Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

Nghiên cứu >> Phật giáo phát triển

Báo hiếu trong hành vi tôn giáo của Phật tử

Báo hiếu cha mẹ là việc làm mà mỗi người sinh ra trên cõi đời này đều thấu hiểu và thực hiện. Tuy nhiên, tùy thuộc vào quan điểm, lối sống, văn hóa ứng xử ở từng quốc gia, vùng địa lý, lãnh thổ mà mỗi cộng đồng người có những hành vi báo hiếu khác nhau. Xét trên phương diện tôn giáo cũng vậy, mỗi tôn giáo đều có những chuẩn mực riêng về lòng hiếu thảo và khuyến khích tín đồ nỗ lực thực hiện các hành vi hiếu hạnh theo những cách thức khác nhau.

Hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam từ ngàn xưa cho đến nay. Trong đạo Phật, truyền thống tốt đẹp này được đề cao và nâng lên tầm quan trọng qua giáo lý Tứ trọng ân của người con Phật (ơn cha mẹ, ơn Tam bảo, ơn quốc gia, ơn nhân loại). Hơn thế nữa, hiếu thảo với cha mẹ còn được xem là hiếu kính với Đức Phật, vì ở một phạm trù nhất định cha mẹ hiện tiền chính là Đức Phật tại thế (kinh Tứ Thập Nhị Chương). Từ ý nghĩa đó, đã có không ít những án thơ văn ca ngợi công ơn hai đấng sanh thành và khích lệ tín đồ vuông tròn hiếu đạo đối với cha mẹ. Góp phần làm phong phú thêm vườn hoa hiếu đạo trong ngôi nhà Phật pháp, bài viết này không phác họa ý nghĩa báo hiếu trong đạo Phật mà thông qua cách tiếp cận hành vi tôn giáo để tìm hiểu về các cách thức báo hiếu của tín đồ Phật giáo trong đời sống thực tiễn hàng ngày.

1. Hành vi tôn giáo của tín đồ Phật giáo

Nhà xã hội học tôn giáo Vũ Quang Hà (2008) nhận định: Hành vi tôn giáo được xác định là tập hợp những quy định về nghi thức và tín ngưỡng tôn giáo nào đó, ít hay nhiều thể chế hóa, phải thực hiện để cho việc theo tín ngưỡng có thể nhìn thấy và kiểm tra được. Theo đó, trong đời sống tôn giáo của tín đồ Phật giáo, hành vi tôn giáo diễn ra rất đa dạng, có thể kể ra một loạt các hành vi tôn giáo thường thấy như: thờ cúng, cầu nguyện, tụng kinh, tham thiền, ăn chay, niệm Phật, báo hiếu cha mẹ, bố thí, cúng dường, làm phước thiện, tham dự các ngày lễ, khóa tu, giữ giới và một số kiêng cữ khác. Thông qua mức độ thường xuyên thực hiện các hành vi đó có thể dự đoán được mức độ niềm tin và sự thuần thành của tín đồ. Như vậy, báo hiếu cha mẹ là một trong vô số các hành vi tôn giáo được tín đồ thực hiện trong đời sống tu học hàng ngày của người Phật tử.

2. Báo hiếu trong hành vi tôn giáo của Phật tử

Theo lời Phật dạy, báo hiếu là điều thiêng liêng mà mỗi người Phật tử cần phải thực hiện để đáp đền công ơn sanh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Vì đạo Phật là đạo hiếu, tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu, cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu” (kinh Nhẫn Nhục) và:

“Giữa các loài hai chân
Chánh giác là tối thắng
Trong các hàng con cái
Hiếu thuận là tối thắng”.

(kinh Hạnh Phúc)

Hay trong kinh Tăng nhất A-hàm, Đức Phật cũng đề cập: “Này các Tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả”.

Qua các trích dẫn, đủ để chứng minh rằng tu học theo Phật chính là thực thi tâm hiếu và hiếu kính cha mẹ cũng là thể hiện tâm Phật.

Trong Phật giáo, dành riêng tháng Bảy, sau ngày chư Tăng tự tứ để gọi là mùa báo hiếu cha mẹ, hay mùa Vu-lan thắng hội. Trong dịp lễ này, chúng ta nhận biết hành động thiêng liêng nhất mà mỗi người con Phật đều mong đợi, đó là được cúng dường chư Tăng và cài lên ngực áo đóa hoa hồng tươi thắm. Thật diễm phúc thay cho những ai còn cha mẹ được cài lên ngực áo một đóa hồng đỏ thắm như nói lên niềm hạnh phúc vô giá của một đời người, và thật bất hạnh thay cho những ai không còn cha mẹ sẽ nhận một đóa hoa trắng cài lên ngực áo như nói lên tất cả sự mất mát lớn lao và sự nhớ nhung da diết vì mất cha mẹ là mất cả bầu trời; đây cũng là niềm đớn đau lớn nhất của một kiếp người.

Tuy nhiên, báo hiếu cha mẹ không chỉ giới hạn trong lễ Vu-lan mà là bổn phận của những người con phải thể hiện suốt cuộc đời. Để báo hiếu cha mẹ trọn vẹn, đúng pháp, trong Trường Bộ II (Kinh Giáo thọ Thi- ca-la-việt), Đức Phật dạy những người con phải làm tròn 5 bổn phận đối với cha mẹ như sau:

1. Phụng dưỡng cha mẹ: Một người con hiếu thảo cần phải chăm lo đầy đủ các điều kiện vật chất và tinh thần cho cha mẹ.

2. Thay thế cha mẹ gánh vác công việc nặng nhọc: Phải gánh vác, đỡ đần công việc cho cha mẹ.

3. Giữ gìn truyền thống gia phong: Truyền thống gia phong là truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình, giòng họ được giữ gìn và truyền thừa qua nhiều thế hệ. Bổn phận làm con phải từ bỏ các thói hư, tật xấu của bản thân, sống đúng, sống tốt để làm vang xa tiếng tốt của gia tộc.

4. Bảo vệ tài sản được kế thừa từ cha mẹ: Tài sản kế thừa là do chính mồ hôi, nước mắt, công sức của cha mẹ tạo ra, nên bổn phận làm con phải quản lý, giữ gìn, phát triển tài sản đó được bền vững và lâu dài.

5. Khuyến hóa cha mẹ hướng thiện và lo chu toàn tang lễ khi cha mẹ mãn phần: Khi cha mẹ còn sống, khuyến hóa cha mẹ kính tin Tam bảo, giữ ngũ giới và thực hiện các pháp lành. Khi cha mẹ qua đời, tổ chức tang lễ chu toàn và đúng pháp, đồng thời, làm phước thiện, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho cha mẹ.

Năm bổn phận này được xem như 5 nguyên tắc đạo đức căn bản làm chuẩn mực, khuôn vàng thước ngọc để người đệ tử Phật vuông tròn hiếu đạo đối với cha mẹ. Song, 5 bổn phận này có thể gộp lại và chia thành hai hình thức báo hiếu sau:

2.1 Báo hiếu đối với cha mẹ còn sống

Cha mẹ còn sống là điều hạnh phúc nhất cho mỗi người con trên cuộc đời này. Bởi khi ấy chúng ta còn cơ hội được cùng cha mẹ quây quần bên mâm cơm mỗi tối, còn được than thở với cha mẹ những vui buồn cuộc sống; còn được nghe những lời khuyên răn, dạy bảo, quan tâm, động viên, thậm chí còn được ngã vào lòng cha mẹ khi vấp ngã và diễm phúc nhất là được nhìn thấy cha mẹ mỗi khi trở về nhà.

Đức Phật dạy: “Trên đời này dù là nhà cửa ruộng vườn, tiền tài danh vọng, thậm chí là ngôi vị đế vương khi mất đi còn có thể kiếm lại được, nhưng một khi cha mẹ mất rồi muôn đời không tìm được” (kinh Tâm Địa Quán).

Vì thế, ý thức được sự vô thường, sanh tử không hẹn cùng ai, cha mẹ giống như “chuối chín cây” có thể lay rụng bất cứ lúc nào, nên khi cha mẹ còn sống người Phật tử dốc lòng lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất cũng như lúc ốm đau bệnh tật; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không để cha mẹ phiền lòng.

Chăm sóc về vật chất là những hành vi cần thiết, song chưa đủ so với bổn phận một Phật tử. Người Phật tử còn phải chăm lo đến đời sống tâm linh, tinh thần của cha mẹ như lời Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng với của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn cha mẹ. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng Chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:

- Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam bảo.

- Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.

- Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện.

- Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với Chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai” (kinh Tăng nhất A-hàm).

Vì sao khuyến hóa cha mẹ làm những việc trên là báo hiếu chân chánh? Vì cha mẹ biết đi chùa, tin sâu Tam bảo, tu dưỡng tâm tánh, làm các việc phước thiện là phước báo lớn cho cha mẹ và gia đình. Một mặt, tu học Phật pháp giúp cho cha mẹ an vui nơi chánh pháp, sống ít phiền muộn về tuổi già, vui hưởng an lạc hạnh phúc hiện tại. Mặt khác, niềm tin Phật pháp khiến cha mẹ đến lúc lâm chung xác định tâm thế không bị lạc lõng, bơ vơ như thuyền lênh đênh trên biển cả giữa đêm dài tăm tối mà tràn đầy niềm tin vào một đời sống tốt đẹp ở kiếp tái sinh.

Chính vì thế, trong kinh Hiếu Tử, Đức Phật dạy thêm: “Nếu không thể khuyến hóa cha mẹ, phụng trì Tam bảo thời tuy có hiếu dưỡng cha mẹ cũng chưa thể gọi là hiếu. Cha mẹ hung ngược, dâm dật, tà ngụy, trái đạo... người con phải hết sức ngăn cản, mới gọi là hiếu”.

Ngoài các hành vi ứng xử với cha mẹ trong đời sống thường nhật như vừa trình bày, bản thân những người con còn thực hiện một số nghi thức tôn giáo hết sức cảm động nhằm đem lại niềm vui, sự ấm lòng cho những bậc làm cha mẹ. Đó là: tụng kinh, sám hối cầu an; phóng sanh, bố thí, cúng dường hồi hướng; chúc phúc mừng thọ...

- Tụng kinh cầu an, sám hối: Nổi bật và long trọng nhất là khóa lễ tụng kinh Dược Sư cầu an đầu năm tại các chùa mà hầu hết các Phật tử đều tham gia. Ngoài ra, hàng ngày Phật tử vì cha mẹ phát nguyện tụng đọc kinh điển và chí thành sám hối như kinh Pháp Hoa, kinh Địa Tạng cùng các sám văn như Thủy sám, Lương hoàng sám,... Việc tụng kinh, bái sám này giúp bản thân người Phật tử trưởng dưỡng tâm từ bi, đồng thời hồi hướng cho cha mẹ, ước mong cha mẹ được tội diệt phước sanh, tăng phước tăng thọ.

- Phóng sanh, bố thí, cúng dường hồi hướng: Song hành với tụng kinh, sám hối, Phật tử còn phát tâm làm các hạnh lành khác như hành hương, bố thí, phóng sanh,... nếu có điều kiện, họ tổ chức cả lễ cúng dường trai tăng để hồi hướng phước báo cho cha mẹ được giải trừ tật bệnh, sống an vui, lòng tin Tam bảo ngày thêm sâu sắc.

- Chúc phúc mừng thọ: Để tỏ lòng tri ân, báo ân trong muôn một đối với cha mẹ, những người con thường tổ chức lễ chúc phúc mừng thọ cho cha mẹ tại gia đình hoặc tại chùa dưới sự chứng minh gia trì của chư Tăng để cầu nguyện cha mẹ bách niên trường thọ, thân khỏe, tâm an.

Khi trực tiếp tham gia, hoặc gián tiếp hỗ trợ các nghi thức này cho Phật tử, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của các bậc làm cha mẹ. Họ tự hào vì những người con hiếu thảo của mình. Ngay cả những người con cũng biểu lộ niềm hạnh phúc vì mình còn có cha mẹ bên mình để phụng dưỡng.
 

2.2 Báo hiếu khi cha mẹ đã quá vãng

Đối với những người không còn cha mẹ, việc báo hiếu của họ thể hiện qua hình thức lo chu toàn hậu sự và hồi hướng phước báo đến cha mẹ.

Lo chu toàn hậu sự tức việc tang lễ phải có sự phù hợp với quan niệm hiếu đạo ở từng dân tộc, từng vùng miền, địa phương nhưng đặt trên nền tảng nghi lễ Phật giáo. Khi thực hiện tang lễ, Phật tử quan tâm đến một số vấn đề sau:

- Không khóc lóc, than vãn mà ngược lại chánh niệm tỉnh giác để cha mẹ không vì quyến luyến tình cảm, được vãng sinh nhẹ nhàng. Do ý nghĩa này mà con cháu không than khóc chứ không phải bất hiếu như một số người đã suy nghĩ.

- Tổ chức tang lễ giản đơn, trang nghiêm, không phô trương, rềnh rang.

- Không tổ chức cờ bạc, xướng ca, đãi rượu thịt mà ngược lại ăn chay, cúng chay, đãi tiệc chay để tránh tạo nghiệp sát sanh.

- Biến đau thương thành sức mạnh cầu nguyện, thỉnh chư Tăng và mời ban Hộ niệm về tụng kinh siêu độ.

- Thay phiên nhau niệm danh hiệu Phật để trợ tiến cha mẹ vãng sanh.

- Gửi hũ cốt (nếu thiêu), gửi hình hoặc ghi danh của cha mẹ về các chùa để cầu siêu.

Sau phần tổ chức tang lễ là đến các nghi thức hồi hướng phước báu cho cha mẹ quá vãng. Đạo Phật quan niệm “âm siêu dương thới”, cha mẹ có siêu thoát thì gia phong con cháu mới có cơ phát đạt. Phần này có ba việc mà Phật tử thường xuyên làm, đó là làm lễ cầu siêu, cúng dường trai tăng và làm các việc phước thiện hồi hướng.

- Thứ nhất, cầu siêu: Cầu siêu là nhờ Phật lực, pháp lực gia trì, tức sự hợp lực cầu nguyện của nhiều người để người chết được siêu thoát và sanh vào cảnh giới an lành. Vì thế, sau tang lễ con cháu tổ chức cúng tuần thất 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 35 ngày, 49 ngày và 100 ngày. Trong lễ cúng các tuần thất, con cháu thỉnh chư Tăng, các Phật tử cùng nhau tụng kinh Vu-lan, Di-đà, Địa Tạng,... để nhắc cho người chết biết con đường thiện nên theo, thần thức người chết theo đó mà nhẹ nghiệp đi đầu thai được dễ dàng. Ngoài ra, liên quan đến lễ cầu siêu, có một nghi lễ gọi là đại trai đàn chẩn tế cầu siêu, tức lập đàn cúng chay thật trọng thể để cầu nguyện những vong hồn chết oan được siêu độ. Do quy mô và tính chất đại lễ mà lễ này rất tốn kém, chỉ những gia đình có điều kiện mới có thể tổ chức để hồi hướng cầu siêu cho cha mẹ cùng cửu huyền thất tổ. Những gia đình không có điều kiện thì họ tham dự lễ này tại các chùa vào ngày rằm tháng 7 mỗi năm trong dịp lễ Vu-lan hay còn gọi là ngày xá tội vong nhân rất trọng thể.

- Thứ hai, trai tăng cúng dường. Đây là việc làm nhờ sự gia trì, chú nguyện của chư Tăng và cũng được xem là việc làm có phước báo thù thắng nhất. Có hai ý nghĩa trong lễ cúng dường trai tăng, một là, cầu siêu, báo đền công ơn cha mẹ; hai là, hộ trì cho chư Tăng có đủ phương tiện tu hành giải thoát và làm Phật sự lợi đạo, ích đời. Từ ý nghĩa Tăng bảo là ruộng phước, nên những người con thành tâm thiết lễ cúng trai tăng là để tạo phước, rồi đem phước lành đó hồi hướng cho cha mẹ quá vãng. Họ tin rằng hương linh cha mẹ sẽ được phước báo, nương nhờ phước báo ấy cùng với sự khai thị của chư Tăng khiến tâm được thức tỉnh, xả ly tham ái và chấp thủ nên được siêu sanh về cảnh giới an lành.

- Thứ ba, làm những việc phước thiện để hồi hướng cho cha mẹ quá cố. Đây là việc làm tự thân của Phật tử như: phát tâm ăn chay, niệm Phật, quy y Tam bảo, cúng dường thập tự, ấn tống kinh sách, mua chim cá phóng sanh hoặc bố thí, từ thiện cho bệnh nhân, người nghèo khổ, hoạn nạn... Phật tử tin rằng mình hồi hướng phước báo từ các việc phước thiện đó đến cha mẹ thì cha mẹ nhờ phước đức thiện nghiệp ấy cảm ứng hỗ trợ mà được sinh lên cõi lành (Trời, Người) và được siêu độ.

Tóm lại, việc cầu siêu, hồi hướng phước báo cho cha mẹ quá vãng là một việc làm có nhiều ý nghĩa tích cực và phương thức thực hiện cũng đa dạng, không giống nhau. Tùy vào hoàn cảnh, khả năng mỗi gia đình mà các Phật tử vận dụng các phương tiện trợ tiến cho việc siêu độ của cha mẹ mình. Cầu mong cho họ vượt thoát khổ ách (nếu có) và sẽ thêm vui nếu như họ đã đạt đến cảnh yên vui.

Tri ân và báo ân là nền tảng của người Phật tử chân chính, khi thọ ơn ai dù là việc nhỏ nhặt nhất cũng không bao giờ quên. Nếu ai làm được như vậy thời đó là người tốt vì họ sống có tình, có nghĩa đối với mọi người. Hơn thế nữa, đối với cha mẹ, người đã sinh thành, dưỡng dục, hy sinh tất cả cho con cháu nên bổn phận hiếu kính với cha mẹ còn được người Phật tử đề cao và thực hiện xuyên suốt trong đời sống hàng cũng như qua các hành vi tôn giáo của mình. Với những việc làm như vừa tìm hiểu có thể khẳng định, vấn đề báo hiếu là một trong những yếu tố quan trọng trong hành vi tôn giáo của tín đồ Phật giáo. Những hành vi báo hiếu này có giá trị to lớn, vừa góp phần giáo dục Phật tử tu tâm bồi đức, báo ơn cha mẹ, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; vừa góp phần nâng cao vị thế Phật giáo trong lòng dân tộc và lan tỏa lớn lao đến mọi tầng lớp nhân dân, đến đời sống văn hóa, xã hội ở Việt Nam từ xưa đến nay.
 


Tài liệu tham khảo:

1. Thích Tâm Chơn (2007), Suối nguồn yêu thương, Nxb Hải Phòng.

2. Vũ Quang Hà (2008), Xã hội học tôn giáo, Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

3. Thích Bảo Lạc (2007), Kiến thức căn bản Phật giáo, Nxb Phương Đông.

4. Thích Nhật Từ (2013), Chữ hiếu trong đạo Phật, Nxb Hồng Đức.

5. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt trong Kinh Trường Bộ, Nxb Tôn Giáo, 2013.

 

Theo Văn hoá Phật giáo số 280 ngày 01-09-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm