Tiểu Sử Hòa thượng Thích Huệ Quang (1888 - 1956)

Hòa thượng Huệ Quang, thế danh Nguyễn Văn Ân sinh năm 1888 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, sau theo mẹ về Trà Vinh. Hòa thượng Huệ Quang, thế danh Nguyễn Văn Ân sinh năm 1888 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, sau theo mẹ về Trà Vinh.

Năm 1902, Ngài xin xuất gia vào Chùa Long Thành ở Trà Cú được Hòa thượng Thiện Trí mến thương đặt danh pháp là Thiện Hải. Ngoài giờ học Phật pháp, Ngài lại được Hòa thượng cho học thêm y học.
Thấy Chùa Long Hòa ở quận Tiểu Cần, Trà Vinh, hư hại và hoang phế, Ngài liền phát tâm trùng tu. Dân chúng và tín đồ Phật tử ở Tiểu Cần vì thế mến đức Ngài, cử đại diện đến bạch Hòa thượng ở Trà Cú xin cho Ngài được về trụ trì Chùa Long Hòa. Hòa thượng nhận lời, thế là Ngài về Tiểu Cần. Với đức độ sẵn có, và với vốn y học, Ngài đã nhiếp hóa được một số đông đồ chúng. Giới trí thức ở địa phương rất mến phục Ngài, thường đến Chùa để được cùng Ngài đàm luận.
Năm 1919, Ngài đắc pháp với Hòa thượng Từ Vân, được pháp hiệu là Huệ Quang.
Ngài đọc tân thư, báo chí và được biết phong trào Phật giáo các nước đang lên mạnh. Ở Trung Hoa, Thái Hư Đại Sư xây dựng Phật học viện, xuất bản Hải Triều Âm. Bên Nhật, Tommatsu tiên sinh cùng các nhà nghiên cứu Phật học phát huy nền văn học Phật giáo, chủ trương biên tập lại Đại Tạng Kinh. Ở Thái Lan, Phật giáo được xem là quốc giáo làm nền tảng đức dục cho quốc dân. Ở Miên, một viện khảo cứu Phật giáo được thành lập. Trước sắc thái mới của nền Phật giáo Thế giới phục hưng, Hòa thượng Huệ Quang đã cùng các Hòa thượng khác ở Nam Kỳ thành lập Hội Lục Hòa, ý muốn mở Phật học viện và thư xã.
Năm 1928, cùng với các Hòa thượng Khánh Hòa, Pháp Hải, Khánh Anh, Liên Trì, các Thượng tọa Từ Nhân, Chơn Huệ, Thiện Niệm, Ngài cổ động tạo lập thư xã. Tháng 8 năm 1929, các đàn việt thiện tín Trà Vinh chung sức hiến cúng bộ Đại Tạng toàn bản, gồm có 750 quyển lớn, chưng bày trong thư xã để làm tài liệu cơ bản cho việc nghiên cứu.
Năm 1931, Ngài cùng Hòa thượng Khánh Hòa và các vị cao Tăng khác hợp sức với một số cư sĩ hữu tâm, thành lập Hội Nam kỳ Nghiên Cứu Phật học, đặt trụ sở tại Chùa Linh Sơn, đường Douaumont Sài Gòn (nay là đường Cô Giang. Hội xuất bản tạp chí Từ Bi Âm.)
Năm 1934, Ngài bàn với các Hòa thượng Khánh Hòa, Chánh Tâm, Viên Giác về Trà Vinh lập Liên Đoàn Phật học Xã, để đào tạo Tăng tài, làm nền tảng cho việc trùng hưng Phật pháp sau này. Học Tăng gia nhập Liên Đoàn tuần tự tu học từng tam cá nguyệt tại các Chùa Long Hòa (Trà Vinh), Thiên Phước (Trà Ôn) và Viên Giác (Bến Tre). Sau thấy sự di chuyển bất tiện các vị Hòa thượng quyết định lập trường học tại Trà Vinh.
Tháng 8 năm 1934, hội Lưỡng Xuyên Phật học được phép thành lập. Chánh hội trưởng là Ông Huỳnh Thái Cửu, Hòa thượng Khánh Hòa làm Pháp sư. Ngài lúc này đã 46 tuổi, làm giảng sư kiêm Tổng lý của hội.
Trong những lần thuyết pháp giảng dạy, Ngài đã vạch rõ sự cần thiết phải thành lập Giáo hội, xuất bản tạp chí và kiến tạo Phật học đường, Ngài đã tiên liệu, đã lo lắng rất nhiều cho tương lai của nền Phật giáo Thống nhất.
Tháng 7 năm 1935, nguyệt san của hội, tạp chí Duy Tâm được phép xuất bản, do Ngài làm chủ nhiệm.
Lưỡng Xuyên Phật học Đường đã làm được sứ mạng tuyên dương chánh pháp và đào tạo Tăng tài một cách vẻ vang. Vừa làm chủ nhiệm tờ báo, Ngài vừa hợp lực với các Ngài Khánh Hòa, Pháp Hải, Khánh Anh trong việc quản trị và giáo dục của Phật học đường.
Năm 1945, chiến tranh xảy ra, Lưỡng Xuyên Phật học và Phật học đường phải ngưng hoạt động. Đại chúng ly tán, quân đội Pháp chiếm đóng cơ sở Phật học hội. Ngài lui về Chùa Linh Sơn ở Tiểu Cần tĩnh tu.
Năm 1951, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Đại hội đại biểu nhóm họp tại Huế. Bản tuyên ngôn thành lập Tổng Hội được chuyển đi khắp nơi. Theo sự thỉnh cầu của Giáo hội Tăng già Việt Nam, ngày 8 tháng 3 năm 1953, Ngài được Giáo hội Tăng già Nam Việt suy tôn lên ngôi Pháp chủ.
Năm 1954, mười ngày sau khi hiệp định Genève được ký kết, một phong trào Hòa Bình ở Sài Gòn- Chợ Lớn ra đời, đấu tranh đòi hòa bình và thống nhất đất nước, do những nhân sĩ yêu nước Bắc, Nam khởi xướng. Ngài với cương vị Pháp chủ Giáo Hội Tăng già Nam Việt, cùng đông đảo các nhà trí thức Phật tử, tích cực vận động Tăng Ni và tín đồ Phật giáo hưởng ứng phong trào này, vì thế Ngài bị câu lưu tại bót Catinat, sau được đưa về quản thúc tại Chùa Phật Quang ở Chợ Lớn.
Năm 1956, kỳ đại hội Phật giáo lần thứ hai tại Sài Gòn, Ngài được suy cử Phó Hội Chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Tập san Phật giáo Việt Nam được phép xuất bản vào tháng 8 dương lịch và Ngài được mời làm Chủ nhiệm.
Ngày 10 tháng 11 năm 1956, Ngài cùng phái đoàn Phật giáo Việt Nam dự Hội Nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 4 tại Népal. Phái đoàn dự đại hội Phật giáo Thế giới xong liền trở về New Delhi. Sau khi quan sát Đại hội Văn hóa Quốc Tế, và cuộc triển lãm Nghệ thuật Phật giáo, Ngài cùng với Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết đến dự cuộc mít tinh tổ chức tại công trường Ramila, và viếng các Phật tích.
Sau khi chiêm bái Phật tích về, Ngài đã lâm chứng bệnh cũ và đột ngột từ trần vì tai biến mạch máu não, hưởng thọ 68 tuổi với 37 năm hoằng hóa. Nhục thân Ngài được hỏa táng tại Ấn Độ.
Ngày 10/ 12/ 1956, Linh vị và Xá Lợi của Hòa thượng được đón rước long trọng về Việt Nam, và được đặt tại trụ sở của Tổng Hội Phật giáo Chùa Ấn Quang, để thập phương Tăng Ni Tín đồ đảnh lễ tưởng niệm.
Đã qua rồi cuộc đời và sự nghiệp của một vị cao Tăng thạc đức đã cống hiến đến phút cuối cùng cho công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà đến hồi vinh quang. Mãi mãi bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ghi tạc công hạnh Ngài vào lòng trên bước đường tu học và phụng sự Đạo pháp-dân tộc.
 

Thích Đồng Bổn

 

(Danh Tăng Việt Nam, Tập I, Thích Đồng Bổn chủ Biên – Thành hội Phật giáo, Thành phố Hồ Chí Minh Xuất Bản 1997)