Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

Nghiên cứu >> Phật giáo bộ phái

Nimitta trong Thanh tịnh đạo

Trong những năm gần đây, Thiền Phật giáo Nguyên thủy đã được mở rộng và phát triển mạnh, do nhiều khóa tu được tổ chức định kỳ và thường xuyên, hướng dẫn mọi người tu tập hành thiền.
Nhà sư đang hành thiền

 

Điều này tạo nhân duyên giúp phát triển đời sống tinh thần của con người, thổi luồng gió tươi mát xua tan những căng thẳng, phiền muộn trong cuộc sống của chúng ta. Thiền giúp chúng ta quay trở về nội tâm mình, từ đó tháo gỡ những gút thắt, bế tắc trong cuộc sống hàng ngày mà ta đối mặt, dần chuyển hóa tích cực hơn về thân và tâm, qua đó đem lại sự bình an cho chính mình và mọi người, và sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn.

 

Nhận thức rằng chỉ bằng việc thực hành chúng ta mới thật sự nếm được hương vị của giáo pháp nên tôi đã dành nhiều thời gian tham gia vào các khóa thiền. Với sự hướng dẫn, chỉ dạy của các vị thiền sư (Việt Nam và nước ngoài), tôi thực sự có thêm những hiểu biết mới về Phật học cũng như những kinh nghiệm tu tập.

 

Bên cạnh việc thực tập hành thiền, tôi cũng tìm hiểu những bản kinh, luận để giúp mình hiểu rõ hơn một số vấn đề liên quan đến thiền. Một trong những bộ luận đề cập đến thiền một cách rõ ràng nhất, giúp hàng hậu học, hành giả dễ dàng tiếp cận, đó là Thanh tịnh đạo, được Luận sư Buddhaghosa (Phật Âm) biên soạn vào giữa thế kỷ thứ V sau TL. Đây là một bộ luận quan trọng, được xem như là một bộ bách khoa toàn thư của Phật giáo và được rất nhiều Phật tử quan tâm, bất luận là Nguyên thủy hay Phát triển. 

 

Trong bài viết này, tôi xin trình bày một vài nét về Nimitta, dựa vào một phần rất nhỏ trong bản luận giải Thanh tịnh đạo, nhằm chia sẻ một vài vấn đề với những ai đồng tu tập pháp hành thiền này.

 

Nội dung chính ngài Buddhaghosa đã phân tích trong Thanh tịnh đạo gồm hai phần chính: hình thức tu tập và nội dung trải nghiệm.

 

- Hình thức tu tập: dựa theo kinh Anapanasati, chọn đối tượng là sự tập trung tại mũi, định Jhāna được phát triển từ niệm hơi thở.

 

- Nội dung trải nghiệm: dùng ánh sáng Nimitta - được xem là dấu ấn trong việc nhập định, và ánh sáng trí tuệ - dấu ấn trong thiền quán.

 

Giới thiệu, mô tả Nimitta trong bản luận Thanh tịnh đạo

 

Nimitta được định nghĩa là một dạng ấn chứng, xuất hiện trong quá trình hành thiền. Tiến trình phát triển định trong Thanh tịnh đạo được mô tả một cách tường tận, rõ ràng: khi thiền lấy hơi thở làm đề mục, lúc đạt cận định, có sự xuất hiện của ánh sáng Nimitta. Nimitta nghĩa là dấu hiệu (sign, tướng) của hơi thở. 

 

Vậy dấu hiệu xuất hiện của Nimitta như thế nào?  Nó là dấu hiệu khởi đầu của sự định tâm, thường trông giống như luồng khí, sao mai, hay sáng như viên ngọc trai, vòng hoa, vầng trăng, mặt trời…1

 

Luận Thanh tịnh đạo đã giải thích rằng vì sao Nimitta có nhiều tướng như vậy. Chú giải của bộ Thanh tịnh đạo cho rằng nó được tạo ra do bởi tưởng sai biệt của những hành giả đã khởi lên. Như vậy, các tướng khác nhau là do tưởng. Nhưng tưởng thì lại không khởi lên một mình. Nó là một tâm hành (mental formation) luôn luôn khởi lên cùng với tâm và các tâm hành khác; các tâm hành kết hợp với tâm này được gọi là các tâm sở (cetasika). Vì thế, nếu một hành giả tập trung vào tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) với tâm hân hoan chẳng hạn, các tâm sở không chỉ có một mình tưởng, mà có tất cả ba mươi bốn pháp, như xúc, tư, nhất tâm, tác ý, tầm, tứ, thắng giải, tinh tấn, và dục; không chỉ tưởng khác, mà các tâm sở khác cũng khác nữa.2

 

Ba tướng Nimitta

 

Như vậy, Nimitta là một trạng thái xuất hiện trong quá trình hành thiền, là kết quả của sự an tịnh tâm. Cường độ Nimitta tăng dần theo sức mạnh của định, nó thể hiện qua ba loại tướng: Chuẩn bị tướng, Học tướng, và Quang tướng. “Athānena taṃ nimittaṃ neva vaṇṇato manasi kātabbaṃ, na lakakhaṇato paccavekkhi-tabbaṃ.”3

 

- Một hành giả bước vào giai đoạn sơ đầu của việc thực hành thiền, lấy một vị trí đối tượng để tập trung quan sát. Đối tượng của sự tập trung hay sự định tâm, chú ý lên điểm xúc chạm như ở mũi (nāsika nimitta), hay môi trên (mukha nimitta). Giai đoạn này gọi là Chuẩn bị tướng (parikamma nimitta).

 

- Theo Thanh tịnh đạo, hành giả lấy một vị trí đối tượng để tập trung quan sát, giai đoạn này là bước sơ khởi ban đầu. Đối tượng của sự tập trung hay sự định tâm, chú ý lên điểm xúc chạm như ở mũi (nāsika nimitta), hay môi trên (mukha nimitta). Giai đoạn này gọi là Chuẩn bị tướng (parikamma nimitta).

 

- Tiếp tục tu tập quán biến xứ ấy cho đến khi hành giả thâm nhập đối tượng vào nơi tâm, bấy giờ dù mở mắt hay nhắm mắt, hành giả vẫn thấy tướng ấy rõ ràng. Đó là Học tướng (uggaha nimitta), tập trung năng lực vào đối tượng để tăng cường sức mạnh định.

 

- Khi tâm thiền vẫn gắn chặt một cách lặng lẽ với tướng, những triền cái được dập tắt, cấu uế lắng xuống và tướng từ từ trở nên trong sáng và rực rỡ, đây là giai đoạn Quang tướng xuất hiện (paṭibhāga-nimitta). Trong trường hợp này, nếu tưởng thay đổi thì Nimitta cũng có thể thay đổi. Chẳng hạn, hành giả muốn tướng là dài nó sẽ trở thành dài; muốn ngắn nó sẽ trở thành ngắn; muốn màu đỏ như hồng ngọc nó sẽ trở thành đỏ như hồng ngọc. 

 

Điểm khác nhau giữa Chuẩn bị tướng và Quang tướng: Trong Chuẩn bị tướng, bất cứ lỗi nào của biến xứ đều hiện rõ, nhưng Quang tướng xuất hiện như thể tách rời khỏi Chuẩn bị tướng và trong sạch hơn gấp trăm ngàn lần.

 

- Trong sớ giải Thanh tịnh đạo có ghi nhận rõ tiến trình diễn tiến của Nimitta:

 

“Assāsapassāse nissāya uppannanimittampettha assāsapassāsasamaññameva vuttaṃ”4

 

“Vì tướng nương vào hơi thở vào và ra, nên tướng được sanh lên cũng có thể được gọi là hơi thở vào và ra”.

 

Giải thích rõ cho hành giả trong vấn đề này: 

 

Đối với những hành giả mới thực hành, tướng (nimitta), hơi thở vô (assāsa), hơi thở ra (passāsā), cả ba pháp này không cùng là đối tượng cho mỗi sát-na tâm. Nhưng khi hành giả tiến đến sự tập trung sâu và bền vững, thì hơi thở ra, vào và Nimitta trở thành một, và sự nhận biết của chúng ta trên ba đối tượng là trong cùng một lúc (một sát-na tâm)5.

 

Theo Thiền sư Thiện Minh, khi sự định tâm tại điểm xúc chạm của hơi thở vào và hơi thở ra với vùng da nhạy cảm dưới mũi đủ mạnh, thì ánh sáng Quang tướng sẽ xuất hiện tại nơi ấy. Vào thời điểm ấy, Nimitta chính là quang tướng, hơi thở vào chính là quang tướng, hơi thở ra cũng chính là quang tướng. Bởi vì thế, trong lúc đó, mỗi một sát-na tâm thiền (jhana mind-moment) đều hướng bắt cùng một đối tượng duy nhất, đó chính là quang tướng hơi thở (ānāpāna paṭipabhāga nimitta). Đây là thời điểm, cột mốc đưa hành giả tiến đến bậc thiền.

 

Bài viết này chỉ dám trình bày một đôi nét trong Thanh tịnh đạo về tiến trình Nimitta, qua đó cho chúng ta thấy được những giá trị vô cùng quý báu mà bản luận đã để lại, tạo động lực cho hàng hậu học tìm hiểu, củng cố pháp học, để có sự thấy biết đúng đắn trong thực hành pháp thiền.

 

Quang tướng trong kinh điển Pāli

 

Câu hỏi đặt ra là, Nimitta có được đề cập trong các bản kinh Pāli hay không, hay chỉ xuất hiện ở trong các luận giải.

 

Trong bài kinh Thiên đại phẩm, thuộc Tương ưng bộ có đoạn: “Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo sống, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú, quán thân trên thân, hoặc thân sở duyên (kāyārammano) khởi lên…, Tỷ-kheo cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín (pasādaniyenimitta)6. Hay đoạn kinh: “Này các Tỷ-kheo, có tịnh tướng (subhanimittam), ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời tịnh tướng này là món ăn khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi; hay đối với dục tham đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.”7

 

Ngoài ra, ta cũng thấy có nhiều bài kinh trong Nikāya ghi nhận trạng thái thiền của Đức Phật, giống như ánh sáng Nimitta.

 

Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, nhận thấy hào quang có hạn lượng và thấy được các sắc pháp có hạn lượng; nhận thấy hào quang vô lượng và nhận thấy được các sắc pháp vô lượng, cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả ngày. Về vấn đề này, này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: ‘Do nhân gì, do duyên gì, Ta nhận thấy hào quang có hạn lượng và thấy các sắc pháp có hạn lượng; nhận thấy hào quang vô lượng và thấy được các sắc pháp vô lượng, cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả ngày?’ Về vấn đề này, này các Anuruddha, Ta suy nghĩ như sau: ‘Khi nào định có hạn lượng, khi ấy mắt của Ta có hạn lượng; với con mắt có hạn lượng ấy, Ta nhận thấy hào quang có hạn lượng và thấy sắc pháp có hạn lượng. Nhưng khi nào định của Ta không hạn lượng, trong khi ấy mắt của Ta thành vô lượng, và với con mắt vô lượng ấy, Ta nhận thấy hào quang vô lượng và thấy các sắc pháp vô lượng cả đêm, cả ngày, cả đêm và cả ngày.8 

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý tưởng ánh sáng, an trú tưởng ban ngày, ngày như thế nào thời đêm như vậy, đêm như thế nào thời ngày như vậy. Như vậy, với tâm rộng mở, không có bị bao phủ, tu tập tâm đến chỗ sáng chói. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến.9

 

Hay nhiều bài kinh trong Tăng chi bộ cũng thường lặp lại đoạn này: “... Minh thứ nhất đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần...”10. Khi tâm lắng sâu trong định được kết hợp với tuệ (paññā), tâm ấy sẽ tạo ra nhiều hệ sắc cực sáng do tâm sanh (cittajarūpa). 

 

Rõ ràng, trạng thái của Nimitta đã được đề cập nơi nhiều bài kinh trong Nikāya, nhưng vào thời điểm đó nó không được gọi tên cụ thể. Mục tiêu của Đức Phật là chỉ dẫn chúng sanh tu tập để đạt được giải thoát, chính vì vậy Ngài không quan trọng trong việc phân tích ngữ nghĩa. Ngài chỉ nói rõ bản chất, sự thật các Pháp. Nhưng về sau, các luận sư đã phân tích chi tiết để giảng giải cho hàng hậu học hiểu một cách tường tận, rõ ràng hơn.

 

Phương pháp duy trì Quang tướng Nimitta

 

Hành giả cần tinh tấn thực hành thiền định, để đạt được trí tuệ. Vậy để duy trì sự phát triển ánh sáng tâm này, hành giả phải làm như thế nào? Đức Phật đã luôn nhấn mạnh việc ứng dụng Trung đạo trên con đường tu tập giải thoát, như được dạy rõ trong kinh Trung bộ: “Sự tinh cần quá độ khởi lên nơi Ta, và vì có tinh cần quá độ, nên định lực biến diệt nơi Ta; khi định bị biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Ví như, này các Anuruddha, một người với hai tay bắt nắm quá chặt một con chim cáy khiến con chim chết liền tại chỗ.”11 Và mặt khác: “Tinh cần quá yếu đuối khởi lên nơi Ta. Vì có tinh cần quá yếu đuối, nên định biến diệt nơi Ta; khi định biến diệt, hào quang biến mất cùng với sự hiện khởi các sắc pháp. Ví như, này các Anuruddha, một người bắt một con chim cáy quá lỏng lẻo, con chim ấy bay khỏi hai tay của người ấy.”12

 

Hành giả thực hành thiền khi Quang tướng xuất hiện, lúc ấy các triền cái (nīvaraṇa) bị diệt trừ khỏi tâm. Khi tướng Nimitta vững chắc, hành giả sẽ đạt đến trạng thái cận định. Đây là giai đoạn hành giả tinh tấn giữ trạng thái quân bình: Lấy ba giác chi trạch pháp (dhammavicaya), tinh tấn (vīriya) và hỷ (pīti) điều trị sự phóng tâm, ý chí lơi lỏng của mình; và ba giác chi khinh an (praśrabdhi), định (samādhi), xả (upekṣā) giúp cho hành giả tránh thiền quá tích cực, tinh tấn quá mức. Hành giả nên chọn con đường Trung đạo để giữ trạng thái thiền được bền vững, tỉnh giác, và nhận biết đối tượng bên cạnh niệm (sati). 

 

Theo hướng dẫn được đưa ra trong Thanh tịnh đạo, có 11 pháp đưa đến sinh khởi định:

 

1. Làm sạch nội ngoài xứ; 

 

2. Thiện xảo về tướng; 

 

3. Quân bình các căn; 

 

4. Chế ngự tâm khi cần chế ngự;

 

5. Tu tập tâm lúc cần tu tập; 

 

6. Khích lệ tâm lười biếng bằng tín và ý thức khẩn trương (trước cái chết); 

 

7. Nhìn mọi sự xảy ra với thái độ xả;

 

8. Tránh những kẻ không định tĩnh; 

 

9. Gần gũi người định tĩnh; 

 

10. Ôn tầm các thiền và giải thoát; 

 

11. Quyết tâm đối với định.

 

Như vậy, Thanh tịnh đạo đã khắc họa rất rõ ràng về bản chất cũng như cách tu tập hệ thống tám định Jhānas: Bốn định hữu sắc (rupa jhāna), bốn định vô sắc (arupa jhāna). Hành giả tu tập 4 thiền sắc giới trong tất cả các biến xứ (kasina), tiến lên tu tập bốn bậc Vô sắc giới, như đã được miêu tả trong Thanh tịnh đạo: “Khi hành giả luyện tập đến độ nhuần nhuyễn, quang tướng sẽ khởi lên, và khi luyện tập tâm đối với quang tướng, hành giả sẽ đắc định an chỉ. Khi đã vững chắc với an chỉ, hành giả tu tập tuệ giác và đắc quả A-la-hán”.13 

 


(1) Tỳ-kheo Thiện Minh dịch (2007), Thiền định và sức khỏe, NXB.Tôn Giáo. 

 

(2) Thiền sư Pa-Auk Sayadaw, Biết và thấy, NXB.Tôn Giáo, tr.78.

 

(3) Visuddhi 1, tr.271.

 

(4) VsMṬ.viii.219 “Ān ĀpānaSsati Kathā Vaṇṇanā” (Description of Discussion of Mindfulness of Breathing) (M-1.391)

 

(5) Người viết dịch từ nguyên tác: “So, when your concentration on breath is very deep and stable, the in & out breath and nimitta become one: your mind knows those three things at the same time. And as you develop your concentration further, eventually you may attain Jhāna. 

[Sayadaw, P. A. T. (2013), The Only Way for the realization of Nibbāna, pp. 36.].

 

(6) HT.Thích Minh Châu dịch (1991), kinh Tương ưng 5, Đại phẩm, chương III Tương ưng niệm xứ I, phẩm Ambapāli, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh, tr.243.

 

(7) HT.Thích Minh Châu dịch (1991), kinh Tương ưng 5, Đại phẩm, chương II Tương ưng giác chi I, phẩm Núi, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh, tr.101.

 

(8) Thích Minh Châu dịch (2012), kinh Trung bộ 2, kinh Tùy phiền não, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội. tr.493.

 

(9) Thích Minh Châu (1996), kinh Tăng chi bộ 1, chương Bốn pháp, phẩm Rohitassa, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh, tr.635.

 

(10) Thích Minh Châu dịch (1996), kinh Tăng chi bộ 1, chương Ba pháp, phẩm Các Bà-la-môn, tr.294.

 

(11) Thích Minh Châu dịch (2012), kinh Trung bộ 2, kinh Tùy phiền não, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội. tr.491.

 

(12) Sđd., tr.492.

 

(13) Vs.1. pp.320-34.



Theo GIÁC NGỘ online

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm