Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Tỷ-kheo phải biết xông khói

Trong Đại kinh Người chăn bò thuộc tuyển tập Trung bộ, Đức Phật dùng hình ảnh người chăn bò có đầy đủ mười một đức tánh chăn dắt khiến đàn bò đi đến hưng thịnh để lưu nhắc các Tỷ-kheo về mười một đức tính mà người xuất gia cần phải nuôi dưỡng và phát triển nhằm giúp cho mình được trưởng thành và thịnh mãn ở trong Pháp và Luật của Như Lai.
Mục lục

Trong Đại kinh Người chăn bò thuộc tuyển tập Trung bộ, Đức Phật dùng hình ảnh người chăn bò có đầy đủ mười một đức tánh chăn dắt khiến đàn bò đi đến hưng thịnh để lưu nhắc các Tỷ-kheo về mười một đức tính mà người xuất gia cần phải nuôi dưỡng và phát triển nhằm giúp cho mình được trưởng thành và thịnh mãn ở trong Pháp và Luật của Như Lai. Trong số mười một đức tính của người chăn bò, xông khói là một đức tính mà người chăn bò cần thực hiện đối với đàn bò của mình. Tương tự, trong số mười một đức tính của Tỷ-kheo, thuyết giảng Chánh pháp cho người khác được xem là một đức tính mà người xuất gia cần phải học tập và thể hiện.

Vì sao người chăn bò phải biết xông khói cho đàn bò của mình? Xông khói là một việc làm nhằm tránh cho đàn bò khỏi bị tổn thương bởi sự tấn công của các loài côn trùng. Ngày xưa, ở các xứ sở nông nghiệp có chăn nuôi các loài trâu bò thuộc vùng nhiệt đới, do thiếu phương tiện, người ta thường nhen nhúm các loại cỏ hoặc trấu chung quanh các chuồng trại nuôi trâu bò vào buổi tối để xua đuổi các loài muỗi và côn trùng tấn công các súc vật cho sức kéo này. Lửa cỏ hay lửa trấu được nhen nhúm tỏa ra các làn khói khiến cho các loài muỗi mòng phải tránh xa, không thể xâm nhập gây tổn hại cho các loài súc vật. Đó là một cách bảo vệ đàn bò khỏi bị tổn thương do sự tấn công của các loài muỗi mòng.

Người chăn bò xông khói là thế, còn người xuất gia thì xông khói thế nào và xông khói để làm gì? Đức Phật cắt nghĩa: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo có xông khói? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thuyết giảng rộng rãi cho các người khác biết Chánh pháp mình được nghe, được thọ trì. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo có xông khói”[1].

Tỷ-kheo có xông khói nghĩa là người xuất gia, sau khi học tập và hành trì Chánh pháp, phải có trách nhiệm thuyết giảng rộng rãi cho người khác về giáo pháp giải thoát mà mình đã được học tập và thọ trì. Để làm gì? Để giáo hóa người khác. Để giúp cho người khác nhận ra và bước đi trên con đường giải thoát an lạc do Như Lai chứng ngộ và tuyên thuyết. Đây là trách nhiệm cao quý của người xuất gia trong sự nghiệp tu học lời Phật dạy, vừa khiến cho mình hoàn thiện về sở học sở tu, vừa giúp cho người khác có được nhân duyên học tập và sống theo lời Phật dạy. Nói cách khác, người xuất gia cần phải biết thuyết giảng Chánh pháp để giúp cho người khác tránh xa ác pháp, an trú vào thiện pháp; tựa như người chăn bò cần phải biết xông khói để bảo vệ đàn bò của mình, tránh cho đàn bò khỏi bị thương tổn do sự tấn công của các loài muỗi mòng. Đức Phật được tôn xưng là bậc đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng sinh, đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng sinh[2], do Ngài đã thuyết giảng Chánh pháp, khiến cho nhiều người xa lìa phi pháp, an trú diệu pháp[3].

Tài liệu Mahàvagga thuộc Luật tạng Pàli và kinh Sập bẫy thuộc Tương ưng bộ lưu lời Phật khuyên dạy 59 Tỷ-kheo chứng quả A-la-hán đầu tiên sau ngày Thế Tôn chuyển Pháp luân: “Này các Tỷ-kheo, Ta đã được giải thoát khỏi tất cả trói buộc ở Thiên giới và Nhân giới. Các Thầy cũng đã được giải thoát khỏi tất cả trói buộc ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh”[4].

Thông tin từ bản kinh Đại Bát-niết-bàn Trường bộ cho biết trước khi nhập Niết-bàn ở Kusinàrà, Thế Tôn ân cần khuyên nhắc các Tỷ-kheo chuyên tâm tu học giáo pháp của Ngài để truyền bá rộng rãi con đường giải thoát, làm lợi lạc cho cuộc đời: “Này các Tỷ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các Ngươi, các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người. Này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy, các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để cho phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người? Chính là Bốn Niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Thần túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ-đề phần, Tám Thánh đạo phần. Này các Tỷ-kheo, chính những pháp này do Ta chứng ngộ và giảng dạy, mà các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”[5].

Như vậy, lời Phật cho thấy bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia là hết sức rõ ràng. Người xuất gia có bổn phận học hỏi, tu tập, chứng nghiệm đầy đủ giáo pháp giác ngộ của Phật và có trách nhiệm truyền bá rộng rãi giáo lý giải thoát của chư Phật, vì lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho chúng sinh. Nói cách khác, người xuất gia có bổn phận thực thi lối sống xa lìa ác pháp, thực hành thiện pháp và có trách nhiệm khuyến khích người khác xa lìa ác pháp, thực hành thiện pháp, thể hiện nếp sống tự giác và giác tha, làm lợi lạc cho cuộc đời. Vị ấy được mô tả có lối sống như thế này: “Tự mình từ bỏ sát sanh và khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh; tự mình từ bỏ lấy của không cho và khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho; tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục và khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục; tự mình từ bỏ nói láo và khuyến khích người khác từ bỏ nói láo; tự mình từ bỏ nói hai lưỡi và khuyến khích người khác từ bỏ nói hai lưỡi; tự mình từ bỏ nói lời thô ác và khuyến khích người khác từ bỏ nói lời thô ác; tự mình từ bỏ nói lời phù phiếm và khuyến khích người khác từ bỏ nói lời phù phiếm; tự mình từ bỏ tham và khuyến khích người khác từ bỏ tham; tự mình từ bỏ sân tâm và khuyến khích người khác từ bỏ sân tâm; tự mình có chánh kiến và khuyến khích người khác có chánh kiến”[6].

Một cách nói khác: “Tỷ-kheo có chánh tri kiến, còn khích lệ người khác có chánh tri kiến; có chánh tư duy, còn khích lệ người khác có chánh tư duy...; có chánh ngữ, còn khích lệ người khác có chánh ngữ...; có chánh nghiệp, còn khích lệ người khác có chánh nghiệp...; có chánh mạng, còn khích lệ người khác có chánh mạng...; có chánh tinh tấn, còn khích lệ người khác có chánh tinh tấn...; có chánh niệm, còn khích lệ người khác có chánh niệm...; có chánh định, còn khích lệ người khác có chánh định”[7].

Đôi khi, người xuất gia được khuyên dạy như vầy:

“Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới hạnh và khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; tự mình đầy đủ Thiền định và khuyến khích người khác đầy đủ Thiền định; tự mình đầy đủ trí tuệ và khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ; tự mình đầy đủ giải thoát và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát; tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Đầy đủ năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người”[8].

Nhìn chung, làm cho người khác tin tưởng và chấp trì pháp giải thoát của Phật là trách nhiệm cao quý mà người xuất gia cần nỗ lực thể hiện ở trong cuộc đời. Điều này cũng có nghĩa là người xuất gia cần thực hiện tốt phận sự tu học của mình để có đủ uy đức và kinh nghiệm hướng dẫn cho người khác hành trì con đường giác ngộ của Đức Phật. Rõ ràng, với kinh nghiệm tu học của mình, người xuất gia có nhiều thuận duyên trong việc khuyến khích người khác học tập và thực hành pháp giác ngộ của Phật. Trước hết, người xuất gia có điều kiện thường xuyên học tập lời Phật dạy, có nhân duyên hành sâu lời Phật dạy. Nhờ thường xuyên học tập và hành sâu lời Phật dạy, người xuất gia có cơ duyên nắm bắt đầy đủ giáo pháp của bậc Đạo sư, hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của từng pháp môn do bậc Giác ngộ giảng dạy. Với uy tín của người học sâu và hành sâu pháp giải thoát của Phật, người xuất gia có đủ điều kiện để thuyết giảng Chánh pháp, được chờ đợi thể hiện tiếng nói tốt đẹp của tâm giải thoát, tuệ giải thoát ở giữa cuộc đời.

Vậy người xuất gia nên thuyết pháp như thế nào?

Trước hết, liên quan đến hoạt động thuyết pháp, nghĩa là vận dụng ngôn ngữ để chuyển tải pháp giải thoát của Phật, người xuất gia được khuyên cân nhắc về năm cách nói: “Chư Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các người có thể dùng khi nói với các người khác: đúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm. Chư Tỷ- kheo, khi nói với các người khác, các người có thể nói đúng thời hay phi thời. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các người có thể nói lời chơn thực hay nói lời không chơn thực. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các người có thể nói lời nhu nhuyến hay nói lời thô bạo. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các người có thể nói lời lợi ích hay nói lời không lợi ích. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các người có thể nói với từ tâm hay với sân tâm”[9].

Nói cách khác, Đức Phật khuyên các Tỷ-kheo cần phải biết thuyết pháp đúng thời, với lời nói chân thực, tao nhã, có lợi ích, có từ tâm.

 

Một lời dạy khác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thuyết giảng Phật pháp là làm sao khiến cho người khác nhận ra mục đích của lời Phật dạy, nghĩa là nhận ra đâu là ác để từ bỏ, đâu là thiện để theo đuổi; hiểu rõ đâu là khổ để nhàm chán, đâu là diệt khổ để thực hành, mà không phải là nói cho nhiều, nói cho hay, nói cho người khác vui lòng: “Này Vương tử, lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy. Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai ở đây biết thời giải thích lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, Như Lại không nói lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, Như Lai không nói lời nói ấy. Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, ở đây, Như Lai biết thời giải thích lời nói ấy. Vì sao vậy? Này Vương tử, Như Lai có lòng thương tưởng đối với các loài hữu tình”[10].

Thái độ cân nhắc thận trọng của Đức Phật cho thấy trọng tâm của việc thuyết giảng Phật pháp nằm ở chỗ lời thuyết giảng phải tương ứng với mục đích, nghĩa là phải nói thẳng nói thật lời Phật dạy về khổ và diệt khổ để cho người khác thấy ra con đường giải thoát và biết cách bước đi trên con đường ấy, chứ không phải là nói những gì quần chúng thích nghe hay không thích nghe.

Kinh Pháp cú có câu kệ lưu nhắc như vầy:

Dầu nói ngàn ngàn lời,
Nhưng không gì lợi ích,
Tốt hơn một câu nghĩa,

Nghe xong, được tịnh lạc[11].

“Một câu nghĩa” là chỉ cho lời dạy của Đức Phật dạy, dù Ngài nói cho ai và lúc nào, dù nói ngắn gọn hay giải thích rộng rãi, cũng không ra ngoài mục đích “nêu lên sự khổ và sự diệt khổ”, làm sáng lên con đường giải thoát.

Nói cách khác, Tỷ-kheo thuyết pháp cần phải tập trung làm sáng tỏ pháp giải thoát của Phật, phải tập cho người khác biết lắng nghe lời chân thật của Phật, không nên vì sở thích nhất thời của quần chúng mà nói ra ngoài lời Phật dạy.

Kinh Tương ưng bộ ghi lời Phật định nghĩa thế nào là Tỷ- kheo thuyết pháp không thanh tịnh và thế nào là thuyết pháp thanh tịnh:

“Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào với tâm như thế này thuyết pháp cho các người khác: “Ôi, mong họ được nghe pháp ta giảng. Và sau khi nghe pháp, mong họ được hoan hỷ. Được hoan hỷ, mong họ làm cho ta hoan hỷ”. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như vậy thuyết pháp không thanh tịnh.

 

Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào với tâm như thế này thuyết pháp cho các người khác: “Pháp được Thế Tôn khéo giảng, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu. Ôi, mong họ được nghe pháp ta giảng. Và sau khi nghe pháp, mong họ được hiểu rõ pháp. Và sau khi hiểu rõ pháp, mong họ như vậy thực hành; duyên pháp thiện pháp tánh thuyết pháp cho các người khác, duyên lòng từ bi, duyên lòng từ mẫn, khởi lòng lân mẫn thuyết pháp cho các người khác. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy là Tỷ-kheo thuyết pháp thanh tịnh”[12].

Một tiêu chí quan trọng khác gắn liền với hoạt động thuyết pháp rất đáng cân nhắc là người xuất gia chỉ nên chú tâm làm sáng tỏ lời Phật dạy về khổ và diệt khổ, không nên phân tâm say sưa trong việc tán thán hay chỉ trích người khác hoặc đường lối hành trì của người khác. Đức Phật nổi tiếng là vị Đạo sư không tranh chấp với đời, vì Ngài chỉ thuyết pháp, không tranh luận với một ai ở đời[13]. Trong kinh Vô tránh phân biệt (Aranavibhanga Sutta) thuộc tuyển tập Trung bộ, bậc Giác ngộ đưa ra một lời khuyên quan trọng liên quan đến tiêu chí thuyết giảng Phật pháp:

“Tỷ-kheo nên biết tán thán và nên biết chỉ trích. Sau khi biết tán thán và sau khi biết chỉ trích, không tán thán, không chỉ trích, chỉ nên thuyết pháp”.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là tán thán, thế nào là chỉ trích, nhưng không thuyết pháp?

Ở đây, vị ấy chỉ trích một số người và nói như sau: ‘Những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục nhưng đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những người ấy có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo’. Vị ấy tán thán một số người và nói như sau: ‘Những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục, nhưng không đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo’.

Ở đây, vị ấy chỉ trích một số người và nói như sau: ‘Những ai đam mê hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy đều có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc về tà đạo’. Ở đây, vị ấy tán thán một số người và nói như sau: ‘Những ai không đam mê hành trì tự kỷ khổ hạnh; đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy đều không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo’.

Ở đây, vị ấy chỉ trích một số người và nói như sau: ‘Những ai chưa đoạn tận hữu kiết sử, tất cả những vị ấy đều có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo’. Ở đây, vị ấy tán thán một số người và nói như sau: ‘Những ai đã đoạn tận hữu kiết sử, tất cả những vị ấy không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo’.

Như vậy, này các Tỷ-kheo là có tán thán và có chỉ trích nhưng không thuyết pháp.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không có tán thán và không có chỉ trích, nhưng có thuyết pháp?

Vị ấy không nói như sau: ‘Những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục, nhưng đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo’. Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau: ‘Sự đam mê là một pháp có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo’. Vị ấy không nói: ‘Những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục, nhưng không đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, tất cả những vị ấy không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo’. Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau: ‘Không đam mê là một pháp không đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo’.

Vị ấy không nói: ‘Những ai đam mê hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo’. Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau: ‘Sự đam mê là một pháp có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo’. Vị ấy không nói: ‘Những ai không đam mê hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, tất cả những vị ấy đều không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo’. Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau: ‘Sự không đam mê là không đau khổ, pháp này không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc về chánh đạo’.

Vị ấy không có nói: ‘Những ai chưa đoạn tận hữu kiết sử, tất cả những vị ấy đều có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não’. Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau: ‘Khi hữu kiết sử chưa đoạn tận, hữu chưa đoạn tận’. Vị ấy không nói như sau: ‘Những ai đã đoạn tận hữu kiết sử, tất cả những vị ấy không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não’. Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau:‘ Và khi hữu kiết sử được đoạn tận, hữu được đoạn tận’.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không tán thán, không chỉ trích, nhưng chỉ thuyết pháp”[14].

Sở dĩ Thế Tôn khuyên các Tỷ-kheo chỉ nên thuyết pháp, tập trung nói lên sự hiểu biết về khổ và diệt khổ, không nên đụng chạm đến người khác, vì theo tuệ giác của Ngài thì việc tán thán và chỉ trích nhưng không thuyết pháp chính là việc làm đưa đến tranh chấp, có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo. Còn việc không tán thán, cũng không chỉ trích, chỉ có thuyết pháp thì không đưa đến tranh chấp, không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo[15].

Trong sự nghiệp bốn mươi lăm năm thuyết pháp độ sinh, Đức Phật nổi tiếng là bậc Đạo sư có cách nói nhẹ nhàng từ tốn nhưng có sức thuyết phục rất lớn đối với đại đa số quần chúng đương thời, kể cả những người từng chống đối Ngài[16]. Nhiều nơi trong Kinh tạng Pàli thường dẫn câu nói: “Thế Tôn với pháp thoại khích lệ, làm cho thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị này, các vị này. Những vị này, sau khi được Thế Tôn với pháp thoại khích lệ, làm cho thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi”. Một thông tin khác, do vua Pasenadi nước Kosala và du sĩ Pilotika cung cấp, cho hay có những vị Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Gia chủ và Sa-môn bác học, tế nhị, nghị luận biện tài thỉnh thoảng đến thăm Đức Phật với động cơ không thân thiện: “Những vị này nghe: ‘Sa-môn Gotama sẽ đến thăm ngôi làng này hay thị trấn này’. Họ sắp đặt câu hỏi: ‘Chúng ta, sau khi đến, sẽ hỏi Sa-môn Gotama câu hỏi này. Khi bị chúng ta hỏi như vậy, nếu Sa-môn Gotama trả lời như thế này, thì chúng ta sẽ chất vấn như thế kia. Khi chúng ta hỏi như vậy, nếu Sa- môn Gotama trả lời như thế kia, thì chúng ta sẽ chất vấn như thế này’. Những vị này nghe:‘Sa-môn Gotama đã đến thăm ngôi làng này hay thị trấn này’. Những vị này đến chỗ Sa-môn Gotama. Sa-môn Gotama với pháp thoại, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị này. Được Sa-môn Gotama với Pháp thoại khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, họ không hỏi Sa-môn Gotama câu hỏi (đã định trước), huống nữa là chất vấn. Trái lại, họ trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama”[17].

Đức Phật có đủ trí tuệ và đức từ bi để khích lệ và chuyển hóa nhiều người khác đi theo con đường giác ngộ của Ngài. Ngài thuyết phục người khác bằng chính nếp sống thanh tịnh và lời nói chân thực – nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy [18] – của một đấng Giác ngộ. Ngài khuyên các Tỷ-kheo chuyên tâm học hỏi, tu tập và thực chứng đạo giáo của Ngài để tiếp tục thay Ngài thực hiện sứ mạng thuyết pháp độ sinh, làm lợi lạc cho cuộc đời. Bậc Giác ngộ không mong các học trò mình trở thành những chuyên gia hay thuyết trình viên về đạo giáo của Ngài. Ngài mong các đệ tử mình trở thành các hành giả giác ngộ, thể hiện nếp sống giới đức, tâm đức, tuệ đức giữa cuộc đời và khi có duyên thì từ tốn nói lại lối sống cao đẹp ấy cho người khác.


Chú thích:

1. Đại kinh Người chăn bò, Trung bộ.
2. Kinh Ví dụ con chim cáy, Trung bộ.
3. Kinh Một pháp, Tăng chi bộ.
4. Kinh Bẫy sập, Tương ưng bộ.
5. Kinh Đại Bát-niết-bàn, Trường bộ.
6. Kinh Hai mươi pháp, Tăng chi bộ.
7. Kinh Con đường tám ngành, Tăng chi bộ.
8. Kinh Hạnh phúc cho ai (4), Tăng chi bộ.
9. Kinh Ví dụ cái cưa, Trung bộ.
10. Kinh Vô Úy vương tử, Trung bộ.
11. Kinh Pháp cú, kệ số 100.
12. Kinh Ví dụ với trăng, Tương ưng bộ.
13. Kinh Bông hoa, Tương ưng bộ.
14. Kinh Vô tránh phân biệt, Trung bộ.
15. Kinh Vô tránh phân biệt, Trung bộ.
16. Tiểu kinh Saccaka, Tiểu kinh Ví dụ dấu chân voi, Trung bộ.
17. Tiểu kinh Ví dụ dấu chân voi, kinh Pháp trang nghiêm, Trung bộ.
18. Kinh Thế giới, Tăng chi bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 325 ngày 15-07-2019

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm