Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Viễn ly sanh y

Sanh y (Upadhi) là một thuật ngữ của Kinh tạng Pàli, chỉ cho những nhân tố đưa đến tái sinh hay những điều kiện khiến cho một đời sống mới tiếp tục xảy ra trong các cảnh giới khổ đau sinh tử luân hồi.
Mục lục


Sanh y (Upadhi) là một thuật ngữ của Kinh tạng Pàli, chỉ cho những nhân tố đưa đến tái sinh hay những điều kiện khiến cho một đời sống mới tiếp tục xảy ra trong các cảnh giới khổ đau sinh tử luân hồi. Đó là dục hỷ (nandi)[1], hay tham-sân-si, hay năm triền cái (tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi), hay bảy tùy miên (tham tùy miên, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên) hay mười kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận, sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh), hay mười hai chi phần duyên khởi (vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết). Sanh y được ví như nhiên liệu của một ngọn đèn, nếu được tiếp thêm vào thì ngọn đèn tiếp tục cháy đỏ, nếu không được tiếp thêm vào thì ngọn đèn sẽ bị tắt, không còn điều kiện tồn tại.

Viễn ly sanh y (Upadhiviveka) có nghĩa là cắt đứt nguồn nhiên liệu tái sinh, cũng là một thuật ngữ Phật học dùng để nói về thái độ kiên quyết buông bỏ các nhân tố hay điều kiện đưa đến tái sinh, cắt đứt các trói buộc dẫn đến hiện hữu (hữu kiết sử: bhavasamyojana), thoát ly sinh tử luân hồi của những người đã thấy rõ khổ đau của sự kiện hiện hữu, nhận ra gánh nặng sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não của thân ngũ uẩn, không còn ham muốn tái sinh hay tiếp tục có mặt trong các cảnh giới luân hồi. Những người xuất gia tu học theo giáo pháp giác ngộ của Đức Phật được gọi là Bhikkhu (Tỳ-kheo), có nghĩa là những người nhàm chán và sợ hãi đối với luân hồi tái sinh. Họ chuyên tâm thực hành con đường viễn ly sanh y do Đức Phật chứng ngộ và giảng dạy nên cũng được gọi là những vị đệ tử tùy học viễn ly (sàvakà vivekam anusìkkhanti).

Bậc giác ngộ nói như vầy về sanh y và viễn ly sanh y, đồng nghĩa với khổ và diệt khổ:

“Này các Tỳ-kheo, ví như duyên dầu và duyên tim, ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Tại đấy có người thỉnh thoảng rót thêm dầu và khơi tim lên. Này các Tỳ-kheo, ngọn đèn dầu ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể cháy đỏ trong một thời gian dài. Cũng vậy, này các Tỳ- kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử[2], ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ sanh khởi... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

Này các Tỳ-kheo, ví như duyên dầu và duyên tim, ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Tại đấy không có người thỉnh thoảng rót thêm dầu và khơi tim lên. Như vậy, này các Tỳ-kheo, ngọn đèn dầu ấy do chính nhiên liệu được tiếp tế trước tiêu diệt, do nhiên liệu khác không được đem thêm, không được nuôi dưỡng, sẽ bị tắt. Cũng vậy, này các Tỳ- kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt”[3].
 


Thế nào là viễn ly sanh y hay tùy học viễn ly?
Đó là thực thi một nếp sống tuân theo những lời dạy của Đức Phật nhằm nhiếp phục và buông bỏ các pháp trói buộc vào vòng sinh tử luân hồi, từ bên ngoài đến bên trong, từ thô đến tế, thuộc cõ dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Hay đó là sự thực hành các bước đi của Giới- Định-Tuệ hay Bát Thánh đạo, có công năng giúp con người từng bước rời xa và buông bỏ những thứ trói buộc thuộc dục giới, sắc giới và vô sắc giới, hướng đến thực chứng Niết-bàn, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi. Nói cách khác, đó là nếp sống chuyên tâm tu tập ba hạnh viễn ly gồm thân viễn ly (kàyaviveka), tâm viễn ly (cittaviveka) và hữu viễn ly (bhavaviveka).

Thân viễn ly (kàyaviveka) nghĩa là thực tập lối sống rời xa các ràng buộc của thế gian, cụ thể là năm dục trưởng dưỡng (panca-kàmagunà): sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu, hay tài (tiền tài vật chất), danh (danh vọng quyền lực), sắc (sắc đẹp khác phái), thực (ăn uống no say), thùy (ngủ nghỉ êm ái), tìm thấy thanh thản trong lối sống giản dị, thiểu dục, tri túc, tâm thiên về độc cư, vắng lặng, không muốn hiện diện, không còn thích thú trong lối sống quần tụ ồn ào. Đây là lẽ sống của những người hiểu biết tỉnh táo, yêu mến an tịnh, là biểu hiện của tâm thức sáng suốt, vắng lặng các dục vọng, cảm thấy vô vị trong thế giới hiện hữu mê lầm, tủi hổ trong thế giới dục vọng thấp hèn, ngột ngạt trong thế giới tranh chấp thị phi, nhàm chán trong thế giới khổ đau huyễn hoặc. Nói cách khác, đó là lối sống chọn lựa của những người đã thấy rõ tính chất khổ đau hư huyễn của sự kiện hiện hữu, không còn ham muốn danh lợi thế gian, không còn thích thú trong thế giới tranh chấp, tâm hướng cầu tịch tịnh, dễ dàng bỏ sau lưng mọi cảm thức trần thế.

Để thực tập hạnh viễn ly này, ngoài sự nhận thức rõ về vị ngọt và sự nguy hiểm của năm dục trưởng dưỡng hay các lạc thú thế gian[4], hành giả cần tập cho mình một lối sống giản dị, thiểu dục tri túc, tuân thủ nếp sống có giới đức, hạn chế các thế sự, thử nghiệm lối sống an tịnh độc cư, tránh những nơi quần tụ ồn ào, chuyên tâm vào việc đọc tụng kinh điển và hành thiền.

Tâm viễn ly (cittaviveka) nghĩa là thực tập một tâm thức trong sáng thanh tịnh, thấy biết như thật (yathàbhùtam pajànàti), thiên về xả ly, buông bỏ mọi dục vọng, bặt dứt mọi vọng tưởng, không còn dục niệm, sân niệm, hại niệm hay dục tầm, sân tầm, hại tầm, không còn thích thú rong ruổi trong thế giới ngã tưởng, thấy rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của ngũ uẩn và của hết thảy những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, được thức tri, không còn rơi vào thuận ứng hay nghịch ứng, dễ dàng buông bỏ mọi ý niệm chấp trước. Đây chính là hệ quả của lối sống hành sâu Giới-Định-Tuệ, tức một nếp sống có giới đức, có thiền định và có trí tuệ, nhờ đó tâm thức từng bước được uốn nắn, được thanh lọc, được phát triển, trở nên an tịnh, định tĩnh, trong sáng, thấy rõ bản chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của mọi hiện hữu, buông bỏ mọi ý niệm ham thích, bặt dứt mọi ý tưởng chấp trước.

Nói cách khác, tâm viễn ly là một tâm thức được tu tập trở nên thanh tịnh, giải thoát, hiện diện giữa cuộc đời thực hư biến động nhưng không dao động, không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy[5]:

Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu,
Không uế nhiễm, an ổn,
Là điềm lành (hạnh phúc) tối thượng
[6].

Tâm viễn ly là bước hành tập tiếp theo của thân viễn ly, tức là tập nhiếp phục và buông bỏ sanh y hay các pháp ô nhiễm từ bên trong tâm thức sau khi đã quen với đời sống thân viễn ly. Đây là bước thực tập nhận diện, uốn nắn, thanh lọc và phát triển tâm rất quan trọng, đòi hỏi sự kiên tâm trì chí mới làm được. Sanh y hay các tập khí ô nhiễm tham-sân-si tích tập sâu dày trong tâm thức chúng sinh, cần phải kiên trì tẩy rửa đúng phương pháp mới đi đến giảm thiểu và tiêu trừ. Kinh Phật dùng ví dụ người thợ kim hoàn cần mẫn trong các khâu đãi lọc và tôi luyện các quặng vàng sau cùng mới có được loại vàng nhu nhuyến[7] hay người thợ nề miệt mài lao động đến độ dấu vân tay của mình in sâu trên cán búa[8] để nói về sự gian khó của quá trình huấn luyện tâm thoát khỏi sanh y.

Bậc Giác ngộ đưa ra bốn hạng người tu tập tâm viễn ly, nỗ lực dứt bỏ sanh y trong nội tâm với những kết quả khác nhau, cho thấy tâm phải được tu tập đúng pháp và bền bỉ mới dứt trừ được các tập khí ô nhiễm tham-sân-sân-si hay mới thoát khỏi sanh y. Trong số bốn hạng người được đề cập, ba hạng người đầu chưa đạt được tâm viễn ly, chưa dứt trừ được sanh y; chỉ hạng người thứ tư mới thành tựu được tâm viễn ly, thoát khỏi sanh y:

“Ở đây, này Udayi, có người sống, hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y. Nhưng trong khi vị này sống hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y, những tư niệm, tư duy liên hệ đến sanh y hiện hành khởi lên. Vị này chấp nhận chúng, không đoạn trừ chúng, không từ bỏ chúng, không chấm dứt chúng, không tiêu diệt chúng...

Nhưng ở đây, này Udayi, có người sống, hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y. Nhưng trong khi vị này sống hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y, những tư niệm, tư duy liên hệ đến sanh y hiện hành khởi lên. Vị này không chấp nhận chúng, đoạn trừ chúng, từ bỏ chúng, chấm dứt chúng, tiêu diệt chúng...

Nhưng ở đây, này Udayi, có người sống, hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y. Nhưng trong khi vị này sống hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y, các tư niệm điên đảo, các tư niệm, tư duy liên hệ đến sanh y, tùy lúc tùy thời hiện hành khởi lên. Này Udayi, niệm khởi lên chậm chạp và vị này đoạn trừ niệm ấy một cách mau chóng, từ bỏ, chấm dứt, tiêu diệt niệm ấy. Này Udayi, ví như một người nhỏ hai hay ba giọt nước vào một ấm nước đun sôi cả ngày. Này Udayi giọt nước rơi một cách chậm chạp nhưng bị tiêu diệt, tiêu mất một cách mau chóng...

Nhưng ở đây, này Udayi, có người nghĩ rằng: ‘Sanh y là nguồn gốc của đau khổ’; sau khi biết như vậy, vị ấy thành vô sanh y, giải thoát với sự đoạn diệt sanh y. Này Udayi, Ta nói: ‘Người này không bị trói buộc, không phải bị trói buộc’.”[9].

Như vậy, để thực tập tâm viễn ly có kết quả, hành giả cần phải kiên trì từng bước uốn nắn, thanh lọc và phát triển tâm đúng phương pháp thì tâm thức mới dần dần thoát khỏi các cấu uế, mới trở nên thanh tịnh, mới thoái khỏi sanh y hay các trói buộc của luân hồi.

Các Tỳ-kheo được dạy ngày đêm thực hành thanh lọc tâm như vầy:

“Chúng ta phải chú tâm cảnh giác. Ban ngày, khi đi kinh hành hay trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại[10]. Ban đêm trong canh một, khi đi kinh hành hay trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm trong canh giữa, chúng ta phải nằm dáng nằm con sư tử, nghiêng bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến lúc thức dậy lại. Ban trong đêm canh cuối, khi đi kinh hành hay trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại”.

Một lời khuyên khác xác nhận rõ phương pháp thực tập tâm viễn ly hay ý chí viễn ly sanh y của người xuất gia:

“Này các Tỳ-kheo, ở đây vị Tỳ-kheo chơn chánh giác sát, không chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ khử, diệt tận, không cho tồn tại dục niệm ấy; không chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ khử, diệt tận, không cho tồn tại sân niệm ấy; không chấp nhận hại niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ khử, diệt tận, không cho tồn tại hại niệm ấy; không chấp nhận các ác bất thiện pháp khởi lên, từ bỏ, trừ khử, diệt tận, không cho tồn tại các ác bất thiện pháp ấy”.


Ngoài ra, để khiến cho tâm thiên mạnh về viễn ly, dứt bỏ sanh y, hành giả cần hành sâu Thiền định và phát triển trí tuệ để thanh lọc và dứt trừ các tập khí trói buộc tinh tế của tâm thức liên quan đến sắc giới và vô sắc giới. Đặc biệt, cần phát triển mạnh pháp môn quán niệm (anupassanà/vipassanà) về ngũ uẩn hay sáu nội ngoại xứ để thấy rõ chúng là pháp duyên sinh, vô thường, hư huyễn, khổ đau, không thuộc của mình, nhờ đó dứt bỏ được tập quán tham ái và chấp thủ, hướng đến đoạn tận sanh y, chấm dứt luân hồi khổ đau. Kinh Phật nêu rõ lý do vì sao sanh y được tích tập và phương pháp dứt trừ sanh y nhờ hành sâu Thiền quán, phát triển trí tuệ:

“Này các Tỳ-kheo, không biết, không thấy như chơn mắt, không biết không thấy như chơn các sắc, không biết không thấy như chơn nhãn thức, không biết không thấy như chơn nhãn xúc; do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, không biết không thấy như chơn cảm thọ ấy, vị ấy ái trước đối với mắt, ái trước đối với các sắc, ái trước đối với nhãn thức, ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy ái trước đối với cảm thọ ấy. Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tích trữ trong tương lai.Và ái của vị ấy đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này, chỗ kia; ái ấy được tăng trưởng; những thân ưu não tăng trưởng; những tâm ưu não tăng trưởng; những thân nhiệt não tăng trưởng; những tâm khổ não tăng trưởng...

Này các Tỳ-kheo, thấy và biết như chơn mắt, thấy và biết như chơn các sắc, thấy và biết như chơn nhãn thức, thấy và biết như chơn nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, thấy và biết như chơn cảm thọ ấy; vị ấy không ái trước đối với con mắt, không ái trước đối với các sắc, không ái trước đối với nhãn thức, không ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy. Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn tận; những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được đoạn tận; những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não được đoạn tận; những tâm khổ não được đoạn tận”[11].

Hữu viễn ly (bhavaviveka) tức là thể hiện một đời sống buông bỏ mọi ý niệm liên hệ đến tái sinh hay hiện hữu, do nhận ra tính chất phiền toái của thân ngũ uẩn, thấy rõ sự vô ích của lối sống mê lầm, bị chìm đắm trong luân hồi khổ đau, bị giam hãm trong các cảnh giới (dục, sắc, vô sắc) sinh tử triền miên, không còn thích thú tái sinh hay tiếp tục tiến trình hiện hữu.

Trước lúc giác ngộ, Đức Phật từng ưu tư: “Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và bị tái sanh; và từ nơi đau khổ này, không biết sự xuất ly, thoát khỏi già chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến sự xuất ly già chết?”[12]. Đây chính là nhận thức sâu sắc có khả năng làm thay đổi mạnh mẽ các tập quán và cảm thức của con người, từ mê lầm sang giác ngộ, từ khổ đau sinh tử sang hạnh phúc giải thoát.

Thông thường, con người chỉ thấy khổ đau xảy ra trong đời sống hàng ngày và cố gắng làm giảm thiểu tối đa những cảm giác khó chịu ấy bằng cách này hay cách khác, không thấy được nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Vô vàn nỗi khổ mà con người phải đối mặt trong cuộc đời vốn đã được tích tập sẵn trong mỗi người, gắn liền với sự hiện hữu của từng cá nhân trên cuộc đời, chỉ chờ có cơ hội thì bộc lộ và chi phối đời sống con người. Đó chính là thân ngũ uẩn mà mỗi người đang đeo mang. Chính ngũ uẩn hay sự hiện hữu của con người trên cuộc đời là khổ, là gánh nặng phiền muộn[13], chỗ tích chứa và hiện hành của mọi phiền toái khổ đau. Đạo Phật nói như vầy về đời người: “Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ”.

Năm thủ uẩn (panca-khandha) gồm sắc (thân thể), thọ (cảm xúc), tưởng (hiểu biết), hành (ý chí), thức (tri thức) là cách nói về con người cá thể; con người ngũ uẩn ấy (panca-khandha) không gì khác là một khối khổ đau (dukkha-khandha), một ổ bệnh tật mỏng manh[14] đang hiện hữu, chỗ chất chứa và hiện hành của sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, của mọi bất hạnh khổ đau không ai mong muốn nhưng cũng không ai lẫn tránh được. Đức Phật nói cho mọi người: “Tánh già nằm trong tuổi trẻ, tánh bệnh nằm trong sức khỏe, tánh chết nằm trong sự sống”[15]. Thánh giả Sàriputta lưu nhắc cho một Tỳ-kheo đang bị bệnh tật hành hạ: “Này hiền giả, nếu nói về vấn đề năm thủ uẩn, thời toàn bộ khổ uẩn là một vấn đề cảm thọ. Và khi không có năm thủ uẩn, thời không có đau khổ”[16].

Như vậy, khổ là sự kiện tất yếu của con người và đời người, ở mọi lúc và mọi nơi; ngay cả khi con người cảm thấy hạnh phúc thì hạnh phúc ấy cũng hàm tàng khổ đau vì nó bị giới hạn trong điều kiện khổ đau gọi là hành khổ (sankhàra-dukkhatà). Nhận thức rõ như thế mới không còn quay quắt với cái khổ làm người, mới có đủ hiểu biết và tỉnh táo để nhìn sâu hơn, đào bứng sâu hơn cội gốc của khổ là thái độ mê lầm luyến ái đối với hiện hữu khổ đau.

Kinh Thánh cầu thuộc tuyển tập Trung Bộ nói rằng kẻ vô văn phàm phu không thấy được khổ đau của sự kiện hiện hữu, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Chính thái độ mê lầm như vậy là sanh y, tích tập sanh y, tiếp tục tạo ra luân hồi khổ đau.

Trái lại, người có trí người hiểu rõ sự thật khổ đau của tái sinh, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn: tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tìm cầu cái bất tử, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn: tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn: tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Đây chính là thái độ sáng suốt, buông bỏ sanh y, hướng đến chấm dứt luân hồi khổ đau.

Nói cách khác, do không thấy được khổ đau của sự kiện hiện hữu nên kẻ vô văn phàm phu thực thi lối sống mê lầm, tích tập sanh y, tiếp tục mời gọi khổ đau tái sinh; giống như một người tiếp tục rót thêm dầu vào ngọn đèn đang cháy đỏ, khiến cho ngọn đèn ấy tiếp tục cháy mãi không dứt. Trái lại, người có trí hiểu rõ sự thật khổ đau của tái sinh nên thể hiện nếp sống sáng suốt, buông bỏ sanh y, dứt trừ khổ đau tái sinh; tựa như một người không rót thêm dầu vào ngọn đèn đang cháy, khiến cho ngọn đèn ấy đến hồi cạn dầu sẽ tự tắt vậy.
 

 


Chú thích:

1. Kinh Pháp môn căn bổn, Trung Bộ.
2. Chỉ cho sáu căn, sáu trần.
3. Kinh Kiết sử, Tương Ưng Bộ.
4. Đại kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
5. Kinh Bất đoạn, Trung Bộ.
6. Kinh Điềm lành tối thượng, Kinh Tập, Tiểu Bộ.
7. Kinh Kẻ lọc vàng, Tăng Chi Bộ.
8. Kinh Sự tu tập, Tăng Chi Bộ.
9. Kinh Ví dụ con chim cáy, Trung Bộ.
10. Chỉ cho tham-sân-si hay các ác, bất thiện pháp, những
thứ làm trở ngại lộ trình đi đến giải thoát.
11. Đại kinh Sáu xứ, Trung Bộ.
12. Kinh Thành ấp, Tương Ưng Bộ.
13. Kinh Gánh nặng, Tương Ưng Bộ.
14. Kinh Pháp Cú, kệ số 148.
15. Kinh Già, Tương Ưng Bộ.
16. Trưởng lão Samitigutta. Trưởng lão Tăng kệ, Tiểu Bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 279 ngày 15-08-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm