Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Tiểu sử Hòa thượng Thích Khánh Anh

Để tưởng niệm một bậc Trưởng lão Hòa Thượng đã chơn chính tu học và có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo nước nhà. Ở đây chúng tôi xin thành kính nhắc lại lịch sử và công hạnh của Hòa thượng hầu làm gương sáng chơn chính cho toàn thể Phật giáo đồ noi theo tu học.
Mục lục


Hoà thượng họ Võ tên Hóa, hiệu Khánh Anh sanh năm Ất Tỵ (1895), tại xã Phổ Nhì, Tổng Lại Đức, Huyện Mô Đức, Tỉnh Quảng Ngãi (Trung phần Việt Nam) Hoà thượng theo đòi Nho học, từ nhỏ đã tỏ ra một bậc xuất sắc thời ấy.

 

Năm 1916, vì chán cảnh thế phù hoa, cuộc đời vô thường giả tạm, Ngài quy y thọ giới nơi Sư cụ Chùa Cảnh Tiên với Pháp danh Chơn Húy và nhập chúng làm đạo tu ở Chùa Quang Lộc, tỉnh Quãng Ngãi năm 1917. Ngài thọ giới Sa di và nghiên cứu Kinh, Luật, Luận rồi thọ giới Tỳ kheo, Bồ tát với Pháp hiệu là Khánh Anh.

 

Năm 1927, Ngài vào Nam dạy học tại trường Gia Giáo Chùa Giác Hoa, Tỉnh Bạc Liêu và năm 1931 Hoà thượng về Trụ trì Chùa Long An (Đồng Đế) Quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Ở nơi đây Hoà thượng có rất nhiều Tăng đồ, tín đồ đến cầu học.

 

Năm 1932, Ngài nhận chức Pháp sư giảng dạy cho Liên đoàn học xã tại Chùa Thiên Phước, Trà Ôn ba tháng, Chùa Rạch Miễu ở Mỹ tho ba tháng.

 

Năm 1935, Ngài nhận chức Đốc giáo tại Phật học đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh) hợp tác với quí Hoà thượng Tuyên Linh (Lê Khánh Hoà) Hòa thượng Huệ Quang (cố Pháp chủ G.H.T.G.N.V) để xây dựng cơ quan đào tạo Tăng tài hầu truyền trì Đạo Pháp tại miền Nam; và Hòa thượng bắt đầu viết nhiều bài cho báo Phật giáo, trong đó có báo Duy tâm Phật học để cổ xúy việc chấn hưng phong trào Phật học nước nhà hầu kịp các nước Phật giáo bạn như Trung Hoa, Nhật Bản v.v…

 

Năm 1940, Ngài làm Pháp sư dạy trường hương Chùa Thiên Phước ở Tân Hương (Tân An) ba tháng.

 

Năm 1941 Ngài đến dạy trường Hương Chùa Linh Phong Tân Hiệp.

 

Năm 1942, Hoà thượng về trụ trì Chùa Phước Hậu, Quận Trà Ôn (Cần Thơ) mở những lớp Phật pháp cho Phật học cư sĩ, cho đến năm 1945 Hoà thượng đến dạy Tăng, Ni tại Chùa Long Hòa Tiểu Cần (Trà vinh).

 

Năm 1946, Hoà thượng nhập thất tại Chùa Phước Hậu (Trà Ôn), để nghiên cứu Tam Tạng Kinh, soạn thảo, phiên dịch rất nhiều Kinh sách, đã được ấn hành mãi cho đến năm nay vẫn còn bản thảo.

 

Đầu năm 1955, Hội Phật học Nam Việt thỉnh Hòa thượng vào Ban chứng minh đạo sư.

 

Ngày mồng 1 tháng 3 Đinh Dậu (31-3-1957) toàn thể đại hội Tăng, Ni và Phật tử miền Nam tại Chùa Ấn Quang suy tôn Hòa thượng lên ngôi pháp chủ để lãnh đạo tinh thần Phật giáo miền Nam.

 

Cũng tại Chùa Ấn Quang chợ lớn, một Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc kỳ II, ngày 10 tháng 9 năm 1959, toàn thể hội nghị đã long trọng suy tôn Hòa thượng lên ngôi Thượng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc, để cầm cương lãnh vận mệnh Phật giáo Việt Nam.

 

Từ ngày lên ngôi Thượng thủ kiêm Pháp chủ, Hòa thượng vẫn thường lưu trú ở Chùa Ấn Quang, để đôn đốc Phật sự và tiếp tục phiên dịch, trước tác, các bản thảo bây giờ còn chưa viết hết. Hòa thượng luôn luôn tinh tấn tu trì, không giờ rãnh nào quên câu niệm Phật để cầu sanh Tây phương.

 

Tưởng rằng tuổi thọ còn dài, chúng tôi được tin Hòa thượng viên tịch hồi 4 giờ chiều ngày 30 tháng giêng Tân Sửu (16/ 4/ 1961) tại Chùa Phước Hậu sau khi viếng Chùa cũ (Chùa Long An, Đồng Đế, Trà Ôn) trở về; trước giờ thị tịch, Ngài cho gọi các đệ tử đến dặn dò sự tu học, hành đạo và khuyên bảo rồi niệm Phật về cõi Tịnh.

 

Tóm lại, đời tu hành của một vị cao Tăng một lòng vì đạo, từ lúc xuất gia cho tới khi viên tịch là một trang sử sáng đẹp, đầy lòng vị tha quên mình vì đạo chỉ một mực hy sinh cho chánh pháp, mưu hạnh phúc cho mọi người. Mặc dù tuổi già hay bệnh, Ngài vẫn phải đảm đương bao nhiêu trách nhiệm nặng nề, tồi tà hiển chánh, đương đầu với bao sự khó khăn của thời cuộc.

 

Ôi! Đời mạt pháp này có được một vị tu hành đạo cao đức trọng phúc trí kiêm tu như Hòa Thượng để kế vãng khai lai, thiệu long Tam bảo thật là hiếm!

 

Đời Hòa Thượng đã qua, Tăng tục đàn hậu tấn biết trông cạy vào ai để chỉ đường dẫn lối!..

 

Chúng tôi không khỏi bùi ngùi tấc dạ và đau thương mến tiếc.

 

Cung Duy

 

Nam mô Ma ha Tỳ kheo Pháp Húy Thích Khánh Anh,

 

Đạo hiệu Chơn Húy Pháp Sư Bồ Tát Giác Linh tác đại chứng minh,

 
 

Ban Tổng Trị Sự G.H.T.G.T.Q

 

Kính soạn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm