Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Văn hoá dung hợp cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu hiện nay

Tham luận Hội thảo Vesak LHQ lần thứ 16 tại Chùa Tam Chúc - Hà Nam
Mục lục
VĂN HÓA DUNG HỢP VỚI CÁCH TIẾP CẬN CỦA PHẬT GIÁO VỀ SỰ LÃNH ĐẠO TOÀN CẦU HIỆN NAY
 
1. Văn hóa dung hợp
Sự tương tác qua lại giữa các hệ tư tưởng triết học nếu chúng có cơ hội giao lưu là một vấn đề mang tính tất yếu. Tức là nếu có giao lưu ắt có sự tiếp thu, tiếp biến. Mối tương quan giữa Phật giáo (Ấn Độ) và Nho giáo và Lão - Trang (Trung Quốc), vốn được xem là những cái nôi của nền văn minh nhân loại, cũng không đi ngoài quy luật này.
Trong lịch sử văn hoá tư tưởng, mối quan hệ giữa Phật – Đạo – Nho vô cùng phức tạp, có giao lưu, giao thoa, có điều hòa, có tiếp biến, thậm chí có cạnh tranh, nhưng xu hướng chủ yếu vẫn là hòa đồng, dung hợp.
Xu hướng này đã manh nha từ khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc. Để người dân bản xứ dễ tiếp nhận Phật giáo, các nhà sư thường mượn những thuật ngữ của Nho gia và Đạo gia tương tự với tư tưởng Phật giáo, vốn đã rất quen thuộc với người dân ở đây. Ngược lại, các Nho sĩ, Đạo sĩ cũng thấy được sự bổ túc cần thiết của tư tưởng Phật giáo vào sự khiếm khuyết của Nho gia và Lão gia, nhất là phương diện hình nhi thượng học.
Xu hướng dung hòa Tam giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của dân tộc Trung Quốc, trên từ vua, quan, danh sĩ, trí thức đến các thiền sư, nho sĩ, đạo sĩ, bình dân.
Việt Nam ta, từ thế kỷ thứ II, thiền sư Mâu Bác đã viết Lý hoặc luận (195-198). Đây là tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam bàn về mối quan hệ giữa ba hệ tư tưởng Phật – Đạo – Nho. Lý hoặc luận gồm có 37 điều: 3 điều đầu trình bày về Phật giáo; 8 điều luận về Lão giáo; 1 điều tổng kết, còn lại 25 điều tập bàn về mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo. Điều này giúp chúng ta thấy được, ngay từ cuối thế kỷ thứ II mối tương quan giữa Phật và Nho đã trở thành một vấn đề được nhiều người quan tâm.
Phật giáo khi bắt đầu vào Việt Nam ta, bằng con đường lan tỏa văn hóa, các nhà sư đã dung hợp tinh hoa tư tưởng Phật giáo với văn hóa tín ngưỡng đa thần bản địa, văn hóa Nho, Đạo đã tạo nên một nền văn hóa Phật giáo, văn hóa từ bi dung hợp vô cùng phong phú và đặc sắc trên mảnh đất Việt Nam chúng ta.  
Các tác phẩm như Tham đồ hiển quyết của thiền sư Viên Chiếu (999-1090) đời Lý, rồi Thiền tông chỉ nam tự của Trần Thái Tông (1218-1277); Trịnh Tuệ (1701-?) viết Tam giáo nhất nguyên thuyết; Toàn Nhật (1757-1834) viết Tam giáo nguyên lưu ký.. đều là những tác phẩm bàn về những vấn đề tương quan của Phật – Đạo – Nho.
Thiền sư Trí Thiền bày tỏ quan điểm Phật Nho nhất trí, nhưng nhấn mạnh rằng, chỉ có Phật giáo mới thật sự thoát khổ được: “Lời nói của Như lai chẳng phải là lời nói suông. Các pháp ở trên thế gian này đều là hư ảo, không thực, chỉ có đạo mới là thực, ta còn cần gì nữa; vả lại, Nho gia nói đạo vua tôi, cha con; Phật pháp nói về công đức của các vị Bồ tát, Thanh văn. Hai giáo tuy có chỗ khác nhau nhưng quy về một mối mà thôi. Chỉ là, muốn vượt qua nỗi khổ sinh tử, dứt khỏi sự cố chấp hữu vô, ngoài Phật giáo ra thì không thể nào đạt được”
Trong Thiền tông chỉ nam tự, Trần Thái Tông dẫn ý của lục tổ Huệ Năng: Lục Tổ có nói: bậc đại thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau, như thế đại giáo của đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời.
Trong phần viết về Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh,  của sách Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang khẳng định đây là một tổng hợp Nho – Phật khá độc đáo.
Lê Văn Siêu nhận xét Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh rằng: “Đây là sự phối hợp tinh hoa của Nho, Phật và Đạo gia tạo thành một đồ hình theo cửu cung bát quái có công dụng thực tế, mà riêng phần sáng tác thì có sự phù hợp với toàn bộ tác phẩm trong một kiến trúc chặt chẽ… Riêng phần quan niệm ra 24 thanh, trừu tượng trong cái trừu tượng phải kể là một công phu tuyệt vời. huống còn những lời giảng về những thanh ấy, bằng những câu chuyện ngụ ngôn hoán dụ, hay những điển tích rút ra trong kinh sách Phật hay Nho, cũng cho ta thấy tác giả quả là người thông thái, mà  tác phẩm đã đáng kể là tiêu biểu cho mức tiến hoá tinh thần của người Việt ở thế kỷ XVIII” .

2.Sự dung hợp, giao thoa tư tưởng Phật giáo và Nho giáo
Từ xưa đến nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam nói chung, lãnh đạo Phật giáo nói riêng rất chú trọng xu hướng dung hợp Tam giáo, Phật - Nho nhất trí, phát huy nguyên khí, tinh hoa sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, như thời chúa Nguyễn, Nho và Phật đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tạo ra một phong cách đặc biệt trong giới cầm quyền cũng như trong quần chúng.
 Cuối thế kỷ XVIII, tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh ra đời do thiền sư Hải Lượng Ngô Thì Nhậm và các pháp hữu đệ tử chủ trương, đã luận giải rất logic, chặt chẽ, tư tưởng dung hợp Tam giáo nói chung, Phật – Nho nhất trí nói riêng một cách có hệ thống.
Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh bắt đầu bằng Không thanh. Không thanh trong tác phẩm của Ngô Thì Nhậm ứng với phạm trù Thái cực, có gốc từ Vô cực của Nho gia và triết lý Tính không của Phật giáo. Nếu Phật giáo quan niệm rằng “tính không” là thật tướng của vạn pháp, thì Nho gia xem thái cực là nguồn gốc phát sinh của vạn vật. Thiền sư Hải Lượng thật là sâu sắc khi chọn Không thanh là thanh đầu tiên của hai mươi bốn thanh
Lý và Dục là hai vấn đề lớn được nêu ra trong thanh đầu tiên này. Đây không chỉ là hai phạm trù triết lý cơ bản được các Nho gia xuất sắc đời Tống tranh luận, mà còn là những vấn đề cốt lõi của tư tưởng Phật giáo . Dấu ấn của lý học Tống Nho để lại trong tác phẩm thể hiện rõ nhất thông qua cách giải thích về Lý và Dục của Hải Lượng. Nếu đại biểu của phái Lý học – Chu Hi cho rằng Tính là Lý thì đại biểu của phái Tâm học – Lục Tượng Sơn khẳng định Tâm là Lý.
Mối quan hệ giữa Nho và Phật là vấn đề trọng yếu nhất của tác phẩm. Tinh thần dung hợp giao thoa giữa Nho và Phật có thể thấy được ngay trong lời tựa của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh do Bảo Chân đạo nhân Phan Huy Ích viết: “Giáo lý của Thích Ca tuy nói là không tịch hư vô nhưng đại yếu vẫn là trừ bỏ hết mọi chướng luỹ, thấy rõ chân như. Cho rằng minh tâm kiến tánh là việc cần kíp nhất, nếu đem so sánh với học thuyết thành ý trí tri của nhà Nho ta, thật chẳng có gì trái ngược. Ta nghe đức Phu tử nói ‘Tây phương có bậc đại thánh nhân’. Thế thì Phu tử vốn chưa hề chê bai đạo Phật là dị đoan” [7, tr.141].
Tuy không đả kích Phật giáo cực đoan và phiến diện như Bùi Dương Lịch, Phạm Quý Thích, Phạm Nguyễn Du, Bùi Huy Bích… nhưng Phan Huy Ích vẫn có ý đề cao Nho gia hơn Phật giáo: “Tận tính nhi cùng lý, khu Thích dĩ nhập Nho, ông đã khiến cho tám bộ Phạn vương không ra ngoài cung tường của Tố vương.
Nếu Phan Huy Ích cho rằng: “Khu Thích dĩ nhập Nho (đưa đạo Phật vào đạo Nho) là xu hướng chính của Hải Lượng thiền sư Ngô Thì Nhậm khi viết nên tác phẩm này, Thì Nguyễn Lang Thích Nhất Hạnh có cách nghĩ khác về quan điểm này của Phan Huy Ích: “Hải Lượng đã vượt qua hàng rào kỳ thị chia cách. Đối với ông, cuộc sống là quan trọng, tuệ giác nằm trong lòng sự sống, hình thái ý thức hệ không còn quan trọng nữa. Thế nhưng Phan Huy Ích không hiểu được ông, vẫn khăng khăng nói rằng, tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một công trình đem đạo Phật về với đạo Nho, đâu biết rằng đối với Hải Lượng, sự phân biệt không còn hiện hữu nữa” .
Quan điểm của thiền sư Thích Nhất Hạnh rất xác đáng. Bởi vì, rõ ràng là ngay trên tiêu đề tác phẩm này đã thể hiện rõ nội dung chính của tác phẩm là khôi phục và xiển dương tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm. Nếu như quả thật cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là đưa đạo Phật vào đạo Nho, thì có lẽ nên đổi tên tiêu đề của tác phẩm, hoặc giả tác phẩm này đã không cần có mặt như ta thấy hiện nay. Điều này càng được khẳng định chắc chắn hơn qua lời của thiền sư Hải Huyền ở thanh đầu tiên:
“Thầy ta xử thế bằng đạo Nho, xuất thế bằng đạo Thiền, không phải là biện luận quá mà làm cho người đời kinh hãi. Vì thầy ta tự tại trong lý ấy, rồi vượt ra ngoài cái lý ấy. Chỉ có thầy ta mới thấu suốt chân lý, nên mới lấy thuyết này phá tan mọi nghi ngờ.” .
Thiền sư Hải Lượng giảng giải về lý bình đẳng của Phật so với nghĩa đại đồng của Nho gia: “Ta nghe Khổng Tử nói chim muông ta không thể cùng bầy được, nếu không bạn bè với người thì ta còn bạn bè với ai? Kinh Liên hoa nói rằng, ta xem hết thảy đều bình đẳng, không có lòng yêu này ghét nọ. Ta không tham cái gì cũng không có cái gì hạn định và trở ngại ta cả. đó là cái nghĩa đại đồng của Nho gia)”. Rõ ràng, cái nghĩa đại đồng của Khổng tử thiết lập trên bình diện con người với con người, loại bỏ muôn thú ra ngoài. Còn cái nghĩa bình đẳng của nhà Phật là tất cả chúng sinh đều bình đẳng, bao gồm cả Phật trời thần thánh.
Luận về sự tương đồng trong quan niệm về tính mệnh và sự chết giữa Chu Dịch và kinh Lăng già, Hải Lượng cho rằng: “Chu Dịch có sáu mươi bốn quẻ, mà chỉ cho quẻ khốn được chữ Trí Mệnh. Lăng già có tám thức mà chỉ cho ý thức được chữ Niết Bàn. Nho không cho phép người ta coi nhẹ cái chết. Thích cũng không cho người ta coi nhẹ cái chết.
Vì vậy cho nên nhà Nho lấy ‘Nghĩa tinh nhân thục’ làm quý. Nhà Phật lấy ‘Trí minh ý cao’ làm quý. Nếu nhân nghĩa không tinh thục, trí ý không cao minh, không qua được cửa ải sinh tử, thì làm sao chế định được cái mệnh sinh tử của con người?
Sống chết là vấn đề muôn thuở của con người. Các hệ tư tưởng, các triết gia đều quan tâm giải quyết. Phật giáo xem sinh tử là việc lớn nhất trên đời, Nho gia xem trọng, giữ gìn thân thể do cha mẹ sinh ra, khuyến cáo mọi người không thể xem nhẹ cái chết. Liên quan đến quan niệm về sống chết, mặc dù tư tưởng Lão - Trang cũng được các tác giả tiếp thu, thâm nhập, dung hoà dưới tông chỉ Tam giáo đồng nguyên, nhưng đây đó trong tác phẩm vẫn có chỗ những người cộng sự của tác giả phần chính văn phê phán thậm chí là đả kích Đạo gia. Hải Âu nói: “Trang - Lão có thuyết diều quạ kiến bọ (người chết thì đừng chôn, cứ để cho diều quạ kiến bọ ăn) thì lại là bừa bãi, quái gở, không hợp với đạo. Từ xưa đến nay, Thiền gia vẫn lấy Viên Tịch làm siêu thoát, lấy Xả Thân làm chân tu, điều này vẫn hàm ý sâu xa mà ít người biết”
Con người có thể làm chủ được vận mệnh của chính mình, Phật Thích Ca cũng là con người bình thường, nhờ nỗ lực tu tập, tìm ra chân lý, vượt qua biển khổ sinh tử luân hồi, đến giải thoát Niết Bàn; Khổng tử cũng là con người bình thường, nhờ không ngừng học hỏi, tu dưỡng đạo đức, mới có thể tri thiên mệnh được. Điều này thể hiện quan điểm tích cực của Hải Lượng trong việc khẳng định giá trị con người và tin tưởng vào năng lực con người.
Sự tương đồng của Phật gia và Nho gia còn thấy được qua nội dung uyên áo của kinh Lăng già và cái huyền hư của kinh Dịch: “Phật diễn giảng kinh Lăng già, tức là giảng cái u huyền của Chu Dịch”. Hơn nữa, đến cả cái thô và cái tinh trong việc học Phật , học Nho cũng không khác nhau: “Cái học từ chương của Nho gia, cái học chay cúng của Thích gia ấy là “chạy theo dị đoan”. Cái “đoan” (hệ thống) đạo lý của Phật và của Thánh có bao giờ “dị” (khác) đâu, nhưng từ chương và chay cúng là cái thô của Nho và Thích”.
Hải Lượng cho rằng tiến trình nhận thức kể cả Nho và Phật đều phải theo thứ tự từ thô vào tinh. Nếu không bắt đầu từ cái Thô thì cái Tinh của đạo lý không do đâu mà vào được.) Cách nghĩ này có lẽ chỉ đúng với Nho học và Phật học ở cấp độ Nhân thừa, chứ chưa phù hợp với tôn chỉ “Tức tâm tức Phật” Thiền tông nói chung, “Phật tại tâm” của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng.
Bảo Chân đạo nhân Phan Huy Ích đón đầu sự phản bác của Nho sĩ khi đọc tác phẩm này như sau: “Đạo lớn phát ra tự trời, lưu hành khắp vũ trụ, phân tán thành vạn vật. Cái thể thì đồng, nhưng cái dụng thì dị. Đồng là gốc, còn dị là ngọn, xem bề ngoài thì tưởng như khác đường khác nẻo, nhưng thống hội lại cho đến chỗ cực kỳ tinh vi thiết yếu thì chẳng có gì là vượt ra ngoài đạo lớn kia được. Giáo lý của Phật Thích Ca tuy nói là không tịch hư vô, nhưng đại yếu vẫn là trừ bỏ hết mọi chướng luỹ, thấy rõ chân như. Cho rằng minh tâm kiến tính là việc cần kíp nhất, nếu đem so sánh với học thuyết thành ý trí tri của nhà Nho ta thật chẳng có gì trái ngược”

 
3. Dĩ Nho giải Phật
“Dĩ Nho giải Phật” là một trong những xu hướng xuyên suốt trong diễn trình văn hóa tư tưởng của Phật giáo Việt Nam hơn 2000 năm nay.
Như tông chỉ của tác phẩm luận thuyết triết học Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là sự kế thừa, xiển dương tinh thần vô ngã, nhập thế cứu đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Tuy vẫn kế thừa tinh thần hoà hợp Tam giáo của Thiền phái Trúc Lâm, nhưng theo xu hướng “dĩ Nho giải Phật” (dùng triết lý nhà Nho để lý giải tư tưởng Phật giáo). Đây cũng là một trong những đặc điểm tạo nên nét rất riêng của tư tưởng tác phẩm.
Từ giữa thế kỷ XIV đến thế kỷ XV, Nho gia dần dần chiếm vị trí quan trọng trên chính trường, Nho giáo ngày càng có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Đến nửa cuối thế kỷ XVIII, nội chiến liên miên giữa các thế lực Lê - Trịnh - Nguyễn, rồi phong trào nông dân khởi nghĩa đã làm cho nhân dân thêm khốn khổ, cơ cực. Lúc này “cư Nho mộ Phật” vẫn là quan niệm sống được tầng lớp trí thức chọn lựa, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội. Nếu ở đời Trần, tư tưởng Phật giáo thiền tông Trúc Lâm là tư tưởng chính thống thì thời kỳ này luân lý Nho giáo chiếm vị trí chủ đạo. Phải chăng, chính sự khinh hay trọng tư tưởng Phật hoặc Nho là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ quả là sự hưng hay suy của dân tộc ta?         
Vì sao trong giai đoạn lịch sử này, Hải Lượng và các pháp hữu phải làm như vậy? Có lẽ vì trong thời điểm này, Nho sĩ rất thịnh, chiếm vị trí quan trọng trong chính trường, có một bộ phận lớn Nho sĩ, do không thông hiểu triết lý nhà Phật và có sẵn thành kiến cố chấp, nên kịch liệt đả kích Phật giáo, đến nỗi một Nho sĩ bác học như Lê Quý Đôn phải lên tiếng ngăn cản. Mâu thuẫn, chia rẽ của các nhân sĩ trí thức thuộc Phật giáo và Nho giáo là một trong những nguyên nhân chính làm cho nguyên khí quốc gia bị phân tán, suy yếu, dẫn đến nội chiến loạn lạc trong một thời gian dài.
Thiền sư Hải Lượng Ngô Thì Nhậm cùng các danh sĩ Bắc Hà  trong giai đoạn này đều cho rằng, muốn phát huy tinh hoa nguyên khí của đất nước, sức mạnh của toàn dân tộc để phục hưng đất nước trong thế kỷ XVIII, thì không gì hơn là, phục hưng tinh thần dung hợp Tam giáo trên cái nền thiền học Phật giáo theo con đường Phật Hoàng Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm đã làm trước đó năm thế kỷ.

 
4. Thay lời kết.
Văn hóa từ bi dung hợp một trong nhưng nét đặc trưng quan trọng của văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng. Các nhà lãnh đạo Việt Nam, lãnh đạo Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay đều quan tâm đặc biệt như Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông, thiền sư Hương Hải, thiền sư Chân Nguyên, chúa Hưng Long Nguyễn Phúc Chu, thiền sư Hải Lượng Ngô Thì Nhậm, thiền sư Toàn Nhật… Chủ trương dung hòa tịnh hành Tam giáo Phật – Đạo – Nho mà Phật giáo là trục trung tâm của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã góp phần tạo nên một thời kỳ huy hoàng của Phật giáo Việt Nam và ghi lại những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam thời Trần. Văn hóa dung hợp với những bài học giá trị thực tiễn lịch sử đáng để chúng ta suy ngẫm nhất là trong thời đại công nghệ tri thức, công nghệ thông tin phát triển, nhưng nhân loại phải đối diện với những nguy cơ lớn như: ô nhiễm môi trường, chiến tranh, bạo lực, khủng hoảng….giải pháp khả thi cho những nguy cơ hiện nay?
Văn hóa là nền tảng tinh thần thiết yếu của nhân loại
Giải pháp của văn hóa từ bi dung hợp có thể là một trong những giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề toàn cầu hiện nay.
Chúng ta hân hoan chào mừng đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 tại Việt Nam với chủ đề, Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững thì vấn đề văn hóa dung hợp là một vấn đề rất đáng để chúng ta suy ngẫm nhiều hơn.             

 
THÔNG TIN CÁC TÁC GIẢ
  • Tiến sĩ Thích Hạnh Tuệ: Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo –Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Uỷ viên Ban giáo dục Phật giáo Trung ương – GHPGVN; Giảng viên học viện Phật giáo Việt Nam; Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nghiên cứu giảng dạy Văn học TPHCM; Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ Thanh Nhân; Giảng viên Đại học
Địa chỉ liên lạc: 750 Nguyễn Kiệm, Phường 4, Quận Phú Nhuận, TPHCM. Email: thichhanhtue@gmail.com
Điện thoại: 0903 782 790
  • Tiến sĩ Thích Thanh Quế: Uỷ viên Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Giảng viên Học Viện Phật giáo tại TP HCM.
Địa chỉ: Chùa Đồng Lớn, ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP HCM. Điện thoại:  0905 616 708. Email: thanhquetn8881@yahoo.com.tw

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm