Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Tìm hiểu sự hình thành xe hoa, kiệu hoa Phật đản

Hằng năm cứ mỗi độ xuân qua hạ về, ngàn muôn đóa bạch liên khoa sắc, vạn ức hồng liên tỏa hương thơm ngát là hàng trăm triệu người con Phật khắp mọi nơi trên thế giới hân hoan đón mừng một sự kiện vô cùng quan trọng trong Phật giáo, sự kiện đức Phật đản sanh kéo dài hàng tuần lễ gọi là tuần lễ Phật đản (từ mùng 08 đến 15 tháng Tư âm lịch).
Mục lục
Xe hoa Phật đản. Ảnh: giacngo.vn
Hằng năm cứ mỗi độ xuân qua hạ về, ngàn muôn đóa bạch liên khoa sắc, vạn ức hồng liên tỏa hương thơm ngát là hàng trăm triệu người con Phật khắp mọi nơi trên thế giới hân hoan đón mừng một sự kiện vô cùng quan trọng trong Phật giáo, sự kiện đức Phật đản sanh kéo dài hàng tuần lễ gọi là tuần lễ Phật đản (từ mùng 08 đến 15 tháng Tư âm lịch). Vào những ngày này khắp các quốc gia Phật giáo trên thế giới: Từ cao nguyên thanh tạng nóc nhà thế giới ngàn năm tuyết phủ của Tây Tạng huyền bí, cho đến hải đảo phù tang rợp bóng anh đào của quốc gia Nhật Bản; từ đại lục Trung Hoa mênh mông cho đến quốc đảo sư tử giọt lệ đài trang của nước Tích Lan yên bình; từ đại ngàn đầy nắng gió của quốc gia Miến Điện cho đến đất kinh kì triệu voi nước Lào; từ đại lục xứ Ấn trầm hùng quê hương Phật giáo cho đến quốc gia duyên hải hình chữ S thân yêu nước Việt mến thương… trong các tự viện, chùa chiền, tịnh xá… đều long trọng tổ chức đại lễ Phật Đản cờ hoa muôn phương, phướng lọng rợp trời… cho đến nhiều nhà dân Phật tử cũng treo đèn kết hoa, biểu ngữ, trên các nẻo đường nhiều khi còn có cả xe hoa, kiệu hoa, thuyền hoa… tạo nguồn sinh khí an lành, mang nguồn an vui hạnh phúc đến cho nhân loại. Nguồn gốc ý nghĩa về đại lễ Phật Đản phần lớn mọi người đều biết đến, nhưng ý nghĩa sự hình thành xe hoa, kiệu hoa rước Phật trong ngày Phật đản lại ít người được tri tường.
       Ngược dòng thời gian xuôi về quá khứ với gần ba ngàn năm về trước, tại một vùng bình nguyên rộng lớn của dãy Hy mã lạp sơn có một quốc gia hùng cường thanh bình thịnh trị mang tên Ca-tỳ-la-vệ, dưới sự trị vì của vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma-ya. Lịch sử Phật giáo ghi rằng: Vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-ya tuổi ngoài bốn mươi vẫn chưa có con nối dỗi… Vua và hoàng hậu hằng ao ước, cầu nguyện, làm bao điều phước thiện hằng mong có một người con tiếp nối điện ngọc, ngai vàng… Một đêm nọ hoàng hậu Ma-ya nằm mộng thấy voi trắng sáu ngà khai hông bên hữu đi vào trong bụng, chợt mình tỉnh giấc thấy người khoan khoái an lạc vô cùng biết mình có mang thánh thai. Các nhà tiên tri, đạo sĩ đều cho biết rằng Hoàng hậu sẽ sớm sanh một hoàng thái tử tài trí siêu việt, lớn lên sẽ trở thành một bậc đế vương cai trị cùng khắp bốn châu thiên hạ… Gần đến ngày sanh hạ, theo phong tục bấy giờ, Hoàng hậu đã xin phép vua Tịnh Phạn và hoàng gia về lại quê hương mình đợi ngày sinh hạ. Trên đường về lại quê hương vua Thiện Giác (Vua cha của mình), giữa đường đến một hoa viên tú lệ tên Lâm-tỳ-ni, muôn hoa khoe sắc, muôn chim ca hót, hương thơm ngạt ngào… Hoàng hậu cho đoàn tùy tùng dừng bước thưởng ngoạn cảnh sắc tuyệt vời của hoa viên, lúc dạo chơi đến gốc cây tên gọi Vô-ưu, hoa thơm lạ thường, sắc đẹp huyền ảo, Hoàng hậu vừa đưa cánh tay phải lên hái đóa hoa Vô-ưu, ngay lúc ấy Thái tử Đản sanh, bước đi bảy bước, có bảy đóa hoa sen đỡ chân … Thái tử đưa một tay lên chỉ trời, một tay chỉ xuống đất tuyên bố cùng nhân loại: Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn….  Có chín rồng phun nước, chư thiên trỗi nhạc tung hoa cúng dường Thái tử… Sau đó Thái tử nằm trong hoa sen như bao em bé bình thường… Hoàng hậu lập tức cho người báo về hoàng cung, vua Tịnh Phạn liền cho đoàn tùy tùng cùng với những kiệu hoa, xe hoa được kéo bởi đoàn voi ngựa trang nghiêm trọng thể rời hoàng cung đi rước Thái tử và Hoàng hậu từ Hoa viên Lâm-tỳ-ni trở về hoàng cung Ca-tỳ-la-vệ. Sự kiện này là một sự kiện lịch sử trọng đại đã trở thành hình tượng và ý nghĩa để hàng triệu người con Phật thời sau khắp nơi trên thế giới trang hoàng xe hoa, kiệu hoa để tái hiện lại hình ảnh thiêng liêng: Lễ Rước Phật Đản Sanh.
         Lịch sử lễ rước Phật Đản Sanh bằng xe hoa, kiệu hoa có nguồn gốc từ Ấn Độ xa xưa. Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, những người con Phật xuất gia và tại gia muốn tái hiện lại hình ảnh rước Phật Đản Sanh từ vườn Lâm-tỳ-ni về thành Ca-tỳ-la-vệ; đặc biệt dưới sự phát tâm hộ pháp của những vị vua Phật tử thuần thành, lễ rước Phật được diễn ra vô cùng trang nghiêm và trọng thể. Vua A Dục Vương (273-233 BC), sau khi quy ngưỡng về Phật pháp, đã trở thành Hộ Pháp A Dục ủng hộ Phật pháp tuyệt vời, hằng năm không những nhà Vua tổ chức lễ Rước Phật long trọng trang nghiêm, còn ra Chiếu chỉ khắc vào bia đá nhắc nhở thần dân phải tổ chức lễ Rước Phật… Chỉ dụ số 4 của vua A Dục được các nhà Khảo cổ học phát hiện tại Kandaha ghi rằng: “Vào ngày lễ Đản Sanh mỗi năm phải tổ chức trọng thể thiết lập lễ Rước Phật.” Ngài Pháp Hiển (319-414) người Trung Hoa, gần 16 năm Tây du Ấn Độ đã kể lại lễ Rước Phật tại nước Vu Điền (Khotan, một quốc gia thuộc Ấn Độ cổ) trong tác phẩm Phật Quốc Kí của mình như sau: “Lễ rước Phật từ mùng 01 đến hết tháng tư, lễ rước rất long trọng, xe kiệu nâng Phật cao hơn ba trượng, trang hoàng lộng lẫy…” Ngài Huyền Trang (596-664), gần 17 năm tu học nghiên cứu tại Ấn Độ cũng kể lại lễ Rước Phật tại Ấn Độ xưa trong tác phẩm Đại Đường Tây Vực Kí: “Tại nước Dao Tần (Kucha) lễ Rước Phật được tổ chức cực kì hoành tráng có đến 100 xe hoa nghinh Phật sơ sinh diễu hành trên khắp phố để toàn thể dân chúng được chiêm ngưỡng và lễ bái Phật.”
         Tại Trung Quốc và một số quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản…. lễ rước Phật được gọi là lễ Hành Tượng, có nghĩa là dùng các loại xe kiệu trang hoàng lộng lẫy bằng bảy báu, hoa hương, cờ phướng, lồng đèn… chở tượng Phật đi xung quanh khắp phố phường, cung thành… vào dịp lễ Phật Đản. Theo sách Pháp Uyển Châu Lâm: Thời Đông Tấn (318-420) đã đúc năm tượng Phật Sơ Sinh để rước trong lễ rước Phật. Thời Nam Bắc Triều, Thái Võ Đế nhà Ngụy (408-452) đã có chiếu chỉ thiết lễ rước kiệu Phật, chính vua và hoàng hậu rải hoa cúng dường đoàn xe kiệu rước Phật Sơ Sinh. Theo sách Phật Tổ Thống Kí, Hiếu Võ Đế nhà Tây Ngụy(467-499) hạ chỉ: “Vào ngày Đản Sanh, các ngôi chùa lớn ở tại Lạc Dương phải trần thiết xe kiệu rước Phật vào cung đình; đồng thời chiếu chỉ quy định mỗi năm phải thiết lễ Phật Đản long trọng như thế, không khí lễ Phật thật hùng vĩ và tưng bừng.” Đặc biệt thời nhà Đường (618-907), thời đại hoàng kim của Trung Hoa, quốc gia hùng cường Phật giáo rất Phát triển, lễ rước Phật được diễn ra càng trọng thể to lớn và linh đình hơn…
        Tại xứ sở hoa Anh đào, quốc gia Nhật Bản, từ thời Thánh Đức (574-622), lễ Phật Đản đã được phát triển và thịnh hành, ngoài việc trần thiết xe hoa, kiệu hoa rước Phật đản sanh, các ngôi chùa còn tổ chức phát chẩn, tế bần… đặc biệt là việc phát tâm kết hoa cúng Phật… Ngày nay, ngày Đản sanh đã trở thành ngày cắm hoa, còn gọi là lễ Hội hoa tại quốc gia này.
        Tại các nước Phật giáo Nam truyền như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia… ngày lễ Phật Đản, lễ Rước Phật còn tổ chức trọng thể hơn; vì các quốc gia này, ngày Đản sanh còn được kết hợp với ngày lễ đức Phật thành đạo và Niết bàn còn gọi là lễ Tam Hợp, lễ Vesak. Ngày Lễ này đã được cả nhân loại tôn vinh là ngày lễ vô cùng thiêng liêng, lễ Hòa bình, lễ quốc tế Vesak Liên hợp Quốc… và được gần như các nước trên thế giới vinh danh tổ chức tại các trụ sở Liên Hợp Quốc của quốc gia mình từ năm 2000 đến nay. Chính vì thế, ngày nay vào tuần lễ Phật Đản sanh (khoảng từ mùng tám đến 15 tháng tư âm lịch), tại các nước như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào… lễ Rước Phật được tổ chức trang nghiêm và hoành tráng, từng đoàn người kéo dài hàng vài km với kiệu hoa, xe hoa chở tượng Phật được kéo bởi những thớt voi, trang hoàng lộng lẫy, hương hoa, cờ hoa, phướng lọng, trống chiêng vang vọng khắp phố phường…
        Tại Việt Nam, lễ rước Phật cũng có lịch sử gần hai ngàn năm; Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ thế kỉ thứ nhất, và còn lưu dấu lại những ngôi chùa cổ kính thăng trầm cùng dân tộc như cùa Dâu, chùa Keo… Sách Ngô Chí có đoạn chép: “…Ở Giao Châu, khi ra đường người ta thường nghe tiếng kiểng, lẫn tiếng trống kèn những người rợ Hồ (chỉ các vị Tăng và Phật tử người Ấn) đi theo thắp hương hai bên có từng đoàn xe có mười người…” Đến triều đại nhà Lý (1009-1225) và nhà Trần(1225-1400), hai triều đại thịnh trị quốc gia thái bình phát triển, Phật giáo đã trở thành Quốc giáo, Phật giáo phát triển hy hoàng các nghi thức Phật Đản, rước Phật cũng đã được tổ chức trang nghiêm trọng thể. Đại Việt Sử Kí Toàn Thư III, tờ 15A, tr.37: “Vua Lý Nhân Tông sau khi cho xây dựng trùng tu chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), hàng tháng cứ đến ngày Rằm, mùng một và mùng tám tháng tư Phật Đản, xa giá ngự đến đặt lễ Cầu an và nghi thức tắm Phật hàng năm làm lệ thường. Ngoài ra thời bấy giờ có tục nghinh rước Phật Pháp Vân, Pháp Vũ rất linh đình…” Đại Việt Sử Kí Toàn Thư IV, tờ 20B, tr.92 chép: “Đích thân vua Lý Cao Tông đến chùa Pháp Vân nghinh rước Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên để làm lễ cầu mưa, tục này còn duy trì đến thời Hậu Lê.”
        Sách Thơ Văn Lý Trần dịch văn bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh đã miêu tả rất chi tiết không khí lễ hội: “Nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay. Hương hoa bày hình thức kỳ an, bồn chậu đặt lễ nghi tắm Phật. Trang sức tướng tinh thành cho năm chúng, hoặc hở vai tiến thoái nhịp nhàng; tạo đội ngũ thiên vương ở bốn phương, nâng khí cụ bồi hồi nhảy múa…. Sai phụng thường chỉnh đốn kiệu xe, khiến phong bá quét sạch bụi bặm. Khói trầm đàn như mây toả khắp sơn khê, bóng cờ phướng như ráng phô đầy các ngả. Chuông trống vang ầm, khánh tiêu rộn rã. Phía trước xe mây Tam bảo, đằng sau kiệu báu thánh hoàng. Dốc nghiêng xanh tía sáu cung, về hết trẻ già muôn nước. Điện hoa vắt ngang phía trước, chùa Phật mở rộng bên trong. Hội Tăng Ni trai khiết, diễn Giác Đế chân kinh. Hoàng đế nghiêm trang, đọc kệ đoạn cúi đầu tạ lễ. Cung nga khép nép, nghe kinh xong dâng sữa múa ca…”
        Theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, Phật giáo luôn thăng trầm đồng hành cùng dân tộc; từ thuở các vị vua Hùng dựng nước và giữ nước đã có hình ảnh của ông Bụt (Buddha – Phật) truyền dạy tâm ấn giúp Tiên Dung và Chữ Đồng Tử vượt qua những khó khăn thử thách giữa cuộc đời, lập nghiệp giúp dân… cho đến thời Việt Nam thể hiện chủ quyền dân tộc gần như các vị vua anh minh là những Phật tử anh dũng kiên cường tỏa rạng vinh quang dòng giống con Hồng cháu Lạc: Từ Lý Nam Đế(503-548, Vị vua lập nên nhà Tiền Lý, với khai quốc Vạn Xuân) cho đến Ngô Quyền (898-944, vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam, với chiến thắng  Bạch Đằng nổi tiếng, kết thúc gần một thiên niên kỷ Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam). Từ Đinh Bộ Lĩnh (968-979, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc, với Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập), đến Lý Công Uẩn (974-1028) khai sinh nhà Lý dời Đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra một thời đại vàng son thái bình thịnh trị của dân tộc Việt. Từ Trần Thái Tông, Phật Hoàng Trần Nhân Tông… khai sinh một nền quốc giáo, Phật giáo với danh lam Yên Tử thiêng liêng… một triều đại huy hoàng uy danh của Đại Việt ba lần đại thắng Mông Nguyên… đến các đời chúa Nguyễn tiếp nối chí nguyện Phật hoàng Trần Nhân Tông (mở đất: Châu Ô, Châu Rí - mở mang đất Việt – phụng thờ Phật pháp), với Nguyễn Hoàng được mệnh danh là Chúa Tiên, với Nguyễn Phúc Nguyên mệnh danh là Chúa Sãi, Nguyễn Phúc Lan mỹ danh là chúa Hiền, Nguyễn Phúc Tần danh xưng chúa Nghĩa, Nguyễn Phúc Chu - vị vua Phật tử mỹ hiệu là Chúa Phật….. tất cả đều là những người con anh dũng và uy danh của dân tộc Việt, là đệ tử của đức Phật, cho nên họ phát tâm làm phúc thiện, hộ trì chánh pháp cũng như cung kính, long trọng tổ chức các đại Lễ Phật giáo như Phật Đản, Vu Lan… cầu nguyện quốc gia thái bình nhân dân an lạc đúng theo truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Phật Giáo như gắn chặt, có mặt hầu hết trên các lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, triết học, nghệ thuật, âm nhạc, đạo đức, v.v... đâu đâu cũng lưu lại hình ảnh của Phật Giáo. Đến khi Chúa Nguyễn Hoàng phát nguyện vào Nam khai hoang mở cõi kiến lập chùa Thiên Mụ…. một dãi trời Nam lại hiện bóng từ bi, Phật Giáo lại cùng với dân tộc vào miền đất mới, trong quá trình mở cõi tạo tác sơn hà, Phật Giáo lại chứng minh truyền thống đồng hành cùng dân tộc của mình, và chính nơi miền đất mới, dãi đất miền Trung mến yêu đã hình thành hai trung tâm Phật Giáo mới của Phật Giáo Việt Nam đó là: Trung tâm Phật Giáo thần kinh Thuận Hóa và Phật giáo Bình Định đất võ uy linh.
       Việt Nam trong những thập niên trở lại đây, lễ Rước Phật tại đất thần kinh xứ Huế được xem là trang nghiêm ý nghĩa và long trọng nhất; hình ảnh bảy đóa hồng liên nở rạng tỏa sáng trên dòng hương giang núi ngự, bên chùa Thiên Mụ cổ kính trầm hùng có thể được xem là biểu tượng thiêng liêng cho dân tộc Việt. Hình ảnh của từng đoàn xe hoa, kiệu hoa rước Phật, cờ phướng rợp trời, có cả ngàn vạn chư Tăng cùng Phật tử thành kính trang nghiêm đưa rước từ chùa Diệu Đế đi khắp phố phường sông Hương qua Tràng Tiền, Đông Ba… về chùa Từ Đàm kéo dài hàng vài cây số quả thật là thiêng liêng và trọng thể biết dường nào. Ngày nay, với sự quan tâm của Chính phủ, của hầu hết người dân Việt, Phật giáo đã thật sự hưng thịnh, lễ rước Phật xe hoa, kiệu hoa… được tổ chức long trọng trang nghiêm cả ba miền Nam Trung Bắc. Đặc biệt năm nay, PL. 2563 – DL. 2019, Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc lại được long trọng tổ chức ngay trên quê hương Việt Nam, có hơn 100 quốc gia trên thế giới về tham dự, hàng trăm triệu người con Phật trên khắp thế giới đang hân hoan đón mừng ngày Đản Sanh của đức Từ Phụ, và chắc chắn hình ảnh ý nghĩa của lễ Rước Phật bằng xe hoa, kiệu hoa sẽ có mặt khắp mọi tỉnh thành, phố phường trên cả nước. Trong đó xe hoa, kiệu hoa đặc biệt long trọng và hoành tráng nhất chắc chắn sẽ là trung tâm văn hóa Phật giáo chùa Tam Chúc, Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam.
                                                   Mùa Phật Đản Vesak LHQ, PL. 2363 – DL. 2019
                                                               TK. Thích Quảng Phước, cẩn soạn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm