Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Về niên đại Hán dịch của kinh Na Tiên Tỳ-kheo

Kinh Na Tiên Tỳ-kheo hiện có hai bản Hán dịch, đều mang số hiệu 1.670: N01.670: Bản A. Gồm 2 quyển: ĐTK/ĐCTT, tập 32, từ tr.694 đến tr.703C. N01.670: Bản B. Gồm 3 quyển: ĐTK/ĐCTT, tập 32, từ tr.703C đến tr.719A. Nơi phần Người Hán dịch cả hai bản A, B đều ghi: Mất tên người Hán dịch. Phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn (Thất dịch nhân danh. Phụ Đông Tấn lục).
Mục lục


Bài viết này, chúng tôi xin bàn về một số điểm liên hệ, nhất là làm rõ về niên đại Hán dịch của tác phẩm, từ đó chúng tôi xin ghi nhận một số từ ngữ, thuật ngữ Phật học đã được Hán dịch vào thời ấy, đối chiếu với những từ ngữ - thuật ngữ tương tự đã đạt mức chuẩn xác về sau này, nhân đấy xin được góp ý và đính chính về một số giải thích không đúng nơi vài bản Việt dịch kinh Na Tiên Tỳ-kheo hiện có. Bài viết gồm bốn phần:

Biện về thể loại của tác phẩm

Như ở trên đã nêu rõ, kinh Na Tiên Tỳ-kheo thật sự là một bản luận và ĐTK/ĐCTT đã sắp vào Tạng Luận. Nội dung của tác phẩm đã cho chúng ta thấy rõ về điều ấy. Đây không phải là một bản kinh do Đức Thế Tôn thuyết giảng, hoặc do các vị đại đệ tử của Đức Thế Tôn thuyết giảng. Cũng không phải là một bản kinh thuộc loại tiêu biểu, rất nổi tiếng của Phật giáo Bắc truyền, mang tính tập hợp (kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa, kinhĐại Bảo Tích, kinh Đại phương đẳng đại tập…), hoặc mang tính quảng diễn, nâng cao (kinh Diệu pháp liên hoa, kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm, kinh Đại bát Niết-bàn). Đây chỉ là một cuộc hội thoại, giữa vua Di Lan (người hỏi) và Tỳ-kheo Na Tiên (người đáp) về một số vấn đề thuộc phần giáo nghĩa căn bản của Phật giáo, và giá trị của tác phẩm là ở chỗ, như các nhà nghiên cứu, dịch thuật đã khẳng định: “Hết thảy nội dung được đề cập đến trong tập sách này (tức kinh Na Tiên Tỳ-kheo) đều được thể hiện một cách vô cùng sáng tạo, linh hoạt với rất nhiều ví dụ thích hợp luôn luôn đi kèm theo mỗi vấn đề, làm cho vấn đề trở nên rõ ràng, dễ hiểu hơn và đồng thời tạo ra sức thuyết phục đối với người đọc. Hơn thế nữa… những tình tiết, dữ kiện, hình ảnh được sử dụng để trình bày các vấn đề giáo lý ở đây quả thật đã đạt đến một trình độ nghệ thuật biểu hiện rất cao, xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật giá trị(4). Thời điểm diễn ra cuộc hội thoại theo các nhà nghiên cứu Phật học là trong khoảng từ năm 163 đến năm 150 trước TL, tức là thời gian trị vì của vua Di Lan. Sau đấy thì bản luận đã được kết tập vào đầu thế kỷ I TL bằng tiếng Pāli và tiếng Phạn. Bản luận được kết tập bằng tiếng Phạn là do phái Thuyết nhất thiết hữu bộ - Bấy giờ rất thịnh hành ở vùng Tây bắc Ấn Độ - thực hiện, rồi truyền sang Trung Hoa và đã được Hán dịch rất sớm. Tính chất rất sớm ấy đã được thể hiện một phần nơi chữ “kinh” trong danh xưng của tác phẩm: Kinh Na Tiên Tỳ-kheo. Nói cách khác, chữ “kinh” ở đây chỉ là một cách dịch của một số vị Hán dịch trong giai đoạn đầu. Ví như Đại sư An Thế Cao (thế kỷ II TL đời Hậu Hán), người được xem là mở đầu cho lịch sử phiên dịch ĐTK chữ Hán, nơi toàn bộ các dịch phẩm của mình (Kinh, Luật, Luận) đều mang tên là “kinh”. Các bản kinh được dịch là “kinh”, nhưng các bản luật, bản luận cũng được dịch là “kinh”. Chẳng hạn hai kinh:

- Kinh Phật thuyết phạm giới tội báo khinh trọng.

- Kinh Phật thuyết Xá Lợi Phất hối quá. Tuy mang tên là “kinh” nhưng đấy là các bản luật ngắn, nên ĐTK/ĐCTT đã sắp vào Tạng Luật (ĐTK/ĐCTT, tập 24: No1.467, 1 quyển, No1.492, 1 quyển). Hoặc như kinh A-tỳ-đàm Ngũ pháp hành, tuy mang tên là “kinh” nhưng là một bản luận ngắn thuộc A-tỳ-đàm, nên ĐTK/ĐCTT đã sắp vào Tạng Luận, thuộc bộ A-tỳ-đàm (ĐTK/ĐCTT. Tập 28: No1557, 1 quyển). Một vài bản luật ngắn do cư sĩ Chi Khiêm (thế kỷ III TL, đời Đông Ngô) cư sĩ Nhiếp Đạo Chân (thế kỷ III-IV TL, đời Tây Tấn) Hán dịch, tuy mang tên là “kinh” (Kinh Phật thuyết giới tiêu tai, kinh Bồ-Tát thọ trai) nhưng thật sự là luật, nên ĐTK/ĐCTT đã sắp vào Tạng Luật (ĐTK/ĐCTT, tập 24: No1477, 1 quyển, No1502, 1 quyển).

Tóm lại, kinh Na Tiên Tỳ-kheo, cũng giống như một số trường hợp vừa nêu, tức tuy mang tên là “kinh” nhưng thật sự là luận, nên ĐTK/ĐCTT đã sắp vào Tạng Luận.

Biện về số lượng bản Hán dịch

Ông Cao Hữu Đính, nơi tác phẩm kinh Na Tiên Tỳ-kheo do mình soạn thuật (Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế - Nxb.Thuận Hóa, 1996), đã hơn hai lần cho rằng kinh Na Tiên Tỳ-kheo đã có 3 bản Hán dịch “Do các nhà dịch kinh Trung Hoa phiên dịch vào thế kỷ III, IV và V” (Lời nói đầu, sđd, tr.10-11) và “Bằng chứng là Bắc phương có 3 bản Hán dịch dựa vào 3 nguyên bản khác nhau” (Lời nói đầu. Sđd, tr.13).

Ghi nhận như vậy là không đúng. Không làm gì có sự việc các nhà dịch kinh Trung Hoa đã phiên dịch kinh Na Tiên Tỳ-kheo vào các thế kỷ III, IV và V như Cao Hữu Đính đã viết. Thật sự kinh Na Tiên Tỳ-kheo chỉ có hai bản Hán dịch, cả hai bản Hán dịch này đều được bảo lưu nơi ĐTK/ĐCTT, và ở phần người Hán dịch cả hai bản đều ghi: Mất tên người dịch. Phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn như ở trước đã nêu. Phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn (317-419) có nghĩa là bản luận đã được phát hiện, được tìm thấy vào thời ấy, có thể là đã được duyệt qua, được biên tập một ít, nhưng không hẳn đã có nghĩa là được Hán dịch vào thời đó (sẽ nói rõ hơn nơi phần sau). Rồi câu viết: “Bằng chứng là Bắc phương có 3 bản Hán dịch dựa vào ba nguyên bản khác nhau” ý muốn nói đến kinh Na Tiên Tỳ-kheo đã có mặt nơi 3 Đại tạng kinh Tống, Nguyên, Minh, thì cũng không đúng. Về điểm này Phật Quang Đại từ điển (tr.3023B) đã nêu dẫn rõ: “Lại, bản kinh - tức kinh Na Tiên Tỳ-kheo. Có hai loại: Bản 2 quyển và bản 3 quyển. Tạng Cao Ly thì thâu nhận bản 2 quyển. Ba tạng Tống, Nguyên, Minh thì thâu nhận bản 3 quyển. Đại tạng kinh Súc loát và Đại tạng kinh Đại chánh tân tu thì cũng thâu nhận cả 2 bản ấy”.

Làm rõ về niên đại Hán dịch của Kinh Na Tiên Tỳ-kheo

1- Phật Quang Đại từ điển, nơi mục: Na Tiên Tỳ-kheo kinh (tr.3022C) đã nói về thời điểm Hán dịch của tác phẩm: Ước tính được Hán dịch trong khoảng đời Đông Tấn (317-420). Ghi nhận như thế là cũng chỉ dựa vào câu: “Phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn” để viết, chứ chưa có những khảo xét mang tính văn bản.

2- Hòa thượng Trí Thủ, bấy giờ là Giám viện Phật học viện Trung phần, nơi Lời giới thiệu cho tác phẩm kinh Na Tiên Tỳ-kheodo Cao Hữu Đính soạn thuật, đã viết: “Văn dịch rất xưa và hơi tối nghĩa. Căn cứ vào đó ta có thể suy đoán rằng các bản dịch này có lẽ đã được thực hiện vào khoảng đời Tam Quốc hay đời Tây Tấn, nghĩa là khi Phật giáo mới du nhập Trung Hoa”. (KinhNa Tiên Tỳ-kheo, Sđd, tr.7). Suy xét như vậy là đã đến gần với sự chính xác, nhất là đã nêu lên được hai vấn đề chính vốn có tương quan nhân quả với nhau: Đó là “văn dịch rất xưa” và “hơi tối nghĩa”. Tiếc là, người soạn thuật tức ông Cao Hữu Đính, đã không chú ý đầy đủ về hai vấn đề mà người giới thiệu đã nêu ra. Trong quá trình soạn thuật, nêu dẫn, ông Cao Hữu Đính đã nhiều lần ghi chú về tính chất “hơi tối nghĩa” này. (Trang 116: “Đoạn văn trên đây, cả hai bản Hán dịch số 1.670A và 1.670B hiện có trong Đại Tạng Trung Hoa nghĩa rất mù mờ…”. Trang145: “Mẫu vấn đáp trên đây, dịch giả dựa vào bản dịch Pháp văn mà dọn lại, vì hai bản Hán dịch số 1.670A và 1.670B trong Đại tạng đều tối nghĩa… Trong bản 1.670B, từ hàng 10 đến hàng 17 của phần giữa tr.718 (Đại tạng quyển 64)(5) văn cú có mạch lạc hơn, nhưng nội dung quá tối nghĩa…). Nói về quả mà không nói về nhân là thiếu sót, nhất là dễ khiến người đọc, rõ nhất là những người đọc lớp trẻ có thể hiểu lầm, cho rằng người Hán dịch đã không đủ khả năng để chuyển dịch từ một bản luận chữ Phạn sang chữ Hán, nên văn nghĩa nhiều chỗ mù mờ khó đọc. (Không chỉ có nhiều chỗ tối nghĩa, mà thứ lớp diễn đạt - nơi bản No1670A - còn có chỗ không thuận hợp khiến văn nghĩa càng khó lãnh hội. Đ.N). Thật sự thì không phải thế, không phải người Hán dịch không đủ khả năng để chuyển dịch. Thật sự là vì bản Hán dịch kinh Na Tiên Tỳ-kheo đã được thực hiện quá sớm (nên nhớ là bản Pháp dịch kinh ấy được thực hiện vào thế kỷ XIX, còn bản Hán dịch thì được thực hiện vào thế kỷ I, II TL. Sẽ nói rõ hơn ở phần tiếp sau), nên câu văn chữ Hán nhiều chỗ chưa thông hợp sáng rõ như sau này, nhất là các thuật ngữ Phật học được sử dụng để Hán dịch là ở vào giai đoạn đầu, còn đang dò dẫm, chưa chuẩn xác, khiến văn nghĩa hơi tối v.v... là điều tất nhiên. Đây là trường hợp đã thấy có nơi một số bản kinh, luận được Hán dịch vào giai đoạn đầu chứ không phải chỉ riêng nơi kinh Na Tiên Tỳ-kheo. Xin lấy thí dụ nơi kinh (luận) A-tỳ-đàm Ngũ pháp hành (ĐTK/ĐCTT, T28, No1557) do Đại sư An Thế Cao (thế kỷ II TL) Hán dịch vào đời Hậu Hán (25-220). Năm nhóm pháp như ngày nay chúng ta đều biết là gồm: Sắc, Tâm, Tâm sở, Tâm bất tương ưng hành và Vô vi. Nhưng vào thời ấy, năm nhóm pháp đã được Đại sư An Thế Cao Hán dịch là: Sắc, Ý, Sở niệm, Biệt ly ý hành và Vô vi. (ĐTK/ĐCTT, T28, No1557, tr.998C). Nếu không nối kết, đối chiếu thì chắc không ai hiểu được Biệt ly ý hành tức là Tâm bất tương ưng hành. Hoặc như nói về 9 kiết: Kiết trì niệm (Kiết ái), Kiết tắng (Kiết sân), Kiết kiêu mạng. Kiết si (Kiết vô minh). Kiết tà (Kiết kiến). Kiết thất nguyện (Kiết thủ), Kiết nghi, Kiết tật, Kiết xan. (ĐTK/ĐCTT, tập 28, NMo1557, tr.998B). Cũng như trên, nếu không nối kết, đối chiếu thì không ai hiểu được Kiết trì niệm là Kiết ái; Kiết tắng là Kiết sân; Kiết thất nguyện là Kiết thủ…(6). Còn đây là đoạn văn giải thích về 4 trí Khổ, Tập, Diệt, Đạo: “Khổ pháp, Hiệt khả, Khổ pháp hiệt. Tập pháp, Hiệt khả, Tập pháp hiệt, Tận pháp, Hiệt khả, Tận pháp hiệt, Đạo pháp, Hiệt khả, Đạo pháp hiệt”. (ĐTK/ĐCTT, tập 28, No1.557, tr.998A). Chúng tôi đã tham khảo nơi kinh Trường A-hàm thập báo, cũng do Đại sư An Thế Cao Hán dịch, 4 Trí Đế đã được dịch là: Khổ hiệt, Tập hiệt, Tận hiệt, Đạo hiệt (ĐTK/ĐCTT, tập 1, No13, tr.234A-B). Vậy chữ Hiệt ở đây là Trí, và đoạn văn trên có thể được Việt dịch như sau: “Pháp khổ, Trí có thể nhận biết, dứt trừ, là Trí khổ pháp. Pháp tập, Trí có thể nhận biết, đoạn trừ, là Trí tập pháp. Pháp tận (Diệt), Trí có thể nhận biết, chứng đắc, là Trí tận pháp. Pháp đạo, Trí có thể nhận biết, tu tập, là Trí đạo pháp”.

Ngày nay, chúng ta khi đáp câu hỏi: Năm ấm hoặc Năm uẩn gồm những gì? Tức sẽ trả lời rất nhanh: Gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nhưng để đạt đến một sự chuẩn xác tương đối như thế, các nhà Hán dịch ĐTK Trung Hoa đã phải trải qua hàng mấy trăm năm mới có được. Phải đi từ: Sắc, Thống dương, Tư tưởng, Sanh tử, Thức (An Thế Cao, thế kỷ II TL đời Hậu Hán), đến: Sắc, Thống dương, Tư tưởng, Sinh tử, Thức, Sắc, Thống, Tưởng, Hành, Thức. (Cư sĩ Chi Khiêm, thế kỷ III TL, đời Đông Ngô). Rồi đến: Sắc, Giác, Tưởng, Tư, Thức (Tăng Già Đề Bà, thế kỷ IV, V, đời Đông Tấn). Và đến: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức (Cưu Ma La Thập [344-413], đời Diêu Tần: 384-417)(7). Tính chất “hơi tối nghĩa” của kinh Na Tiên Tỳ-kheo phải được nhìn theo chiều hướng có tính lịch sử như thế.

3- Chúng tôi xin nêu ra một số từ ngữ - thuật ngữ Phật học thuộc loại rất cổ được sử dụng trong kinh Na Tiên Tỳ-kheo để xác định niên đại Hán dịch của tác phẩm:

Như ở trước đã nêu: Phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn (317-419) không hẳn đã có nghĩa là được Hán dịch vào thời ấy. Khảo xét về một số từ ngữ - thuật ngữ Phật học thuộc loại rất cổ được dùng trong tác phẩm đó - nhất là các thuật ngữ thuộc 37 phẩm trợ đạo - đã cho chúng ta thấy rõ điều ấy.

Nêu dẫn một số từ ngữ - thuật ngữ Phật học thuộc loại rất cổ:

Chúng tôi chỉ căn cứ theo bản 1.670B (ĐTK/ĐCTT, tập 32, tr.703C-719A) là đủ, vì bản này gồm 3 quyển, hơn 15 trang Hán tạng (Bản 1.670A chỉ có 2 quyển, non 10 trang) gồm nhiều chi tiết hơn, văn diễn đạt tương đối mạch lạc hơn, mà phần 2 bản A - B tương tự (phần lớn quyển thượng và quyển hạ) thì không dị biệt mấy.

Sau đây là một số từ ngữ - thuật ngữ Phật học thuộc loại rất cổ: Ba mươi bảy phẩm kinh (tức 37 phẩm Trợ đạo). Hiếu thuận(8). Thủ đạo nê-hoàn vô vi, Bát nê-hoàn (tức nhập Niết-bàn). Tế hoạt (tức xúc chạm. Nên biết về xúc chạm thì nơi giai đoạn đầu Hán dịch là Tế hoạt. Còn Xúc (cảm xúc, xúc động, xúc trong 12 nhân duyên thì nơi giai đoạn đầu Hán dịch là Cánh lạc). Đạo Độ thế (tức Đạo xuất thế gian, Đạo ly thế gian). Đạo nhân(9). Tôn giả Xá Lê Viết (tức Tôn giả Xá Lợi Phất hoặc Xá Lợi Tử). Ngu si là gốc (tức vô minh). Thần, Nhân thần (phần nhiều chỉ cho thức). Tự nhiên (chỉ cho pháp). Bái (沛): Được giải thích là Hòa hợp: Sáu căn hướng ra sáu trần (sáu cảnh) hòa hợp, tức 12 nhập (Tân dịch là 12 xứ). Ân ái (tức ái, khát ái, tham ái). Sáu tình (tức sáu căn). Vào trong Nê-lê (tức là địa ngục). Bệ-lệ (tức ngạ quỷ. Bản 1670A ghi là Phách lệ). Đạo nê-hoàn (tức Đạo Niết-bàn, Đạo giải thoát)…

 Các thuật ngữ Phật học nơi 37 phẩm trợ đạo (ĐTK/ĐCTT, T32, No1.670B, tr.707C, 708A):

37 Phẩm kinh (37 phẩm trợ đạo) gồm: Bốn ý chỉ (tức 4 Niệm xứ. Tân dịch là 4 Niệm trụ). Bốn ý chỉ gồm: Thân (thân), Thống dương (thọ), Ý (tâm), Pháp (pháp). Bốn ý đoạn (tức 4 Chánh cần. Tân dịch là 4 Chánh đoạn). Bốn Thần túc niệm (4 Như ý túc). Năm căn (5 căn), Năm lực (5 lực), Bảy Giác ý (7 Giác chi), Tám thứ đạo hành (8 Chánh đạo, 8 Thánh đạo).

- Bảy Giác ý (7 Giác chi) gồm: Ý giác ý (tức Niệm giác chi). Phân biệt giác ý (tức Trạch pháp giác chi); Tinh tấn giác ý (tức Tinh tấn giác chi); Khả giác ý (tức Hỷ giác chi); Ỷ giác ý (tức Khinh an giác chi); Định giác ý (tức Định giác chi); Hộ giác ý (tức Xả giác chi).

- Tám thứ Đạo hành (8 Chánh đạo) gồm: Trực kiến (tức Chánh kiến); Trực niệm (tức Chánh tư duy); Trực ngữ (tức Chánh ngữ); Trực trị (tức Chánh mạng); Trực nghiệp (tức Chánh nghiệp); Trực Phương tiện (tức Chánh tinh tấn); Trực ý (tức Chánh niệm); Trực định (tức Chánh định).

Chính căn cứ vào các từ ngữ - thuật ngữ Phật học rất cổ đã được sử dụng để Hán dịch, nhất là các thuật ngữ Phật học trong 8 Chánh đạo (trực kiến, trực niệm…) mà chúng tôi có thể xác định về niên đại Hán dịch của kinh Na Tiên Tỳ-kheo là ở vào giai đoạn đầu (khoảng thế kỷ I-II TL) nơi lịch sử phiên dịch Đại tạng kinh của Phật giáo Trung Hoa. Xin nói rõ hơn: Khảo xét về quá trình Hán dịch Kinh-Luật-Luận để hoàn thành Đại Tạng kinh chữ Hán, thì hầu như chỉ mỗi Đại sư An Thế Cao (thế kỷ II TL, đời Hậu Hán 25-220) là người đã Hán dịch Bát chánh đạo là Bát chủng đạo, Bát trực đạo, gồm: Trực kiến, Trực niệm, Trực ngữ, Trực pháp, Trực nghiệp, Trực phương tiện, Trực ý và Trực định (kinh Trường A-hàm thập báo pháp, An Thế Cao Hán dịch, ĐTK/ĐCTT, tập 1, No13, tr.237A). Hoặc gồm: Trực kiến, Trực trị, Trực ngữ, Trực hành, Trực nghiệp, Trực phương tiện, Trực niệm, Trực định (kinh Phật thuyết Tứ đế, An Thế Cao Hán dịch, ĐTK/ĐCTT, tập 1, No32, tr.816A). Đến Đại sư Chi Diệu (thế kỷ II TL, đời Hậu Hán) đối với Bát chánh đạo tuy vẫn còn dịch là Bát trực đạo, nhưng nội dung thì đã dùng Chánh thay cho Trực: Chánh kiến, Chánh tư, Chánh ngôn, Chánh hành, Chánh trị, Chánh mạng, Chánh chí, Chánh định (kinh Phật thuyết A Na Luật Bát niệm, Đại sư Chi Diệu Hán dịch, ĐTK/ĐCTT, tập 1, No46, tr.836B).

Như thế, theo chúng tôi, người Hán dịch kinh Na Tiên Tỳ-kheo có thể chính là Đại sư An Thế Cao (thế kỷ II TL, đời Hậu Hán 25-220), nhưng bản Hán dịch này đã bị thất lạc, mãi đến đời Đông Tấn (317-419) mới tìm lại được, mà cũng không biết tên người Hán dịch. Hoặc có thể là người sống đồng thời với Đại sư An Thế Cao. Hoặc có thể là một vị đệ tử của Đại sư An Thế Cao. Tuy nhiên, nơi đoạn sau (thuộc quyển Trung), phần hỏi đáp về ba đời, về vòng sinh tử: “Vua lại hỏi Na Tiên: Như các sự việc của quá khứ, sự việc của vị lai, hiện tại, thì ba sự việc ấy lấy gì làm gốc? Na Tiên đáp: Xét ba sự việc ấy thì chính ngu si (vô minh) là gốc. Ngu si sanh tức sanh Thần. Thần sanh Thân. Thân sanh Danh. Danh sanh Sắc. Sắc sanh Sáu thứ nhận biết, là Mắt nhận biết, Tai nhận biết, Mũi nhận biết, Miệng nhận biết, Thân nhận biết, Tâm nhận biết. Đó là sáu thứ nhận biết. Sáu sự nhận biết này đều hướng ra bên ngoài. Thế nào là hướng ra bên ngoài? Tức mắt hướng theo sắc… Tâm hướng theo tham dục. Đó là sáu sự hướng ra bên ngoài, gọi là Phái (沛). Phái là Hợp. Phái là nhận biết về khổ vui. Từ khổ vui sinh ra ân ái (Ái) từ ân ái sinh ra tham dục. Từ tham dục sinh ra chấp hữu, liền làm nhân sinh ra già. Từ già là nhân sinh ra bệnh. Từ bệnh là nhân sinh ra chết. Từ chết là nhân sinh ra khóc lóc, sầu não, nội tâm thống khổ. Như vậy, hợp các thứ khổ sở ấy lại gọi là con người. Con người do đấy nên sanh tử nối tiếp không có lúc dừng…” (kinh Na Tiên Tỳ-kheo, quyển Trung, No1670B, ĐTK/ĐCTT, tập 32, tr.711B-C). Đoạn văn trên có thể xem như là giải thích về 12 Nhân duyên, và nếu như thế thì chưa đầy đủ, chưa rõ, nhất là dùng chữ Phái (沛) để chỉ cho Lục nhập (?), dùng từ ân ái để chỉ cho ái v.v… là những từ rất cổ, quá cổ. Trong khi 12 Nhân duyên đã được Đại sư An Thế Cao Hán dịch khá rõ, gồm: Bản vi si (vô minh), Hành (hành), Thức (thức), Tự (danh sắc), Lục nhập (lục nhập), Tài (xúc), Thống (thọ), Ái (ái), Cầu (thủ), Hữu (hữu), Sinh (sinh), Tử (lão tử). (Kinh No151, ĐTK/ĐCTT, tập 2, tr.883C).

Như vậy, người Hán dịch kinh Na Tiên Tỳ-kheo có thể thuộc thế hệ trước Đại sư An Thế Cao (tức khoảng thế kỷ I, II TL). Tóm lại, kinh Na Tiên Tỳ-kheo có thể xem là một trong những bản kinh luận đã được Hán dịch sớm nhất.

Phần góp ý - đính chính

Có mấy bản Việt dịch kinh Na Tiên Tỳ-kheo đã được xuất bản, đáng chú ý nhất là bản Việt dịch của Đoàn Trung Còn và bản Việt dịch mang tính soạn thuật của Cao Hữu Đính. Bản Việt dịch của Đoàn Trung Còn xuất hiện rất sớm. Việt dịch từ bản Pháp dịch ra đời cùng với một số tác phẩm nghiên cứu, dịch thuật của Phật Học Tòng Thơ do ông sáng lập (Na Tiên Tỳ-kheokinh mang số thứ tự là 13). Bản chúng tôi hiện có để tham khảo là kinh Tỳ-kheo Na Tiên, do Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải, NXB.Tôn Giáo, 2009. Nói rõ hơn, người Việt dịch là ông Nguyễn Minh Tiến, đã tham khảo từ bản Việt dịch của Đoàn Trung Còn, nhưng Việt dịch rất sát theo bản Hán dịch No1.670B gồm 3 quyển Thượng, Trung, Hạ trong ĐTK/ĐCTT, có chú giải và in kèm bản chữ Hán No1.670B có phiên âm. Người Việt dịch đã nói có tham khảo từ bản Việt dịch của Đoàn Trung Còn, nhưng qua suốt tác phẩm, người đọc không thấy có chỗ nào biện rõ về sự tham khảo kia. Ông Nguyễn Minh Tiến đã Việt dịch theo bản Hán dịch No1.670B, nên cũng thuận theo sự phân quyển Thượng, Trung, Hạ của bản Hán dịch, cùng dịch cả phần Duyên khởi (phần đầu của quyển Thượng), nhưng có mấy đoạn ngắn người dịch đã đưa ra lý do để lược bỏ, không dịch. Bản của Cao Hữu Đính như đã nêu ở trước (NXB.Thuận Hóa, 1996), có lời giới thiệu của HT.Trí Thủ, là bản Việt dịch mang tính soạn thuật (chữ dùng của người Việt dịch). Người Việt dịch đã tham khảo cả hai bản Hán dịch No1.670A, No1.670B trong ĐTK/ĐCTT, cùng tham khảo bản Pháp dịch, thêm bớt để diễn đạt nêu dẫn, nên văn mang tính soạn thuật hơn là văn dịch, lại có nhiều đoạn không giống hoặc không có nơi hai bản Hán dịch. Điều đáng nói là người dịch đã không hề đề cập tới phần Duyên khởi, tức phần Mở đầu nơi hai bản Hán dịch. Phần mở đầu này mang đậm tính truyền thuyết chắc là do người Trung Hoa đã thêm vào sau này, mà cũng có thể do những người kết tập kinh thuộc phái Hữu bộ đã cố ý thêm vào, và sự thêm vào ấy không phải là khôngcó ý nghĩa, không có giá trị. Vì cuộc hội ngộ giữa vua Di Lan và Tỳ-kheo Na Tiên là một cuộc gặp gỡ hết sức hy hữu, nên nó phải có túc duyên từ kiếp trước, mà túc duyên ấy vốn có những liên hệ từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế, đang thuyết giảng kinh tại khu vườn rừng Kỳ Đà - Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá-vệ.

Xin nhắc lại, ở đây không phải là phê bình về giá trị của hai bản Việt dịch kia, ở đây chỉ là nêu tóm tắt về một số đặc điểm của hai bản Việt dịch, đồng thời, như phần vào đề đã nói rõ: Chúng tôi, do đã nối kết, đối chiếu một số từ ngữ - thuật ngữ Phật học đã được sử dụng trong kinh (nhất là nơi 37 phẩm trợ đạo) với những từ ngữ - thuật ngữ Phật học tương tự đã đạt mức chuẩn xác về sau này, nhân đấy xin được đính chính về một số giải thích không đúng nơi hai bản Việt dịch ấy.

* Về các thuật ngữ Phật học nơi 37 phẩm trợ đạo:

Ở trước, chúng tôi đã nêu dẫn đầy đủ về những nối kết, đối chiếu rồi, ở đây khỏi nhắc lại. Chính vì không tạo được sự nối kết, đối chiếu, nên nơi hai bản Việt dịch hầu hết đều dịch và giải thích không đúng. 

1- Bốn ý chỉ:

Tức Bốn Niệm xứ. Tân dịch (Pháp sư Huyền Tráng) dịch là Bốn Niệm trụ. Chữ Ý ở đây là chỉ cho Niệm. Chữ Chỉ là chỉ cho sự dừng trụ, an trụ. Bốn niệm xứ gồm: Thân, Thọ, Tâm, Pháp (Thân bất tịnh, Thọ thị khổ, Tâm vô thường, Pháp vô ngã). Trong kinh Na Tiên Tỳ-kheo thì dịch: Thân, Thống dương, Ý, Pháp. Nên biết vào giai đoạn đầu, thọ trong 4 niệm xứ và thọ trong 5 ấm đã được dịch là Thống dương, Thống.

a) Bản của Cao Hữu Đính:

- “Là bốn điều ngưng nghỉ khiến ý thôi loạn động” (sđd, tr.43). Dịch như thế là không đúng. Tốt nhất là nên để nguyên từ Bốn ý chỉ, rồi mở ngoặc ghi: Tức 4 niệm xứ. Bởi vì dịch như thế thì khác nào dịch từ “Biệt ly ý hành” của Đại sư An Thế Cao trong luận A-tỳ-đàm Ngũ pháp hành là “các hành của ý biệt ly”, trong khi Biệt ly ý hành tức là các Tâm bất tương ưng hành.

- …“Hai là quán tưởng bệnh tật đau đớn thì bệnh tật ngưng nghỉ” (sđd, tr.43). Dịch như thế là cũng không đúng. Thống dương ở đây là thọ chứ không phải là bệnh tật đau đớn.

b) Bản của Nguyễn Minh Tiến:

- “Những gì là Bốn pháp dừng ý” (sđd, tr.36). Dịch như vậy là không đúng. Tốt nhất, như đã nói, là để nguyên từ Bốn ý chỉ, rồi mở ngoặc ghi: Tức Bốn niệm xứ.

- “Hai là quán bệnh khổ thì bệnh khổ dừng” (sđd, tr.36). Dịch như vậy là cũng không đúng. Thống dương ở đây là thọ, chứ không phải là bệnh khổ. 

2- Bốn ý đoạn:

Tức Bốn chánh cần. Tân dịch là Bốn chánh đoạn.

a) Bản của Cao Hữu Đính:

“Còn Bốn ý đoạn? Là bốn điều dứt trừ” (sđd, tr.44). Dịch như thế là cũng không đúng. Tốt nhất là cũng như đã nói về Bốn ý chỉ.

b) Bản của Nguyễn Minh Tiến:

“Những gì là Bốn pháp đoạn ý” (sđd, tr.36). Dịch như vậy là quá sai. Tốt nhất là để nguyên từ Bốn ý đoạn, rồi mở ngoặc ghi: Tức Bốn chánh cần. 

3- Bốn thần túc niệm:

Bản của Nguyễn Minh Tiến: “Những gì là Bốn thần túc trong ý niệm? (sđd, tr.36). Dịch như vậy là cũng lại quá sai. Tốt nhất là để nguyên từ Bốn thần túc niệm, rồi mở ngoặc ghi: Tức là 4 Thần túc hoặc 4 Như ý túc.

4- Năm căn - Năm lực:

Bản dịch của Nguyễn Minh Tiến: Năm căn thì giữ nguyên (sđd, tr.36) nhưng Năm lực thì dịch là Năm sức (sđd, tr.37). Dịch như thế là không hợp. Trong giới nghiên cứu Phật học ở Việt Nam, không ai nói Năm căn, Năm lực, là Năm căn, Năm sức cả. Cũng như Năm căn, Năm lực nên giữ nguyên. (Có thể tham khảo: Phật học Phổ thông, quyển 1 của HT.Thiện Hoa, bản in 1992, tr.521-528, Phật học cơ bản, tập 2, Chương trình Phật học Hàm thụ, NXB.Tôn Giáo, 2008, tr.196-210). 

5- Bảy giác ý:

Tức Bảy giác chi, Bảy Bồ-đề phần. Bảy giác chi gồm: Niệm, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả. Đây là các thuật ngữ đã đạt chuẩn xác. Trong kinh Na Tiên Tỳ-kheo thì Bảy giác ý gồm: Ý, Phân biệt, Tinh tấn, Khả, Ỷ, Định, Hộ. Nên chú ý: Trong 7 thuật ngữ thuộc loại rất cổ này thì từ Khả giác ý (tức Hỷ giác chi) là cổ nhất, hầu như ngoài kinh này ra thì không có ai dùng. Từ Ỷ giác ý (tức Khinh an giác chi) thì nơi một số bài viết trước chúng tôi đã nêu rõ: Vào giai đoạn đầu, khinh an (Phạn: Prasrabdhi) đã được Hán dịch là Ỷ, Trừ, Nhất hướng. Đến Đại sư Chân Đế (499-569) thì dịch là An. Tới Pháp sư Huyền Tráng (602-664) dịch là khinh an, là chuẩn. Từ Xả cũng vậy, vào giai đoạn đầu, Xả được dịch là Hộ. Bốn Tâm vô lượng gồm Từ, Bi, Hỷ, Hộ. Sau thế hệ của Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304) thì Xả (Phạn: Upeksà) mới được dịch là Xả.

a) Bản của Cao Hữu Đính:

Trong bản Hán dịch, chỉ nêu lên chứ không giải thích. Vậy tốt nhất là nêu lên Bảy giác ý, nơi mỗi giác ý đều mở ngoặc để ghi thuật ngữ tương đương đã đạt chuẩn xác. Chẳng hạn: Một là Ý giác ý (tức Niệm giác chi). Hai là Phân biệt giác ý (tức Trạch pháp giác chi)… Năm là Ỷ giác ý (tức khinh an giác chi)… Bảy là Hộ giác ý (tức Xả giác chi).

Do không tạo được sự nối kết đối chiếu, nên những giải thích của ông Cao Hữu Đính hầu hết đều sai, quá sai: “Còn Bảy giác ý? Là tác dụng của trí hiểu biết trong 7 phương diện. Một là Ý giác ý, nghĩa là Trí tự giác ngộ… Bốn là Khả giác ý nghĩa là trừ bỏ các chướng ngại. Năm là Ỷ giác ý, nghĩa là Trí thường niệm giải thoát… Bảy là Hộ giác ý, nghĩa là Trí loại bỏ các tà pháp, bảo vệ các pháp lành đã tu tập được” (sđd, tr.45).

b) Bản của Nguyễn Minh Tiến:

Người Việt dịch đã nêu lên Bảy giác ý như trong bản Hán dịch (sđd, tr.37) cần nêu thêm các thuật ngữ tương đương đã đạt chuẩn xác, thì mới tạm gọi là đầy đủ.

6- Tám thứ Đạo hành:

Tức là Bát chánh đạo hoặc Bát Thánh đạo. Như trước đã biện, người Hán dịch kinh Na Tiên Tỳ-kheo, về phần Bát chánh đạo, đã dịch giống với cách dịch của Đại sư An Thế Cao (thế kỷ II TL, đời Hậu Hán). Nơi bản Hán dịch chỉ nêu lên 8 thứ Trực, chứ không giải thích. Vậy phần Việt dịch tốt nhất là chỉ nêu lên 8 thứ Trực cùng kèm theo là các thuật ngữ tương đương đã đạt chuẩn xác. Chẳng hạn: Một là Trực kiến (tức là Chánh kiến). Hai là Trực niệm (tức là Chánh tư duy). Ba là Trực ngữ (tức Chánh ngữ). Bốn là Trực trị (tức Chánh mạng), Năm là Trực nghiệp (tức Chánh nghiệp). Sáu là Trực phương tiện (tức Chánh tinh tấn). Bảy là Trực ý (tức Chánh niệm). Tám là Trực định (tức Chánh định).

a) Bản của Cao Hữu Đính:

Cũng giống như Bảy giác ý, do không tạo được nối kết, đối chiếu nên những giải thích ở đây phần lớn là không sát, không đúng. Chữ Trực ở đây là chỉ cho Chánh, là chân chánh, đúng đắn chứ không phải theo nghĩa đen là ngay thẳng. “Một là Trực, nghĩa là kiến giải ngay thẳng. Hai là Trực niệm, nghĩa là nhớ nghĩ ngay thẳng… Bốn là Trực trị, nghĩa là trị lý công việc ngay thẳng (quá sai!). Năm là Trực nghiệp, nghĩa là đời sống ngay thẳng. Sáu là Trực phương tiện, nghĩa là phương tiện ngay thẳng (quá sai!). Bảy là Trực ý, nghĩa là ý nghĩ ngay thẳng. Tám là Trực định nghĩa là định lực ngay thẳng” (Sđd, tr.46).

b) Bản của Nguyễn Minh Tiến:

Người Việt dịch đã không theo sát các thuật ngữ nơi bản Hán dịch mà giải thích theo nghĩa của Tám Chánh đạo như hiện tại (sđd, tr.37). Giải thích như thế là đúng nhưng không theo sát câu văn nơi bản Hán dịch. Người đọc sẽ tự hỏi: Vì sao nơi Bảy giác ý thì chỉ nêu tên, còn ở Tám chánh đạo thì lại giải thích? Lại, Bát chủng đạo hành, là Tám thứ đạo hành, tức là Tám chánh đạo hoặc Tám Thánh đạo, chứ không phải là “Tám món đạo hạnh” như dịch giả đã dịch.

Ngoài ra, có một vài thuật ngữ cũng xin được góp ý, đính chính:

Từ ân ái: dùng rất nhiều lần. Ở đây là chỉ cho ái, tham ái, khát ái, là chi thứ 8 trong 12 chi của Thập nhị nhân duyên, chứ không phải ân ái như nghĩa ngày nay.

Từ Lục tình (quyển Trung, tr.712A): Là sáu tình, tức là sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Nói rõ hơn, vào giai đoạn đầu, một số vị Hán dịch đã dịch sáu căn là sáu tình. Ngay như Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) trong Trung luận, cũng dùng sáu tình thay vì sáu căn: “Phẩm 3: Quán về sáu tình (gồm 8 bài kệ). Hỏi: Trong kinh nói có sáu tình là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý…” (Trung luận, HT.Thiện Siêu Việt dịch, NXB.TP.HCM, 2001, tr.44). Như vậy, Việt dịch như ông Nguyễn Minh Tiến: “Đối với con người thì có sáu mối tình ân ái làm căn bản” (sđd, tr.66) là không đúng. Rồi ở cuối trang, ghi chú; “Bản Hán văn dùng Lục tình, tức là sáu căn đắm theo sáu trần, tức là Lục dục”, thì cũng không sát và không rõ. Sáu căn tiếp với sáu trần (Tân dịch là sáu cảnh) sinh ra sáu thức. Còn khi các căn sinh khởi dục vọng thì mới là sáu dục. Hoặc sáu dục là chỉ cho 6 thứ dục vọng của hàng phàm phu: sắc, hình mạo, uy nghi, ngôn ngữ, âm thanh, tế hoạt, nhân tướng (xem: Phật Quang Đại Từ điển, tr.1291A). Về từ Lục tình, ông Cao Hữu Đính dịch là: “Con người thì bắt gốc từ Lục tình ân ái” (Sđd, tr.81).

Ngoài ra, một số từ ngữ - thuật ngữ thuộc loại rất cổ như Đạo nê-hoàn, Bát nê-hoàn, Nê-lê, Bệ-lệ…, theo chúng tôi, khi Việt dịch nên giữ nguyên và mở ngoặc ghi từ chuẩn xác hoặc nghĩa. Chẳng hạn: Đạo nê-hoàn (Đạo Niết-bàn, tức Đạo giải thoát), Bát nê-hoàn (Bát Niết-bàn, Nhập diệt), Nê-lê (Địa ngục), Bệ-lệ (Ngạ quỷ)…

Nhân đây cũng xin được đính chính về tên gọi của con sông lớn thứ 4 trong 5 con sông lớn được nói đến nơi đầu quyển Hạ của bản Hán dịch (tr.715B). Tên con sông ấy, bản của Nguyễn Minh Tiến ghi là sông Tể xoa (sđd, tr.94), và nơi phần Hán văn, phiên âm: “Tứ giả danh Tể xoa… (sđd, tr.267). Phiên âm và đọc là Tể xoa là không đúng (Bản của Cao Hữu Đính thì ghi là Bác xoa, tức ghi theo bản Hán dịch No1670A (quyển Hạ, tr.699C: 博 叉). Chữ 言宰 gồm bộ ngôn và chữ Tể không phải đọc là Tể (Đọc là Tể chỉ là một cách suy đoán). Chữ này không có trong HV Tự điển của Thiều Chửu. Ngay cả nơi Từ Hải, Tối tân tăng đính bản (4 tập) cũng không có.* Khang Hy tự điển, tập Hạ (Khải nghiệp thư cục ấn hành, 1998), tr.1808A ghi: chữ 言宰: Âm (Tự vựng Bổ): Hà Giá thiết, âm Hạ.* Hán ngữ Đại Tự điển (Kiến Hoành xuất bản xã, Đài Bắc, 1998), tr.1669, cột 1, ghi: Chữ 言宰: Tự vựng bổ: Hà Giá Thiết. Vậy chữ 言宰 đọc là Hạ, và con sông lớn kia đọc là sông Hạ xoa (Chứ không phải là Tể xoa). 

 Chú thích

(1) Luận Thích: Tức bản luận với nội dung là giải thích, quảng diễn một bản luận đã có, như luận Thích Ma-ha diễn (No1668) của Bồ-tát Long Thọ, là giải thích luận Đại thừa khởi tín của Bồ-tát Mã Minh.

(2) Các kinh nhưng nội dung là luận: như kinh Na Tiên Tỳ-kheo (No1670), kinh Phước cái chánh hạnh sở tập (No1671) do Bồ-tát Long Thọ soạn tập.

(3) Các Thần chú: như Tam thân Phạn tán (No1677), Thất Phật tán bái già tha (No1682)…

(4) Kinh Tỳ-kheo Na Tiên, Nguyễn Minh Tiến Việt dịch, Lời nói đầu (NXB.Tôn Giáo, 2009, tr.7).

(5) Ông Cao Hữu Đính chỉ nói là trong Đại Tạng, không nói rõ là Đại Tạng nào, nhưng No1670A, No1670B là thuộc Tạng Luận của ĐTK/ĐCTT, và số trang 718 cũng đúng. Vậy đó là tập 32, chứ không phải là quyển 64.

(6) Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Giới thiệu hai tác phẩm thuộc mảng A-tỳ-đàm được Hán dịch sớm nhất, NS Giác Ngộ số 123, tháng 6-2006.

(7) Về vấn đề này, xin xem thêm các bài viết của Đào Nguyên:

- Giới thiệu tổng quát về hệ thống kinh điển Hán tạng, NS Giác Ngộ số 60, 61 tháng 3, 4-2001. Sau in trong Phật học cơ bản, tập 4, Chương trình Phật học hàm thụ, NXB.Tôn Giáo, 2008, tr.29-87.

- Từ 3 Bản Hán dịch kinh Duy Ma, NS Giác Ngộ số 118, 119, tháng 1, 2-2006.

- Bước đầu giới thiệu mảng Từ ngữ - Thuật ngữ Phật học trong Hán tạng theo Tân dịch, NS Giác Ngộ số 205, tháng 4-2013.

(8) Từ “hiếu thuận”, cũng đã gặp nơi một số kinh Hán dịch vào giai đoạn đầu, chỉ cho giới thứ 5: Tận hiếu bất túy (tận hiếu không say sưa). Kinh No76, do cư sĩ Chi Khiêm (Thế kỷ III TL) Hán dịch, ĐTK/ĐCTT, tập 1, tr.886A. “Hiếu thuận bất túy (hiếu thuận không say sưa). Kinh No687, ĐTK/ĐCTT, tập 16, tr.780B, mất tên người Hán dịch. Theo ông Cao Hữu Đính (sđd, tr.47) thì hiếu thuận trong bản Hán dịch là tương đương với trì giới trong bản Pàli(9).

(9) Theo Phật Quang Đại từ điển (tr.5621C) thì từ “đạo nhân” là chỉ cho người tu hành theo đạo Phật (còn gọi là đạo giả, đạo sĩ), được gặp nơi một ít kinh Hán dịch vào giai đoạn đầu. Từ đời vua Thái Vũ Đế nhà Bắc Ngụy (339-534) trở về sau thì các từ “đạo nhân”, “đạo sĩ” mới dùng để chỉ cho người tu theo Đạo giáo.

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm