Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và quan điểm về Phật giáo dấn thân

Thiền sư Thích Nhất Hạnh - người đưa ra khái niệm Phật giáo dấn thân và hành đạo nổi tiếng khắp thế giới. Vậy “Phật giáo dấn thân là gì”? Trong buổi trả lời phỏng vấn nhà báo John Malkin cách đây hơn một thế kỷ, Thiền sư khẳng định, Phật nằm chính trong nghệ thuật sống chánh niệm từng phút giây của cuộc đời.
Mục lục

Đạo Phật là một khái niệm trừu tượng, trong khi đó người Phật tử (đi theo đạo Phật như một triết lý hay một tôn giáo) mới thực sự là chủ thể của sự dấn thân.

Như vậy, dấn thân là gì? Dấn thân tiếng Pháp là s'engager. Đạo Phật dấn thân  là " bouddhisme engagé, engaged  buddhism ".

Dấn thân, s'engager bao hàm ý nghĩa đi tới (với préfixe en), một cách tự nguyện, để hành động theo một mục đích, một chủ trương nhất định.

Trong đời sống xã hội, có vô số thí dụ dấn thân, chẳng hạn như cưới hỏi, nhận con nuôi, nhập ngũ tự nguyện, đăng ký học, gia nhập hội, mua nợ, làm việc từ thiện, đi tu... tất cả có thể được xem như là những hành động dấn thân.

Một từ khác thường được dùng trong đạo Phật là nhập thế: nhập thế tức là đi vào cuộc đời, ngược lại với xuất thế, tức là đi ra ngoài cuộc đời.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở phương Tây và tích cực thúc đẩy hòa bình. Ảnh: Internet
Còn Phật giáo dấn thân, theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng chỉ là Phật giáo. Ông giải thích: Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn.

Khi còn ở Việt Nam, những nhà sư trẻ tuổi chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau khổ do chiến tranh gây ra. Bởi vậy, chúng tôi mong mỏi đưa đạo Phật vào xã hội. Điều này chẳng dễ dàng gì bởi xã hội truyền thống không trực tiếp hình thành Phật giáo dấn thân. Chúng tôi phải tự làm lấy. Đó là lý do Phật giáo dấn thân ra đời.

Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền.

Ở vào thập niên 1960, trong cuốn sách "Hoa sen trong biển lửa", Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra khái niệm "Đạo Bụt dấn thân" (hay Phật giáo dấn thân), tức là áp dụng những tuệ giác mình đạt được từ những lời dạy của đức Phật và từ thiền quán để làm vơi bớt những khổ đau trong xã hội, trong môi sinh và trong chính trường.

Triết lý này được thể hiện sâu sắc qua cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thầy đã dành cả đời để cống hiến cho hòa bình bằng những pháp môn thực tiễn của Phật giáo.

Là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và phương pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Ảnh: Internet

Trước câu hỏi người ta thường cảm thấy phải lựa chọn giữa việc tham gia thay đổi xã hội hoặc tập trung vào bản thân và tinh thần?.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: "Tôi nghĩ quan điểm đó khá nhị nguyên. Thực hành tôn giáo nên hướng đến giải quyết đau khổ: nỗi khổ bên trong bạn và nỗi khổ xung quanh bạn. Chúng đều liên kết với nhau. Nếu lên núi tu hành một mình, bạn không có cơ hội nhận ra sự giận dữ, ghen tỵ và tuyệt vọng ẩn sâu bên trong.

Đó chính là tại sao bạn phải gặp những người khác để nếm trải những cảm xúc ấy. Như thế bạn sẽ nhận ra và cố gắng nhìn vào bản chất của chúng. Không hiểu gốc rễ của phiền não, bạn sẽ không thể thấy con đường dẫn đến hồi kết. Đó là lý do vì sao đau khổ rất quan trọng đối với thực hành tôn giáo".

Theo phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm