Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Trầm tư về đạo hiếu

Vào những ngày se lạnh của tiết thu sang, lá vàng rơi lã chã trong cơn gió nhẹ, báo hiệu một lần nữa Vu-lan Báo hiếu lại về với những người con Phật và những ai còn lòng tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ
Mục lục


Vào những ngày se lạnh của tiết thu sang, lá vàng rơi lã chã trong cơn gió nhẹ, báo hiệu một lần nữa Vu-lan Báo hiếu lại về với những người con Phật và những ai còn lòng tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, cho nên dân gian có câu:

Trung nguyên ngày vọng hội Vu-lan
Bến giác, chiều thu sóng đạo ngàn
Những ai còn nhớ công sanh dưỡng
Hãy vận lòng thành đón Vu-lan.

Hay nói khác hơn, như nhà thơ Nguyễn Bính đã nói:

“Dù cho bát nước nén hương. Còn lòng tưởng nhớ, còn hương tình người”.

Do đó, làm con phải lo báo đáp công ơn cha mẹ qua hai lãnh vực như kinh Tăng chi II A, Đức Phật dạy:

“Cha mẹ gọi Phạm Thiên, bậc Đạo sư thời trước, xứng đáng được cúng dường, vì thương đến con cháu. Do vậy, bậc hiền trí, đảnh lễ và tôn trọng, dâng đồ ăn thức uống, vải mặc và giường nằm, thoa bóp cả thân mình, tắm rửa cả tay chân. Với việc làm như vậy, đối với mẹ và cha, đời này người hiền khen, đời sau hưởng thiên lạc”.

(A.IIA)

Kinh Tạp A-hàm nói:

“Như người đối cha mẹ. Cung kính và cúng dường. Hiện đời được tiếng thơm. Mệnh chung sanh thiên đường”.

(Kinh Tạp A-hàm 88, S7.2.9 - Matupasaka)

Trường hợp thứ hai, như kinh Tăng chi tập I, Đức Phật cũng xác định:

“Những ai đền ơn bằng nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ-kheo, hãy khuyên cha mẹ tránh ác làm lành, tu tập trai giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tạo phúc báo sanh thiên... Như vậy tức là làm đủ và trả ơn cha mẹ một cách đầy đủ vậy”.

Qua đó, kinh Tạp A-hàm, Đức Phật cũng huấn thị:

“Dù vai mặt cõng cha, vai trái cõng mẹ, dạo quanh hòn núi Tu-di cũng không báo đáp đầy đủ công ơn cha mẹ. Trái lại, phải khuyên cha mẹ tu tập pháp lành, quy y Tam bảo, hướng đạo theo con đường thánh thiện an lạc, giải thoát”.
 


Tiến xa hơn, như kinh Đại tập, Đức Phật nhấn mạnh:

“Sinh nhằm đời không gặp được Phật, thì khéo phụng thờ cha mẹ, xem như kính thờ chư Phật vậy”.

Qua đó, Đức Phật đã đề cao và đồng hóa hai đấng sanh thành như hai Đức Phật trong nhà. Ý nghĩa ấy, được Đức Phật cô đọng thành bài kệ trong kinh Nhẫn nhục như sau:

“Thờ cha kính mẹ trong nhà. Thích-ca từ phụ, Di-đà mẫu thân. Cúng dường lễ bái ân cần. Mai sau thành Phật một vầng hào quang”.

Với một ý nghĩa thực tiễn, dung thông hai luồng giáo lý, Đức Phật dạy:

“Vui thay hiếu kính Cha. Vui thay hiếu kính Mẹ. Vui thay hiếu kính Sa-môn. Vui thay hiếu kính bậc Thánh”.

(PC 332)

Hiếu kính hay hiếu thảo, báo ân là một phạm trù duy nhất trong chiều hướng thuận lý chân thường, thuận với đạo đức luân lý xã hội và cứu cánh là giải thoát, thành Phật. Thế nên, kinh Hiếu tử nói:

“Tâm hiếu là Tâm Phật, Hạnh hiếu là Hạnh Phật. Muốn chứng quả đồng với Phật. Việc làm đầu tiên là lo báo đáp công ơn cha mẹ”.

Báo hiếu như vậy, chính là thể hiện trọn vẹn lý nhân quả của Hiếu đạo. Cho nên người xưa nói:

“Hiếu phụ hoàn sinh hiếu tử. Ngỗ nghịch hoàn sanh ngỗ nghịch nhi”.

(Làm con hiếu thảo với cha mẹ, thì sinh con ra có hiếu thảo lại với mình. Bằng ngỗ nghịch với cha mẹ, khi sinh con sẽ ngỗ nghịch, bất hiếu lại với mình).

Do đó bổn phận làm con cần ý thức và luôn luôn tỉnh giác lo làm tròn hiếu đạo, không những đối với cha mẹ, mà còn cả gia đình, xã hội, đất nước và Đạo pháp. Vì thế, Đại sư Toàn Nhật Quang Đài đã huấn thị:

“Lưng mang bức tượng Di-đà. Chữ trung, chữ hiếu, việc nhà vẹn phân. Dẫu cho đi trọn đường trần. Đạo tâm há để một lần phôi pha”.

(Hứa Sử truyện)

 

Như kinh Tâm địa quán, Đức Phật nói:

“Hàng đệ tử Phật phải đền đáp bốn ân: Ân cha mẹ, ân Tam bảo, ân Quốc vương (ân nhà Lãnh đạo và đất nước), ân chúng sanh”.

Sự báo đáp công ơn cha mẹ đơn phương hay tập thể đều có giá trị như nhau. Nhưng tập thể thì có hiệu quả cao hơn, cứu cánh hơn.

Như kinh Tâm địa quán nói:

“Công cha núi cả sánh nào. Bể sâu đức mẹ biết sao đo lường. Dù cho báo đáp đơn phương. Cũng không đền đáp công ơn song đường”.

Như vậy, phải nhờ đến năng lực tập thể, tạo thành một sức mạnh tổng hợp, thì chuyển hóa được tâm linh, tư tưởng còn nhiều vướng mắc nặng nề. Cũng như tảng đá, một người thì khó chuyển động, nhưng nhiều người chuyển động thì dễ dàng. Cũng như thân mẫu Mục-kiền-liên, là bà Thanh-đề, phải nhờ đến sức chú nguyện của mười phương Tăng, oai thần Tam bảo, mà được thoát kiếp ngạ quỷ, khổ đau trong địa ngục.

Thế nên, kinh Mục-liên Sám pháp nói:

“Thanh-đề khổ ách hết liền. Ngày Rằm tháng Bảy thành tiên về trời. Nêu gương hiếu thảo đời đời. Mục-liên cứu mẹ rạng ngời sử xanh”.

Tóm lại, Đạo hiếu là một qui luật đạo đức phổ quát và tất cả mọi thành phần trong xã hội đều thực hiện, nếu muốn thi hành ý niệm thiện. Vì trong tất cả các điều thiện, việc thiện không gì cao tột hơn là Đạo hiếu.

Thế nên, kinh Phạm võng, Đức Phật dạy:

“Hiếu thuận là pháp chí đạo. Hiếu cũng gọi là Giới, cũng gọi là cấm ngăn”.

Qua đó, hiếu thuận với cha mẹ thì không làm các điều ác thuộc phạm vi thế gian. Hiếu thuận với Tam bảo là không làm các điều ác thuộc phạm vi xuất thế gian. Dù thế gian hay xuất thế gian, đều quy về Tối Thắng thiện là Chân lý tuyệt đối, gọi là Nhị đế dung thông Tam muội ấn. Nói như thế có nghĩa là Hiếu sẽ cấm ngăn những điều ác, thành tựu mọi điều thiện. Ngăn cấm và đoạn trừ những điều ác, thì thành tựu Đoạn đức, tương ứng Niết-bàn. Thành tựu mọi điều thiện thì được Trí đức, tương ứng Bồ-đề, gọi chung là thành tựu phúc đức và trí tuệ, mà phúc đức, trí tuệ đầy đủ thì thành tựu đạo quả giải thoát.

Như cổ đức nói:

“Phúc trí lưỡng toàn phương tác Phật”.

Phật tâm, tâm hiếu, hiếu đạo là đồng nhất không hai. Do đó, gọi là Chơn như. Trong Quan Âm Nam Hải truyện kết luận bằng một bài kệ:

“Chân như Đạo Phật rất mầu. Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân. Hiếu là độ được song thân. Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài”.
 

 


Theo Văn hoá Phật giáo số 303 ngày 15-08-2018

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm