Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Thể tánh của Tâm

Đoạn kinh tiếp theo của Pháp hội Pháp giới Thể tánh Vô phân biệt nói về thể tánh của tâm. Thể tánh của tâm là pháp giới thể tánh, bởi vì nếu không như vậy thì tâm không bao giờ có thể hiểu biết, chứng ngộ pháp giới thể tánh.
Mục lục

Đoạn kinh tiếp theo của Pháp hội Pháp giới Thể tánh Vô phân biệt nói về thể tánh của tâm. Thể tánh của tâm là pháp giới thể tánh, bởi vì nếu không như vậy thì tâm không bao giờ có thể hiểu biết, chứng ngộ pháp giới thể tánh.

“Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: Thưa Đại đức Xá-lợi-phất, pháp giới ấy có phải trước kia bị trói buộc mà nay được giải thoát chăng?

Ngài Xá-lợi-phất nói: Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, pháp giới ấy chẳng phải trước bị trói buộc mà nay được giải thoát...

Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: Thưa Đại đức Xá-lợi-phất, có phải là ngài dứt hết phiền não mà được tâm vô lậu giải thoát chăng?

Ngài Xá-lợi-phất nói: Tôi được tâm vô lậu giải thoát.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: Thưa Đại đức Xá-lợi-phất, ngài dùng những tâm nào để được giải thoát? Là tâm quá khứ, tâm vị lai hay tâm hiện tại? Thưa Đại đức, tâm quá khứ đã diệt, tâm vị lai chưa đến, tâm hiện tại chẳng an trụ, thì dùng tâm nào để được giải thoát?

Ngài Xá-lợi-phất nói: Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Chẳng phải tâm quá khứ được giải thoát, chẳng phải tâm hiện tại được giải thoát, chẳng phải tâm vị lai được giải thoát.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: Thưa Đại đức, vậy sao ngài lại nói tâm được giải thoát?

Ngài Xá-lợi-phất nói: Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, ở nơi thế đế mà nói là tâm được giải thoát. Trong đệ nhất nghĩa đế đều không có tâm bị trói buộc hay tâm giải thoát.

Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: Thưa Đại đức, có phải ngài muốn cho pháp giới thể tánh có thế đế và đệ nhất nghĩa đế chăng?

Ngài Xá-lợi-phất nói: Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, pháp giới thể tánh không có thế đế và đệ nhất nghĩa đế”.

Đây là cuộc đối thoại giữa hai vị đã giải thoát – tâm giải thoát và tuệ giải thoát – cốt để cho đại chúng nghe. Như ở đoạn đối thoại trước có năm trăm Tỳ-kheo được tâm vô lậu; còn ở đoạn này, khi đoạn đối thoại chấm dứt, có hai trăm Tỳ- kheo “bỏ chúng mà đi”.

“Pháp giới ấy chẳng phải trước bị trói buộc mà nay được giải thoát”: Pháp giới chưa hề bị trói buộc nên cũng không có việc giải thoát. Tại sao thế? Như đoạn trước, kinh nói: “Pháp giới chính là pháp giới thể tánh”. Pháp giới không hề có nhiễm ô: “Chính nhiễm ô là pháp giới thể tánh”.

Pháp giới vốn thanh tịnh vì là tánh Không: “Vì nghĩa ấy nên Như Lai nói: Tỳ-kheo hiểu các pháp bình đẳng giống như hư không. Như đụng chạm hư không thì không có chỗ đụng chạm, pháp của Sa-môn cũng như vậy”.

Tất cả các pháp vốn thanh tịnh, vốn không nhiễm ô, vì các pháp là tánh Không, các pháp không sanh không diệt: “Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: Nếu có Bồ-tát sơ phát tâm tu hành Không, Vô tướng và Vô tác, hiểu biết tất cả pháp không sanh không diệt, thì gọi là Bồ-tát sơ phát tâm vậy”. Chính vì pháp giới là pháp giới thể tánh, là tánh Không, nên pháp giới không có trói buộc và giải thoát.

Nhưng nếu pháp giới không có trói buộc không có giải thoát thì tại sao chúng ta thấy có trói buộc? Đó là vì tâm chúng ta có nhiễm ô vậy. Thế nên tiếp đó hai vị bàn về tâm, tâm nào có nhiễm ô, có trói buộc; tâm nào là vô lậu (không có nhiễm ô), giải thoát.

Thiền quán về tâm, thì thấy tâm quá khứ đã diệt, tâm vị lai chưa đến, và tâm hiện tại chẳng an trụ, nghĩa là tìm tâm thì không thấy cái gì là tâm cả. Không có tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai. Nghĩa là cái chúng ta gọi là tâm, dù là tâm nào, đều là tánh Không. Thế nên chẳng có tâm nào giải thoát cả, cho nên ngài Xá- lợi-phất nói, “Chẳng phải tâm quá khứ được giải thoát, chẳng phải tâm vị lai được giải thoát, chẳng phải tâm hiện tại được giải thoát”. Tất cả mọi tâm là tánh Không, cho nên không có tâm nào bị nhiễm ô, trói buộc; cũng không có tâm nào vô lậu giải thoát.
Kết luận đoạn này, ngài Xá-
lợi-phất nói, “Pháp giới thể tánh không có thế đế và đệ nhất nghĩa đế”, nghĩa là trong pháp giới thể tánh, trong tánh Không, không có tâm trói buộc và tâm giải thoát, không có phiền não và vô lậu giải thoát, không có sanh tử nhiễm ô và Niết-bàn vô lậu.

Nói cách khác, trong pháp giới thể tánh chỉ có pháp giới thể tánh, ngoài ra không có cái gì khác. Trong tánh Không chỉ có tánh Không, ngoài ra không có cái gì khác.

Khi ngài Văn-thù-sư-lợi nói, “Tâm không có trong ngoài và ở giữa nên không có trói buộc và giải thoát”, thì hai trăm Tỳ-kheo rời chỗ ngồi bỏ đi, vì “nếu không có tâm giải thoát, thì chúng tôi lại xuất gia tu hành để làm gì?”.

Sau đó ngài Văn-thù-sư-lợi biến hóa ra một Tỳ-kheo, đón đường nhóm Tỳ-kheo bỏ đi ấy để giảng tiếp cho họ.

“Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: Nay chúng ta cùng nhau suy luận. Tâm của các Đại đức là tướng dạng gì? Là màu xanh vàng đỏ trắng hay màu tím pha lê? Là thật hay chẳng thật? Là thường hay vô thường? Là sắc hay chẳng phải sắc?

Nhóm Tỳ-kheo nói: Thưa Đại đức, tâm chẳng phải sắc, chẳng thấy được, không có hình bóng, cũng không có xúc đối, không nơi chỗ, không hiển thị.

...

Hóa Tỳ-kheo nói: Thưa các Đại đức, tâm các ngài đã không hình sắc, không có xúc đối, không nơi chỗ, không hiển thị, chẳng phải trong ngoài ở giữa, thì nó có thật thành tựu chăng?

Nhóm Tỳ-kheo ấy nói: Không phải vậy.

Hóa Tỳ-kheo nói: Thưa các Đại đức, vì nghĩa ấy nên ngài Văn-thù-sư-lợi nói pháp giới thể tánh không có nhiễm tịnh. Thưa các Đại đức, vì các ngài là phàm phu điên đảo chấp ngã và ngã sở, phát khởi tâm đi vào các cảnh giới mà sanh khởi tâm phan duyên. Đó là tất cả những pháp phan duyên sanh diệt, chẳng trụ, biến đổi mà Diệt đế có thể dứt diệt.

Nếu tâm duyên nơi việc xuất gia, thọ giới cụ túc, tu đạo đắc quả, thì thể tánh của tâm ấy rỗng không chẳng có thật, chỉ từ vọng tưởng phát khởi. Đã là vọng tưởng chẳng thật thì chẳng sanh chẳng trụ chẳng diệt. Nếu đã là chẳng sanh trụ diệt thì không có trói buộc cũng không có giải thoát, không hướng quả không chứng quả.

Vì nghĩa ấy nên Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói pháp giới thể tánh không nhiễm không tịnh, cũng không hướng không chứng, không có giải thoát.

Nghe Hóa Tỳ-kheo giảng giải, nhóm Tỳ-kheo ấy được vô lậu giải thoát”.

Quán chiếu vào tâm, thì thấy tâm không hình sắc, không có xúc đối, không nơi chỗ, không hiển thị, chẳng phải trong ngoài ở giữa, không thật thành tựu, thì tâm là không có tự tánh, là vô tự tánh, là tánh Không. Nếu tâm ấy không thể tìm thấy ở đâu cả, không thật thành tựu, thì tâm ấy là vô tự tánh, là tánh Không, và là tánh Không cho nên vốn giải thoát. Như hoa đốm giữa không trung, không thật thành tựu cho nên vốn giải thoát. Vốn giải thoát vì chưa từng có.
Thế nên ngài Văn-thù-sư-
lợi nói pháp giới thể tánh không có nhiễm tịnh, không có tâm đã nhiễm ô và tâm được giải thoát khỏi nhiễm ô. Như hoa đốm giữa hư không chưa từng có thì lấy đâu có sự việc giải thoát cho hay khỏi hoa đốm.
Chỉ vì chúng sanh chúng ta vô cớ vọng tưởng ra ngã
và ngã sở, chủ thể và đối tượng đã sanh thì có tâm phan duyên bám chấp theo cảnh và tâm mà chạy theo sanh tử. Nếu theo đuổi, quán sát đến tận nguồn gốc của tâm này thì thấy nó “rỗng không chẳng có thật, chẳng sanh chẳng trụ, chẳng dị chẳng diệt”. Tâm là rỗng không, không thật không sanh không diệt, là tánh Không, thì có cái gì trói buộc để phải giải thoát, có cái gì để hướng quả và chứng quả.

Tóm lại, khi nhìn thấy tận thể tánh của tâm, không chỉ bằng ý thức, mà bằng thiền định và thiền quán để hiểu biết rằng tâm không thật thành tựu, tâm chưa từng sanh, trụ, diệt, tâm là tánh Không, người ta giải thoát.

Có câu chuyện Thiền nói lên việc nhìn thấy thể tánh của tâm, được ngộ đạo và giải thoát của Nhị tổ Huệ Khả như sau:

Sư Huệ Khả tìm đến Tổ Bồ-đề-đạt-ma để hỏi đạo, mong hết nghi để giải thoát. Sư đứng suốt đêm ngoài trời tuyết, Tổ chẳng ngó ngàng gì đến. Sư chặt cánh tay để tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Được phép hỏi, Sư nói:

- Tâm con chưa an, xin thầy dạy phép an tâm. Tổ nói:
- Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.
Sư im lặng, tư duy quán chiếu hồi lâu, rồi nói:
- Con tìm tâm mãi mà không thể được.

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.

Sư Huệ Khả nhân đây được khế ngộ, được ban cho pháp danh là Huệ Khả. Sư ở với Tổ cho đến lúc Tổ quy tịch, rồi sau đó đi các nơi để hoằng truyền Chánh pháp.
 


Theo Văn hoá Phật giáo số 304 ngày 01-09-2018

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm