Thường Bất Khinh

Dù là Phật tử hay không phải Phật tử, những ai có duyên đọc kinh Pháp Hoa thì đều cảm mến tâm thái chân thành hết sức ngộ nghĩnh của vị Bồ-tát có biệt danh Thường Bất Khinh.


Dù là Phật tử hay không phải Phật tử, những ai có duyên đọc kinh Pháp Hoa thì đều cảm mến tâm thái chân thành hết sức ngộ nghĩnh của vị Bồ-tát có biệt danh Thường Bất Khinh.

“Vì sao có tên ấy? Vì gặp bất cứ ai, ngài cũng thi lễ mà nói: Tôi không dám khinh thường quý vị, vì quý vị sẽ thành Phật-đà. Khi nghe vậy, có kẻ mắng nhiếc, có kẻ lấy cây mà đánh, lấy đá mà ném, ngài vừa chạy nhưng vẫn đứng xa mà nói lớn rằng tôi không dám khinh thường quý vị, vì quý vị sẽ thành Phật-đà, trải qua nhiều năm tháng ngài thường xuyên nói như vậy nên những kẻ tăng thượng mạn gọi ngài là Thường Bất Khinh”[1].

Theo Hòa thượng Thích Thiện Siêu thì cách thái đặc biệt của vị Bồ-tát này chứng tỏ ngài có một đức tin mãnh liệt vào Phật tri kiến vốn có trong mỗi chúng sanh. Việc làm này cũng là một cách nhắc nhở, đánh thức người ta về giá trị của mình, không phải là kẻ tầm thường mà chính mình là ông Phật tương lai. Đó là hành động đặc biệt, mang một ý nghĩa lớn, vì vậy mới được lưu danh trong kinh Pháp Hoa là Thường Bất Khinh Bồ-tát, nghĩa là không khinh người cũng không khinh mình[2].

Rõ ràng, trừ những bậc có trí tuệ siêu phàm như Đức Phật mới thấy hết căn tánh của chúng sinh, không ai biết rõ nhân duyên mê ngộ của người khác thế nào, ngoài những biểu hiện hàng ngày có vẻ như chẳng hề thay đổi. Hẳn là hiếm ai có được niềm tin vững chắc như vị Bồ-tát Thường Bất Khinh, càng ít có ai biểu lộ niềm tin giác ngộ hết sức đặc biệt như vị này. Tập quán chấp thủ hay cái nhìn phiến diện che chắn tầm mắt giác ngộ của chúng ta, ít cho chúng ta cơ hội mở lòng từ tôn đối với người khác. Chúng ta quen nhìn cuộc đời qua dáng vẻ bên ngoài, ít ai có đủ hiểu biết và kiên nhẫn để nhìn sâu hơn vào bên trong, càng ít ai thấy ra bản tính đồng nhất giữa muôn vàn dị biệt. Nhưng cho dù cái nhìn có thế nào thì sen vẫn nở và tỏa hương thơm giữa chốn đầm lầy nước đọng. Ngày xưa, có vị Bà-la-môn đến thưa với bậc Giác ngộ rằng khi tâm thanh tịnh người ta thấy thế giới bất tịnh. Đức Phật, bậc đã quét sạch các cấu uế nội tâm, khẳng định rằng thế giới sẽ trở nên thanh tịnh khi tâm chúng sinh thanh tịnh[3].

Như vậy, thế giới tịnh hay bất tịnh là do ở tâm con người. Cái tâm diễn biến thế nào thì cảnh vật hiện ra như thế ấy, vì thế giới là phóng ảnh của tâm. Cái tâm mà rơi vào cấu uế tật bệnh thì thấy mọi thứ đều xấu xa bệnh hoạn và ngược lại. Sở dĩ thấy thế giới là bất tịnh vì cái tâm còn cấu uế, còn tham-sân-si, còn suy tính thiệt hơn, còn phân biệt tốt xấu hay thế này thế khác. Đạo Phật gọi cái thấy như vậy là thiên kiến, biên kiến, tà kiến, ác kiến, kiến thủ, tức cái thấy méo mó, thiên lệnh, không công bằng, không ngay thẳng. Nhưng khi cái tâm không còn tham-sân-si thì thế giới trở nên thanh tịnh, tròn đầy, hài hòa và bình đẳng. Nói khác đi, cái tâm mà bị tham-sân-si chi phối thì cái thấy thành ra méo mó, không công bằng, không ngay thẳng; nghĩ điều gì cũng méo mó, không công bằng, không ngay thẳng; nói điều gì cũng méo mó, không công bằng, không ngay thẳng; làm việc gì cũng méo mó, không công bằng, không ngay thẳng. Chỉ khi nào cái tâm thoát khỏi tham-sân-si thì thế giới mới thoát khỏi tình trạng bị bóp méo, được nhìn thấy ngay thẳng, được đối xử công bằng, được trả về như chính nó. Đạo Phật được mệnh danh là đạo như thật (yathàbhùtam-magga) hay con đường thăng bằng (sama-patipàda), vì đạo Phật dạy mọi người thấy như thật và sống như chân, chủ trương diệt trừ tham-sân-si, gốc rễ của mọi cái nhìn méo mó, thiên lệch cực đoan, không công bằng, không ngay thẳng.

Câu chuyện“Người hủi ngộ đạo”sau đây, lưu trong tập Phật tự thuyết (Udàna) thuộc Kinh tạng Nikàya, hẳn đã gợi niềm tin về Phật tánh vốn có trong mỗi chúng sinh, thể hiện qua nhân vật Thường Bất Khinh của kinh Pháp Hoa về sau, cùng lúc nhắc cho chúng ta về tâm thái cẩn trọng, chớ có “trông mặt mà bắt hình dong”:

“Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagha (Vương Xá), Veluvana (Trúc lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, một người bệnh hủi tên là Suppabuddha, nghèo đói, ăn xin, khốn cùng.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn với đại hội chúng đoanh vây, đang ngồi thuyết pháp. Người hủi Suppabuddtha thấy từ đàng xa đại hội chúng đang tụ hội, thấy vậy liền suy nghĩ: ‘Không nghi ngờ gì nữa, ở đấy, có thể có chia phần cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm. Vậy ta hãy đi đến đại chúng ấy, mong rằng ta sẽ được chút gì ăn được, loại cứng hay loại mềm’. Rồi người hủi Sappabuddha đi đến đại chúng ấy. Người hủi Suppabuddha thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho đại chúng đang đoanh vây xung quanh, thấy vậy liền suy nghĩ: ‘Ở đấy, không có cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm để chia phần. Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho hội chúng. Vậy ta hãy nghe pháp’.

Rồi Thế Tôn, với tâm của mình duyên với tâm của toàn thể hội chúng tác ý rằng: ‘Ở đây, ai có thể hiểu được pháp’. Thế Tôn thấy người hủi Suppabuddha đang ngồi trong hội chúng, thấy vậy liền suy nghĩ: ‘Ở đây, người này có thể hiểu pháp’. Vì người hủi Suppabuddha, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp, tức là thuyết bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về Thiên giới, thuyết về sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tâm của người hủi Suppbuddha đã sẵn sàng, đã nhu thuận không còn chướng ngại, được phấn khởi, được tín thành, liền thuyết pháp mà chư Phật đã chứng ngộ, tức là khổ, tập, diệt, đạo.

Cũng như tấm vải thuần bạch, được gội rửa các vết đen, sẽ rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy chính tại chỗ ngồi này, pháp nhãn vô trần ly cấu khởi lên trong tâm người hủi Suppabuddha: ‘Phàm cái gì được khởi lên tất cả đều bị đoạn diệt’. Khi ấy người hủi Suppabuddha thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tin, không y cứ nơi người khác đối với lời dạy của Đức Bổn sư, từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người hủi Suppabuddha bạch Thế Tôn: ‘Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng, ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỳ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử từ nay cho đến mệnh chung, con trọn đời quy ngưỡng’.

Rồi người hủi Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ, sau khi hoan hỷ tin thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Rồi một con bò con húc vào người hủi Suppabuddha và đoạt mạng sống.

Rồi nhiều Tỳ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỳ-kheo ấy bạch Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, người hủi tên Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ đã mạnh chung. Sanh thú của vị ấy là gì? Tương lai của vị ấy thế nào?’.

‘Này các Tỳ-kheo, hiền trí là người hủi Suppabuddha, đã thực hành tùy pháp đúng pháp, không có làm phiền nhiễu ta với những tranh luận về pháp. Người hủi Suppabuddha sau khi đoạn tận ba kiết sử, đã chứng được quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, chắc chắn đạt được Chánh giác’.

Khi nghe nói vậy, một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, người hủi Suppabuddha lại là người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng?’.

‘Thuở xưa, này các Tỳ-kheo, người hủi Suppabuddha là con một nhà triệu phú ở Ràjagaha; khi đi ngang qua một khu vườn, nó thấy Đức Phật Độc giác Tagarasikhi đang đi vào thành khất thực. Thấy vậy, nó suy nghĩ: ‘Ai là người hủi này lại đi dạo chơi’ và nó nhổ nước miếng và xây lưng phía trái rồi bỏ đi. Do hành động này của nó được thuần thục, nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm nghìn năm, nó bị nấu trong địa ngục. Do sự thành thục thêm nữa của nghiệp ấy, chính tại Ràjagala này, nó là một người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng! Nay nó, do y cứ vào pháp luật được Như Lai thuyết giảng, nó được lòng tin, nó được giới, nó được nghe pháp, nó được từ bỏ, nó được trí tuệ, sau khi thân hoại mạng chung, nó được sanh thiện thú, thiên giới, đời này, được cộng trú với chư Thiên ở cõi Ba mươi ba. Tại đấy, vị ấy chói sáng hơn các chư thiên khác về dung sắc và danh xưng’. Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm ứng này:

Như người có mắt nhìn,
Cố gáng tránh lồi lõm;
Cũng vậy kẻ trí tránh,
Điều ác giữa đời này”
[4].

Ít ai hình dung được một người hủi lang thang xin ăn khắp nơi lại ấp ủ sẵn một tâm tư trong sáng thanh tịnh, dễ dàng đón nhận pháp giác ngộ của Phật và nhanh chóng chứng đắc Pháp nhãn (Dhammacakkhu), dự phần vào hàng Thánh giả giác ngộ, gọi là nhập Thánh lưu. Một người mà dáng vẻ bên ngoài không sạch sẽ đẹp đẽ cho lắm nhưng bên trong nội tâm thì trong sáng thanh tịnh. Người hủi Sappabuddha có thân bệnh nhưng tâm không bệnh. Người hủi Sappabuddha may mắn hơn vô số chúng sinh khác, vì tuy mang tấm thân ốm đau bệnh tật nhưng tâm thì không ốm đau bệnh tật. Vị ấy có cái tâm trong sáng ngay thẳng, đã dứt trừ thân kiến (không còn ngã tưởng hay các ý niệm chấp ngã), đã diệt trừ nghi ngờ (tin tưởng vững chắc, không còn phân vân lưỡng lự về lối đi giác ngộ), đã vượt qua giới cấm thủ (không còn lạc vào các hướng đi mê lầm), đang loại dần các mầm bệnh sanh tử, quyết chắc đạt đến giác ngộ.

Rõ ràng, chẳng ai muốn mang tấm thân bất hạnh như người hủi Suppabuddha, nhưng cũng hiếm ai may mắn có được cái tâm giác ngộ sạch trong như người hủi Suppabuddha. Được dự phần vào hàng Thánh giả giác ngộ là cơ duyên ngàn năm có một. Một chúng sinh đôi khi phải trải qua không biết bao nhiêu số kiếp lang thang sinh tử mà chưa chắc có được chút cơ hội thức tỉnh. Chưa tỉnh ra cơn mê ái dục thì còn kéo dài lê thê số kiếp luân hồi, còn phải mang thân bệnh và tâm bệnh đi hết đời này sang đời khác không dứt. Kinh Pháp Cú nói rằng: “Ai sống một trăm năm mà không thấy được lý sanh diệt (còn mê chấp, không ngộ đạo, không thấy được lối đi ra khỏi mê lầm khổ đau) thì không bằng sống một ngày mà thấy được lý sanh diệt”[5]. Người hủi Suppabuddha đã ngộ đạo, quyết chắc đạt đến giác ngộ, không còn kéo dài chuỗi sinh tử khổ đau như bao chúng sinh khác còn mê muội.

Chuyện người hủi ngộ đạo trong Kinh tạng Nikàya hay cách thái ngộ nghĩnh của vị Bồ-tát Thường Bất Khinh của kinh Pháp Hoa về sau tạo cảm kích và khích lệ lớn cho những tâm hồn biết tôn quý chân tâm, đã thấu rõ chân tướng của hiện hữu, rằng “thân có bệnh nhưng tâm không bệnh”. Trong vô số sự hiện hữu khác biệt do nghiệp duyên tạo nên, hết thảy chúng sinh đều có cái chân tâm giác ngộ hoàn toàn đồng đẳng. Cái tâm ấy không chia cách chúng sinh; không giàu, nghèo, sang, hèn; không hư, nên, tốt, xấu; không hơn, thua, được, mất; không sanh, già, bệnh, chết; không sầu, bi, khổ, não. Cái tâm ấy có trong Đức Phật và có trong người hủi Suppabuddha.

Người hủi Suppabuddha là hiện thân của chân tâm giác ngộ không sanh diệt, siêu việt hiện tượng sanh diệt mà về sau Thường Bất Khinh Bồ-tát đã liễu ngộ và lấy làm nền tảng trong cách thái ứng xử hàng ngày với mọi người. Gặp ai cũng thi lễ mà nói “Tôi không dám khinh ngài, vì ngài sẽ thành Phật”; bởi lẽ ai cũng có sẵn chân tâm giác ngộ, dầu có mang cái vỏ bọc ngũ uẩn như thế nào. Một người mang thân cùi hủi bệnh tật không ai muốn gần như Suppabuddha mà còn giác ngộ thì huống nữa là những kẻ sạch sẽ lành lặn?

Rõ ràng, được làm thân người mà ít ốm đau bệnh tật là may mắn phước đức lớn. Nhưng có ai mang thân ngũ uẩn mà tránh khỏi ốm đau bệnh tật? Không ốm đau cách này thì cũng bệnh tật cách khác. Có ai sinh ra ở đời mà không già, không bệnh, không chết? Đức Phật nói rằng người nào mang thân ngũ uẩn mà tự cho là không bệnh dầu chỉ một giây, người ấy phải là người ngu[6]. Vì vậy Ngài khuyên mọi người hãy sống với cái tâm giác ngộ, sạch trong, không bệnh tật, không ô nhiễm; không nên nhìn nhau qua thân tướng giả hợp, hư vọng, đầy bệnh tật, đầy bất tịnh. Bậc Giác ngộ tự quán sát và nhắc nhở chính mình:

“Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị bệnh, không vượt khỏi bệnh, thấy người khác bị bệnh, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị bệnh, không vượt qua khỏi bệnh, sau khi thấy người khác bị bệnh, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho Ta”. Sau khi quán sát về Ta như vậy, này các Tỳ-kheo, sự kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh được đoạn trừ hoàn toàn”[7].

Phật thấy rõ tánh già nằm trong tuổi trẻ, tánh bệnh nằm trong sức khỏe, tánh chết nằm trong sự sống nên Phật dẹp bỏ mọi ý tưởng phân biệt và kiêu mạn trong đời sống hàng ngày[8]. Phật sống với cái tâm giác ngộ tròn đầy bên trong nên không còn bận lòng với cái tướng sinh diệt ở bên ngoài. Phật có cái tâm hoàn toàn trong sáng nên nhìn cuộc đời bằng con mắt thanh tịnh, thấy sen nở giữa chốn bùn lầy. Phật biết rõ căn duyên chín muồi của kẻ cướp hung dữ Angulimàla nên độ cho ông xuất gia tu học đạo lý giải thoát; Phật thấy rõ tâm giác ngộ chói sáng trong tấm thân bất tịnh của Ambapàlì nên chấp nhận cho cô kỹ nữ thành Vesàli trở thành Tỳ-kheo-ni; Phật thấu suốt tâm tư thuần thục của người hủi Suppabuddha nên tuần tự thuyết pháp, độ cho người hủi thành Vương Xá đắc quả Dự lưu, thể nhập Thánh đạo. Ấy thế, bao nhiêu mảnh đời bất hạnh bị thế gian ruồng bỏ thì được đấng Giác ngộ nâng đỡ lên, chỉ dạy cho con đường như thật đi đến giác ngộ. Phật làm những việc tế nhị khó làm như thế nên nhân loại mãi mãi tôn kính, tán dương Phật là người dựng đứng lên những gì bị quăng ngã xuống.

Với cái nhìn trí tuệ siêu việt mọi phân biệt thị phi, đạo Phật mãi mãi là người bạn lành của nhân loại, sẵn sàng chia sẻ với mọi người rằng hết thảy chúng sinh đều chịu chung quy luật già, bệnh, chết và đều có sẵn cái tâm giác ngộ hoàn toàn đồng đẳng. Chúng sinh nào không nhận ra sự thật “thân bệnh nhưng tâm không bệnh”, có tâm thiên chấp phân biệt không buông bỏ thì còn lang thang trong các nẻo đường mê lầm của thế giới khổ đau sinh tử luân hồi. Chúng sinh nào biết trân quý chân tâm giác ngộ, nỗ lực nhiếp phục tâm phân biệt đối đãi thì tiến gần đạo giác ngộ, thể nhập Thánh lưu, lần lượt dứt trừ các trói buộc mê lầm, đạt đến cảnh giới giải thoát, an lạc.

Câu chuyện Người hủi ngộ đạo trong Kinh tạng Nikàya và hình ảnh vị Bồ-tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa hẳn là những người bạn lành, có thể giúp cho nhiều chúng sinh vượt qua tập quán thiên kiến để nhìn thấy rõ hơn Niết-bàn vốn hiện diện giữa cảnh đời ô trược, như hoa sen vẫn tỏa hương thơm từ chốn bùn lầy vậy.


Chú thích:

1. HT.Thích Thiện Siêu, Lược giảng Kinh Pháp Hoa, tr.465, Nxb Tôn Giáo, 2006.
2. HT.Thích Thiện Siêu, Lược giảng Kinh Pháp Hoa, tr.432, Nxb Tôn Giáo, 2006.

3. Kinh Ưu-đàm-bà-la sư tử hống, Trường Bộ.
4. Kinh Phật Tự Thuyết, (III) (Ud. 48).
5. Kinh Pháp Cú, kệ số 113.
6. Kinh Nakulapita, Tương Ưng Bộ.

7. Kinh Được nuôi dưỡng tế nhị, Tăng Chi Bộ.
8. Kinh Già, Tương Ưng Bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 273 ngày 05-05-2017