Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Xuân, vui với Hoà thượng Bố Đại

"Đời nhà Lương (thế kỷ thứ VI Tây lịch), có Hòa thượng Bố Đại (bao vải, bao bố), thân hình mập mạp, trán vồ, bụng tròn. Đi đâu cũng quảy một cái bao bố treo trên cây gậy thiền, gặp gì xin nấy, đều bỏ vào bao bố, bất kể còn tốt hay hư thối. Người đương thời gọi Sư là Hòa thượng Bố Đại Trường Đinh Tử”.
Mục lục

Cái bao bố này, Sư dùng để chứa tất cả thứ, tượng trưng cho tâm, Tánh Không, kho tàng Như Lai (Như Lai tạng). Như lời trong bài kệ của Sư:
“Khi cư sĩ Trần hỏi Sư có pháp hiệu gì hay không, Sư
liền đáp:

Ta có một bao vải
Rỗng rang không quái ngại
Mở ra, khắp mười phương
Thâu vào, Quán Tự Tại”.

“Có lần Sư vỗ vai một ông Tăng, vị này quay đầu lại. Sư nói: ‘Cho ta một đồng tiền’. Tăng nói: “Nói được đạo lý thì cho một đồng tiền”. Sư bỏ bao bố xuống, khoanh tay, đứng yên”.

“Sư đứng ở đầu đường, có ông Tăng hỏi: ‘Hòa thượng đứng đây làm gì?’. Sư nói: ‘Đợi một người’. Tăng nói: ‘Đến rồi! Đến rồi!’. Sư nói: ‘Ông không phải là người ấy!’. Tăng hỏi: ‘Thế nào là người ấy?’. Sư nói: ‘Cho ta một đồng tiền’”.

Gặp ai cũng xin một đồng tiền, không hai, không ba. Thật ra, một đồng tiền sư xin thì gồm cả trời đất, muôn sự, chúng sanh... đều ở trong ấy. Đây là cái một mà là tất cả, cái Nhất Chân pháp giới của tất cả thánh phàm. Theo lời Sư, thực tại là một, không có sự khác nhau: “Ngọc tâm vô giá vốn viên tịnh. Tâm vương vốn tự bặt đa thù. Phàm là khác tướng giả danh suông.” Một đồng tiền này là cái đầu tiên và cuối cùng của con đường Phật giáo.

“Hòa thượng Bạch Lộc hỏi: ‘Thế nào là Bao Bố?’, Sư liền bỏ bao bố xuống đất, khoanh tay mà đứng. Lại hỏi: ‘Thế nào là hạ sự của Bao Bố?’, Sư vác bao bố lên mà đi thẳng.

Hòa thượng Bảo Phước hỏi: ‘Thế nào là đại ý Phật pháp?’, Sư bỏ bao bố xuống đứng yên. Bảo Phước lại hỏi: ‘Chỉ có cái đó hay còn hướng thượng sự?’, Sư vác bao bố lên đi thẳng”.

Hỏi về bao bố hay đại ý của Phật pháp, Sư bỏ bao bố xuống, khoanh tay đứng yên. Thực tại đầu tiên và cuối cùng là Vô học, không tu không chứng, không thiền định, Vô công dụng hạnh; hay nói theo Sư trong bài kệ ở sau là “không chỗ làm, vô học địa”. Đây là chỗ không làm gì, không thể làm gì vì “chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm” (Tâm kinh Bát-nhã).
 


Ở đây chúng ta trích một đoạn từ một Tantra căn bản của Đại Toàn Thiện (Dzogchen) Kunjed Gyalpo (The Supreme Source, Nguồn Tối Thượng) để rõ hơn sự đồng nguồn của mọi tông phái như thế nào:

Chúng ta cần vất bỏ mọi trò chơi trẻ con
trói buộc và làm mệt mỏi của thân ngữ tâm;
và nằm duỗi trong không hành động không thể nghĩ bàn
trong tạng nguyên sơ không tạo tác, hiện thực của
Tánh Không,
nơi sự toàn thiện tự nhiên của thực tại hiện hữu thảnh thơi,
hãy nhìn thẳng vào tánh Nhất Như không tạo tác của
mỗi kinh nghiệm
và mọi phản ứng có điều kiện của chúng ta tan biến
trong buông xả đích thực.

Khi hỏi về hạ sự (sự dưới đó) và hướng thượng sự (sự hướng lên trên đó), Sư điềm nhiên vác bao vải mà đi. Việc dưới cũng là bao bố, việc trên cũng là bao bố. Và bỏ bao bố xuống khoanh tay không làm gì hay vác bao bố lên mà đi là như nhau. Động và bất động, không làm và làm, cả hai đều tự do giải thoát như nhau. Sư có bài tụng:

Chỉ tâm tâm này, tâm là Phật
Mười phương thế giới tối linh vật
Dọc ngang diệu dụng quý bao nhiêu
Tất cả không bằng tâm chân thật.
Thản nhiên tự tại không chỗ làm
Nhàn nhàn rốt ráo trẻ không nhà
Nếu thấy trước mắt chân đại đạo
Mảy bụi cũng không, thật diệu kỳ.
Muôn pháp đâu khác tâm, đâu khác
Nhọc gì tìm lại nghĩa trong kinh

Tâm vương vốn tự bặt đa thù
Người trí rõ ràng vô học địa.
Chẳng phàm chẳng thánh là như vậy
Chẳng gượng phân biệt thánh phàm riêng
Ngọc tâm vô giá vốn viên tịnh

Phàm là khác tướng giả danh suông.
Người hay hoằng đạo, đạo phân minh

Vô lượng thanh cao gọi đạo tình
Cầm gậy bước trên đường quê cũ
Chớ lo xứ xứ chẳng nghe thanh.

Ở đây chúng ta chỉ nói đến một ít phong cách của Sư. “Xuất gia nhi”, đứa trẻ ra khỏi nhà, đứa trẻ không nhà và nhàn nhã dạo chơi. Đây là một người già như lịch sử con người và trái đất, đồng thời là một trẻ nhỏ chơi đùa với lịch sử và thế giới. Hình ảnh người ta vẽ về ngài nói lên điều ấy: Một lão già ngồi cười, mặc cho sáu đứa bé (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) chọc phá, ngoáy tai, rờ đầu...

Trần gian này là nơi bất trắc, xa lạ, thậm chí thù địch với đa số loài người. Vậy mà Sư dạo chơi nơi ấy, khắp nơi khắp chốn và thấy đây là “đường quê cũ” của mình. Bước trên những con đường của trần gian cũng là bước trên đường của quê cũ. Con đường ấy thênh thang, không mục đích, như một đám mây.

Bài kệ của Sư:

Một bát cơm ngàn nhà
Cô thân muôn dặm xa
Mắt xanh người ít thấy
Mây trắng hỏi đường qua.

“Một bát cơm ngàn nhà”: lòng từ bi gieo duyên với khắp cả. “Cô thân muôn dặm xa”: dạo chơi muôn dặm, nhưng chẳng dính dáng với chỗ nào, với ai, với vật gì, “cô thân”. Và đi mà chẳng cần đi đâu, chẳng định hướng, không mục đích, nên hỏi một đám mây trắng giữa trời, chẳng đông, tây, nam, bắc, “mây trắng hỏi đường qua”.

Con người ông già-trẻ con ấy là người tự do, từ bi với tất cả mà chẳng trụ vào đâu cả.

Bài kệ cuối cùng của ngài:

Di-lặc chân Di-lặc
Phân thân trăm ngàn ức
Thường thường chỉ cho người
Mà người chẳng chịu biết.

Chắc là suốt đời chẳng bao giờ chúng ta gặp một người quảy một bao bố trên cây gậy, vỗ vai chúng ta mà nói: Cho ta một đồng tiền.

Nhưng trên con đường mỗi ngày của cuộc đời mỗi người, chúng ta gặp nhiều người, nhiều sự vật, cây cối, cột điện, xe cộ... có phải mỗi mỗi đều đang nói với chúng ta: Cho ta một đồng tiền.

Chẳng phải câu nói của Sư vẫn luôn luôn “phân thân trăm ngàn ức” đấy sao?
 

Theo Văn hoá Phật giáo số 265-266 ngày 15-01-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm