Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Tất cả pháp đều là Phật pháp

Kinh Kim Cương nói: “Phật bảo: Như vậy! Như vậy! Tu-bồ-đề! Thật không có pháp gì Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao thế? Như Lai là nghĩa Như của tất cả các pháp. Nếu có người nói: Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải biết lời ấy không chân thật. Tu-bồ-đề! Thật không có pháp gì Phật đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác Như Lai đắc, trong ấy không thật không hư. Thế nên Như Lai nói: Tất cả các pháp đều là Phật pháp”.
Mục lục
 
Kinh Kim Cương nói:
“Phật bảo: Như vậy! Như vậy! Tu-bồ-đề! Thật không có pháp gì Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao thế? Như Lai
là nghĩa Như của tất cả các pháp.
Nếu có người nói: Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải biết lời ấy không chân thật. Tu-bồ-đề! Thật không có pháp gì Phật đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Tu-bồ-đề! Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác Như
Lai đắc, trong ấy không thật không hư. Thế nên Như Lai nói: Tất cả các pháp đều là Phật pháp”.

Câu đầu tiên nói về tánh Không; câu thứ hai nói về tánh Như. Như vậy, tánh Không và tánh Như đi cùng với nhau. Đây là điều kinh Đại Bát-nhã nói, và những kinh Đại thừa khác đều nói, như kinh Duy-ma-cật, kinh Hoa Nghiêm. Không những tánh Không, tánh Như mà ánh sáng, như huyễn cũng đi cùng với nhau, nghĩa là Ba Thân là một. Lục tổ Huệ Năng cũng giảng như thế trong phẩm Sám Hối. Đại Toàn Thiện (Dzogchen) cũng nói ba thân là một.
Sau đây chúng ta tìm hiểu những nghĩa chính của Như:

1“Như Lai là nghĩa Như của tất cả các pháp”: tất cả các pháp đồng một nghĩa Như, và nghĩa Như ấy cũng tức là Như Lai. “Như Lai là không từ chỗ nào đến, cũng không chỗ nào đi”, Như Lai là không đến không đi. Ở đây còn nói đến một tính chất khác:
“Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác Như Lai đắc, trong ấy không thật không hư”, không thật không hư là không phải hữu (có), không phải vô (không có).
Như vậy, nghĩa Như đồng nhất với tánh Không, như trong bài kệ mở đầu Trung luận: chẳng sanh chẳng diệt, chẳng thường chẳng đoạn, chẳng đến chẳng đi, chẳng một chẳng khác. Tóm lại, Như là không sanh không diệt, không đến không đi, không hữu không vô... và Như Lai này phải được trực tiếp thấy, trực tiếp ngộ; nếu không thì chỉ là những lý luận vô ích của ý thức, mà kinh điển gọi là hý luận.

2 Như là “tất cả các pháp tánh tướng vốn thanh tịnh”. Đây là điều được kinh Đại Bát-nhã và các kinh Đại thừa khác nói. Kinh Kim Cương cũng nói sự thanh tịnh này là do lìa tướng: “Chẳng giữ lấy tướng, như như chẳng động”.
Các pháp là nghĩa Như, nghĩa là các pháp bổn lai thanh tịnh. Vì lý do này, ngài Long Thọ nói trong Trung luận rằng sanh tử bất tịnh và Niết-bàn thanh tịnh không có mảy may sai khác:

Niết-bàn cùng thế gian
Không có chút sai khác
Thế gian cùng Niết-bàn
Cũng không chút sai khác.
Thật tế của Niết-bàn

Cùng với tế thế gian
Cả hai tế như vậy
Không mảy may sai khác.

(Quán Niết-bàn; phẩm XXV; 19,20)

Nghĩa Như này là “thật tướng của tất cả các pháp”: “Nếu lại có người nghe kinh này, tín tâm thanh tịnh liền sanh thật tướng. Phải biết người ấy thành tựu công đức hy hữu đệ nhất”.

3“Tất cả các pháp đều là Phật pháp”. Phật là sự hoàn hảo, viên mãn, thanh tịnh, toàn thiện. Tất cả các pháp đều là Phật pháp, đều là viên mãn, thanh tịnh, hoàn hảo, toàn thiện, không thiếu không dư như vậy.
Kinh Viên Giác nói: “Tánh Giác tròn đầy sáng suốt đã hiện ra nên hiển bày tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì căn trần thức thanh tịnh, sắc thanh hương vị xúc pháp cho đến bốn đại đều thanh tịnh. Tất cả thế giới và tất cả các pháp xuất thế gian đều thanh tịnh. Tất cả đều là thật tướng, tánh vốn thanh tịnh, cho đến mười phương chúng sanh đều là Viên Giác thanh tịnh... Vì sao thế? Vì tất cả vốn là Giác vậy”.
Tánh Như, sự thanh tịnh, toàn thiện bổn lai của tất cả các pháp vốn có sẵn, như kinh Đại Bát-nhã nói, “Hoặc có Phật ra đời hay không, có thuyết pháp hay không thuyết pháp, pháp tánh luôn thường trụ không khác, chẳng sai chẳng mất” (Phẩm Vô tác). Tánh Như luôn luôn thường trụ trước mắt chúng ta, nhưng chúng ta không thấy, vì “mắt bị bệnh nhặm, vì cái thấy sai lầm hư vọng” của chúng ta. Cho nên tu hành không phải là làm ra, tạo tác ra tánh Như ấy, mà là lột bỏ những che chướng phiền não và sở tri, sửa đổi cái nhìn thấy sai lầm hư vọng của chúng ta.

Một văn bản gốc của Đại Toàn Thiện được dịch sang tiếng Tây Tạng là Kunjed Gyalpo (Nguồn Tối Thượng):

Không gian toàn thể của Vajrasattva
Là chiều kích bao la của hiện hữu trong đó mọi sự luôn luôn toàn thiện
Vì nó là con đường phổ quát hoàn hảo giải thoát tất cả
Nó vượt khỏi sanh diệt hay tư tưởng.

Tất cả mọi hiện tượng là thực tại tự nhiên bất biến
Hãy để cho nó là, không hành động, nó tự giải thoát.
Năm nguyên tố là Phật,
Phật an trụ trong bản tánh của chúng sanh chính là tâm toàn thể và thanh tịnh.

Tâm ấy tỏa khắp mọi sự, biểu lộ trong hình tướng:

Không chuyển động;
Và an trụ trong tất cả một cách bình thản như không gian vô biên.

Lời dạy của Thiền về tánh Như hoàn hảo, toàn thiện có thể thấy qua những lời dạy chỉ thẳng của các Thiền sư:
Suốt hơn một tháng, Sư Văn Ích (Khai tổ tông Pháp Nhãn) trình kiến giải cho Thiền sư Quế Sâm vẫn bị ngài bác bỏ: Phật pháp không phải thế ấy.

Sư thưa: Con đã hết lời cùng lý rồi.
Quế Sâm nói: Nếu luận Phật pháp thì tất cả hiện thành. Ngay dưới câu nói ấy, Sư đại ngộ.

Theo Văn hoá Phật giáo số 282 ngày 01-10-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm