Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam: Lời giới thiệu

Mục lục

LỜI GIỚI THIỆU


Thay mặt Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi tán dương Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, đặc biệt là Ban Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam đã hoan hỷ đảm trách nhiệm vụ phiên dịch, biên tập và ấn hành bộ Thánh điển thiêng liêng này.
Phiên dịch Kinh, Luật, Luận từ các ngôn ngữ Phật học (Pāli, Sanskrit, Hán cổ) ra tiếng Việt là trách nhiệm cao quý của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN) do Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu thành lập năm 1989, nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học hỏi và thực tập Phật pháp của hàng triệu Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.
1. Về thuật ngữ
Tôi tán đồng cách Hội đồng Quản trị VNCPHVN thay đổi cụm từ “Đại tạng kinh Việt Nam”, vốn chịu ảnh hưởng từ cách đặt tựa tác phẩm của Phật giáo Trung Quốc, thành “Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam”, nhằm thể hiện bản sắc văn học Phật giáo Việt Nam, đồng thời thích ứng với cách đặt tên phổ biến của cộng đồng Phật giáo thế giới hiện nay.
Khái niệm “Đại tạng kinh” chỉ đề cập đến “Kinh tạng” (P. Sutta Piṭaka, H. 經蔵) tức kho tàng Chân lý, trong khi khái niệm “Tam tạng Thánh điển Phật giáo” có nội hàm rộng hơn, bao quát hơn; đó là ngoài kho tàng Chân lý còn có kho tàng Đạo đức (P. Vinaya Piṭaka, H. 律蔵, Luật tạng), kho tàng Triết học tâm (P. Abhidhamma Piṭaka, H. 論蔵, Luận tạng), Văn học Chú giải (P. Aṭṭhakathā), Văn học Phụ chú giải (P. Ṭīkā), Văn học Tục tạng và các tác phẩm Phật học Việt Nam.
Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam bao gồm các tuyển tập Tam tạng Phật giáo Thượng Tọa bộ (ảnh hưởng các nước Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia), Tam tạng Phật giáo Bộ phái, Tam tạng Phật giáo Đại thừa (ảnh hưởng Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng), Văn học Sớ giải, Văn học Tông phái Phật giáo và Văn học Phật giáo Việt Nam, v.v...
2. Về Văn học sử Phật giáo
“Thánh điển Phật giáo” là khái niệm chỉ cho tuyển tập những lời dạy của đức Phật trong 45 năm (theo Phật giáo Nam truyền) hay 49 năm (theo Phật giáo Bắc truyền) truyền bá Chân lý (P. Dhamma, S. Dharma, H. 法, Pháp), Đạo đức (P=S. Vinaya, H. 戒律, Giới luật), và Các pháp siêu việt (P. Abhidhamma, S. Abhidharma, H. 無比法, Vô tỷ pháp).
Thánh điển Phật giáo được truyền thừa qua hình thức khẩu truyền, được cho là bằng ngôn ngữ Pāli từ thời đức Phật (khoảng thế kỷ VI-V TTL) và lưu truyền qua ba lần kết tập kinh điển tại Ấn Độ. Đến đại hội kết tập kinh điển lần thứ tư tại Tích Lan (khoảng thế kỷ I TTL), Thánh điển được viết trên lá bối và lưu truyền đến ngày nay. Hai tác phẩm Đảo sử (Dīpavaṃsa) và Đại sử (Mahāvaṃsa) đều ghi nhận rằng trong triều đại Valagamba (29-17 TTL) tại Anuradhapura, Tích Lan, các cao Tăng thuộc làu Tam tạng Pāli bắt đầu viết kinh Phật trên lá bối để giữ gìn và truyền bá lời Phật dạy một cách hiệu quả hơn.
Theo các nhà Đại thừa, cũng vào thế kỷ I (TTL) trở đi, kinh điển Đại thừa bằng tiếng Sanskrit lần lượt ra đời. Ngoài các bản kinh Đại thừa quan trọng tồn tại với ấn bản Sanskrit, phần lớn văn học Phật giáo Đại thừa được lưu giữ qua các bản dịch Hán cổ, được các vua chúa, đại tín chủ lưu bố qua các bản chép tay, khắc trên đá, khắc trên gỗ, và về sau biên tập thành các Đại tạng kinh mang tầm vóc quốc gia ở Trung Hoa; còn tiếng Tây Tạng cổ, được biên tập thành Kinh điển Phật giáo Tây Tạng (Tibetan Buddhist Canon) gồm hai tạng Kangyur (Kinh - Luật tạng gồm 100 bộ) và Tengyur (Luận tạng gồm 213 bộ).
3. Về phương diện lịch sử
Hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ I-X) bị Trung Quốc đô hộ, người Việt Nam đã sử dụng Đại tạng kinh Trung Hoa bằng Hán cổ và cho đến những thế kỷ sau. Giai đoạn 80 năm Pháp thuộc (1867-1945), người Việt lại buộc phải sử dụng tiếng Việt La-tinh hóa nên chữ Hán Nôm mất dần vị trí ngôn ngữ chính thống. Đứng trước nhu cầu thích nghi với quốc ngữ mới, các cao Tăng Việt Nam quyết định phiên dịch kinh điển từ Hán cổ ra tiếng Việt La-tinh để phổ biến lời Phật dạy rộng rãi hơn, vì đại đa số người Việt trong thời Pháp thuộc không đọc được chữ Hán Nôm.
Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam được hình thành qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 bắt đầu từ 1950 đến 1975, với đỉnh cao là sự ra đời của Hội đồng Phiên dịch Kinh điển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) vào năm 1973 và ngưng hoạt động vào năm 1975. Các bậc Tôn túc đóng góp nổi bật trong việc phiên dịch kinh điển từ Hán cổ sang tiếng Việt trong giai đoạn này có Hòa thượng Thích Trí Tịnh (Ma-ha Bát-nhã, Hoa Nghiêm, Đại Bảo Tích, Niết-bàn, Pháp Hoa); Hòa thượng Thích Trí Nghiêm (Đại Bát-nhã); và chư vị Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Thích Bửu Huệ, Hòa thượng Thích Thiền Tâm (Trung A-hàm, Tăng nhất A-hàm), Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Thượng tọa Thích Trí Thành (Trường A-hàm, Tạp A-hàm), v.v…
Giai đoạn 2 bắt đầu từ 1975 đến 2017, với sự ra đời của các bản dịch từ Pāli sang tiếng Việt. Đóng góp nổi trội của Hòa thượng Thích Minh Châu là phiên dịch hầu hết Kinh tạng Pāli. Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Giới Nghiêm phiên dịch Luật tạng Pāli và Hòa thượng Tịnh Sự dịch Luận tạng Pāli. Gần đây, Thượng tọa Chánh Thân đã dịch mới một số kinh trong Tiểu bộ và Luật tạng Pāli.
Sau ba thập niên phiên dịch độc lập, đến năm 1991, Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành lập. Từ đó đến nay, VNCPHVN chỉ tái bản được Kinh tạng Nam truyền, gồm 13 tập và một vài tập A-hàm. Trong thời gian này và trước đó, Hòa thượng Thích Trí Quang đã dịch hơn 25 tập Kinh, Luật, Luận; Hòa thượng Thích Đỗng Minh đã dịch một số bộ Luật và hướng dẫn, khuyến khích chư Tăng Ni tại Nha Trang phiên dịch các bộ Luật của các bộ phái Phật giáo, góp phần làm phong phú kho tàng Luật tạng Phật giáo Việt Nam.
Trong hai thập niên, 1994-2014, Hội đồng Dịch thuật do Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh khởi xướng và bảo trợ, có công tổng hợp, biên tập và xuất bản các công trình dịch thuật đã có, đồng thời dịch mới các Kinh, Luật, Luận quan trọng khác để hình thành Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng kinh.
Giai đoạn 3 từ năm 2017 trở đi. Vào giữa năm 2018, Hội đồng Quản trị VNCPHVN thành lập Ban Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tiến hành đối chiếu văn bản song ngữ, biên tập tiếng Việt, làm tổng mục lục mới, với mục tiêu phiên dịch hoàn tất, biên tập và xuất bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, gồm Ba tạng Thượng Tọa bộ, Ba tạng Bộ phái và Ba tạng Đại thừa. Đồng thời, Văn học Sớ giải, Tục tạng, Văn học tông phái Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản và Văn học Phật giáo Việt Nam cũng sẽ được thực hiện tiếp theo. Công trình sưu tầm, phiên dịch, hiệu chú và ấn hành này dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 10 năm hoặc lâu hơn nữa.
4. Về bản sắc quốc gia
Thánh điển Phật giáo được xem là quốc bảo của nhiều quốc gia theo đạo Phật. Các quốc gia thuộc hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền đều có Thánh điển Phật giáo bằng tiếng mẹ đẻ của họ từ lâu. Tại các nước Phật giáo Nam truyền như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, ngoài ấn bản Tam tạng Thánh điển Pāli, đều có bản dịch Thánh điển Phật giáo bằng quốc ngữ của họ.
Trong các nước Phật giáo Đại thừa, Trung Quốc là nước đầu tiên có Khai Bảo tạng được khắc gỗ từ năm 971 đến 983 thời nhà Bắc Tống. Các nước Phật giáo Đại thừa chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc đều có ấn bản Đại tạng kinh chữ Hán theo phong cách riêng.
Đại Hàn (1011-1082) có ấn bản Cao Ly Đại tạng kinh (高麗大蔵經), hay còn gọi là Bát vạn Đại tạng kinh (八萬大蔵經), có cấu trúc mục lục khác với các Đại tạng kinh Trung Quốc, gồm Tam tạng Đại thừa (các bản văn 1-646), Tam tạng Tiểu thừa (các bản văn 647-978), Thánh Hiền Phật ký lục (các bản văn 979-1087) và các tác phẩm khác (1088-1498), trong đó, các bản văn 1402-1405 là các trước tác của Phật giáo Đại Hàn.
Nhật Bản có Thiên Hải tạng (天海蔵)đầu tiên được thực hiện từ năm 1637 đến 1648. Đến đầu thế kỷ XX, Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新脩大蔵經, 1924-1934) do các học giả Takakusu Junjiro, Watanabe Umiakira và Ono Genmyo biên tập, gồm 100 tập, 3.493 bộ, 13.520 quyển, trong đó, 55 tập đầu gồm Kinh, Luật, Luận, Sớ giải, các tông phái Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản. Đây là ấn bản Đại tạng kinh bằng chữ Hán hoàn chỉnh nhất, có tính hệ thống về phân loại và chấm câu tốt nhất.
Phật giáo Tây Tạng cũng có Đại tạng kinh riêng khá sớm, từ năm 1290 đến 1364. Đại tạng này bao hàm hầu hết các bản luận Sanskrit của các bộ phái Phật giáo Ấn Độ, có nguồn gốc từ Trường Đại học Nalanda nổi tiếng và một số bản dịch từ tiếng Hán. Đại tạng này được hiệu chỉnh qua các thời kỳ và trở thành kho tàng Pháp bảo Tạng truyền đặc thù, vì nó chứa nhiều bộ mật chú và pháp môn tu bí truyền mà ngày nay không tìm thấy trong các Đại tạng Trung Hoa và các nước khác.
Tính từ thời điểm Pháp thuộc năm 1867 đến 2019, khi tiếng Hán - Việt trở thành tiếng Việt La-tinh hóa, 152 năm đã trôi qua, hoặc tính từ thời điểm Hội đồng Phiên dịch Kinh điển của GHPGVNTN hình thành từ năm 1973 cũng đã trải qua 46 năm, Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam chỉ mới hoàn tất một nửa chặng đường phiên dịch.
Bên cạnh việc trân trọng những thành quả dịch thuật của các bậc Tôn đức hữu công thuộc các thế hệ trước, GHPGVN cần có Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam hoàn chỉnh, không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam mà còn giúp cho người Việt Nam không biết các cổ ngữ Phật giáo, có thể tiếp cận lời Phật dạy bằng tiếng Việt, nhằm đạt được trí tuệ do nghe chân lý Phật (P. Sutamayapaññā, Văn tuệ), trí tuệ do nghiền ngẫm chân lý Phật (P. Cintāmayapaññā, Tư tuệ) và trên nền tảng này, tiếp tục đạt được trí tuệ do thực hành thiền chỉ, thiền quán (P. Bhāvanāmayapaññā, Tu tuệ).
Để tạo nên bản sắc văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam qua Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tôi tha thiết kêu gọi quý Tăng Ni và Phật tử tham gia vào Ban Phiên dịch và Ban Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, góp phần phiên dịch và xuất bản hoàn chỉnh Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, tôi tha thiết kêu gọi quý mạnh thường quân và quý Phật tử phát tâm đóng góp tịnh tài để công trình phiên dịch, biên tập và xuất bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam sớm thành tựu mỹ mãn.
Xuất bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam không chỉ là niềm mơ ước của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam mà còn tạo thuận duyên cho 97 triệu người Việt Nam trong nước và hơn 5 triệu người Việt Nam ở hải ngoại có cơ hội học Phật, tu Phật bằng tiếng Việt, để diệt trừ tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ, vốn là nhân khổ đau, đồng thời, trải nghiệm an vui, hạnh phúc bây giờ và tại đây, góp phần làm cho Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu, mạnh và phát triển bền vững.

Vesak Liên Hợp Quốc, PL.2563 – DL.2019
Hòa thượng THÍCH THIỆN NHƠN
(Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN)

 

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm