Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Thiền sư Vạn Hạnh và tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc

Đất nước Việt Nam chúng ta trải qua mấy ngàn năm lịch sử để dựng nước và giữ nước. Ông cha ta ngày xưa đã đổ biết bao xương máu, để giành quyền độc lập tự do dân tộc mà viết lên những trang sử sáng chói lưu danh muôn thuở nước nhà.
Mục lục
Thiền sư Vạn Hạnh (938 - 1025) có nhiều đóng góp to lớn cho triều đại nhà Lý. Một trong những triều đại nổi bật nhất trong lịch sử nước Đại Việt - Việt Nam. Ngài được xem là nhà cố vấn của vua Lê Đại Hành, là người thầy khả kính của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho nhà vua trở thành người phật tử chân chính và mang đạo vào đời. Thiền sư Vạn Hạnh đã đóng góp công lao to lớn trong việc thiết lập triều đại nhà Lý được thịnh trị trên 200 năm. 
 
Ngài họ Nguyễn, quê châu Cổ Pháp (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), bẩm tính thông minh, thông Nho, Lão, Phật. Năm 21 tuổi, Ngài xuất gia tu học cùng với Thiền sư Ðịnh Tuệ dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ.
 
Đạo Phật từng gắn bó với dân tộc, đã bao phen thăng trầm, lúc thịnh lúc suy, nhưng chưa bao giờ gây thù hận cho ai mà còn chia sẻ và giúp đỡ nhân loại. Lịch sử hai thời đại Lý - Trần, Phật giáo đã phát triển cực thịnh, được xem là quốc giáo. Đến thời nhà Hậu Lê rồi nhà Nguyễn, Phật giáo đi vào thời kỳ suy thoái, nhường vị trí quốc giáo cho Nho giáo.
 
Ðến khi người Pháp mang quân xâm chiếm nước ta, đặt nền đô hộ trên đất nước này, thì đạo Phật lại càng suy đồi, mất hết cả những gì thuần túy mà chỉ còn như là một tôn giáo thờ thần với nhiệm vụ chính là lo việc cúng bái và cầu khẩn van xin.
 
Chúng ta đang nhìn lại những chặng đường lịch sử đó là những vị khai quốc công thần. Như thời An Dương Vương có Cao Lỗ, thời Lê có Nguyễn Trãi, Thời Trần có Trần Thủ Độ…
 
Một trong những vị công thần đã tạo nên ánh hào quang rực rỡ nhất của triều đại Lý nước ta là Thiền sư Vạn Hạnh. Đặc biệt hơn hết ngài là một tu sĩ Phật giáo, là một công dân của đất nước Đại Việt thời bấy giờ, là vị Quốc sư của triều đại nhà Lý.

Bác Hồ đã từng viết nên những vần thơ sử nước nhà như sau:

"Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
 
Vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh trong việc kiến lập và xây dựng vương triều nhà Lý là một nét đẹp văn hóa Việt Nam mà hàng hậu học chúng ta cần phải hiểu biết về ông cha mình, để bảo tồn bản sắc dân tộc truyền thống tốt đẹp “mang đạo vào đời”.
 
Thiền sư Vạn Hạnh (938 - 1025)
Điểm đặc biệt của đất nước chúng ta là Phật giáo luôn kề vai sát cánh với dân tộc trong mọi thời đại. Từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta trong những năm đầu Công nguyên, dân tộc ta đã tiếp thu nền Phật giáo chân chính, biết kết hợp hài hòa với đạo thờ ông bà tổ tiên để xây dựng giềng mối đạo đức, bằng tình người trong cuộc sống.
 
“Uống nước nhớ nguồn” là văn hóa gốc của người Việt Nam về đạo thờ ông bà tổ tiên, sống hiếu thảo biết kính trên nhường dưới, tôn trọng và quý kính những người đã có công dựng nước, giữ nước trong 4000 năm văn hiến với tinh thần biết ơn và đền ơn.
 
Đạo Phật đã truyền vào Việt Nam trên 2000 năm, kết hợp với truyền thống thờ ông bà tổ tiên của đất nước ta, đã đem lại cơm no áo ấm và gìn giữ được giềng mối đạo đức làm người. Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, từ khi đạo Phật có mặt ở thế gian không gây ra bạo động hận thù mà còn giúp cho nhân loại sống đoàn kết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, bằng trái tim có hiểu biết. Chính vì vậy mà ngày 15 tháng 12 năm 1999 Đại hội đồng Liên hiệp quốc công nhận lễ Vesak Phật giáo là văn hóa của thế giới loài người.
 
Nhiều dòng thiền đã đến Việt Nam như dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến dòng thiền Vô Ngôn Thông, rồi đến dòng thiền Thảo Đường, phát triển rất mạnh và thật sự đi vào lòng dân tộc. Nhưng mãi đến hai triều đại Lý - Trần thì Phật giáo mới trở thành nếp sống văn hóa đạo đức của dân tộc. Thế cho nên người xưa đã ca tụng:
 
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
 
Đặc biệt vào thời Lý - Trần những vị vua khai quốc đều là những phật tử thuần lòng, có vị cởi bỏ long bào, xuất gia trở thành tu sĩ như vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.
 
Trong chế độ phong kiến quân chủ vai trò của nhà vua rất to lớn, nắm giữ cả vận mạng quốc gia. Một khi vị vua là phật tử thì quan quân thần dân thiên hạ phải bắt chước làm theo, vì họ là những bầy tôi trung thành. Sự ảnh hưởng sâu sắc đó, trải qua nhiều thời đại, Phật giáo đã đi sâu vào lòng dân tộc với tinh thần “tốt đạo đẹp đời”, mà ngày hôm nay đất nước ta lấy Phật giáo đời Trần làm quốc giáo.
 
Chúng tôi thiết nghĩ rằng từ tiền đồ ban đầu do các vị thiền sư đời Lý khởi xướng với tinh thần mang đạo vào đời, nhờ vậy mà trên thì vua quan ủng hộ, dưới thì dân chúng noi theo lấy tinh thần đoàn kết dân tộc và áp dụng bằng giáo vào trong đời sống gia đình xã hội, nhờ vậy mà đất nước ta tồn tại cho đến bây giờ.
 
Chúng tôi hiện giờ là những tu sĩ trong thời hiện đại, có duyên biết được lịch sử ông cha ta hơn ngàn năm về trước, không thể ngồi yên ở đây với tinh thần phục hưng ngôi chùa Linh Xứng, khơi gợi lại công lao to lớn của hai triều đại Lý - Trần “mang đạo vào đời”.
 
Ngày hôm nay đất nước ta được thống nhất và hòa bình trở lại hơn 40 năm, tinh thần hộ quốc an dân đã thấm nhuần trong lòng dân tộc, chúng tôi mong mỏi thiết tha kêu gọi quý ban chính quyền các cấp, quan tâm hơn và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, để phục hưng ngôi chùa Linh Xứng trong triều đại nhà Lý được hình thành.
 
Dân tộc Việt Nam trên 4000 năm văn hiến từ thời kỳ dựng nước và giữ nước, nhờ biết áp dụng Phật giáo vào trong toàn dân mà mọi người được cơm no áo ấm, sống nhân từ và đạo đức hơn. Tinh thần yêu nước đối với dân tộc Việt Nam, người phật tử cần phải tôn thờ các vị công thần đã có công trong việc dựng nước và giữ nước.
 
Đất nước ta trải qua bao cuộc chiến tranh do giặc ngoại bang xâm lược, toàn là những siêu cường quốc trên thế giới, nhưng cuối cùng bị bại trận dưới sự lãnh đạo của các anh hùng kiệt xuất như Thánh Gióng, bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị, Thánh Trần Hưng Đạo, Thánh Lý Thường Kiệt, Bác Hồ và gần đây nhất là cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Dân tộc Việt Nam chúng ta có thể thờ những vị đó, với tinh thần tưởng nhớ công ơn giành chủ quyền độc lập đất nước, để nhắc nhở hàng hậu học về lịch sử chói sáng của cha ông ta. Uống nước nhớ nguồn và đạo thờ ông bà tổ tiên là văn hóa ứng xử mang tính nhân văn đạo đức, những ngày giỗ kỵ hằng năm chúng ta cũng ôn lại tiểu sử của ông bà nhờ đó con cháu mình biết được những đóng góp to lớn của cha ông ta cho đất nước, cho cộng đồng và gia tộc để phát huy truyền thống tốt đẹp của đất nước Việt Nam.
 
Đến triều đại nhà Trần vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã xem ngai vàng như dép rách và nhường ngôi cho con mà xuất gia tu học. Sau khi được đạo, Ngài khuyên mọi người phá bỏ các hủ tục mê tín, có tính cách hại người và vật, giữ 5 điều đạo đức, tu 10 điều lành với tinh thần “tốt đời đẹp đạo”.
 
Trên đà tiến bộ của đất nước về mọi mặt đều được phát triển đến tột bực, vật chất đầy đủ, con người dễ bị tha hóa nếu không có sự kết hợp của luật pháp nghiêm minh, đưa giáo lý Phật Đà vào trong giáo dục thì e rằng tệ nạn xã hội tràn lan.
 
Chúng tôi thiết tha kêu gọi vì sự nghiệp 10 năm trồng cây, 100 năm trồng người, đất nước ta cùng toàn dân đồng lòng mang đạo vào đời như ông cha ta ngày xưa, thì xã hội sẽ từng bước tiến đến dân giàu, nước mạnh, văn minh, đạo đức và hòa hợp.

Nguồn: phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm