Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Thiền sư Khương Tăng Hội sinh ra trên đất Việt, truyền Phật giáo từ Giao Chỉ tới Đông Ngô

Người ta thường cho rằng Phật giáo được truyền vào Trung Hoa qua vùng Trung Á, nhưng còn có một con đường khác mà ít người biết tới hơn, đó là con đường từ Giao Chỉ tới Đông Ngô.
Mục lục

Bắt đầu từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên, Phật giáo dần được truyền nhập vào Trung Hoa một cách rời rạc không hoàn chỉnh do sự cách biệt về ngôn ngữ. Sang đến thế kỷ thứ 3, các nhà dịch thuật mới bắt đầu xuất hiện.

Vào thế kỷ thứ 5 và thứ 6, có rất nhiều cái tên nổi bật và quen thuộc của Phật giáo xuất hiện ở Trung Hoa, như Bồ Đề Đạt Ma, Đường Tam Tạng. Tuy nhiên, trước các ông, Phật giáo nơi đây đã chứng kiến sự đóng góp của nhiều cao tăng khác từ tận thế kỷ thứ 3, thứ 4. Và một người nổi bật trong số đó chính là Thiền sư Khương Tăng Hội, một vị thiền sư sinh ra ở Giao Chỉ, có ảnh hưởng lớn tới cả Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Đông Ngô.

Theo cuốn “Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam” của Lê Mạnh Thát thì cha Khương Tăng Hội là người nước Khương Cư (Sogdiana) nằm giữa hai sông Amu Darya và Syr Darya (ngày nay nằm ở vùng biên giới Afganistan, Uzbekistan và Tajikistan) đến Giao Châu buôn bán, còn mẹ ông là người Việt. Cũng có nguồn cho rằng cha mẹ ông đều là người nước Khương Cư.

Tranh vẽ Thiền sư Khương Tăng Hội

Thiền sư Khương Tăng Hội sinh ra và lớn lên ở Giao Chỉ. Đến năm ông lên 10 tuổi thì cha mẹ qua đời. Ông liền xuất gia và chuyên tâm tu luyện. Trong quá trình đó, Thiền sư Khương Tăng Hội cũng xây dựng đạo tràng, huấn luyện đồ chúng, phiên dịch kinh sách. Tương truyền rằng trung tâm của Phật giáo Giao Chỉ thời bấy giờ được lập ở chùa Diên Ứng, còn gọi là chùa Dâu hay chùa Pháp Vân, ở thủ phủ Luy Lâu (Bắc Ninh ngày nay).

Do giỏi cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hán, Thiền sư Khương Tăng Hội quyết định qua đất Trung Hoa truyền đạo. Năm 247, ông đến Kiến Nghiệp, là kinh đô của Đông Ngô (nay là Nam Kinh, Trung Quốc), tiếng tăm vang khắp chốn.

Là một bậc siêu phàm, chẳng bao lâu tài đức của Thiền sư Khương Tăng Hội vang danh khắp chốn. Bấy giờ Giao Chỉ lệ thuộc Đông Ngô. Ngô Tôn Quyền thấy uy danh Ngài lừng lẫy, được dân chúng hết lòng kính trọng. Ông ta lo sợ Ngài sẽ thu phục nhân tâm, tụ họp anh hùng hào kiệt nổi loạn, chống lại Đông Ngô. Tôn Quyền vốn không tin Phật Pháp, nên gọi Khương Tăng Hội tới chất vấn.

Tranh vẽ Tôn Quyền. (Tranh qua Wikipedia)

Để chứng tỏ sự màu nhiệm của Phật Pháp, Thiền sư Khương Tăng Hội đã xin vua thời gian 7 ngày để cầu xá lợi. Tôn Quyền đồng ý. Thiền sư Khương Tăng Hội cầu 7 ngày không được, lại xin thêm 7 ngày nữa, vua cũng chấp thuận. Nhưng Phật Pháp vẫn không hiển linh. Khi vua chuẩn bị giáng tội, thì Thiền sư Khương Tăng Hội lại tiếp tục cầu 7 ngày. Và lần này, ông đã thực sự cầu được xá lợi.

Tôn Quyền lấy làm kỳ lạ trước xá lợi phát sáng thần kỳ, bèn sai người đem đi thử. Kết quả xá lợi lửa đốt không cháy, búa đập không vỡ, bất khả xâm phạm. Bấy giờ Tôn Quyền mới tin, thành tâm nghe Thiền sư Khương Tăng Hội thuyết pháp. Ông cũng cho phép Thiền sư Khương Tăng Hội được xây dựng đạo tràng, từ đó Phật giáo phát triển tại Đông Ngô.

Cũng tương truyền rằng, xá lợi mà Thiền sư Khương Tăng Hội cầu được là xá lợi hiển linh đầu tiên xuất hiện trên vùng đất Trung Hoa.

Trong tác phẩm “Thiền sư Khương Tăng Hội”, thầy Nhất Hạnh có viết: “Sự nghiệp của Thiền sư Tăng Hội rất lớn lao. Nhờ vào những trước tác của thầy mà ta biết được hành tướng của sự thực tập thiền tại trung tâm Luy Lâu Việt Nam và tại trung tâm Kiến Nghiệp Trung Quốc ngày xưa. Tư tưởng thiền của thầy Tăng Hội là tư tưởng thiền Đại Thừa, đi tiên phong cho cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức. Tuy nhiên, thiền pháp của thiền sư Khương Tăng Hội rất thực tiễn, không hề để thiền giả bay bổng trong vòm trời lý thuyết. Căn bản của thiền pháp này vẫn là sự thực tập hơi thở ý thức và pháp quán chiếu về bốn lĩnh vực hiện hữu, gọi là tứ niệm xứ và các pháp quán tưởng căn bản đã được nêu ra trong các thiền kinh nguyên thủy.

Nhân cách của Thiền sư Tăng Hội là một nhân cách vĩ đại. Ta chỉ cần đọc bài kệ mà Tôn Xước, một người trí thức trong hoàng gia Đông Ngô đề lên tranh tượng của Thiền sư sau đây thì đủ thấy được nhân cách ấy:

Lặng lẽ, một mình,

Đó là khí chất

Tâm không bận bịu

Tình không vướng mắc

Đêm đen soi đường

Lay người thức giấc

Vượt cao, đi xa

Thoát ngoài cõi tục.”


Nguồn: phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm