Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Trí, bi và lạc trong kinh Lăng-già

Bài kệ đầu tiên của kinh Lăng-già là của Bồ-tát Đại Huệ tán thán Đức Phật. Bốn câu đầu trong tất cả tám câu nói về đại bi:
Mục lục

Bài kệ đầu tiên của kinh Lăng-già là của Bồ-tát Đại Huệ tán thán Đức Phật. Bốn câu đầu trong tất cả tám câu nói về đại bi:

Thế gian lìa sanh diệt
Giống như hoa trong không

Trí chẳng đắc có không
Mà hưng tâm đại bi.

Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa khỏi tâm thức
Trí chẳng đắc có không
Mà hưng tâm đại bi.

Thế gian hằng như mộng
Xa lìa khỏi đoạn thường
Trí chẳng đắc có không
Mà hưng tâm đại bi.

Biết nhân pháp vô ngã
Phiền não và sở tri
Thường thanh tịnh vô tướng
Mà hưng tâm đại bi.

Trong bốn câu kệ này, trí huệ luôn luôn gắn liền với đại bi. Trí huệ là cái thấy tánh Không, được khai thị trong ba cầu đầu của mỗi câu kệ. Chẳng hạn như câu đầu tiên, trí huệ là “Thế gian lìa sanh diệt, giống như hoa trong không, trí chẳng đắc có không”, đi liền với đại bi là “Mà hưng tâm đại bi”.

Trong những kinh Đại thừa, khi nói về Đức Phật, bao giờ cũng có đại từ đại bi: “Bốn vô sở uý, bốn vô ngại giải, mười lực, mười tám pháp bất cọng, đại từ đại bi”. Thế nên sự tu hành của Bồ-tát bao giờ cũng gắn liền với trí huệ và đại bi, điều này chúng ta thấy rõ trong Bồ-đề tâm.

Trong quan niệm của đời thường, trí huệ thuộc về lý trí, chỉ số thông minh (IQ); còn đại bi thuộc về tình cảm, chỉ số cảm xúc (EQ), hai cái có vẻ chẳng có thể dung hoà với nhau. Nhưng với Phật giáo, ở một tâm thức cao cấp, hai cái này trở thành một và hoàn thành được sự hợp nhất của bán cầu não phải và bán cầu não trái.

Tại sao lòng bi cần có trí huệ? Lòng bi bình thường chỉ là một tình cảm mang tính cảm tính của cá nhân, phát khởi cho một đối tượng nhất định và hạn hẹp, do đó tình cảm ấy nhỏ hẹp và thường thiên lệch. Lòng bi của Bồ-tát phải khách quan, nghĩa là phải cần trí huệ để không bị giới hạn trong chủ thể và đối tượng (“Biết nhân pháp vô ngã”), không bị ngăn che bởi phiền não chướng và sở tri chướng (“Phiền não và sở tri”). Chính vì không bị giới hạn trong tâm thức bình thường bị phân mảnh bởi các tướng mà lòng bi trở thành đại bi. Trí huệ tánh Không phá vỡ sự ngưng đọng vào các tướng che chướng ngăn ngại trong tâm khiến cho tâm mỗi lúc một rộng lớn để trở thành “vô ngại đại bi tâm”. Như thế, như huyễn và đại bi là một.

Như kinh Kim Cương nói: “Độ tất cả chúng sanh mà thật không có chúng sanh nào được độ”.

Ngược lại, đại bi ôm trùm chúng sanh thế giới khiến tâm rộng lớn bao la, hỗ trợ cho trí huệ xoá nhoà mọi chướng ngại phân cách. Tâm trí huệ và đại bi là một tâm sáng tỏ (trí huệ) và bao trùm tất cả (đại bi). Tâm ấy là tánh Không hợp nhất với đại bi, đồng với pháp giới tánh, đó là lý do có thành ngữ “đồng thể đại bi”.

Bồ-tát ngay từ đầu đã tu tâm bi, trong Bồ-đề tâm thì “nguyện giác ngộ” là trí huệ; và “để độ tất cả chúng sanh” là đại bi. Chính nhờ đại bi mà Bồ-tát vượt khỏi sự giải thoát của bậc Thanh văn:

“Thanh văn thừa rõ biết cảnh giới các chân lý Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, lìa dục, tịch diệt, tâm trụ một cảnh. Đã trụ một cảnh thì được đạo quả thiền định, tam- muội giải thoát mà được xuất ly, trụ cảnh giới lạc của tự chứng thánh trí, nhưng chưa hết được tập khí và biến dịch sanh tử không thể nghĩ bàn. Đó là tướng cảnh giới tự chứng thánh trí của Thanh văn thừa.

Đại Bồ-tát tuy cũng đắc cảnh giới thánh trí này, nhưng vì thương xót chúng sanh và vì giữ gìn bổn nguyện nên chẳng chứng môn tịch diệt và tam-muội lạc. Các Đại Bồ- tát chẳng nên tu học để vào cái lạc của tự chứng thánh trí ấy”.

Đại bi là “bổn nguyện độ chúng sanh nên không nhập Niết-bàn”:

“Sao là từ vô thuỷ khởi nguyện độ chúng sanh? Các Bồ-tát vì phương tiện bổn nguyện, nguyện cho tất cả chúng sanh đều vào Niết-bàn; nếu còn một chúng sanh nào chưa Niết-bàn thì tôi rốt cuộc chẳng nhập...

Những Bồ-tát nhất-xiển-đề biết tất cả xưa nay Niết- bàn, rốt cuộc chẳng nhập, chứ chẳng phải xả bỏ thiện căn (nguyện độ chúng sanh)... Phật không có lúc nào bỏ tất cả chúng sanh, thế nên Bồ-tát nhất-xiển-đề không nhập Niết-bàn”.

Trí huệ ngộ nhập như huyễn luôn luôn đi với đại bi. Một người khi thấy những người chung quanh suốt đời nhọc nhằn tìm hái “hoa giữa hư không”, “mò trăng đáy nước”, trông chờ “người gái bằng đá sanh con” nên “trôi lăn không ngừng trong các nẻo như bánh xe do nước quay”, khổ đau và làm người khác khổ đau “vì trò huyễn thuật của huyễn sư tạo ra” khiến “người gỗ hoạt động”, “theo ái sanh các uẩn, như điều thấy trong mộng”... thì không thể nào không khởi lên thương xót cho sự điên đảo khổ đau ấy mà tìm cách cứu những người kia ra khỏi cơn mê mộng vọng tưởng.

Trí huệ ngộ nhập như huyễn không chỉ là để tự cứu mình, tự bảo vệ mình trong cơn lốc của sanh tử, mà còn là sức mạnh để cứu người. Đó là sức mạnh của “định như huyễn”, cũng tức là năng lực của “ý sanh thân”. Với định như huyễn, trí huệ và đại bi là một.

Cũng cái trí huệ chứng ngộ như huyễn này sanh ra hoan hỷ, an vui:

“Khiến họ biết những cái được thấy đều là tự tâm, đoạn dứt tất cả kiến chấp ta và cái của ta, lìa các ác nhân duyên năng tác sở tác, rõ biết duy tâm, chuyển ý thành lạc, khéo rõ các địa, vào cảnh giới Phật, xả bỏ các kiến phân biệt về năm pháp, ba tự tánh”.

Ở phần mở đầu kinh Lăng-già, Đức Phật đã cười hai lần vì thấy tất cả đều duy tâm như huyễn:

“Bấy giờ Như Lai đưa mắt nhìn khắp thành lớn Lăng- già trên núi Ma-la-đà, bèn mỉm cười mà nói rằng, ‘Các bậc Chánh đẳng giác ngày xưa đều ở trong thành này nói pháp thánh trí tự chứng... Nay ta cũng sẽ khai thị pháp này cho vua La-bà-na’...

Như Lai nhìn các làn sóng biển, thấy cảnh giới tạng thức chúng hội như đại dương có gió chuyển động làm sóng thức khởi”.

Lần thứ hai, Đức Phật cười lớn:

“Bấy giờ Thế Tôn từ xa quán khắp chúng hội bằng huệ nhãn rồi bỗng hân hoan mạnh mẽ cười lớn như vua sư tử... Lúc ấy trong hư không Phạm Thiên, Đế-thích, Bốn Thiên vương từ xa thấy Như Lai ngồi như núi Tu-di trên đỉnh Lăng-già hân hoan cười lớn”.

Đó là “chứng trí thường an lạc”, là “Như Lai tam- muội lạc” của Đức Phật, bậc chứng hoàn toàn trí như huyễn. Người tu hành trí như huyễn này cũng đồng thời chứng ngộ lạc:

“Phật dạy: Hãy nghe kỹ, ta sẽ nói cho ông, Đại Huệ! Năm pháp, ba tự tánh, tám thức, hai vô ngã là danh, tướng, phân biệt, chánh trí, như như.

Nếu người tu hành quán sát pháp này thì nhập vào cảnh giới tự chứng của Như Lai, xa lìa các kiến thường đoạn, hữu vô... đắc tam-muội hiện pháp lạc rất sâu. Đại Huệ! Người phàm phu không biết năm pháp, ba tự tánh, tám thức, hai vô ngã, nơi tâm hiện thấy có ngoại vật mà khởi phân biệt. Thánh nhân thì không như thế”.

Ở trong như huyễn tam-muội cũng là ở trong hiện chứng tam-muội lạc:

“Phật dạy: Đại Huệ! Tất cả pháp là thiện pháp, bất thiện pháp, hữu vi pháp, vô vi pháp, thế gian pháp, xuất thế gian pháp, hữu lậu pháp, vô lậu pháp, hữu thọ pháp, vô thọ pháp. Đại Huệ! Nói tóm thì năm thủ uẩn là do tập khí của tâm, ý, ý thức làm nhân mà được tăng trưởng. Phàm ngu nơi đó mà sanh phân biệt, cho rằng thiện, bất thiện. Thánh nhân thì trụ hiện chứng tam-muội lạc, đó gọi là pháp thiện vô lậu”.

Tóm lại trí huệ như huyễn và đại bi và lạc là một.


Theo Văn hoá Phật giáo số 293 ngày 15-03-2018
 

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm