không bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta” khi sắc biến hoại, đổi khác; nên không do sắc biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy không bị ám ảnh: “Thọ là ta, thọ là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Thọ là ta, thọ là của ta” khi thọ biến hoại, đổi khác; nên không do thọ biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
Không quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy không bị ám ảnh: “Tưởng là ta, tưởng là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Tưởng là ta, tưởng là của ta” khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên không do tưởng biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
Không quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy không bị ám ảnh: “Các hành là ta, các hành là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Các hành là ta, các hành là của ta” khi các hành biến hoại, đổi khác; nên không do các hành biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không bị ám ảnh: “Thức là ta, thức là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Thức là ta, thức là của ta” khi thức biến hoại, đổi khác; nên không do thức biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Như vậy, này Gia chủ, là thân có bệnh, nhưng tâm không có bệnh’.
Tôn giả Sàriputta thuyết như vậy, gia chủ Nakulapità hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Sàriputta thuyết”[10].
 

Câu chuyện gợi mở lối đi giải thoát cho người hiểu biết.
Trước hết, con người gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức chịu sự thay đỗi, già nua, ốm đau bệnh tật, chết chóc, không ai tránh khỏi, không ai có quyền làm cho khác được. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức chịu sự thay đổi biến hoại, thuộc bản chất phiền toái khổ đau như vậy nhưng chúng là vô ngã, không có thực thể, không phải của mình, không dính dáng đến người nào; chúng đến và đi, tụ và tán, tuân theo quy luật sanh diệt của chúng, tựa như đám bọt nước, như bong bóng nước, như ráng mặt trời, như cây chuối không lõi, như trò ảo thuật, hoàn toàn trống không, không thực thể, nhanh chóng tan biến, không thể nắm giữ, không thể gọi là của mình[11].
Con người thuộc bản chất ốm đau bệnh tật và tự hủy hoại như vậy mà sinh tâm hoan hỷ, ái luyến, chấp trước, đồng hóa nó là mình hay của mình tức là tự mời gọi phiền não khổ đau. Đây là thái độ thiều hiểu biết của kẻ vô văn phàm phu, không thấy được bản chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn, không nhận ra sự nguy hiểm của sự kiện tái sanh hay hiện hữu[12], tự mình mang gánh nặng khổ đau (ngũ uẩn) lại thích thú tiếp tục quẩy gánh nặng khổ đau[13], thực thi lối sống mê lầm, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm[14], khiến cho mình phải chịu bất hạnh đau khổ lâu dài, gọi là thân có bệnh và tâm có bệnh.
Trái lại, không thích thú, không ái luyến, không chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không xem chúng là mình hay của mình tức là thoát ly sầu muộn khổ đau. Đây là thái độ sáng suốt của vị đa văn Thánh đệ tử, có học tập lời Phật dạy, thấy rõ sự thật duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn, hiểu rõ sự nguy hiểm của tái sinh hay hiện hữu[15], quyết tâm đặt xuống gánh nặng khổ đau[16], thể hiện lối sống sáng suốt, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già... tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hiểm của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn[17], khiến cho mình được hạnh phúc an lạc lâu dài, gọi là thân có bệnh nhưng tâm không bệnh.

Đáng chú ý rằng, lời tuyên bố của Đức Phật về “thân có bệnh nhưng tâm không bệnh” và sự giải thích sau đó của Tôn giả Sàriputta cho thấy con người không còn là vấn đề bí ẩn trong con mắt của các bậc giác ngộ. Với sự chứng ngộ và giảng giải chi tiết về bản chất như thật của ngũ uẩn, đạo Phật đã mở ra một chân trời mới, một tri kiến tuyệt đối quan trọng cho vấn đề con người và mục tiêu giải thoát của con người. Con người (ngũ uẩn) là hiện thân của khổ đau và giải thoát. Khổ đau và giải thoát có mặt trong con người. Con người hiện hữu với gánh nặng khổ đau sanh, già, bệnh, chết nhưng có khả năng cởi bỏ gánh nặng khổ đau. Không ai buộc con người phải khổ đau nhưng cũng không ai cởi bỏ khổ đau cho con người. Chỉ có con người tự quyết định số phận khổ đau hay giải thoát của chính mình.
Theo quan niệm của đạo Phật, nếu thiếu hiểu biết về bản thân mình mà rơi vào ái luyến, chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tìm kiếm hân hoan thích thú ở trong đó, lấy làm thỏa mãn với ngã tưởng liên quan đến ngũ uẩn tức là mê lầm tự mời gọi khổ đau. Trái lại, có hiểu biết đúng đắn về bản chất vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn, không thích thú, không ái luyến sắc, thọ, tưởng, hành, thức, dứt bỏ mọi ngã tưởng liên hệ đến ngũ uẩn tức là sáng suốt buông bỏ khổ đau. Nói khác đi, con người cần có thái độ hiểu biết và ứng xử đúng đắn đối với bản thân mình để tránh rơi vào mê lầm tự mời gọi khổ đau, phải hiểu rõ bản chất vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn và thực thi đời sống phù hợp với bản chất của ngũ uẩn để thoát ly phiền não khổ đau. Phải trả con người về với chính nó, đừng để dục vọng và sợ hãi làm méo mó sự thật về con người. Rõ là khổ đau chỉ xảy ra với những ai thiếu hiểu biết và có thái độ ứng xử không đúng đối với ngũ uẩn. Nhưng với người hiểu biết đúng đắn về sự thật vô thường vô ngã của ngũ uẩn thì sẽ không để cho mình rơi vào sầu muộn khổ đau, vì ngũ uẩn là các hiện tượng biến hoại khổ đau nhưng sắc, thọ, tưởng, hành, thức đích thực không phải của mình.

Để giúp cho các học trò mình có được tri kiến như thật (yathàbhùtam jànana) về con người theo đó mọi ảo tưởng về ngũ uẩn được chấm dứt, tức khổ đau chấm dứt, bậc Giác ngộ khuyên các Tỷ-kheo phải thường xuyên quán niệm (vipassanà) về sắc, thọ, tưởng, hành, thức để ngộ ra tính chất vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn. Ngài thường sách tấn và trắc nghiệm năng lực giác ngộ của họ với những lời lẽ như thế này:
“- Này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn, vô thường.
- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
- Bạch Thế Tôn, khổ.
- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thì có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’?

- Bạch Thế Tôn, không.
- Chư Tỷ-kheo, cảm thọ... tưởng... các hành...
- Chư Tỷ-kheo, thức là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn, vô thường.
- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
- Bạch Thế Tôn, khổ.
- Cái gì vô thường, khổ thì có hợp lý chăng, khi chánh quán cái ấy là: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Do vậy, này các Tỷ-kheo, bất cứ các pháp nào, quá khứ, tương lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc pháp là: ‘Cái này không phải của tôi, cái này không phải là của tôi, cái này không phải tự ngã của tôi’, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ. Bất cứ cảm thọ nào... Bất cứ tưởng nào... Bất cứ hành nào... Bất cứ thức nào, quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả thức là: ‘Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi’, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ.
Chư Tỷ-kheo, nhờ thấy 
vậy, vị Đa văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với hành, yếm ly đối với thức, do yếm ly nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát, trong sự giải thoát có trí khởi lên, biết được đã giải thoát. Vị ấy biết: ‘Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không  còn trở lui trạng thái (khổ đau) này nữa’."[18] Những vị đã liễu ngộ sự thật vô ngã của ngũ uẩn được gọi đã chứng giải thoát không có chấp thủ[19] thì không còn vướng bận gì đến hiện hữu. Chư vị là các bậc A-la-hán, có thân bệnh nhưng tâm không bệnh, hiện diện ở đời với tâm giải thoát, an nhiên tự tại, không còn ao ước và sợ hãi điều gì, không còn ý tưởng được hay mất điều gì, vì chư vị không còn khao khát trở thành.


Chú thích:

1. Xem E. Fromm, The Sane Society, tr.13.
2. Xem chuyện Tỷ-kheo Samitigutta, Trưởng lão Tăng kệ, Tiểu bộ.
3. Kinh Phạm Thiên cầu thỉnh, Trung bộ, ghi lời Đức Phật: “Thấy nguy hiểm trong hữu, Từ hữu, tìm phi hữu, Ta không tôn trọng hữu, Không hỷ, không chấp trước”.
4. Kinh Cỏ và củi, kinh Quả đất, Tương ưng bộ.
5. Kinh Nước mắt, kinh Sữa, Tương ưng bộ.
6. Kinh Hoan hỷ, Tương ưng bộ.
7. Kinh Chấp trước, Tương ưng bộ.
8. Kinh Ví dụ Con rắn, Trung bộ.
9. Kinh Đại không, Trung bộ.
10. Kinh Nakulapità, Tương ưng bộ.
11. Kinh Bọt nước, Tương ưng bộ.
12. Kinh Cỏ và củi, kinh Quả đất, kinh Nước mắt, Tương ưng bộ.
13. Kinh Gánh nặng, Tương ưng bộ.
14. Kinh Thánh cầu, Trung bộ.
15. Kinh Cỏ và củi, kinh Quả đất, kinh Nước mắt, Tương ưng bộ.
16. Kinh Gánh nặng, Tương ưng bộ.
17. Kinh Thánh cầu, Trung bộ.
18. Kinh Ví dụ Con rắn, Trung bộ.
19. Tiểu kinh Saccaka, Trung bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 324 ngày 01-07-2019

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm