Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Từ bi là cội nguồn và trái tim của Phật giáo

Người đệ tử Phật, khi phát nguyện quy y Tam Bảo, nguyện sẽ đi theo bước chân của Phật, nguyện học tập theo các công hạnh của Ngài, dựa trên nền tảng căn bản của Từ Bi và Trí Tuệ.
Mục lục

Trái tim và khối óc trong cơ thể một con người là hai bộ phận tượng trưng cho Từ Bi và Trí Tuệ. Trong khuôn khổ của bài viết này tác giả xin trình bày về Từ Bi trong đạo Phật.

Định nghĩa đơn giản nhất, “Từ” là ban vui (chia sẻ niềm vui đến mọi người và vui với cái vui của người khác), “Bi” là cứu khổ (là đồng cảm, xót thương trước cảnh khổ của người), còn Hòa thượng Thích Nhất Hạnh định nghĩa Từ Bi đơn giản là yêu thương.

Nói đến lòng từ bi thì đức Phật Thích Ca là một tấm gương thật sống động. Người đã xả thân mạng của mình cho muôn loài chúng sanh. Ảnh minh họa
Nói đến lòng từ bi thì đức Phật Thích Ca là một tấm gương thật sống động. Người đã xả thân mạng của mình cho muôn loài chúng sanh. Kinh Kim Quang Minh có chép rằng:

Vào thời quá khứ, có vua Ma-ha La-đà thường làm việc thiện, không có kẻ thù. Vua có ba người con. Một hôm ba vị vương tử cùng vào rừng du ngoạn, dần đến một khu rừng trúc thì dừng lại nghỉ ngơi. Cả ba cùng gặp hổ mẹ vừa sinh bảy con mới được bảy ngày. Bị các hổ con quấn quýt, không thể kiếm ăn, nên hổ mẹ đói khát khốn khổ, thân thể ốm gầy, mạng sống không còn bao lâu. Vương từ thứ ba suy nghĩ:

– Nay chính là lúc ta xả thân mạng. Ta từ xưa đến nay đã xả thân nhiều lần, nhưng đều vô ích! Tùy thời cấp dưỡng cho thân không thiếu gì, mà nó không biết ân, lại hận oán. Thân này thật không bền chắc, nay ta xả bỏ để có sự nghiệp Vô thượng, làm chiếc cầu lớn trên biển sinh tử, vĩnh viễn xa lìa nỗi lo sợ vô thường biến đổi, thành tựu đầy đủ công đức trí tuệ.

Nghĩ thế, vương tử liền nói với hai anh:

- Hai anh cùng với gia nhân có thể trở về trước, em sẽ về sau!

Ngài trở lại chỗ bầy hổ, cởi y phục treo lên cành tre và phát nguyện: ‘Ta nay vì tất cả chúng sinh, cầu chứng đạo mầu Vô thượng giác, độ chúng sinh trong ba cõi!’. Phát nguyện xong, vương tử buông mình trước bầy hổ đói, nhưng do oai lực từ bi của ngài nên hổ không thể ăn thịt. Vương từ suy nghĩ: ‘Hổ quá ốm gầy, sức lực yếu ớt không thể ăn thịt ta’. Vương tử lại tìm dao bén, nhưng không có, bèn dùng cành tre khô tự đâm vào cổ, cho máu tuôn ra chảy đến bên hổ. Hổ thấy máu từ cổ vương tử tuôn ra, liền đến uống và ăn thịt, chỉ còn lại xương.

Còn trong kiếp này thông qua nhiều bài giảng, ngài luôn khuyến dụ đệ tử phải biết phát tâm Từ Bi.

Thường giữ lòng từ ái;

Sống đúng lời Phật khuyên

Biết đủ biết dừng lại;

sẽ thoát dòng tử sanh

(Kệ Pháp Cú Bắc Truyền 121)

Ít muốn siêng học hành;

đừng đắm trong lợi danh

Nhân từ đừng phạm ác;

sẽ sống đời thanh danh

(Kệ Pháp Cú Bắc Truyền 122)
 

Đức Phật A Di Đà, người đã thấy sự đau khổ của chúng sanh trong cảnh Ta Bà mà phát lên 48 lời nguyện, hình thành nền cõi nước Tây Phương Cực Lạc. Nguyện đưa hết chúng sanh rời xa đường khổ đến bờ bến an lạc.

(Kinh Vô Lượng Thọ)

Bồ Tát Quán Thế Âm, vị Bồ Tát đại diện cho lòng Từ Bi, Ngài đã ứng hóa ra 33 thân tướng khác nhau, đi khắp nơi cứu độ chúng sanh. Nếu ai xưng niệm danh hiệu ngài, ngài liền ứng hiện giúp đỡ cho vượt qua khó khăn, khổ nạn.

(Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phổ Môn Phẩm)

Hình ảnh chư Phật, chư Bồ Tát là những tấm giương sáng nhất cho mỗi người chúng ta noi theo. Chúng ta nương theo các ngài, ứng dụng lòng từ bi vào cuộc đời.

Nay ta là người đã hiểu Phật pháp, đã phát khởi được tâm từ bi, thì cho dù người đó không chịu nhường cho ta, ta vẫn nguyện sẽ nhường đường cho người. Từ đó, đường trước rộng ra và cả hai đều có thể thẳng tiến đến đích. Ảnh minh hoạ

Đối với gia đình thì phải hết lòng kính trọng ông bà cha mẹ, thương yêu anh chị em trong nhà. Đối với những người bạn thân xung quanh thì ta phải hết lòng thương yêu họ (đối với người thương yêu ta thì ta thương yêu họ là điều hiển nhiên.

Ngược lại đối với những người ghét ta, hay muốn hãm hại ta thì để thương yêu được họ lại là một thử thách lớn đối với đạo đức của ta). Đối với môi trường xã hội thì phải có tinh thần đoàn kết, biết san sẻ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua những lúc khó khăn. Làm được vậy, ta mới xứng đáng là người đệ tử Phật.

Có một điều lạ là những thiết bị điện tử như điện thoại, Ipad hay đến những phương tiện thông tin đại chúng như Facebook, Zalo,… được quảng cáo là có khả năng kéo con người lại gần với nhau hơn. Nhưng ngược lại chính chúng là thủ phạm khiến người với người ngày càng xa cách nhau.

Ngày nay, đời sống xã hội phát triển, mỗi người đều có riêng cho mình một phương tiện liên lạc, trò chuyện, thế là người ta dành cả ngày, thậm chí cả đêm dán mắt vào trong màn hình máy tính, không còn để ý gì đến mọi việc xung quanh. Hay trong một gia đình ba, bốn thành viên mà mỗi người đều sống trong thế giới riêng của mình, không còn quan tâm gì đến những thành viên khác nữa.

Nếu cứ như vậy thì tình cảm giữa con người với nhau càng ngày càng phai nhạt. Đến một ngày tình thương yêu, lòng bao dung, từ ái không còn thì con người sống với nhau một cách dửng dung, vô cảm, trái tim không còn rung động khi thấy những cảnh khổ đau của những người xung quanh mình. Thấy được mối nguy hại như vậy, nên chúng ta phải hết sức cẩn thận khi sử dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, biết ứng dụng đúng cách sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đừng để chúng dẫn dắt ta đi lầm đường lạc lối.

Một con đường hẹp mà cả ta và người đều muốn bước qua. Ta và người cùng tranh giành đấu đá quyết liệt để được đi qua con đường đó. Cuối cùng, chẳng có ai qua được. Nay ta là người đã hiểu Phật pháp, đã phát khởi được tâm từ bi, thì cho dù người đó không chịu nhường cho ta, ta vẫn nguyện sẽ nhường đường cho người. Từ đó, đường trước rộng ra và cả hai đều có thể thẳng tiến đến đích.

Từ Bi trong Phật giáo là chúng ta làm phát khởi lòng yêu thương trong chính mình. Từ Bi đi đôi với Trí Tuệ nên vượt thoát mong cầu và phân biệt. Và Từ Bi trong Phật giáo cũng là phương tiện hành đạo của hành giả cũng như chư vị Bồ Tát. Ảnh minh họa

Người đệ tử Phật có thể khởi từ tâm thương yêu cho đến tất cả mọi loài. Thế nhưng ngược lại, đôi khi những người sống kề bên cạnh ta mà ta chưa thương yêu được họ. Ví như người ta thương yêu cho đến từng loài sâu, từng con kiến, nhưng khi gặp điều không vừa lòng, ta chẳng tiếc lời chửi mắng hay đánh đập những người thân của mình không thương tiếc. Có người đi chùa lâu năm, kinh nào cũng thuộc nhưng đụng chút là nổi sân. Như vậy, liệu ta có làm đúng theo như lời Phật đã dạy hay chưa?

Chúng ta phải đi từng bước trên con đường thực tập phát khởi tâm từ bi:

Thương yêu những người trong gia đình (ông bà cha mẹ, anh chị em ta..)

Thương yêu những người xung quanh (bạn bè than thiết, hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp trong công ty, hay huynh đệ sống chung một mái chùa…)

Thương yêu những người trong cộng đồng xã hội và trong quốc gia của ta

Yêu thương toàn thể những con người trên địa cầu

Yêu thương tất cả chúng sanh (từ con người cho đến loài vật)

Yêu thương cả những chúng sanh vô tình (từ cây cỏ tới rừng núi)

Thay cho lời kết! Có một cậu bé kia giận mẹ mình nên cậu chạy vào một khu rừng và hét thật to “Tôi ghét người” cả khu rừng đồng thanh đáp lại “Tôi ghét người”. Cậu bé sợ hãi chạy về nói với mẹ. Mẹ cậu dẫn trở lại khu rừng, dạy cậu hãy nói rằng “Tôi thương người”, cả khu rừng lại đồng thanh đáp “Tôi thương người”. Câu chuyện này giống như chính bản thân ta. Khi ta ganh ghét, đố kỵ hay muốn hại người thì chính người cũng ganh ghét, đố kỵ hay muốn hại ta. Ngược lại, khi ta thương yêu người thì chắc chắn người sẽ thương yêu ta.

Từ Bi trong Phật giáo là chúng ta làm phát khởi lòng yêu thương trong chính mình. Từ Bi đi đôi với Trí Tuệ nên vượt thoát mong cầu và phân biệt. Và Từ Bi trong Phật giáo cũng là phương tiện hành đạo của hành giả cũng như chư vị Bồ Tát. Nếu mình giúp người để mong người giúp lại thì chưa phải là bản chất đích thực của Từ Bi trong Phật giáo.


Nguồn: phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm