Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Tâm Minh Lê Đình Thám, biểu mẫu của người con Phật Việt Nam

Tâm Minh Lê Đình Thám sinh năm 1897 tại làng Đông Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vùng đất địa linh nhân kiệt được định danh là “Ngũ phụng tề phi” , trong một gia đình quyền quý có truyền thống yêu nước, đạo đức nhân nghĩa. Thân phụ là cụ ông Lê Đỉnh; thân mẫu là cụ bà Phan Thị Hiệu.
Mục lục

Tâm Minh Lê Đình Thám sinh năm 1897 tại làng Đông Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vùng đất địa linh nhân kiệt được định danh là “Ngũ phụng tề phi”[1], trong một gia đình quyền quý có truyền thống yêu nước, đạo đức nhân nghĩa. Thân phụ là cụ ông Lê Đỉnh; thân mẫu là cụ bà Phan Thị Hiệu.
Cuộc đời của ông có thể chia làm ba giai đoạn[2]
Giai đoạn 1: Khoa học và nhân sinh
Giai đoạn 2: Thấy đạo và dấn thân
Giai đoạn 3: Tròn vẹn và viên mãn.
Giai đoạn 1 tính từ lúc ông sinh ra 1897 cho đến khi ông cảm được đạo qua bài kệ của Tổ Huệ Năng khắc trên vách chùa Tam Thai còn gọi là chùa Non Nước ở Đà Nẳng. Đó là thời gian học hành đỗ đạt, ra trường làm việc phục vụ nhân sinh khi chưa đầy 30 tuổi.
Giai đoạn 2 tính từ lúc ông cảm được đạo, học đạo với HT. Giác Tiên và HT. Phước Huệ đến khi ông thoát ly, thời gian mà ông tạo nên những bước phát triển rất mới mẻ và đầy sinh lực, sáng tạo và thăng hoa, nơi bản thân và cho Phật giáo.
Giai đoạn 3 tính từ lúc ông thoát ly theo kháng chiến đến lúc ông xả báo an tường. Đây là giai đoạn ông hy hiến trọn vẹn cho Đạo pháp và Dân tộc.
Giai đoạn 1:
Ông sinh ra trong một gia đình quyền quý, khoa bảng. Thân sinh của ông từng là Đông các điện Đại học sĩ kiêm Binh bộ Thượng thư triều Tự Đức[3]. Từ hồi nhỏ ông cùng với bào huynh Lê Đình Dương đã được hấp thụ Nho học trực tiếp với thân sinh. Cả hai thể hiện năng lực thông đạt kinh sách, làm được văn bài thi phú; ứng đối nhanh nhẹn, nổi tiếng là thần đồng[4]. Lớn lên ông theo tân học, đậu thủ khoa trong tất cả các kỳ thi từ cấp tiểu học đến Đại học. Ông tốt nghiệp thủ khoa Đông Dương Y Sĩ khóa 1916, hành nghề, và tốt nghiệp Y Khoa Bác Sĩ năm 1930[5]. Như vậy ông đã tốt nghiệp và làm việc từ độ tuổi còn rất trẻ, phục vụ cho nhiều bệnh viện khác nhau của những địa phương[6] khác nhau như Bình Thuận, Sông Cầu, Qui Nhơn, Tuy Hòa[7]. Lê Thanh Cảnh là bạn học của ông có kể lại giai thoại: Lê Đình Thám đã giải một bài toán mà thầy dạy là ông Le Bris, người Pháp, không giải được, khiến ông này vô cùng thán phục và đã nhấc bổng trò Thám lên cao mà nói to: “Đây là thầy của tôi”. Cũng trong bài viết này, ông Lê Thanh Cảnh còn kể lại, bác sĩ Thám có một thiên năng nhớ bài rất nhanh, chỉ nhẩm qua hai lần là thuộc không sót một chữ[8].
Lớn lên, ông có chuyên môn khởi đầu với ngành y, tận tình phục vụ trong nhiều bệnh viện với đỉnh cao khoa học là phát minh ra Sérum Normet. Sự kiện được kể lại rằng năm 1926, ông được về Huế làm Y sĩ trưởng tại Viện Bào Chế và Vi Trùng Học Pasteur, ông cộng tác với Bác sĩ Mormet, Giám đốc Y tế Trung Phần, phát minh ra Sérum Mormet, được Y giới Pháp Việt trọng vọng[9]. Không chỉ có chuyên môn khoa học, ông còn có kiến thức rộng lớn dù trong tình thế bị chính quyền ngoại bang gây áp lực tinh thần, theo dõi gắt gao. Trong thời gian phục vụ tại bệnh viện Hội An, Bình Thuận, Sông Cầu, Qui Nhơn, Tuy Hòa (1915-1923), ông học hỏi và nghiên cứu thêm Nho, Y, Lý và Số[10], và rộng hơn là hệ thống đạo lý Đông phương như Khổng, Lão và Phật giáo[11]. Như vậy, ngoài chuyên môn ngành y phục vụ sức khỏe nhân sinh, tâm hồn ông trước sau còn được thấm nhuần thâm hậu suối nguồn minh triết Đông phương. Khi duyên lành hội tụ, ông từng bước đi vào biển tuệ nhà Phật. Chuyến đi thăm chùa Tam Thai vào năm ông 30 tuổi như một cánh cổng mở ra để đưa ông vào cảnh giới tâm linh của cuộc đời mình tạo nên những bước phát triển rất mới mẻ và đầy sinh lực, sáng tạo và thăng hoa, nơi bản thân và cho Phật giáo. Người viết gọi là giai đoạn Cảm đạo, thấy đạo và dấn thân.
Giai đoạn 2:
Hôm ấy, ông viếng chùa Tam Thai, tên phổ biến là chùa Non Nước, sau những bước thấp bước cao lên từng cấp đá cheo leo giữa khung cảnh hùng vĩ và kỳ ảo của Ngũ Hành Sơn lưng trời sương phủ, làn không khí mờ ảo của động Huyền Không dẫn dắt đôi mắt ông chạm đến những dòng chữ trên vách đá:
Bồ Đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài.
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.
Duyên xưa hội tụ, cơ cảm chín mùi, tâm hồn mẫn tiệp của ông đã chấn động trước bốn câu kệ bất hủ trên vách đá còn đọng giọt sương mai. Giây phút xuất thần đó, tâm ông bất chợt tương ứng với tâm Huệ Năng. Mầu nhiệm là khoảnh khắc tâm cảm tâm giữa khách vãng cảnh Tam Thai sáng nay với người gánh củi của xứ Tân Châu năm nào. Cả hai đều trực cảm. Một thầy thuốc đang thỏa chí đăng sơn và một tiều phu đang trên quảng đường bán củi nơi một khách điếm xa xôi nào đó. Cả hai bất thần chia sẻ chung cảnh giới của "Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm". Tất cả lưu xuất từ cảnh giới Chơn không mầu nhiệm[12].
Với tâm hồn đã cảm được đạo, tuy phận làm người phải trở về với dặm đường thế sự nhưng ông vẫn quyết tìm kiếm minh sư. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận ghi: “Năm 1926 lúc còn làm y sĩ tại bệnh viện Hội An, trong một dịp viếng chùa Tam Thai, ông được đọc bài kệ Bồ Đề Bản Vô Thụ của Huệ Năng viết trên vách chùa. Đây là lần đầu tiên ông tiếp xúc với văn học Phật giáo. Bài kệ đó gây một ấn tượng sâu trong tâm não ông, nhưng mãi đến năm 1928, về làm việc tại Viện Pasteur Huế, ông mới gặp người giải thích cho ông một cách thỏa đáng về bài kệ ấy. Người đó là Thiền sư Giác Tiên. Thấy được diệu lý, ông phát tâm quy y Tam Bảo, thờ Giác Tiên làm thầy, được pháp danh là Tâm Minh, pháp tự là Châu Hải. Ông phát nguyện ăn chay trường từ đó. Lúc ấy ông mới có ba mươi mốt tuổi, và Mật Khế đệ tử đầu của Giác Tiên mới có hai mươi bốn tuổi. Hai người bạn đồng sư này thân cận nhau và nâng đỡ nhau trong việc nghiên tầm kinh luận.”[13]
Dặm đường thế sự của ông có thể được trình bày kiểu biên niên sử thu gọn như sau[14]:
- Năm 1926, Y sĩ ở Hội An, Quảng Nam[15].
- Năm 1928, Y sĩ trưởng Viện bào chế và Vi trùng học Pasteur - Huế.
- Năm 1930, lấy bằng bác sĩ Y khoa ngạch Pháp quốc.
- Năm 1933, Giám đốc bệnh viện Bài lao Huế.
- Năm 1945, Giám đốc Y tế Trung phần kiêm Giám đốc Bệnh viện Huế[16].
- Năm 1946, tham gia kháng chiến chống Pháp ở Quảng Nam.
- Năm 1947, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung bộ tại Liên khu V [17].
- Năm 1949, Chủ tịch Phong trào Vận động Hòa bình Thế giới của Việt Nam. (thuộc về giai đoạn ba)
Giai đoạn từ năm ông 29 tuổi đến năm 52 tuổi ghi thành tám (8) dòng chữ ở trên chỉ là dặm đời tính bằng khung sườn năm tháng. Khung sườn của dặm đời này được lồng vào trong một cõi đạo thênh thang, trong đó ông vừa thọ học từ những bậc tinh hoa của Phật giáo vừa tạo nên những bước phát triển rất mới mẻ và đầy sinh lực, sáng tạo và thăng hoa, nơi bản thân và cho Phật giáo. Một trong những dấu son là thành lập Hội An Nam Phật Học.
Việc thành lập và vận hành Hội An Nam Phật Học, ngoài nguồn thông tin trên mạng internet, người viết còn có hai nguồn thông tin có độ khả tín cao là bộ Việt Nam Phật giáo sử luận bản PDF của Nguyễn Lang và bài viết “Tác động từ phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung đối với cuộc vận động Phật giáo miền Nam năm 1963” và một số bài viết khác cùng đăng trong quyển Nhìn lại phong trào Phật giáo Miền Nam năm 1963[18].
Theo quyển Những đóa hoa phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, biên soạn thì năm 1931 là năm đánh dấu sự kiện ra đời của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, trụ sở đặt tại Chùa Linh Sơn – Sài Gòn do Hòa thượng Khánh Hòa làm Hội trưởng[19]. Năm sau, sức phấn chấn mà sự kiện trên tạo ra đã lan tỏa ra miền Trung và miền Bắc dẫn đến việc thành lập Hội An Nam Phật Học[20] vào năm 1932 và Hội Phật giáo Bắc Kỳ vào năm 1934. Điều này đã được Nguyễn Lang ghi lại như sau: “Thấy trong Nam làm được việc, ở Huế, thiền sư Giác Tiên tập họp các đồng chí với sự cộng tác của một số cư sĩ như Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Tân v.v… thành lập hội An Nam Phật Học (1932)[21], đặt trụ sở tại chùa Trúc Lâm nơi Giác Tiên trú trì, bắt đầu tổ chức giảng diễn tại chùa Từ Quang. Giác Tiên làm chứng minh đạo sư và cư sĩ Lê Đình Thám được mời làm hội trưởng.”[22]
Như vậy vai trò chủ xướng vẫn là Hòa thượng Giác Tiên và năm thành lập là 1932, mặc dù có những ý kiến khác vô tình mà thiếu chính xác về người chủ xướng và năm thành lập[23]. Có thể nói một cách khá an toàn khoa học là Hội An Nam Phật Học được sự chứng minh của Hòa thượng Giác Tiên và vị lãnh đạo trực tiếp là Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, mặc khác cũng có thể nói là hai vị cùng lãnh đạo[24].
Có thể nói, công đầu trong việc khởi xướng cho một nền giáo dục và phương thức quảng bá Phật Giáo theo phong cách mới chính là Tổ Giác Tiên và Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Thích Gia Quang[25] viết: “Hai nhân vật hàng đầu Phật giáo ở Trung Bộ lúc đó là Hòa thượng Giác Tiên và cư sĩ Lê Đình Thám chủ động mở một đạo hàng giảng giải kinh nghĩa tại chùa Trúc Lâm mang tên Sơn Môn Học Đường Trúc Lâm và mời ngài Hòa thượng Phước Huệ ở Chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định ra làm chủ giảng năm 1931.”[26]
Những nhân vật hậu thuẩn cho việc thành lập và vận hành Hội An Nam Phật Học bao gồm hầu hết những Tăng sĩ tinh hoa của Phật giáo thời bấy giờ và cũng là thành phần quan trọng nhất trong công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Trung. Quyển Nhìn lại phong trào Phật giáo Miền Nam năm 1963 có ghi lại: “Dưới sự vận động của Thiền sư Giác Tiên, các tăng sĩ có tâm huyết với sự tồn vong của Phật giáo như Thiền sư Phước Hậu, Tịnh Hạnh, Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Thể, Trí Thủ, Đôn Hậu... đã tích cực chung tay xây dựng và phát triển Hội An Nam Phật Học.”[27]
Đội ngũ nhân sự là cư sĩ trực tiếp vận hành của Hội phải nói là hùng hậu. Nguyễn Tất Thắng và Dương Thanh Mừng chia thành hai nhóm và ghi lại như sau: “Thứ nhất là những người tân học, có bằng cấp cao về Tây học và Hán học. Họ là những vị quan lại giữ chức cao trong triều đình, nhưng đã về trí sĩ như Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Phạm Quỳnh hay trong hoàng tộc như Ưng Bình, Viễn Đệ, các trí thức như Lê Thanh Cảnh, Lê Đình Thám, Trương Xướng, Nguyễn Khoa Toàn và một số phụ nữ như Cao Xuân Xang, Công Tôn Nữ Thị Bân, Hồ Thị Thể Anh... Đây là những người học kinh, giảng pháp theo phương pháp mới, chủ trương chấn hưng Phật giáo cho phù hợp với thời đại. Thứ hai là những nhà nho danh tiếng, trong đó có người đỗ đại khoa như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, và một số nhà văn như Phan Khôi, nữ sĩ Đạm Phương. Đây còn là những nhà hoạt động chính trị xã hội. Họ hiểu Phật giáo là một thành phần cốt lõi của văn hóa dân tộc và chủ trương chấn hưng Phật giáo để củng cố tinh thần dân tộc.”[28]
Với đội ngũ nhân sự như vậy, Hội có vai trò lớn và trở thành trọng điểm tập trung của nguồn lực đủ mạnh về nhiều phương diện để có thể cáng đáng những công việc lớn lao như:
- Xây chùa Từ Đàm. Trí Năng nói rằng ông là nhân vật cốt cán[29]. Nguyễn Lang ghi lại rằng trong việc này, ông được yểm trợ rất lớn về mặt mỹ thuật từ Nguyễn Khoa Toàn[30].
- Dời trường từ Chùa Báo Quốc lên Chùa Kim Sơn do Hội chủ trương và triển khai thành công. Lê Cung chép rằng Hoà thượng Thích Trí Độ cùng với Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là hai vị chủ chốt, bỏ nhiều công sức cho việc di dời trường từ chùa Báo Quốc lên chùa Kim Sơn[31].
- Sáng lập và thiết kế khung chuẩn cho tổ chức thanh thiếu niên Phật tử với tên gọi là Phật Hóa Phổ, tiền thân của tổ chức Gia Đình Phật Tử sau này.
Với yếu tố nhân sự và những đóng góp lớn lao như vậy nên không có gì ngạc nhiên khi Hội được xem là nổi trội trong hàng ngũ những tổ chức Phật giáo, tiêu biểu cho sức năng động của Phật giáo đương thời, tác động căn cơ và tích cực đến phong trào chấn hưng Phật giáo và là nguồn lực lớn cho phong trào Phật giáo năm 1963. Nguyễn Tất Thắng và Dương Thanh Mừng đã nhận định: “Tại miền Trung, trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo đã hình thành nên 3 tổ chức giáo hội: Thứ nhất là Hội An Nam Phật Học ở Huế (1932) gắn liền với vai trò của Thiền sư Giác Tiên và Cư sĩ Lê Đình Thám. Thứ hai là Hội Phật Học Bình Định (1934) trụ sở đặt tại Chùa Thập Tháp mà sự ra đời của hội gắn liền với vai trò của các vị Hòa thượng như Phước Huệ, Phổ Huệ, Trí Độ, Pháp sư Bích Liên Tôn. Thứ ba là Hội Phật Học Đà Thành tại Đà Nẳng (1937). Sự hình thành của những tổ chức Giáo hội Phật giáo ở những thời điểm khác nhau đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào chấn hưng tiến lên một bước mới. Sự xuất hiện của các Hội Phật giáo này không phải là sự chia rẽ hay thiếu đoàn kết của phong trào mà đó chính là một dạng biến thể của Hội An Nam Phật Học ở những giai đoạn nhất định nhằm thúc đẩy phong trào chấn hưng đi vào chiều sâu và thu được nhiều kết quả. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung đạt được nhiều kết quả so với phong trào ở 2 miền Bắc và Nam. Có thể nói, Hội Phật học Bình Định hay Hội Phật học Đà Thành được hình thành đều bắt nguồn từ mô hình của Hội An Nam Phật Học và mục đích cuối cùng của các Hội là đều nhằm hoằng dương Phật pháp, đoàn kết Tăng Ni ba miền, tiến tới thành lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất trong toàn quốc. Điều đáng nói là, trong quá trình tiến tới thống nhất Phật giáo, Hội An Nam Phật Học là Hội có sức ảnh hưởng lớn nhất.”
Nếu Hội An Nam Phật Học là điểm son sâu đậm thì Tổ chức Gia Đình Phật Tử là điểm son có sức sống bền bĩ và sống động nhất. Tổ chức Gia Đình Phật Tử ngày nay là một tổ chức rộng lớn đa dạng có mặt rộng khắp, bất cứ nơi nào có cộng đồng những người con Phật Việt Nam sinh sống thì gia đình Phật tử hình thành. Thoạt kỳ thủy, đây là tổ chức do ông khai sáng, trực tiếp huấn luyện và dẫn dắt. Cần ghi nhận rằng trước đó từ năm 1932 thanh thiếu niên và nhi đồng Phật tử đã được kết nối thành đội ngũ với tên là ban Đồng Ấu với nội dung hoạt động tuy còn sơ khai nhưng đã góp phần tươi tắn thanh khiết cho các lễ nghi trang nghiêm trọng đại.
Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã ghi lại sự kiện Phật đản năm 1935 với những chi tiết thú vị và có giá trị như sau: “Lễ Phật Đản được tổ chức ngày 10.5.1935. Trước đó hội trưởng Nguyễn Khoa Tân và các vị tôn túc đã vận động được vua Bảo Đại và Tam Tôn Cung nhận chức hội chủ vinh dự của hội, và Ngự Tiền văn phòng cho biết tin này bằng văn thư 97.BE ngày 20.4.1935. Vua cúng dường 150 đồng và Khôn Nghi Xương Đức thái thượng hoàng thái hậu cúng dường 100 đồng. Chiều mồng bảy tháng Tư âm lịch, hội tổ chức rước Phật ở Bảo Quốc. Một ban đồng ấu Phật tử đầu đội mũ, áo mã tiền, trên vai có cắm lồng đèn hoa sen, vừa đi vừa bát bài “Vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng Tư”. Đây là một cảnh chưa từng thấy. Hai bên đường quần chúng đổ ra xem đông đảo và hàng ngàn người đi theo sau đám rước để về chùa Diệu Đế. Đám rước tới chùa Diệu Đế vào lúc chín giờ rưỡi, và quần chúng quy tụ đầy đặc từ trong sân chùa ra tới ngoài đường. Thích Giác Nhiên lên diễn đàn giảng Bát Nhã Tâm kinh trước máy vi âm. Đây là lần đầu tiên có máy vi âm trong một buổi giảng kinh, quần chúng trong chùa, ngoài đường nghe rõ mồn một, và tỏ ra rất thích thú. Máy vi âm này hội đã mượn được của nhà thuốc Võ Văn Vận tận Thủ Dầu Một. Sáng mồng tám Ni sư Diệu Hương giảng kinh Di Đà và tiếp theo Ni cô Diệu Viên (còn là Sa-di-ni) lên giảng về đề tài “Phật học đối với phụ nữ”. Lúc ấy người của hoàng gia, theo lệnh của Tam Tôn Cung, mang đến cúng dường một ngàn chiếc đèn lồng thắp ở chung quanh khuôn viên chùa Diệu Đế. Ni cô Diệu Viên giảng xong thì bác sĩ Lê Đình Thám đăng đàn nói về lễ Phật Đản. Đúng chín giờ, xa giá của vua Bảo Đại tới và nghi lễ bắt đầu. Cùng đi với vua có Tôn Cung và các cơ mật đại thần, Viên khâm sứ Pháp cũng có đến dự. Sau khi cử hành lễ Phật Đản, ban Đồng Ấu đã hát những điệu Phú Lục, Long Ngâm, Đăng Đàn Cung, Lưu thủy, Kim Tiền và Ngũ Đối Thượng. Sau đó Ban Đồng Ấu được Hoàng Thái Hậu tặng 50 đồng… Ngày hôm sau, các báo trong nước đều có tường thuật về buổi lễ. Riêng báo Tràng An tại Huế đã ra một số đặc biệt để nói về lễ này.” [32]
Ban Đồng Ấu ở Miền Bắc được dẫn dắt bởi cư sĩ Công Chân, Miền Trung có cư sĩ Bửu Bác. Điều còn hạn chế là những vị tiên phong chưa cập nhật phương thức hoạt động và chương trình giáo dục mới mẻ phù hợp với thời đại. Thời đó, được nhận ra hay không được nhận ra, tình trạng bất cập và phần nào thủ cựu này tiếp diễn khá lâu cho đến khi ông thốt lên thành lời trong diễn văn khai mạc một đại hội[33]: “Không có một thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ thanh thiếu niên, họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai.” Đã nói là làm, hai năm sau, mùa Thu năm 1940, Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục ra đời với sự bảo trợ của Hội An Nam Phật học và sự trực tiếp[34] hướng dẫn của ông. Nhân sự chủ chốt gồm Cố vấn, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám; Đoàn trưởng, anh Phạm Hữu Bình; Đoàn phó, anh Đinh Văn Nam[35]; Thư ký: anh Ngô Điền; và các ủy viên: anh Ngô Thừa, Võ Đình Cường, Đinh Văn Vinh, Nguyễn Hữu Quán, Nguyễn Khải, Lê Kiểm, Phạm Quỵ, Hoàng Ngọc Phu, Lê Đình Duyên. Năm sau có các anh mới: Ưng Hội, Tráng Thông, Lâm Công Định[36].
Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục có đội ngũ nhân lực trẻ trung, nhiệt thành và hiệu quả, vận hành theo phương thức mới, dụng ngữ mới, chương trình học mới, ngoài Phật học còn có Nho học và Lão học. “Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục lúc ấy là tượng trưng cho một đạo Phật rất “mới”. Bài ca chính thức của đoàn được soạn và hát ca bằng tiếng Pháp! Điều này khiến cho giới thiếu niên thấy rằng đạo Phật là một cái gì rất “hợp thời”, không còn cổ hủ nữa.”[37]

Phát huy tác dụng, một mặt Đoàn đã góp phần lớn lao trong việc đưa những ban Đồng Ấu phát triển lên một cấp độ cao hơn về số lượng thành viên và đơn vị cũng như chất lượng giáo dục, một mặt Đoàn đã đóng góp lớn vào nội dung bài vở cho tạp chí Viên Âm. Nhiều ban Đồng Ấu mới được thành lập, vào năm 1942 đã  có 12 đơn vị Đồng Ấu được thành lập, mỗi đơn vị có khoảng 40 em được tổ chức và giáo dục theo mô hình sinh hoạt thanh thiếu niên. Cũng vào năm này, một dạng sách giáo khoa được biên soạn và ấn hành tựa là Phật Giáo Sơ Học. Năm sau, 1943, các đơn vị Đồng Ấu được gọi là các Gia Đình Phật Hóa Phổ. Ngay khi cường độ loạn ly và tàn phá của chiến tranh vừa dịu xuống, năm 1947 ngôi nhà của cư sĩ Phan Cảnh Tú chứng kiến sự kiện tái lập của tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ. Cuối năm sau, 1948, Gia Đình Phật Hóa Phổ tổ chức lễ thành lập chính thức tại chùa Từ Đàm rồi phát triển mau chóng với những đơn vị mới như Hướng Thiện, Gia Thiện, Chơn Trí, Hương Tử, Hương Đàm với trụ sở chính đặt ở ngôi nhà số 1B đường Nguyễn Hoàng[38]. Nhân sự chủ lực gồm cư sĩ Võ Đình Cường, Phan Cảnh Tuân, Văn Đình Hy, Cao Chánh Hựu, Phan Xuân Sanh, Hoàng Thị Kim Cúc, Tịnh Nhân, Tống Hồ Cầm, Đặng Tống và Lê Văn Dũng.

Tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ phát triển rất mau chóng và lan rộng tới miền Nam và miền Bắc. Ngoài Bắc, các cư sĩ Nguyễn Văn Nhã, Lê Văn Lâm, Vũ Thị Định tạo dựng các cơ sở đầu tiên cho Gia Đình Phật Hóa Phổ tại Hà Nội và Hải Phòng. Trong Nam, các cư sĩ Tống Hồ Cầm và Nguyễn Văn Thục xây dựng các đơn vị Gia Đình Phật Hóa Phổ trong phạm vi hội Phật Học Nam Việt. Năm 1951, hội nghị toàn quốc của Gia Đình Phật Hóa Phổ được triệu tập tại Huế và danh hiệu của tổ chức được đổi thành Gia Đình Phật Tử, một tổ chức rộng lớn đa dạng có mặt hầu như khắp nơi như chúng ta thấy ngày nay[39].

Người viết định tính giai đoạn này trong cuộc đời ông là phát triển và phát huy; là đầy sinh lực, sáng tạo và thăng hoa cho bản thân và cho Phật giáo không chỉ vì những công trạng của ông đối với Hội An Nam Phật Học, tổ chức Gia đình Phật tử mà còn vì những đóng góp to lớn khác của ông như thúc đẩy sự nghiệp giáo dục Phật giáo, xây dựng chùa Từ Đàm, khai sinh và vận hành Tạp chí Viên Âm, biên soạn và phiên dịch Thánh điển Phật giáo. Chưa kể bản thân ông là bác sĩ đang hành nghề, là giáo thọ sư cho các cấp Phật học đào tạo Tăng Ni và cũng là giảng sư thuyết giảng Phật pháp cho số đông quần chúng Phật tử phổ thông. Nguồn năng lượng và sức làm việc vừa đa dạng vừa chuyên sâu của ông xưa hay hiếm thấy[40].

Linh hồn cho tất cả công trạng trên theo người viết vẫn là chính ông đã tự thân mình làm biểu mẫu cho một phong cách sống mẫu mực: Dấn thân và tận tụy, khiêm cung và hài hòa, hết lòng vì đạo pháp và dân tộc.

Giai đoạn 3: Tròn vẹn và viên mãn, tính từ lúc ông thoát ly theo kháng chiến đến lúc ông xả báo an tường. Đây là giai đoạn có rất ít thông tin về ông được biết đến(*).

Đặc điểm xuyên suốt của người tin Phật là yêu quê hương đất nước, chống lại sự can thiệp của ngoại bang trong nhiều phương diện, quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa... và kể cả phương diện tâm linh. Thật ra đó không chỉ là đặc điểm mà còn là giá trị của người tin Phật đối với chủ quyền Việt Nam. Thật ra đó không chỉ là giá trị đối với chủ quyền Việt Nam mà còn là đạo lý chung của dân tộc. Tâm Minh Lê Đình Thám đã thể hiện sống động đạo lý, giá trị và đặc điểm xuyên suốt đó. Để thành công thì một trong những đạo lý của ngoại bang là bức hại những người yêu nước và vinh danh những người khác chính kiến[41], bào huynh Lê Đình Dương[42] của ông đã nằm trong danh sách những người bị bức hại và tử vong. Người viết xin dừng một nhịp để chép lại câu chuyện về Lê Đình Dương khi đứng trước tòa ngoại bang do Lê Văn Ái Tử đăng trên kênh Youtube như sau: “Khi bị giặc Pháp bắt viên Khâm xứ hỏi: Tại sao anh lại phản bội nước Pháp, nước đã dạy em anh nhà anh ăn học thành tài? ông đã khẳng khái trả lời: Thưa Ngài, tôi rất lấy làm tiếc, song cũng như Ngài và những người yêu nước khác. Tôi có bổn phận thiết yếu là đặt quyền lợi và danh dự của tổ quốc tôi lên trên hết mọi sự, vì lẽ mấy chục triệu người dân Pháp bị mất 2 tỉnh Anzact và Lorence vào tay người Đức mà còn tha thiết xót thương, huống chi chúng tôi đây, nhân dân Việt Nam bị mất cả nước từ Nam chí Bắc mà Ngài bảo chúng tôi cúi đầu chịu đựng thì chúng tôi làm sao chịu được. Câu trả lời đã khiến viên khâm xứ Pháp lặng người thầm phê chuyển từ án tử hình sang khổ sai biệt xứ.”[43]

Dường như đó là một liều xúc tác sau cùng khiến cho ông thoát ly theo kháng chiến. Người viết tin rằng uy tín và độ dấn thân, bản lĩnh và tài năng đã giúp đưa ông vào những vị trí chủ chốt trong giai đoạn này của cuộc đời:
- Ủy viên đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
- Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình Thế giới của Việt Nam,
- Ủy viên Hội đồng Hoà bình Thế Giới,
- Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.
- Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc[44].
Trong bất cứ vị trí nào ông cũng đã thể hiện tấm lòng yêu nước, tận tâm cống hiến cho đất nước cho dân tộc, phản ánh đúng con người thật của ông. Với hai huân chương là Huân chương độc lập hạng Ba, huân chương kháng chiến hạng Nhất mà ông nhận được có thể là cơ sở cho điều mà sử gia Dương Trung Quốc nói: “Con người Quảng Nam có những đặc tính mà chúng tôi nghĩ rằng là hết sức đáng ghi nhận. Bác sĩ Lê Đình Thám, một con người hoạt động không những ở ngoài đời mà cả trong Đạo nữa, cũng có thể nói, một con người rất là thể hiện được những tính cách của mình trong cống hiến của mình và vì thế mà tôi nghĩ rằng khi nói đến Thăng Long Hà Nội 1.000 năm thì chúng ta có thể coi đó là biểu tượng chung của cả nước, là sự quy tụ, sự đóng góp chung của cả nước cho một giá trị mà ngày hôm nay chúng ta tôn vinh đó là tinh thần tự chủ của dân tộc Việt Nam chúng ta.”[45]

Lòng yêu nước của ông là dạng yêu nước thẳng thắn theo nhịp rung động của trái tim không hề có yếu tố kiêng dè. Ông Lê Đình Lực, con trai Bác sĩ Lê Đình Thám nói: “Khi tham gia hội nghị quốc tế, trong quá trình của hội nghị, có ý kiến gì không đúng về Việt Nam và thái độ không thiện ý với Việt Nam có mấy lần cụ Thám đã bỏ hội nghị ra ngoài, tỏ thái độ rất rõ ràng về chính kiến của Việt Nam”[46]

Lòng yêu nước của ông bao hàm yêu chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, yêu sự thống nhất Bắc Nam của cả dân tộc. Hễ có dịp là ông lập tức thể hiện ở mức độ cao nhất dù đang đứng ở tuyến đầu của mặt trận ngoại giao. Dĩ nhiên không phải chỉ là ông mà là cả một tổng thể những người con Phật Việt Nam chân chính. Sự kiện tiêu biểu liên quan đến mục tiêu thống nhất Phật giáo hai miền Nam - Bắc trong giai đoạn đất nước qua phân là sự hình thành “Đoàn Phật giáo Việt Nam duy nhất tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ tư, tổ chức tại Kathmandu, thủ đô Nepal và Lễ kỷ niệm Đức Thế Tôn nhập diệt, tổ chức tại thủ đô New Delhi (từ 10 đến 17-11-1956). Ở hội nghị này, Phật giáo hai miền Nam - Bắc đều được mời dự. Đoàn đại biểu Phật giáo miền Bắc do Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm trưởng đoàn, cùng đi có HT. Thích Trí Độ; đoàn đại biểu Phật giáo miền Nam dưới danh nghĩa Tổng hội Phật giáo Việt Nam do HT. Thích Tịnh Khiết làm trưởng đoàn, HT. Thích Huệ Quang làm Phó trưởng đoàn và đoàn đại biểu Phật giáo Nam tông Việt Nam do Tỳ-kheo Thích Bửu Chơn làm trưởng đoàn. Mặc dầu không có sự chuẩn bị trước, song ba Trưởng đoàn đã đề nghị Ban Tổ chức sát nhập ba đoàn thành một: “Đoàn Phật giáo Việt Nam duy nhất không phân biệt Bắc - Nam, không phân biệt Đại thừa hay Tiểu thừa. Đại biểu ba đoàn trong suốt tiến trình hội nghị, họ đã cùng đi với nhau, cùng ngồi với nhau, cùng trao đổi ý kiến với nhau. Điều này cho thấy khát vọng thống nhất Phật giáo, thống nhất đất nước trở thành ý chí sắt đá của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam không một lực lượng nào có thể chia cắt được[47].

Yêu nước của ông thể hiện ở ba phương diện khác nhau:

1. Phương diện tổ chức và vận hành tổ chức: Thành tựu về tổ chức và vận hành tổ chức nếu tính theo trình tự thời gian sẽ là Hội An Nam Phật Học, Tổ chức Gia Đình Phật Tử... Điểm đáng ghi nhận là phương thức luân phiên lãnh đạo mà người viết xin được tạm gọi là nhậm vận và ly tâm[48]. Thật ra trong thời gian nhậm vận đã có một mức độ ly tâm nào đó và ngược lại. Khi nhậm vận và ly tâm được vận hành làm tốt thì sẽ khai thác và sử dụng ở mức cao nhất năng lượng đạo đức, chất xám và chất sáng tạo của hàng ngũ tinh hoa của tổ chức.

2. Phương diện đạo đức văn hóa tư tưởng: Ông ra sức xây dựng mối giao hòa giữa triết học Mác - Lê với suối nguồn tư tưởng mang tính sáng tạo vô tận của nhà Phật. Ở phương diện này ông đã thành công một phần qua Nguyệt san Viên Âm và các bút phẩm khác, một phần hiện thực hơn qua chính đời sống nhập cuộc dấn thân không mệt mỏi, đạo đức và khẳng khái suốt một đời hoạt động của mình.

3. Phương diện chiều sâu tâm linh: Ở cấp độ này ông ra sức tìm kiếm nguồn mạch sáng tạo mang tính nền tảng căn cơ có tính hình nhi thượng để phục vụ cho chiều sâu tâm linh, xây dựng ngọn hải đăng cho tâm hồn và tình tự dân tộc. Nguồn mạch sáng tạo nơi ông được khởi động với câu: “Bồ-đề bổn vô thọ” và đạt đến cảnh giới bất tử với bộ kinh Thủ lăng nghiêm mà ông phiên dịch và chú thích.

Tâm Minh Lê Đình Thám là một nhân cách tươi đẹp thời niên thiếu, tích cực dấn thân ở tuổi trung niên và hy hiến trọn vẹn trong chương cuối của cuộc đời. Cả ba giai đoạn, khoa học và nhân sinh, thấy đạo và dấn thân, tròn vẹn và viên mãn, ông vẫn là một nhân cách biểu mẩu. Huế hay quê hương Quảng Nam, Liên khu 5 hay Thăng Long - Hà Nội, những ứng xử của ông không dám nói theo kiểu cổ điển sáo mòn là khuôn vàng thước ngọc, chỉ có thể nói là một biểu mẩu của người con Phật Việt Nam yêu nước thương dân, một trái tim nhân hậu được soi sáng bởi nguồn trí tuệ vô tận của ba đời chư Phật.

Trong giai đoạn lịch sử đảo điên, cuồng bạo và bi tráng, ông là một phong cách vững chải và tỏa sáng, điểm tựa đa phương diện cho đông đảo những người cùng thời đại cho đến ngày nay. Không còn bị vô tri bất mộ, người viết cảm thấy vinh hạnh dâng lên ông bài viết này như một lời tưởng niệm nhân ngày Kỵ giỗ lần thứ 50 từ khi ông xả báo an tường (1969 - 2019).

Nửa thế kỷ trôi qua từ khi ông qua đời, khi ôn lại nhân cách biểu mẩu ấy, người viết vẫn bồi hồi.
Trong nhân cách biểu mẫu đa phương diện, ông vẫn có nét tự nhiên hồn hậu mà người viết cho rằng lưu xuất từ cảnh giới mà ông đã đạt được. Ông đã ngồi xuống vui chơi với những đứa trẻ bên dốc Nam Giao. Trong cảnh giới mà ông đạt được thì cá nhân ông và phần còn lại của thế giới này vốn là một với nhau, có đủ can đảm và đủ độ vô ngã để sống với cái một ấy hay không mà thôi. 


Nguồn tham khảo:
  1. Lê Cung (Chủ biên), Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam (1945 - 1975), Nxb Tổng hợp Tp. HCM 2018.
  2. Lê Cung và Lê Thành Nam, “Về tính tất yếu của sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (11-1981)”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam – 35 năm hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2016.
  3. Lê Cung, “Từ Tăng học đường Nha Trang (1952 -1956) – Một số suy nghĩ về sự nghiệp đào tạo Tăng tài hiện nay”, Kỷ yếu hội thảo: Giáo dục Phật giáo Việt Nam – Truyền thống và hiện đại (Kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam 7/11/1981 – 7/11/2016), Hà Nội, ngày 6 tháng 11 năm 2016, tr. 55.
  4. Nguyễn Công Lý, “Nghĩ về giáo dục Phật giáo Việt Nam thời hiện đại”, Kỷ yếu hội thảo: Giáo dục Phật giáo Việt Nam – Truyền thống và hiện đại (Kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam 7/11/1981 – 7/11/2016), Hà Nội, ngày 6 tháng 11 năm 2016.
  5. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận bản PDF
  6. Nguyễn Tất Thắng và Dương Thanh Mừng, “Tác động từ phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung đối với cuộc vận động Phật giáo miền Nam Năm 1963”, Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam Năm 1963, Nxb Phương Đông 2013.
  7. Nguyễn Thắng Nhu , “Tham luận của Gia đình Phật tử”, Kỷ yếu hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  8. Nguyễn Thành (Chủ biên) Hồ Chí Minh Toàn Tập 6 1950 – 1952, Xuất bản lần thứ hai, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 600.
  9. Nguyen Thanh Xuan, Religions in Viet Nam, The Gioi Publishers 2012.
  10. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành.
  11. Thích Gia Quang , “Phương châm hành động của GHPGVN”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam – 35 năm hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2016.
  12. Thích Thiện Nhơn, Những đóa hoa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội 2018.
  13. Trương Văn Chung (Chủ biên) Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, Nxb Phương Đông 2013.

Các trang mạng
  1. http://giadinhphattu.vn
  2. http://phattuvietnam.net
  3. http://www.ahvinhnghiem.org/CuSiTamMinhLDT.html; http://giadinhphattu.vn
  4. http://www.chuaadida.com/chi-tiet-cu-si-tam-minh-le-dinh-tham-2640.html
  5. http://www.chuabuuminh.vn/su-lieu/chan-dung-nhan-vat/7AD600_tuong_niem_cu_si_tam_minh__le_dinh_tham_1897__1969.aspx
  6. http://www.thuvienhoasen.org/danhtang1-phuluc-2.htm (Điều Ngự Tử Tín Nghĩa, “Tiểu sử Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám”).
  7. http://www.todinhtudamhaingoai.net/truclam/truclam/subacsiledinhtham.html;
  8. http://www.vuonlam.us/B_GiaDinhPhatTu/B4_SuLieu/BacTamMinhLeDinhTham.htm
  9. https://gdptductam.org/tieu-su-bac-tam-minh-le-dinh-tham.dtam
  10. https://nhalambinhdinh.blogspot.com/2013/04/tuong-nho-bac-tam-minh-le-inh-tham.html
  11. https://thuvienhoasen.org/a13350/cu-si-tam-minh-le-dinh-tham-1897-1969.
  12. https://www.youtube.com/watch?time_continue=86&v=t1FwpxY4Og4 (Lê Văn Ái Tử đăng ngày 20 tháng 01, 2011).
 

[1] Vùng đất Gò Nổi, quê hương của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám cũng là một địa danh đã ghi vào lịch sử với bao huyền thoại. Chuyện kể rằng, xưa kia có con cá kình to lớn từ biển Đông bơi vào cửa Đại Chiêm rồi ngược dòng Thu Bồn lên thượng nguồn, khi bơi tới đây, cá kình kiệt sức nằm lại và hóa thành Gò Nổi gồm 3 xã Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang, đất ấy Địa linh nên sanh Nhân kiệt, có lắm người tài giỏi. Thực hư câu chuyện nhân gian thế nào không rõ, chỉ biết rằng vùng đất này đã trở thành đất hỗng và giàu truyền thống đấu tranh chống giặc giữ nước. Trên đất Gò Nổi có thể bắt gặp dấu xưa của những nhân hào kiệt xuất đã làm rạng danh xứ Quảng, đó là một tổng đốc Hoàng Diệu trung liệt, một Phạm Phú Thứ 23 tuổi đã đỗ Tiến sĩ, Chí sĩ Trần Cao Vân, một lãnh tụ của phong trào Duy Tân, Nhà cách mạng Phan Thanh chủ xướng mặt trận bình dân cùng với đó là các Nhân sĩ Phạm Liều, Phạm Tuấn, Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến và Phan Quang ở Quế Sơn, làm nên kỳ tích “Ngũ Phụng tề phi”. Nguồn: Lê Văn Ái Tử đăng ngày 20 tháng 01, 2011 trên kênh youtube: https://www.youtube.com/watch?time_continue=86&v=t1FwpxY4Og4
[2] Cả ba giai đoạn này được định đặt để làm khung nhằm thực hiện bài viết cho nên chúng mang tính tương đối. Vì vậy, cả ba có mức độ đan xen tương tác, tương sinh, tương duyên với nhau, kể cả ngày giờ năm tháng.
[3] https://thuvienhoasen.org/a13350/cu-si-tam-minh-le-dinh-tham-1897-1969. https://gdptductam.org/tieu-su-bac-tam-minh-le-dinh-tham.dtam
[4] http://www.chuabuuminh.vn/su-lieu/chan-dung-nhan-vat/7AD600_tuong_niem_cu_si_tam_minh__le_dinh_tham_1897__1969.aspx
[5] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận PDF 568/819.
[6] Chưa kể Hội An, Hà Tĩnh và Huế mà những tài liệu khác đề cập. 
[7] Điều Ngự Tử Tín Nghĩa cho rằng Lê Đình Thám làm việc cho các bệnh viện từ năm 1915, http://www.todinhtudamhaingoai.net/truclam/truclam/subacsiledinhtham.html
[8] http://www.ahvinhnghiem.org/CuSiTamMinhLDT.html; http://giadinhphattu.vn
[9] http://www.chuabuuminh.vn/su-lieu/chan-dung-nhanvat/7AD600_tuong_niem_cu_si_tam_minh__le_dinh_tham_1897__1969.aspx
[10]http://www.todinhtudamhaingoai.net/truclam/truclam/subacsiledinhtham.html; http://www.chuaadida.com/chi-tiet-cu-si-tam-minh-le-dinh-tham-2640.html
[11] http://www.chuaadida.com/chi-tiet-cu-si-tam-minh-le-dinh-tham-2640.html
[12] http://www.vuonlam.us/B_GiaDinhPhatTu/B4_SuLieu/BacTamMinhLeDinhTham.htm
[13] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận bản PDF 568/819
[14] https://nhalambinhdinh.blogspot.com/2013/04/tuong-nho-bac-tam-minh-le-inh-tham.html
[15] Tại đây ông cùng với những người yêu nước khác đứng ra làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Vì lý do này, chính quyền ngoại bang dịch chuyển công tác ông ra Hà Tĩnh.
[16] Giai đoạn của chính phủ Trần Trọng Kim.
[17] Tại Liên khu 5, nơi cư sĩ Lê Đình Thám giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ; tăng sĩ và cư sĩ hoạt động sôi nổi trong Hội Phật giáo Cứu quốc các cấp. Các tăng sĩ trẻ như Tâm Hoàn, Kế Châu, Huyền Quang... được sự cộng tác đắc lực của một số đoàn viên Đoàn Phật học Đức dục cũ như Nguyễn Hữu Quán, đã gây được những sắc thái đặc biệt cho hoạt động của tổ chức Phật giáo trong Liên khu. Nguồn: TS. Lê Cung (Chủ biên), Tinh Thần Nhập Thế Của Phật Giáo Việt Nam (1945 - 1975), Nxb Tổng hợp Tp HCM 2018, tr. 278-9.
Việc ông rời khỏi vị trí này, khi đã ra Bắc, được chính thức ghi lại trong bộ sách Hồ Chí Minh Toàn Tập. Nguồn: Nguyễn Thành (Chủ biên) Hồ Chí Minh Toàn Tập 6 1950 – 1952, Xuất bản lần thứ hai, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội 2000, tr. 600.
[18] Trương Văn Chung (Chủ biên) Nhìn lại phong trào Phật giáo Miền Nam năm 1963, Nxb Phương Đông – 2013
[19] Thích Thiện Nhơn, Những đóa hoa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội 2018, tr. 272.
[20] Ông là người chủ xướng chủ xướng và thảo điều lệ thành lập An Nam Phật Học Hội bằng tiếng Pháp với tiêu đề của Hội là ''Société d ’etude et excercice de la Religion Bouddhique de l 'Annam” (viết tắt là SEERBA) để xin phép chính quyền bảo hộ. Nguồn: Thích Gia Quang , “Phương châm hành động của GHPGVN” Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – 35 năm hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2016, tr. 174-5.
[21] An Nam Association for Buddhist Studies founded by layman Le Dinh Tham in 1932. Nguồn: Nguyen Thanh Xuan, Religions in Viet Nam, The Gioi Publishers 2012, tr. 59.
[22] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận PDF 525-6/819
[23] Nguyễn Công Lý trong bài viết “Nghĩ về giáo dục Phật giáo Việt Nam thời hiện đại”, đăng trong Kỷ yếu hội thảo: Giáo dục Phật giáo Việt Nam – Truyền thống và hiện đại (Kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam 7/11/1981 – 7/11/2016), Hà Nội, ngày 6 tháng 11 năm 2016, đã ghi chép: “Ở Trung kỳ, năm 1933, tại Huế, Hội An Nam Phật học được thành lập và xuất bản Tạp chí Viên Âm do Bác sĩ Lê Đình Thám chủ trương.”
[24] “Năm 1932, Hội An Nam Phật học Trung Kỳ thành lập, với sự lãnh đạo của Tổ Giác Tiên, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám”. Nguồn: Thích Thiện Nhơn, Những đóa hoa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội 2018, tr 145.
[25] Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
[26] Thích Gia Quang, “Phương châm hành động của GHPGVN”, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – 35 năm hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2016, tr 174-5.
[27] Nguyễn Tất Thắng và Dương Thanh Mừng, “Tác Động Từ Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Miền Trung Đối Với Cuộc Vận Động Phật Giáo Miền Nam Năm 1963”, Nhìn Lại Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Năm 1963, Nxb Phương Đông 2013, tr. 34.
[28] Nguyễn Tất Thắng và Dương Thanh Mừng, sđd. tr. 34.
[29] Trí Năng ở trang mạng http://phattuvietnam.net nói: “Và tôi nhớ chính cụ đã cho khởi công xây dựng chùa Từ Đàm để làm trụ sở Trung ương của Hội.”
[30] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận bản PDF: 580-1/819
[31] Với ước nguyện tiến tới thành lập một Đại Tòng Lâm, một đại học Phật giáo như Đại học Nalanda của Phật giáo Án Độ, năm 1944, Hội An Nam Phật học chủ trương di dời Phật học đường Báo Quốc lên chùa Kim Sơn trên đồi Bảo Sơn, làng Lựu Bảo, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Hoà thượng Thích Trí Độ cùng với Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là hai vị chủ chốt, bỏ nhiều công sức cho việc di dời trường từ chùa Báo Quốc lên chùa Kim Sơn. Trường lấy tên là Cao đẳng Phật học đường Kim Sơn. Nguồn: Lê Cung, “Từ Tăng Học Đường Nha Trang (1952 -1956) – Một Số Suy Nghĩ Về Sự Nghiệp Đào Tạo Tăng Tài Hiện Nay”, Kỷ yếu hội thảo: Giáo dục Phật giáo Việt Nam – Truyền thống và hiện đại (Kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam 7/11/1981 – 7/11/2016), Hà Nội, ngày 6 tháng 11 năm 2016, tr. 55.
[32] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận bản PDF 532-3/819
[33] Đại hội thường niên của Hội An Nam Phật học vào ngày 10 tháng 8 năm 1938. Nguồn: Nguyễn Thắng Nhu, “Tham luận của Gia đình Phật tử”, Kỷ yếu hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
[34] Ngày 10.8.1938, trong diễn văn khai mạc Đại hội thường niên của Hội An Nam Phật học, bác Chánh Hội trưởng Lê Đình Thám đã dõng dạc tuyên bố": “Không có một thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ thanh thiếu niên, họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai..”. Hai năm sau (1940), Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục ra đời với sự bảo trợ của Hội An Nam Phật học và sự hướng dẫn của nhà Phật học - Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Nguồn: Nguyễn Thắng Nhu , “Tham luận của Gia đình Phật tử”, Kỷ yếu hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. tr 165 - 6.
Nguyễn Lang, sđd., bản PDF 578/819
[35] Sau này là HT. Minh Châu.
[36] http://giadinhphattu.vn
[37] Nguyễn Lang, sđd. PDF 578/819
[38] Nơi đây vừa là trụ sở vừa là Niệm Phật Đường; vốn là trụ sở của hội Phật Học.
[39] Nguyễn Lang sđd., bản PDF 688/819.
[40] Riêng việc khai sinh và vận hành tạp chí Viên Âm cũng như những bút phẩm mà ông thực hiện, người viết cảm nhận rằng việc nên được trình bày chi tiết hơn nữa nhưng vì phạm vi của một bài viết hội thảo nên người viết chỉ nêu lên mà thôi.
[41] Dùng từ “tiếp tay cho ngoại bang” có lẽ chính xác hơn.
[42] Cái chết của Lê Đình Dương: Lê Đình Dương là nhà Cách mạng, tham gia Việt Nam Quang Phục hội cùng với cụ Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài. Phụ trách lãnh đạo phong trào Duy Tân khởi nghĩa tại Nam Ngãi. Bị bắt tại Ban Mê Thuộc năm 1926. Không chịu để bị tra tấn, không chịu tủi nhục trước công sứ thực dân Sabatier, nên đã dùng độc dược Cyanure de Mercure để tự vẫn năm 1919, thọ 26 tuổi.  Ông đã tốt nghiệp Á khôi Đông Dương Y sĩ khóa đầu tiên năm 1915, tại trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương – Hà Nội. Nguồn: Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành. Điều Ngự Tử Tín Nghĩa, “Tiểu sử Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám” (online).  http://www.thuvienhoasen.org/danhtang1-phuluc-2.htm
[43] Lê Văn Ái Tử đăng ngày 20 tháng 01, 2011 trên kênh youtube: https://www.youtube.com/watch?time_continue=86&v=t1FwpxY4Og4
[44] Xếp vị trí này ở cuối danh sách có vẽ không phù hợp nhưng vì đây là vị trí mà người viết mới phát hiện vì nó mới được đăng trong sách xuất bản năm 2018 như sau: Ngày 03-3-1951, Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt thành lập Mặt trận Liên Việt được tổ chức tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Pháp sư Thích Trí Độ, đại diện Hội Phật Giáo Cứu Quốc tham dự, Ủy ban Liên Việt toàn quốc gồm 54 người do cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch, Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là một trong 7 Phó Chủ tịch. Nguồn: PGS. TS. Lê Cung (Chủ biên), Tinh Thần Nhập Thế Của Phật Giáo Việt Nam (1945 - 1975), Nxb Tổng hợp Tp HCM 2018, tr. 71.
[45] Lê Văn Ái Tử đăng ngày 20 tháng 01, 2011 trên kênh youtube:
https://www.youtube.com/watch?time_continue=86&v=t1FwpxY4Og4
[46] Lê Văn Ái Tử đăng ngày 20 tháng 01, 2011 trên kênh youtube:
https://www.youtube.com/watch?time_continue=86&v=t1FwpxY4Og4
[47]  Lê Cung và Lê Thành Nam, “Về tính tất yếu của sự thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (11-1981)”, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – 35 năm hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2016, tr. 132 – 3.
[48] Từ vựng “nhậm vận” được tạm dùng ở đây người viết có ý nói là khi được tổ chức giao phó và thực tiển cho thấy đúng là tới phiên mình thì tiếp nhận vị trí, tiếp nhận những biến số thậm chí là ẩn số liên quan đến vị trí và theo đó mà đảm đương với tinh thần trách nhiệm cao nhất của người con Phật. Từ vựng “ly tâm” người viết dùng theo nghĩa không lấy cái ngã làm trọng tâm, không vướng mắc vào trọng tâm của quyền lực, nói đơn giản là dễ dàng thủ xả.

Thích Minh Thành
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm